Tranh chấp thừa kế – Một số điều cần biết

Tranh chấp thừa kế là một trong những loại tranh chấp xảy ra khá phổ biến trong các tranh chấp dân sự. Việc giải quyết các tranh chấp thừa kế cũng gặp phải không ít khó khăn, gây tốn kém cả về thời gian, tiền bạc và công sức. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau trong đó phải kể đến việc không nắm được các quy định của pháp luật về tranh chấp thừa kế.

Trong bài viết dưới đây Công ty Luật Thái An chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn các quy định pháp luật liên quan đến tranh chấp thừa kế.

1. Khái quát chung về thừa kế và tranh chấp thừa kế

1.1 Thừa kế là gì?

Thừa kế được hiểu là sự dịch chuyển tài sản của người đã chết cho người còn sống, tài sản để lại gọi là di sản thừa kế. Thừa kế được chia thành 2 loại đó là:

  • Thừa kế theo di chúc: Là việc dịch chuyển tài sản của người đã chết cho người còn sống theo ý chí, nguyện vọng, quyết định của người đó trước khi chết và được thể hiện trong di chúc.
  • Thừa kế theo pháp luật: Khác với thừa kế di chúc, thừa kế theo pháp luật là sự dịch chuyển di sản của người chết cho người còn sống theo hàng thừa kế, điều kiện thừa kế và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.

>>> Xem thêm: Thừa kế theo pháp luật: Thủ tục, điều kiện, các trường hợp

1.2 Thời điểm mở thừa kế, địa điểm mở thừa kế

Căn cứ quy định tại Điều 611 Bộ luật dân sự 2015 thì:

  • Thời điểm mở thừa kế: là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được Tòa án xác định.
  • Địa điểm mở thừa kế: là nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản; nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng thì địa điểm mở thừa kế là nơi có toàn bộ di sản hoặc nơi có phần lớn di sản.

1.3 Người thừa kế

Người thừa kế được quy định tại Điều 613 Bộ luật dân sự 2015. Theo đó người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

>>> Xem thêm: Con chưa sinh có được hưởng thừa kế không?

1.4 Di sản thừa kế

Theo quy định tại Điều 612 Bộ luật dân sự 2015 thì Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác. Cụ thể:

  • Phần tài sản riêng là phần tài sản do người đó tự tạo lập ngoài thời kỳ hôn nhân hoặc tài sản được thừa kế riêng, tặng cho riêng, tài sản được chia trong thời kỳ hôn nhân,…
  • Phần tài sản trong tài sản chung có thể là tài sản trong khối tài sản chung của vợ chồng, trong khối tài sản sở hữu chung của gia đình hoặc chung với người khác.

Di sản thừa kế có thể là tiền, của cải vật chất, quyền sử dụng đất, quyền tài sản hoặc giấy tờ có giá (cổ phiếu, trái phiếu,…).

>>> Xem thêm: Tiền phúng viếng có phải là di sản thừa kế không ?

1.5 Tranh chấp thừa kế là gì?

Tranh chấp thừa kế được hiểu là những mâu thuẫn, bất đồng về quyền và lợi ích giữa các bên trong quan hệ thừa kế.

giải quyết tranh chấp thừa kế
3 phương án giải quyết tranh chấp thừa kế – ảnh minh hoạ: Luật Thái An

2. Đặc điểm của tranh chấp thừa kế

Tranh chấp thừa kế có những đặc điểm riêng có, đó là:

  • Đặc điểm liên quan đến huyết thống: Những người tranh chấp thừa kế thường có quan hệ huyết thống, thân thuộc với nhau vì đối với thừa kế theo pháp luật và thừa kế theo di chúc thì thông thường những người thừa kế đều có quan hệ huyết thống với người để lại di sản.
  • Đặc điểm liên quan đến hôn nhân: Các di sản của người để lại thừa kế thường là tài sản chung của vợ chồng, do đó đặc điểm của tranh chấp thừa kế thường là vợ hoặc chồng của người để lại thừa kế khởi kiện.

Theo quy định tại Điều 644 Bộ luật dân sự 2015 thì vợ hoặc chồng cũng được hưởng ⅔ phần tài sản chia theo pháp luật ngay cả trong trường hợp di chúc không có tên của vợ hoặc chồng đối với di sản của chồng hoặc vợ để lại thừa kế, điều này cũng thúc đẩy các tranh chấp nhằm giành quyền thừa kế hợp pháp cho vợ hoặc chồng người để lại di sản.

>>> Xem thêm: Chồng có được hưởng thừa kế của vợ sau chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân?

  • Đặc điểm liên quan đến nuôi dưỡng: Trường hợp con nuôi hoặc cha mẹ nuôi cũng được đưa vào hàng thừa kế thứ nhất theo Điều 651 Bộ luật Dân sư 2015. Điều này chứng minh yếu tố nuôi dưỡng cũng là một đặc điểm của tranh chấp thừa kế bên cạnh yếu tố huyết thống và hôn nhân.

Việc nhận con nuôi, cha mẹ nuôi phải được pháp luật thừa nhận bằng thủ tục đăng ký, trường hợp có quan hệ nuôi dưỡng thực tế nhưng chưa được pháp luật thừa nhận thì không có cơ sở để pháp luật bảo vệ quyền thừa kế, trừ trường hợp trong di chúc hợp pháp có chỉ định con nuôi hoặc cha mẹ nuôi được hưởng thừa kế.

>>> Xem thêm: Quyền thừa kế của con nuôi

3. Các tranh chấp thừa kế phổ biển

Sau đây là những dạng tranh chấp thừa kế phổ biến:

3.1 Tranh chấp di sản thừa kế

Tranh chấp di sản thừa kế được hiểu là những xung đột, mâu thuẫn giữa các chủ thể trong việc xác lập quyền sở hữu đối với phần di sản mà người chết đã để lại cho từng người còn sống có quyền hưởng thừa kế trong khối di sản chung sau khi đã thực hiện các nghĩa vụ tài sản của người đã chết để lại.

Tranh chấp về di sản thừa kế thường có các đặc điểm sau:

  • Chủ thể tham gia tranh chấp về di sản thừa kế là người thừa kế hoặc các chủ thể khác;
  • Đối tượng của tranh chấp về di sản thừa kế là phần di sản mà người đã chết để lại;
  • Tính chất của tranh chấp về di sản thừa kế là tính chất của sự xung đột, mâu thuẫn về quyền và lợi ích giữa những người được thừa kế di sản từ người chết để lại;

Một trong những tranh chấp về di sản thừa kế phổ biến đó là tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất hay tranh chấp thừa kế đất đai. Bởi di sản là quyền sử dụng đất là loại tài sản quý giá, thường có giá trị lớn .

3.2 Tranh chấp người thừa kế

Dạng tranh chấp này là tranh chấp giữa những người thừa kế cùng hàng về phần thừa kế nhận, tranh chấp giữa những người thuộc các hàng thừa kế khác nhau, tranh chấp về xác nhận quyền thừa kế hoặc tranh chấp về bác bỏ quyền thừa kế.

3.3 Tranh chấp thừa kế theo di chúc

Là sự xung đột giữa các chủ thể trong quan hệ thừa kế theo di chúc. Sự xung đột này chủ yếu xảy ra trong thời điểm di chúc có hiệu lực và còn thời hiệu khởi kiện.

Tranh chấp thừa kế theo di chúc thường là:

  • Tranh chấp giữa những người được hưởng di sản thừa kế theo di chúc và những người được thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc;
  • Tranh chấp liên quan đến người lập di chúc: như người lập di chúc có thể bị lừa dối, cưỡng ép, không tự nguyện, minh mẫn khi lập di chúc…
  • Tranh chấp nội dung di chúc: như nội dung di chúc không hợp pháp…
  • Tranh chấp hình thức di chúc: đặc biệt là những di chúc bằng miệng.
  • Tranh chấp về hiệu lực của di chúc…

4. Một số vấn đề cần lưu ý khi giải quyết tranh chấp thừa kế

Để giải quyết tranh chấp thừa kế các chủ thể có thể lựa chọn các phương thức bao gồm:

  • Thương lượng, hòa giải trong nội bộ những người tranh chấp;
  • Sử dụng bên thứ 3 làm trung gian hoà giải để phân tích, nêu quan điểm, gợi mở phương hướng giải quyết tranh chấp
  • Giải quyết tranh chấp tại Toà án khi thương lượng, hoà giải không thành.

Dù chọn phương thức giải quyết tranh chấp thừa kế nào, cũng cần phải chú ý tới một số vấn đề sau

4.1 Quyền khởi kiện tranh chấp thừa kế

Để khởi kiện tranh chấp thừa kế, trước hết cần xác định những ai có quyền hưởng di sản thừa kế. Theo quy định, có hai hình thức thừa kế là: Thừa kế theo di chúc, và thừa kế theo pháp luật.

Người có quyền thừa kế theo di chúc: Là người được chỉ định trong di chúc để nhận phần di sản do người chết để lại.

Người có quyền thừa kế theo pháp luật: Theo quy định tại Điều 651 thì những người thừa kế theo pháp luật được quy định như sau:

  • Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
  • Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
  • Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.”

4.2 Thẩm quyền giải quyết tranh chấp thừa kế

Theo quy định tại Điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì tranh chấp về thừa kế tài sản là tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Căn cứ quy định tại Điều 35, Điều 38 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì những tranh chấp về thừa kế thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp huyện, trừ trường hợp đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài thì tranh chấp sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp tỉnh.

Lưu ý:

  • Đối với những tranh chấp thừa kế mà di sản thừa kế là bất động sản như quyền sử dụng đất, nhà đất, nhà xưởng… thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết;
  • Trường hợp di sản thừa kế là động sản thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết là Toà án nơi bị đơn cư trú, làm việc. Các bên cũng có thể thỏa thuận bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi nguyên đơn cư trú, làm việc giải quyết tranh chấp.

4.3 Thời hiệu khởi kiện tranh chấp tài sản thừa kế

Theo quy định tại Điều 623 BLDS năm 2015:

“Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó”.

5. Tư vấn, hỗ trợ giải quyết tranh chấp thừa kế hiệu quả

Việc giải quyết tranh chấp thừa kế là một việc tương đối phức tạp và nhạy cảm do các bên tranh chấp thường có mối quan hệ huyết thống, thân thuộc.

Mặc dù vậy, cũng đừng quá lo lắng đội ngũ luật sư giàu kinh nghiệm, nhiệt huyết và tận tâm của Công ty Luật Thái An sẽ giúp Quý khách hàng giải quyết tranh chấp thừa kế nhanh chóng với những phương án giải quyết tốt nhất trong khuôn khổ pháp luật. Sử dụng dịch vụ luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp thừa kế là một giải pháp đúng đắn, giúp tiết kiệm thời gian, tiền bạc.

>>> Xem thêm:Dịch vụ tư vấn luật thừa kế

Nguyễn Văn Thanh