Khi chấm dứt hợp đồng cần lưu ý những điều gì?

Khi một hoặc cả hai bên không muốn tiếp tục thực hiện những thoả thuận, những cam kết trong hợp đồng đã ký kết thì việc chấm dứt hợp đồng là điều cần thiết. Chấm dứt hợp đồng sẽ gây ra những hậu quả đáng kể cho các bên. Vì vậy hãy cùng chúng tôi trang bị cho mình những kiến thức về chấm dứt hợp đồng qua bài viết dưới đây.

1. Chấm dứt hợp đồng là gì?

Để hiểu được chấm dứt hợp đồng là gì thì trước tiên chúng ta cần hiểu Hợp đồng là gì? Theo quy định tại Điều 385 Bộ luật dân sự năm 2015 thì hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

Chấm dứt hợp đồng được hiểu là kết thúc việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng. Điều này đồng nghĩa với việc bên có nghĩa vụ trong hợp đồng không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ và bên có quyền không thể buộc bên có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện nghĩa vụ được nữa.

2. Các trường hợp chấm dứt hợp đồng

Hợp đồng không phải lúc nào cũng được chấm dứt theo cách giống nhau, có rất nhiều trường hợp chấm dứt hợp đồng, đơn cử như tại Điều 422 Bộ luật dân sự 2015 đã quy định về 7 trường hợp chấm dứt hợp đồng là:

  • Hợp đồng đã được hoàn thành;
  • Theo thỏa thuận của các bên;
  • Cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân giao kết hợp đồng chấm dứt tồn tại mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện;
  • Hợp đồng bị hủy bỏ, bị đơn phương chấm dứt thực hiện;
  • Hợp đồng không thể thực hiện được do đối tượng của hợp đồng không còn;
  • Hợp đồng chấm dứt theo quy định tại Điều 420 của Bộ luật này;
  • Trường hợp khác do luật quy định.

>>>Xem thêm: 7 trường hợp chấm dứt hợp đồng

3. Quy trình chấm dứt hợp đồng

Chấm dứt hợp đồng không chỉ đơn thuần là vấn đề quyết định chấm dứt mà nó bao gồm một quy trình để đảm bảo rằng quyền và nghĩa vụ của tất cả các bên trong hợp đồng được giải quyết thỏa đáng. Thông thường các bước chấm dứt hợp đồng sẽ là

3.1 Xem lại các điều khoản của hợp đồng

Hợp đồng thường có các điều khoản cụ thể quy định việc chấm dứt hợp đồng, bao gồm thời hạn thông báo, điều kiện và biện pháp xử lý vi phạm khi chấm dứt hợp đồng… vì vậy, việc xem lại các điều khoản của hợp đồng là điều cần thiết.

3.2 Thông báo cho Bên còn lại trong hợp đồng

Sau khi xác định rằng việc chấm dứt là cần thiết, hãy nhanh chóng thông báo cho bên còn lại biết, tốt nhất là nên thông báo bằng văn bản. Thông báo chấm dứt phải nêu rõ lý do chấm dứt, dẫn chiếu các điều khoản hợp đồng có liên quan và nêu rõ ngày chấm dứt có hiệu lực.

3.3 Xem xét giải quyết các nghĩa vụ còn tồn đọng trước khi chấm dứt hợp đồng 

Tùy thuộc vào hoàn cảnh và điều khoản của hợp đồng, có thể có những nghĩa vụ, khoản thanh toán hoặc việc giao hàng còn tồn đọng cần được giải quyết trước khi hoàn tất việc chấm dứt hợp đồng. Các bên cần nhận thức được các nghĩa vụ còn lại của mình và cùng nhau hoàn thành chúng trước khi chấm dứt hợp đồng.

3.4 Lưu lại các tài liệu liên quan đến chấm dứt hợp đồng

Tài liệu về quá trình chấm dứt hợp đồng sẽ có giá trị khi phát sinh tranh chấp. Bởi vậy hãy lưu giữ giấy tờ, tài liệu bao gồm thông báo chấm dứt, thư từ liên lạc và thỏa thuận liên quan đến việc chấm dứt.

3.5 Trả lại hoặc lấy lại tài sản

Nếu hợp đồng liên quan đến việc trao đổi tài sản, chẳng hạn như các trang thiết bị, hàng hóa vật chất, hãy nêu rõ trong quá trình chấm dứt cách thức xử lý những tài sản này. Có thể là trả lại tài sản cho chủ sở hữu hợp pháp, chuyển quyền sở hữu hoặc xử lý tài sản theo các điều khoản trong hợp đồng.

3.6 Giải quyết tranh chấp

Trong một số trường hợp, tranh chấp có thể phát sinh trong quá trình chấm dứt hợp đồng. Điều quan trọng là phải có sẵn các cơ chế để giải quyết những tranh chấp này, dù thông qua đàm phán, hòa giải hay giải pháp cuối cùng là kiện tụng. Thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc theo hợp đồng có thể giúp các bên giải quyết xung đột hiệu quả hơn.

3.7. Thông báo cho bên thứ 3 biết

Nếu có bên thứ ba hoặc các bên liên quan bị ảnh hưởng bởi hợp đồng, hãy thông báo cho họ về việc chấm dứt hợp đồng nếu xét thấy cần thiết.

3.8. Tiến hành đánh giá sau khi chấm dứt hợp đồng

Việc tiến hành đánh giá sau khi chấm dứt hợp đồng là rất có lợi. Đánh giá lý do chấm dứt hợp đồng, tính hiệu quả của quá trình chấm dứt hợp đồng và các bài học kinh nghiệm, giúp cải thiện việc quản lý và đàm phán hợp đồng trong tương lai.

4. Các câu hỏi thường gặp về chấm dứt hợp đồng

4.1 Chấm dứt hợp đồng có cần phải báo trước không?

Chấm dứt hợp đồng phải báo trước bao nhiêu ngày hay không cần báo trước thì tuỳ vào từng loại hợp đồng, luật điều chỉnh loại hợp đồng và những thoả thuận của các bên trong hợp đồng. Bởi mỗi một loại hợp đồng ngoài việc phải tuân thủ các quy định chung của Bộ luật dân sự thì phải tuân thủ các quy định của Luật chuyên ngành điều chỉnh nó, ví dụ như Luật thương mại, Bộ luật lao động, Luật nhà ở…Do đó, việc chấm dứt hợp đồng cũng phải tuân thủ các quy định này.

4.1.1 Ví dụ về trường hợp chấm dứt hợp đồng cần phải báo trước

Khi người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau:

  •  Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
  • Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;
  • Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;
  • Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù như thành viên tổ lái tàu bay; nhân viên kỹ thuật bảo dưỡng tàu bay, nhân viên sửa chữa chuyên ngành hàng không; nhân viên điều độ, khai thác bay; Người quản lý doanh nghiệp; Thuyền viên thuộc thuyền bộ làm việc trên tàu Việt Nam đang hoạt động ở nước ngoài; thuyền viên được doanh nghiệp Việt Nam cho thuê lại làm việc trên tàu biển nước ngoài thì cần báo trước:  Ít nhất 120 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 12 tháng trở lên; Ít nhất bằng một phần tư thời hạn của hợp đồng lao động đối với hợp đồng lao động có thời hạn dưới 12 tháng.

(Căn cứ Khoản 1 Điều 35 Bộ luật lao động năm 2019, Điều 7 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động vê điều kiện lao động và quan hệ lao động).

4.1.2 Ví dụ về trường hợp chấm dứt hợp đồng không cần phải báo trước

Căn cứ Khoản 1 Điều 35 Bộ luật lao động năm 2019 thì Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong trường hợp sau đây:

  •  Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này;
  • Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 97 của Bộ luật này;
  • Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;
  •  Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
  • Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 138 của Bộ luật này;
  •  Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật này, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
  • Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Bộ luật này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.

>>>Xem thêm:

4.2. Khi hết hạn hợp đồng có mặc nhiên chấm dứt không?

Chấm dứt hợp đồng khi hết hạn là một trong những trường hợp chấm dứt hợp đồng theo sự thỏa thuận giữa các bên được quy định tại Điều 422 Bộ luật dân sự năm 2015. Có thể thấy khi thời hạn của hợp đồng được đưa vào trong nội dung hợp đồng thì đó là kết quả của sự thỏa thuận, sự thống nhất ý chí giữa các bên về việc chấm dứt hợp đồng, theo đó khi hợp đồng đã hết hạn thì hợp đồng này sẽ không còn giá trị để tiếp tục thực hiện, vì vậy nó sẽ bị chấm dứt

Lưu ý: Nếu các bên muốn tiếp tục hợp đồng thì chỉ có thể giao kết hợp đồng mới, hoặc khi Hợp đồng gần hết hạn các bên sẽ ký Phụ lục hợp đồng để gia hạn hợp đồng.

>>>Xem thêm: Những lưu ý khi giao kết phụ lục hợp đồng

5. Hậu quả của việc chấm dứt hợp đồng

Chấm dứt hợp đồng là một quá trình có thể gây ra nhiều hậu quả. Các bên phải cân nhắc cẩn thận những mặt lợi và mặt hại của việc chấm dứt. Dưới đây là một số hậu quả có thể xảy ra khi chấm dứt hợp đồng:

5.1 Có khả năng phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Trong trường hợp xảy ra vi phạm hợp đồng thì khi chấm dứt hợp đồng Bên vi phạm có thể phải bồi thường cho bên không vi phạm những tổn thất phát sinh do hành vi vi phạm. Những thiệt hại này có thể bao gồm thiệt hại thực tế và thiệt hại phát sinh do vi phạm gây ra.

>>>Xem thêm: Bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng 

5.2 Có thể trả lại cho nhau những gì đã nhận

Trong nhiều hợp đồng, các tài sản như các trang thiết bị, hàng hóa có thể đã được trao đổi. Việc chấm dứt hợp đồng thường liên quan đến việc xác định cách xử lý những tài sản này. Tùy theo điều khoản hợp đồng, tài sản có thể được trả lại cho chủ sở hữu ban đầu, chuyển giao cho bên kia hoặc xử lý theo thỏa thuận trong hợp đồng.

5.3 Có thể nghĩa vụ vẫn tồn tại sau khi chấm dứt hợp đồng

Nghĩa vụ hợp đồng có thể vẫn tồn tại ngay cả sau khi chấm dứt hợp đồng. Ví dụ như các nghĩa vụ về việc bảo mật thông tin, các điều khoản không cạnh tranh…. Các bên trong hợp đồng cần phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ này để tránh phát sinh thêm các tranh chấp.

5.4 Có thể tác động đến các mối quan hệ kinh doanh

Mối quan hệ kinh doanh của các bên có thể bị ảnh hưởng sau khi chấm dứt hợp đồng. Nếu các bên vẫn mong muốn duy trì mối quan hệ làm việc tích cực thì việc chấm dứt hợp đồng nên được tiến hành một cách hoà bình, thiện chí.

5.5 Có thể phát sinh tranh chấp

Việc chấm dứt hợp đồng, đặc biệt khi có tranh chấp, có thể dẫn đến tranh chấp pháp lý. Những bất đồng có thể nảy sinh về lý do chấm dứt hợp đồng, cách giải thích các điều khoản hợp đồng hoặc mức độ thiệt hại phải trả. Để giải quyết các tranh chấp như vậy, các bên có thể sử dụng biện pháp kiện tụng hoặc các phương pháp giải quyết tranh chấp thay thế như hòa giải hoặc trọng tài.

Hy vọng thông qua bài viết trên bạn sẽ nhận được những kiến thức hữu ích để giải quyết những vấn đề xoay quanh việc chấm dứt hợp đồng. Nếu việc chấm dứt hợp đồng quá phức tạp hoặc có tranh chấp, hãy tìm tới những Luật sư và chuyên gia pháp lý của chúng tôi. Với nhiều năm kinh nghiệm thực tế cùng kiến thức pháp lý vững vàng đảm bảo rằng các quyền của bạn được bảo vệ tối đa.