Tội sản xuất buôn bán hàng cấm: Những quy định quan trọng cần biết!

Trong các tội xâm phạm trật tự kinh tế thì tội sản xuất buôn bán hàng cấm đang ngày một gia tăng về số lượng với nhiều mặt hàng cấm nguy hiểm, gây thiệt hại nặng nề đối với nền kinh tế và gây tác động tiêu cực đối với con người, môi trường, xã hội và nó đã trở thành một vấn nạn nhức nhối. Vậy tội sản xuất buôn bán hàng cấm sẽ bị xử lý như thế nào, bài viết dưới đây Công ty Luật Thái An sẽ thông tin cho bạn biết.

1. Hàng cấm và tội sản xuất buôn bán hàng cấm là gì?

Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 chưa đưa ra khái niệm như thế nào được coi là hàng cấm, tuy nhiên tại Khoản 5 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì: Hàng cấm gồm hàng hóa cấm kinh doanh, hàng hóa cấm lưu hành và hàng hóa cấm sử dụng tại Việt Nam.

Hiện nay, theo quy định tại Điều 190 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, Luật thương mại năm 2005, Luật đầu tư 2020, Nghị định 94/2017/NĐ-CP về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại thì hàng cấm bao gồm những hàng hoá sau:

  • Thuốc bảo vệ thực vật mà nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng;
  • Thuốc lá điếu nhập lậu, pháo nổ;
  • Hàng hoá khác mà nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng như vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân, chất cháy, chất độc;
  • Hàng hoá chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam;
  • Các chất ma tuý theo quy định tại Phụ lục 1 Luật đầu tư;
  • Các loại hoá chất, tiền chất và khoáng vật quy định tại Phụ lục 2 Luật đầu tư;
  • Mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã theo quy định tại Phụ lục 1 của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp;
  • Mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm Nhóm 1 có nguồn gốc tự nhiên theo quy định tại Phụ lục 3 của Luật đầu tư;
  • Mại dâm;
  • Người,mô, bộ phận cơ thể người;
  • Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người;
  • Vật liệu nổ công nghiệp;
  • Pháo hoa;
  • Hàng hoá thuộc danh mục dự trữ quốc gia.

Một người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự nếu sản xuất, buôn bán hàng hóa mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng, chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam, thì phạm tội sản xuất buôn bán hàng cấm.

Lưu ý: Trong số các loại hàng cấm nêu trên, một số đối tượng đã được quy định là đối tượng tác động của tội phạm khác như ma tuý, thuốc độc, mô, bộ phận cơ thể người … nên không còn là đối tượng tác động của tội sản xuất buôn bán hàng cấm.

Do đó, khi xem xét hàng hoá nào là đối tượng của tội sản xuất buôn bán hàng cấm thì phải đối chiếu với các quy định khác của Bộ luật hình sự xem loại hàng hoá đó có là đối tượng của tội phạm nào chưa. Nếu đã là đối tượng của tội phạm khác thì không còn là đối tượng của tội sản xuất buôn bán hàng cấm. 

2. Các dấu hiệu pháp lý của tội sản xuất buôn bán hàng cấm

a. Khách thể của tội sản xuất buôn bán hàng cấm

Tội sản xuất buôn bán hàng cấm xâm phạm đến chế độ quản lý đối với các loại hàng hoá mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành và cấm sử dụng.

b. Mặt khách quan của tội sản xuất buôn bán hàng cấm

Mặt khách quan của tội này bao gồm các hành vi:

Hành vi sản xuất hàng cấm: Là việc làm ra hàng hoá nhà nước cấm kinh doanh với nhiều hình thức khác nhau bao gồm việc làm mới hoàn toàn, lắp ráp từ những bộ phận của hàng hoá theo tính năng tác dụng của hàng hoá đó, chế tạo, nhân giống, sao chép….Người sản xuất hàng hoá có thể tham gia vào cả quá trình làm ra hàng cấm hoặc chỉ tham gia vào một công đoạn của quá trình làm ra hàng cấm.

Buôn bán hàng cấm: Là hành vi dùng tiền, tài sản hoặc các giấy tờ có giá trị như tiền để trao đổi giữa bên mua và bên bán hàng cấm. Theo đó, bên bán nhận được một khoản tiền, tài sản hoặc giấy tờ có giá trị khác. Còn bên mua nhận hàng cấm hoặc ngược lại để thu lợi bất chính.

Lưu ý: Không cần phải có đồng thời cả hành vi mua hàng cấm và hành vi bán hàng cấm mà chỉ cần có một trong hai hành vi, người thực hiện hành vi mua bán cũng đã phải chịu trách nhiệm pháp lý về tội buôn bán hàng cấm.

Hậu quả của hành vi sản xuất buôn bán hàng cấm: là những thiệt hại vật chất và phi vật chất cho xã hội  như tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người, những thiệt hại về tài sản cho xã hội  và những thiệt hại khác về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội …

Đối với tội sản xuất buôn bán hàng cấm, hậu quả không phải dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Tội phạm hoàn thành kể từ khi có hành vi chế tạo, mua bán hàng cấm diễn ra.

c. Chủ thể của tội sản xuất buôn bán hàng cấm

Đối với chủ thể của tội sản xuất buôn bán hàng cấm là cá nhân: là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự (từ 16 tuổi).

Đối với chủ thể của tội sản xuất buôn bán hàng cấm là pháp nhân: Theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 Bộ luật hình sự 2015 quy định chỉ pháp nhân thương mại mới phải chịu trách nhiệm hình sự.

Theo quy định tại Điều 75 Bộ luật dân sự 2015 thì:

  • Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên.
  • Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác.
  • Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự, Luật doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện quy định tại Điều 75 Bộ luật hình sự 2015, cụ thể như sau:

  • Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại;
  • Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại;
  • Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại;
  • Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự

Lưu ý:  Việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân

d. Mặt chủ quan của tội sản xuất buôn bán hàng cấm

Người phạm tội thực hiện tội phạm với lỗi cố ý. Người phạm tội biết việc sản xuất buôn bán hàng cấm là vi phạm pháp luật, là nguy hiểm cho xã hội bị Nhà nước nghiêm cấm nhưng vẫn mong muốn thực hiện.

Động cơ mục đích của người phạm tội: Vì mục đích vụ lợi. Tuy nhiên, động cơ mục đích không phải dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm tội sản xuất buôn bán hàng cấm.

3. Hình phạt đối với tội sản xuất buôn bán hàng cấm

Theo Điều 190 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì mức hình phạt của tội sản xuất buôn bán hàng cấm được quy định cụ thể như sau:

3.1 Hình phạt đối với cá nhân phạm tội sản xuất buôn bán hàng cấm

a. Phạt tiền từ 100 triệu VNĐ đến 1 tỷ VNĐ hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm

Người nào phạm tội sản xuất buôn bán hàng cấm mà thuộc một trong các trường hợp dưới đây, thì bị phạt tiền từ 100 triệu VNĐ đến 1 tỷ VNĐ hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm:

  • Sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 50 kilôgam đến dưới 100 kilôgam hoặc từ 50 lít đến dưới 100 lít;
  • Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao đến dưới 3.000 bao;
  • Sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 06 kilôgam đến dưới 40 kilôgam;
  • Sản xuất, buôn bán hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
  • Sản xuất, buôn bán hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
  • Sản xuất, buôn bán hàng hóa dưới mức quy định tại các mục trên nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các tội sản xuất buôn bán hàng cấm hoặc tội buôn lậu, tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm, tội sản xuất, buôn bán hàng giả, tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi, tội đầu cơ, tội trốn thuế đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

b. Phạt tiền từ 1 tỷ VNĐ đến 3 tỷ VNĐ hoặc phạt tù từ năm năm đến mười năm

Người nào phạm tội sản xuất, buôn bán hàng cấm mà thuộc một trong các trường hợp dưới đây, thì bị phạt tiền từ 1 tỷ VNĐ đến 3 tỷ VNĐ hoặc phạt tù từ năm năm đến mười năm:

  • Có tổ chức;
  • Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
  • Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
  • Có tính chất chuyên nghiệp;
  • Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 100 kilôgam đến dưới 300 kilôgam hoặc từ 100 lít đến dưới 300 lít;
  • Thuốc lá điếu nhập lậu từ 3.000 bao đến dưới 4.500 bao;
  • Pháo nổ từ 40 kilôgam đến dưới 120 kilôgam;
  • Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
  • Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 300.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng;
  • Buôn bán qua biên giới, trừ hàng hóa là thuốc lá điếu nhập lậu;
  • Tái phạm nguy hiểm.

c. Phạt tù từ 08 năm đến 15 năm

Người nào phạm tội sản xuất, buôn bán hàng cấm mà thuộc một trong các trường hợp dưới đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:

  •  Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng 300 kilôgam trở lên hoặc 300 lít trở lên;
  •  Thuốc lá điếu nhập lậu 4.500 bao trở lên;
  •  Pháo nổ 120 kilôgam trở lên;
  •  Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
  •  Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 700.000.000 đồng trở lên.

3.2 Hình phạt đối với pháp nhân phạm tội sản xuất buôn bán hàng cấm

a. Phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng

Phạm tội thuộc trường hợp sau  thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng:

  • Sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 50 kilôgam đến dưới 100 kilôgam hoặc từ 50 lít đến dưới 100 lít;
  • Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao đến dưới 3.000 bao;
  • Sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 06 kilôgam đến dưới 40 kilôgam;
  • Sản xuất, buôn bán hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
  • Sản xuất, buôn bán hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
  • Sản xuất, buôn bán hàng hóa dưới mức quy định tại các mục trên nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các tội sản xuất buôn bán hàng cấm hoặc tội buôn lậu, tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm, tội sản xuất, buôn bán hàng giả, tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi, tội đầu cơ, tội trốn thuế đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

b. Phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng:

  • Có tổ chức;
  • Có tính chất chuyên nghiệp;
  • Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 100 kilôgam đến dưới 300 kilôgam hoặc từ 100 lít đến dưới 300 lít;
  • Thuốc lá điếu nhập lậu từ 3.000 bao đến dưới 4.500 bao;
  • Pháo nổ từ 40 kilôgam đến dưới 120 kilôgam;
  • Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
  • Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 300.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng;
  • Buôn bán qua biên giới, trừ hàng hóa là thuốc lá điếu nhập lậu;
  • Tái phạm nguy hiểm.

c. Phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm:

Phạm tội thuộc trường hợp sau thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm:

  • Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng 300 kilôgam trở lên hoặc 300 lít trở lên;
  •  Thuốc lá điếu nhập lậu 4.500 bao trở lên;
  •  Pháo nổ 120 kilôgam trở lên;
  •  Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
  •  Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 700.000.000 đồng trở lên.

d. Bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn

Phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

tội sản xuất buôn bán hàng cấm
Tội sản xuất buôn bán hàng cấm là tôi phạm rất nghiêm trọng – Nguồn ảnh minh họa: Internet.

4. Hình phạt bổ sung đối với tội sản xuất buôn bán hàng cấm

Ngoài mức phạt nêu trên, cá nhân, pháp nhân thương mại phạm tội sản xuất buôn bán hàng cấm có thể chịu hình phạt bổ sung như sau:

  • Đối với cá nhân: người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm;
  • Đối với pháp nhân thương mại: pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

5. Giải đáp một số thắc mắc thường gặp về tội sản xuất buôn bán hàng cấm

a. Bao lâu thì hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội sản xuất buôn bán hàng cấm?

Theo quy định tại Điều 27 Bộ luật hình sự 2015 thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật hình sự quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với tội sản xuất buôn bán hàng cấm thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 15 năm kể từ ngày tội phạm được thực hiện.

Nếu trong thời hạn quy định, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.

Nếu trong thời hạn quy định, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.

b. Biết mà che dấu tội phạm tội sản xuất buôn bán hàng cấm thì bị xử lý thế nào?

Người nào không hứa hẹn trước mà che giấu tội phạm tội sản xuất buôn bán hàng cấm quy định tại Khoản 2, khoản 3 Điều 190 thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm.

Trường hợp người che giấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội thì sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự.

c. Cá nhân đồng phạm tội sản xuất buôn bán hàng cấm thì bị xử lý thế nào?

Đồng phạm tội sản xuất buôn bán hàng cấm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện sản xuất buôn bán hàng cấm. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.

  • Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.
  • Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.
  • Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.
  • Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.

Đồng phạm tội sản xuất buôn bán hàng cấm thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự đối với phần đóng góp của mình trong vụ án dù tham gia ít hay nhiều.

Khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm, Tòa án sẽ xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm.

Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự thuộc người đồng phạm nào, thì chỉ áp dụng đối với người đó.

d. Làm thế nào để xác định hàng hoá là hàng cấm sản xuất buôn bán

Để xác định một loại hàng hoá nào đó thuộc hàng hoá mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng thì cần phải căn cứ vào các Luật của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ, thông tư của Bộ chủ quản ban hành. Các văn bản này thường được sửa đổi, bổ sung để đáp ứng với yêu cầu phát triển của nền kinh tế trong từng giai đoạn khác nhau.

Do đó, sẽ có loại hàng hoá ở thời điểm này sẽ bị cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng nhưng ở thời điểm khác lại được phép kinh doanh, lưu hành, sử dụng và ngược lại.

e. Phân biệt tội sản xuất buôn bán hàng cấm với tội sản xuất buôn bán hàng giả

Hai tội đều có hành vi sản xuất và buôn bán hàng hoá không được sự cho phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền vì mục đích vụ lợi. Cả hai tội đều vi phạm quy định của Nhà nước về trật tự quản lý kinh tế. Tuy nhiên, về đối tượng tác động của tội phạm thì có sự khác biệt như sau:

  • Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm: đối tượng tác động là những mặt hàng được quy định trong danh mục Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu thông, cấm sử dụng.
  • ội sản xuất, buôn bán hàng giả: đối tượng tác động là những hàng hóa kém chất lượng, không đúng với tính năng, công dụng tên gọi của một mặt hàng có thật được phép kinh doanh, lưu thông trên thị trường.

6. Nếu bị bắt giữ khi sản xuất buôn bán hàng cấm thì cần phải làm gì?

Nếu bạn bị bắt giữ khi sản xuất buôn bán hàng cấm cần thì cần phải liên hệ ngay với những Công ty Luật uy tín để được tư vấn, hỗ trợ pháp luật. Bởi với sự giúp đỡ của các Công ty Luật mọi thắc mắc liên quan đến tội sản xuất buôn bán hàng cấm đều được giải đáp, quyền lợi ích hợp pháp của bạn được đảm bảo trong suốt quá trình các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết vụ việc.

Là một trong những Công ty Luật uy tín, chất lượng hàng đầu Việt Nam, Luật Thái An chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật hình sự. Theo đó, tất cả các Luật sư của Công ty Luật Thái An đều được đào tạo bài bản, có kiến thức chuyên môn cao, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực hình sự và cam kết mọi sự tư vấn pháp luật sẽ được tiến hành chuyên nghiệp, hiệu quả với phương châm đặt quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng lên hàng đầu.

Hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được trải nghiệm dịch vụ tư vấn về tội sản xuất buôn bán hàng cấm nói riêng và pháp luật hình sự nói chung.

Đàm Thị Lộc