Tội cưỡng dâm: Hiểu thế nào cho đúng?

Tội cưỡng dâm là một trong những tội phạm xâm hại tình dục đã và đang bị xã hội lên án mạnh mẽ. Nhằm giúp mọi người có thể hiểu rõ hơn về loại tội phạm này, bài viết dưới đây Luật Thái An xin tổng hợp các quy định của pháp luật hình sự về tội cưỡng dâm.

1. Cơ sở pháp lý quy định tội cưỡng dâm

Cơ sở pháp lý quy định tội cưỡng dâm là:

  • Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017
  • Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các Điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi

2. Cưỡng dâm được hiểu là loại tội phạm như thế nào?

Hành vi cưỡng dâm được quy định trong hai tội của Bộ luật hình sự đó là tội cưỡng dâm và tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi. Hai tội này về cơ bản là giống nhau, chỉ có điểm khác nhau đó là ở độ tuổi của người bị hại. Nếu người bị hại có độ tuổi từ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi thì người phạm tội bị xử lý về tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi.

Theo quy định tại Điều 143 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì tội cưỡng dâm: là hành vi dùng mọi thủ đoạn khiến người lệ thuộc mình hoặc người đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác.

Đối với tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi được quy định tại Điều 144 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017: là hành vi dùng mọi thủ đoạn khiến người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi đang ở trong tình trạng lệ thuộc mình hoặc trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác.

Để có thể hiểu rõ hơn về tội cưỡng dâm thì Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP giải thích một số từ ngữ liên quan đến các tội cưỡng dâm, cụ thể như sau:

  • Người lệ thuộc và đang ở trong tình trạng lệ thuộc mình: là trường hợp người bị hại bị lệ thuộc vào người phạm tội về vật chất (ví dụ: người bị hại được người phạm tội nuôi dưỡng, chu cấp chi phí sinh hoạt hàng ngày…) hoặc lệ thuộc về tinh thần, công việc, giáo dục, tín ngưỡng (ví dụ: người bị hại là người lao động làm thuê cho người phạm tội; người bị hại là học sinh trong lớp do người phạm tội là giáo viên chủ nhiệm hoặc giáo viên bộ môn…)
  • Người đang ở trong tình trạng quẫn bách: là trường hợp người bị hại đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn, bức bách nhưng không tự mình khắc phục được mà cần có sự hỗ trợ, giúp đỡ của người khác (ví dụ: không có tiền chữa bệnh hiểm nghèo; không có tiền để chuộc con mình đang bị bắt cóc…)
  • Giao cấu: là hành vi xâm nhập của bộ phận sinh dục nam vào bộ phận sinh dục nữ, với bất kỳ mức độ xâm nhập nào. Giao cấu với người dưới 10 tuổi được xác định là đã thực hiện không phụ thuộc vào việc đã xâm nhập hay chưa xâm nhập. (Khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP)
  • Hành vi quan hệ tình dục khác: là hành vi của những người cùng giới tính hay khác giới tính sử dụng bộ phận sinh dục nam, bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: ngón tay, ngón chân, lưỡi…), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, miệng, hậu môn của người khác với bất kỳ mức độ xâm nhập nào, bao gồm một trong các hành vi sau đây:
    • Đưa bộ phận sinh dục nam xâm nhập vào miệng, hậu môn của người khác;
    • Dùng bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: ngón tay, ngón chân, lưỡi…), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, hậu môn của người khác.

3. Dấu hiệu pháp lý của tội cưỡng dâm

a. Khách thể của tội phạm

Tội cưỡng dâm xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về tình dục và quyền tự do tình dục của con người ; xâm phạm quyền được tôn trọng về danh dự, nhân phẩm của con người.

b. Mặt khách quan của tội phạm

Về hành vi: là dùng mọi thủ đoạn để được giao cấu với người bị hại. Hành vi giao cấu là hành vi bắt buộc của cấu thành tội phạm và cũng là hậu quả của hành vi phạm tội. Cấu thành đầy đủ của hành vi phạm tội là người phạm tội đã giao cấu được với nạn nhân nhưng không đòi hỏi kết thúc về mặt sinh lý. Nếu chưa xảy ra hành vi giao cấu thì chỉ bị truy cứu hình sự ở giai đoạn phạm tội chưa đạt.

Về thủ đoạn phạm tội: Người phạm tội sử dụng thủ đoạn lợi dụng sự lệ thuộc trong các mối quan hệ với người bị hại như quan hệ gia đình, quan hệ xã hội, quan hệ công việc… để thực hiện hành vi giao cấu với người bị hại.

Về hậu quả của phạm tội: là rất nghiêm trọng, có thể kể đến như gây đau đớn về mặt thể xác lẫn tinh thần, gây chết người, gây thương tích…Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội cưỡng dâm. Tội cưỡng dâm có cấu thành hình thức, chỉ cần người phạm tội thực hiện hành vi khách quan nguy hiểm cho xã hội là tội phạm đã được hoàn thành.

c. Mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi: Người phạm tội thực hiện tội phạm với lỗi cố ý trực tiếp, tức là người phạm tội nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm tình dục của người khác nhưng vẫn cố ý thực hiện nhằm thoả mãn nhu cầu sinh lý của bản thân mà không quan tâm đến thái độ của người bị hại.

Động cơ phạm tội: Xuất phát từ sự ham muốn, mong muốn thoả mãn nhu cầu tình dục của người phạm tội.

Mục đích phạm tội: Mong muốn thực hiện hành vi giao cấu hoặc hành vi quan hệ tình dục khác để thoả mãn nhu cầu sinh lý của cá nhân người phạm tội.

d. Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội cưỡng dâm là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự (từ 16 tuổi trở lên). Đồng thời, chủ thể của tội cưỡng dâm phải có mối quan hệ lệ thuộc với người bị hại hoặc có mối quan hệ nhất định trong việc giúp đỡ người bị hại thoát khỏi tình trạng quẫn bách.

4. Nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội cưỡng dâm là gì?

Tội cưỡng dâm nói riêng và các tội xâm phạm tình dục nói chung đều phải xử lý theo các nguyên tắc đã quy định tại Điều 6 Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP, đó là các nguyên tắc:

  • Tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật hình sự và tố tụng hình sự.
  • Áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm luân thường, đạo đức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; lợi dụng nghề nghiệp, công việc; xâm hại người dưới 13 tuổi.
  • Áp dụng các hình phạt bổ sung cao nhất theo quy định của Bộ luật Hình sự và các đạo luật khác có liên quan. Trong trường hợp cần thiết có thể cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề liên quan đến người dưới 16 tuổi.

5. Hình phạt đối với tội cưỡng dâm là gì?

a. Hình phạt chính đối với tội cưỡng dâm người từ 16 tuổi trở lên

Phạt tù từ 01 năm đến 05 năm

Khung hình phạt này áp dụng đối với người nào dùng mọi thủ đoạn khiến người lệ thuộc mình hoặc người đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác.

Phạt tù từ 03 năm đến 10 năm

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

  • Nhiều người cưỡng dâm một người;
  • Phạm tội 02 lần trở lên;
  • Đối với 02 người trở lên;
  • Có tính chất loạn luân;
  • Làm nạn nhân có thai;
  • Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
  • Tái phạm nguy hiểm.

Phạt tù từ 10 năm đến 18 năm

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 18 năm:

  • Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
  • Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
  • Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.

Hình phạt bổ sung đối với tội cưỡng dâm

Ngoài hình phạt chính, Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

b. Hình phạt đối với tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi

Phạt tù từ 05 năm đến 10 năm

Hình phạt này áp dụng đối với người nào dùng mọi thủ đoạn khiến người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi đang ở trong tình trạng lệ thuộc mình hoặc trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác.

Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

  • Có tính chất loạn luân;
  •  Làm nạn nhân có thai;
  • Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
  • Phạm tội 02 lần trở lên;
  • Đối với 02 người trở lên;
  • Tái phạm nguy hiểm.

Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

  •  Nhiều người cưỡng dâm một người;
  • Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
  •  Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
  •  Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.

Hình phạt bổ sung đối với tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi 

Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

6. Một số tình tiết định khung hình phạt của tội cưỡng dâm cần lưu ý

a. Tình tiết có tính chất loạn luân

Có tính chất loạn luân là một trong các trường hợp sau đây:

  • Phạm tội đối với người cùng dòng máu về trực hệ, với anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha;
  • Phạm tội đối với cô ruột, dì ruột, chú ruột, bác ruột, cậu ruột, cháu ruột;
  • Phạm tội đối với con nuôi, bố nuôi, mẹ nuôi;
  • Phạm tội đối với con riêng của vợ, con riêng của chồng, bố dượng, mẹ kế;
  • Phạm tội đối với con dâu, bố chồng, mẹ vợ, con rể.

b. Tình tiết phạm tội 02 lần trở lên

Phạm tội 02 lần trở lên là trường hợp người phạm tội đã thực hiện hành vi phạm tội từ 02 lần trở lên nhưng chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

c. Tình tiết nhiều người cưỡng dâm một người

Nhiều người cưỡng dâm một người là trường hợp 02 người trở lên cưỡng dâm 01 người. Cũng được coi là “nhiều người cưỡng dâm một người” nếu có từ 02 người trở lên cùng bàn bạc, thống nhất sẽ thay nhau cưỡng dâm 01 người, nhưng vì lý do ngoài ý muốn mới có 01 người thực hiện được hành vi cưỡng dâm.

Không coi là “nhiều người cưỡng dâm một người”, nếu có từ 02 người trở lên câu kết với nhau tổ chức, giúp sức cho 01 người cưỡng dâm (trường hợp này là đồng phạm).

Tội cưỡng dâm
Phạm tội cưỡng dâm có thể bị phạt tù chung thân – Nguồn ảnh minh họa: Internet

7. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội cưỡng dâm là bao lâu?

Theo quy định tại Điều 27 Bộ luật hình sự 2015 thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật hình sự quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với tội cưỡng dâm thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 20 năm kể từ ngày tội phạm được thực hiện.

Nếu trong thời hạn quy định, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.

Nếu trong thời hạn quy định, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.

8. Toà án xét xử người phạm tội cưỡng dâm mà người bị hại dưới 18 tuổi như thế nào?

Khi xét xử vụ án cưỡng dâm mà người bị hại là người dưới 18 tuổi Tòa án phải thực hiện:

  • Xét xử kín, tuyên án chỉ đọc phần quyết định trong bản án. Sau khi đọc xong có thể giải thích thêm về việc chấp hành bản án và quyền kháng cáo;
  • Phân công Thẩm phán có kiến thức hoặc kinh nghiệm xét xử các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi;
  • Khi tham gia xét xử, Thẩm phán mặc trang phục làm việc hành chính của Tòa án nhân dân, không mặc áo choàng;
  • Xử án tại Phòng xét xử thân thiện theo đúng quy định;
  • Có sự tham gia của người đại diện, người giám hộ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi.

Tuỳ vào điều kiện và hoàn cảnh cụ thể, Tòa án sẽ thực hiện các công việc sau:

  •  Hạn chế triệu tập bị hại là người dưới 18 tuổi đến phiên tòa nếu vẫn giải quyết được vụ án bằng việc áp dụng các biện pháp thay thế khác
  • Trường hợp phải triệu tập bị hại là người dưới 18 tuổi đến phiên tòa, Tòa án cần tạo điều kiện để họ làm quen, tiếp xúc với môi trường Tòa án, với quy trình và thủ tục xét xử;
  • Bố trí cho họ ngồi ở phòng cách ly và sử dụng các thiết bị điện tử để không làm ảnh hưởng đến tâm lý của họ khi họ khai báo, tham gia tố tụng tại phiên tòa; Trường hợp không bố trí được phòng cách ly thì để họ ngồi ở phòng xử án nhưng phải có màn che ngăn cách với khu vực của bị cáo và khoảng cách giữa Hội đồng xét xử với người bị hại là người dưới 18 tuổi không quá 03 mét.
  • Câu hỏi đối với bị hại là người dưới 18 tuổi phải phù hợp với lứa tuổi, mức độ phát triển, trình độ văn hóa, hiểu biết của họ.
  • Câu hỏi cần ngắn gọn, rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu; không hỏi nhiều vấn đề cùng một lúc; chỉ đặt câu hỏi làm rõ tình tiết vụ án; không đặt câu hỏi chỉ để tranh luận. Câu hỏi đối với bị hại dưới 10 tuổi không quá 10 từ và thời gian hỏi không liên tục quá 01 giờ.
  • Sử dụng sơ đồ hoặc mô hình cơ thể có đánh số thứ tự các bộ phận để người bị hại là người dưới 18 tuổi xác định các bộ phận bị xâm hại.
  • Khi bị cáo đề nghị được hỏi bị hại là người dưới 18 tuổi thì phải chuyển câu hỏi cho người bào chữa hoặc Hội đồng xét xử hỏi.

9. Toà án không được làm gì khi xét xử người phạm tội cưỡng dâm mà người bị hại dưới 18 tuổi?

Khi xét xử người phạm tội cưỡng dâm mà người bị hại dưới 18 tuổi, Toà án sẽ không được thực hiện các công việc sau đây:

  • Yêu cầu bị hại là người dưới 18 tuổi tường thuật lại chi tiết quá trình phạm tội;
  • Sử dụng câu hỏi có tính chất công kích, đe dọa, gây xấu hổ, xúc phạm bị hại;
  • Đối chất giữa bị hại với người phạm tội tại phiên tòa;
  • Xác định bộ phận bị xâm hại bằng cách để bị hại là người dưới 18 tuổi chỉ trực tiếp vào bộ phận cơ thể của mình hoặc của người khác;
  • Để bị cáo hỏi trực tiếp bị hại là người dưới 18 tuổi;
  • Buộc bị hại là người dưới 18 tuổi phải đứng khi tham gia tố tụng tại phiên tòa;
  • Công khai bản án, quyết định của Tòa án liên quan đến vụ án trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án.

11. Dịch vụ Luật sư bào chữa, Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Luật Thái An

Khi vướng vào một vụ án hình sự thì người bị buộc tội có thể thuê Luật sư bào chữa, người bị hại, đương sự trong vụ án có thể thuê Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp để đảm bảo vụ án được giải quyết một cách khách quan, đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc tìm kiếm được những vị Luật sư hình sự giỏi, có kinh nghiệm lâu năm lại không hề dễ dàng.

Tự hào là một trong những Công ty Luật sở hữu đội ngũ Luật sư chuyên về pháp lý hình sự, Luật Thái An luôn sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ pháp lý để giải quyết mọi vấn đề trong vụ án hình sự. Với kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn của mình, đội ngũ luật sư giỏi của Công ty Luật Thái An sẽ

  • Tư vấn tổng quan về tội phạm và hình phạt;
  • Tư vấn về tư cách tham gia tố tụng, quyền và lợi ích hợp pháp trong quá trình giải quyết vụ án;
  • Chuẩn bị hồ sơ đăng ký bào chữa/bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp;
  • Đại diện/cùng khách hàng làm việc với đại diện Cơ quan tiến hành tố tụng;
  • Tư vấn thủ tục/soạn thảo mọi giấy tờ, tài liệu trong quá trình vụ án hình sự được giải quyết;
  • Tham gia tranh tụng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tại tòa án các cấp xét xử;
  • Tư vấn, hỗ trợ khách hàng thực hiện việc khiếu nại/kháng cáo/giám đốc thẩm/tái thẩm;

Luật Thái An cam kết Quý khách hàng sẽ được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp một cách toàn diện nhất theo đúng quy định pháp luật.

HÃY LIÊN HỆ NGAY VỚI CHÚNG TÔI ĐỂ SỬ DỤNG DỊCH VỤ LUẬT SƯ BÀO CHỮA, LUẬT SƯ BẢO VỆ QUYỀN VÀ LỢI ÍCH HỢP PHÁP 

Đàm Thị Lộc