Tội phạm được quy định trong Bộ luật hình sự như thế nào?

Xã hội ngày càng phát triển, tình hình tội phạm ngày một gia tăng và diễn biến tương đối phức tạp, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cá nhân, tổ chức và Nhà nước, pháp luật hình sự đã có những quy định rất chặt chẽ về tội phạm. Hãy theo dõi bài viết dưới đây của Công ty Luật Thái An để biết theo chi tiết.

1. Định nghĩa về tội phạm

Căn cứ và khoản 1 Điều 8 Bộ luật hình sự 2015, thì Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, … quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.

2. Cấu thành tội phạm là gì?

Cấu thành tội phạm là tổng thể các dấu hiệu pháp lý đặc trưng của tội phạm cụ thể được quy định trong luật hình sự. Nếu không có đủ các cấu thành tội phạm thì hành vi không được coi là phạm tôi. Có 4 cấu thành tội phạm, đó là:

  • khách thể: hành vi phạm tội tác động lên ai và/hoặc cái gì ? gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho quan hệ xã hội như thế nào ?
  • chủ thể: con người hoặc pháp nhân thương mại đã thực hiện hành vi xâm phạm đến khách thể của tội phạm. Không phải ai thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội cũng đều là chủ thể của tội phạm.
  • mặt khách quan của tội phạm: gồm ba biểu hiện cơ bản là hành vi khách quan, hậu quả – thiệt hại, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi nguy hiểm và hậu quả
  • mặt chủ quan của tội phạm: là những biểu hiện về mặt tâm lý bên trong của người phạm tội hoặc pháp nhân thương mại khi thực hiện hành vi phạm tội: lỗi, động cơ và mục đích phạm tội. Trong đó lỗi là yếu tố quan trọng nhất.

Chi tiết có tại bài viết sau:

Các yếu tố cấu thành tội phạm là gì?

3. Phân loại tội phạm

Việc phân loại này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc cụ thể hoá trách nhiệm hình sự, quy định khung hình phạt, quy định tạm giam, tạm giữ. Điều 9 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017  đã kết hợp tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội để phân loại tội phạm thành 4 loại như sau:

STT Loại tội phạm Tính chất và mức nguy hiểm cho xã hội Mức cao nhất của khung hình phạt
1 ít nghiêm trọng không lớn phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;
2 nghiêm trọng lớn từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù
3 rất nghiêm trọng rất lớn từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù
4 đặc biệt nghiêm trọng đặc biệt lớn từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình

Lưu ý: Đối với tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện được phân loại căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội theo quy định nêu trên và quy định tương ứng đối với các tội được quy định tại Điều 76 của Bộ luật hình sự năm 2015

 ===>>> Xem thêm:  Các loại tội phạm hình sự

phân loại tội phạm hình sự
4 Loại tội phạm tương ứng với 4 mức độ nguy hiểm của loại tội đó mà bạn chưa biết – Nguồn ảnh minh họa Internet

4. Các giai đoạn thực hiện tội phạm

Đây là các bước của quá trình thực hiện tội phạm, được phân biệt với nhau bởi các dấu hiệu, biển hiệu nhằm đánh giá sự diễn biến mức độ thực hiện ý định phạm tội, làm cơ sở cho việc xác định phạm vi và mức độ trách nhiệm hình sự và hình phạt.

Có 3 giai đoạn thực hiện tội phạm đó là: giai đoạn chuẩn bị phạm tội, giai đoạn phạm tội chưa đạt và giai đoạn tội phạm đã hoàn thành. Cụ thể như sau:

4.1 Chuẩn bị phạm tội

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 Bộ luật hình sự 2015, được sửa đổi bởi Khoản 4 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 thì Chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm, trừ trường hợp thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm quy định tại Điều 109, điểm a khoản 2 Điều 113 hoặc điểm a khoản 2 Điều 299 của Bộ hình sự 2015.

4.2 Phạm tội chưa đạt

Tại Điều 15 Bộ luật hình sự 2015 quy định phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội. Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt.

4.3 Tội phạm đã hoàn thành

Tội phạm đã hoàn thành là khi hành vi phạm tội đã thoả mãn đầy đủ các dấu hiệu được mô tả trong cấu thành tội phạm.

Ngoài các giai đoạn trên trên thì Bộ luật hình sự 2015 còn quy định về tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội

Theo đó tại Điều 16 Bộ luật hình sự 2015 quy định tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản. Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm; nếu hành vi thực tế đã thực hiện có đủ yếu tố cấu thành của một tội khác, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.

 ===>>> Xem thêm: Các giai đoạn thực hiện tội phạm

tội phạm hình sự
Tội phạm là nguy hiểm cho xã hội – Nguồn ảnh minh họa: Internet

5. Các trường hợp phạm tội nhưng không bị xử lý 

Bộ luật hình sự dành một chương riêng (chương IV) với bảy điều quy định về những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự, tức là nếu phạm tội trong những trường hợp này thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể đó là các trường hợp:

  • Sự kiện bất ngờ: Người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
  • Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự: Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
  • Phòng vệ chính đáng: Đây là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
  • Tình thế cấp thiết: Là tình thế của người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa. Hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là tội phạm.
  • Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội: Hành vi của người để bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội mà không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ thì không phải là tội phạm.
  • Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ: Hành vi gây ra thiệt hại trong khi thực hiện việc nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới mặc dù đã tuân thủ đúng quy trình, quy phạm, áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa thì không phải là tội phạm.
  • Thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên: Người thực hiện hành vi gây thiệt hại trong khi thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên trong lực lượng vũ trang nhân dân để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh nếu đã thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh nhưng người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành mệnh lệnh đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này người ra mệnh lệnh phải chịu trách nhiệm hình sự.

Quy định này không áp dụng đối với trường hợp bị ép buộc hoặc do thi hành mệnh lệnh của cấp trên nếu phạm các tội: Phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; Chống loài người; Tội phạm chiến tranh.

6. Vì sao nên thuê luật sư bào chữa hình sự

Quyền yêu cầu Luật sư bào chữa của người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử được quy định trong Hiến pháp và các Bộ luật tố tụng của Việt Nam.

Việc thuê Luật sư trong vụ án hình sự, đặc biệt là các Luật sư giỏi, có nhiều năm kinh nghiệm rất có lợi cho người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Bởi lẽ những người này thường không hiểu rõ về hành vi phạm tội, về tính chất mức độ và cách giải quyết của các cơ quan tiến hành tố tụng, dẫn tới việc không thể trình bày hết các quan điểm và tự bào chữa cho mình.

Luật sư bào chữa hình sự sẽ giúp:

  • Hiểu rõ các quy định của pháp luật hình sự xoay quanh vấn đề mà thân chủ gặp phải;
  • Đưa ra phương hướng giải quyết tốt nhất đối với hành vi vi phạm phạm luật
  • Độc lập hoặc đồng hành với người có liên quan để thu thập tài liệu, chứng cứ nhằm minh oan hoặc giảm nhẹ hình phạt cũng như tìm ra sự thật khách quan của vụ án.
  • Tham gia tranh tụng tại các cấp xét xử để bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ, giúp Tòa án đưa ra bản án đúng người, đúng tội, tránh oan sai.

Với đội ngũ Luật sư dày dặn kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn về pháp luật hình sự, Công ty Luật Thái An sẽ cung cấp dịch vụ tốt nhất để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho thân chủ, nhằm tránh oan sai cho thân chủ.

>> Xem thêm: Dịch vụ luật sư bào chữa

>>> Xem thêm: Bảng giá dịch vụ thuê luật sư tranh tụng

Nguyễn Văn Thanh