Khi chấm dứt hợp đồng cần lưu ý những điều gì?

Trong một ngày có biết bao nhiêu hợp đồng được ký kết cũng như chấm dứt. Chấm dứt hợp đồng có những hậu quả pháp lý mà bạn cần hiểu để có thể chấm dứt một cách đúng đắn. Với nhiều năm kinh nghiệm tư vấn hợp đồng, chúng tôi cung cấp những kiến thức về chấm dứt hợp đồng qua bài viết dưới đây.

1. Chấm dứt hợp đồng là gì?

Để hiểu được chấm dứt hợp đồng là gì thì trước tiên chúng ta cần hiểu Hợp đồng là gì? Theo quy định tại Điều 385 Bộ luật dân sự năm 2015 thì hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

Chấm dứt hợp đồng được hiểu là kết thúc việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng. Điều này đồng nghĩa với việc bên có nghĩa vụ trong hợp đồng không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ và bên có quyền không thể buộc bên có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện nghĩa vụ được nữa.

2. Các trường hợp chấm dứt hợp đồng

Hợp đồng không phải lúc nào cũng được chấm dứt theo cách giống nhau, có rất nhiều trường hợp chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, có 7 trường hợp chấm dứt hợp đồng mà bên chấm dứt hợp đồng không phải bồi thường thiệt hại (nếu có). Điều 422 Bộ luật dân sự 2015 đã quy định các trường hợp đó như sau:

  • Hợp đồng đã được hoàn thành;
  • Theo thỏa thuận của các bên;
  • Cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân giao kết hợp đồng chấm dứt tồn tại mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện;
  • Hợp đồng bị hủy bỏ, bị đơn phương chấm dứt thực hiện;
  • Hợp đồng không thể thực hiện được do đối tượng của hợp đồng không còn;
  • Hợp đồng chấm dứt theo quy định tại Điều 420 của Bộ luật này;
  • Trường hợp khác do luật quy định.

>>>Xem thêm: 7 trường hợp chấm dứt hợp đồng

Chúng tôi sẽ tư vấn cụ thể từng trường hợp sau đây:

a. Chấm dứt hợp đồng do hợp đồng đã được hoàn thành

Chấm dứt hợp đồng do hợp đồng đã được hoàn thành được hiểu là khi các bên đã thực hiện đúng và đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình với bên kia. Đối với hợp đồng mà một bên chỉ có quyền, một bên chỉ có nghĩa vụ (hợp đồng đơn vụ) thì hợp đồng sẽ hoàn thành khi bên có nghĩa vụ hoàn thành xong nghĩa vụ của mình.

Đối với hợp đồng mà các bên chủ thể đều phát sinh quyền và nghĩa vụ với nhau (hợp đồng song vụ) thì hợp đồng sẽ hoàn thành khi tất cả các bên đều đã hoàn thành đúng và đầy đủ nghĩa vụ của mình với bên kia. Nếu chỉ một bên hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ của mình mà bên còn lại chưa thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đủ nghĩa vụ thì hợp đồng không được coi là hoàn thành.

Đối với những hợp đồng có thời hạn rõ ràng (hợp đồng thuê nhà, hợp đồng vay…) thì chấm dứt hợp đồng khi hết hạn cũng tương tự như chấm dứt hợp đồng do hợp đồng đã hoàn thành.

Đây là những trường hợp chấm dứt hợp đồng tốt nhất bởi các bên đều đạt được mục đích khi giao kết hợp đồng của mình.

b. Chấm dứt hợp đồng theo thỏa thuận của các bên

Xét bản chất, hợp đồng là sự thỏa thuận, thống nhất ý chí của các bên trong xác lập, ký ký kết, thực hiện và chấm dứt hợp đồng. Theo đó, trong quá trình thực hiện hợp đồng, các bên có thỏa thuận với nhau về việc chấm dứt hợp đồng và việc xử lý hậu quả do việc chậm dứt thì sự thỏa thuận chấm dứt hợp đồng này là hợp pháp.

Tuy nhiên, nếu pháp luật có quy định về trường hợp mà các bên không được phép thỏa thuận chấm dứt hợp đồng thì các bên không được chấm dứt hợp đồng. Ví dụ như với trường hợp hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba thì việc chấm dứt hợp đồng phải có thêm sự đồng ý của người thứ ba theo Điều 417 Bộ luật dân sự 2015:

“Điều 417. Không được sửa đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba

Khi người thứ ba đã đồng ý hưởng lợi ích thì dù hợp đồng chưa được thực hiện, các bên giao kết hợp đồng cũng không được sửa đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng, trừ trường hợp được người thứ ba đồng ý.”

Quy định này nhằm đảm bảo lợi ích của người thứ ba, tránh bị ảnh hưởng do việc chấm dứt hợp đồng mà họ được hưởng lợi ích bị chấm dứt.

c. Chấm dứt hợp đồng khi cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân hoặc chủ thể khác chấm dứt mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân hoặc chủ thể đó thực hiện

Hợp đồng được xác lập mà các quyền, nghĩa vụ dân sự phát sinh theo hợp đồng gắn liền với nhân thân thì khi cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân hoặc chủ thể khác chấm dứt thì sẽ không thực hiện được hợp đồng và sẽ là căn cứ chấm dứt hợp đồng.

Trường hợp này thường xuất hiện trong hợp đồng có đối tượng là công việc, dịch vụ. Theo đó, một bên trong hợp đồng có nghĩa vụ thực hiện một công việc nhất định theo yêu cầu của bên còn lại mà theo thỏa thuận, công việc ấy phải do chính người có nghĩa vụ đó tiến hành.

Ví dụ: B ký hợp đồng vệ sinh công nghiệp công trình cho A. Trường hợp B chết mà chưa kịp thực hiện công việc cho A thì hợp đồng giữa A và B chấm dứt.

Tuy nhiên, nếu như hợp đồng có nhiều pháp nhân hoặc có nhiều người cùng thực hiện phải thực hiện thì việc một cá nhân chết/ một pháp nhân chấm dứt hoạt động thì hợp đồng vẫn sẽ có giá trị với những chủ thể còn lại.

trường hợp chấm dứt hợp đồng
Các trường hợp chấm dứt hợp đồng theo quy định của pháp luật hiện hành.

d. Chấm dứt hợp đồng khi bị hủy bỏ, bị đơn phương chấm dứt thực hiện

Nguyên tắc chung, khi hợp đồng được giao kết thì các bên tiến hành thực hiện các nghĩa vụ phát sinh theo hợp đồng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hợp đồng, các bên có thể hủy bỏ hoặc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, mà không phải bồi thường thiệt hại do các bên có thể thỏa thuận hoặc được pháp luật quy định.

Hợp đồng chấm dứt khi bị hủy bỏ:

Vấn đề về hủy bỏ hợp đồng được quy định tại Điều 423 Bộ luật Dân sự năm 2015, cụ thể như sau:

“Điều 423. Hủy bỏ hợp đồng

Một bên có quyền hủy bỏ hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại trong trường hợp sau đây:

a) Bên kia vi phạm hợp đồng là điều kiện hủy bỏ mà các bên đã thỏa thuận;

b) Bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng;

c) Trường hợp khác do luật quy định.

Vi phạm nghiêm trọng là việc không thực hiện đúng nghĩa vụ của một bên đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng.

Bên hủy bỏ hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc hủy bỏ, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.”

Hậu quả của hủy hợp đồng: Về cơ bản, Hợp đồng bị hủy bỏ sẽ không có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết, các bên không phải thực hiện các nghĩa vụ của hợp đồng mà sẽ thực hiện nghĩa vụ về bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm và giải quyết tranh chấp nếu có.

>>> Xem thêm: Hủy bỏ hợp đồng là gì?

Hợp đồng chấm dứt do đơn phương chấm dứt hợp đồng:

Vấn đề đơn phương chấm dứt hợp đồng được quy định tại Điều 428 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau:

“Điều 428. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng

Một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc chấm dứt hợp đồng, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Khi hợp đồng bị đơn phương chấm dứt thực hiện thì hợp đồng chấm dứt kể từ thời điểm bên kia nhận được thông báo chấm dứt. Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ, trừ thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán phần nghĩa vụ đã thực hiện.

Bên bị thiệt hại do hành vi không thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng của bên kia được bồi thường.

Trường hợp việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng không có căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này thì bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng được xác định là bên vi phạm nghĩa vụ và phải thực hiện trách nhiệm dân sự theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan do không thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng.

Khi một bên vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của hợp đồng thì bên bị vi phạm có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng và không phải bồi thường.”

Theo đó, Hậu quả của đơn phương chấm dứt hợp đồng là: Bên đơn phương chấm dứt hợp đồng sẽ phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc chấm dứt, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì sẽ phải bồi thường. Hợp đồng được xem là chấm dứt kể từ thời điểm bên kia nhận được thông báo chấm dứt. Nếu có thiệt hại thì Bên bị vi phạm sẽ được bồi thường.

Khi chấm dứt hợp đồng do đơn phương chấm dứt hợp đồng thì các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng (trừ thỏa thuận về vấn đề bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm và giải quyết tranh chấp nếu có).

Trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng không có căn cứ về việc bên kia vi phạm nghiêm trọng hợp đồng thì bên đơn phương chấm dứt hợp đồng là bên vi phạm và phải bồi thường nếu có thiệt hại..

e. Chấm dứt hợp đồng khi không thể thực hiện được do đối tượng của hợp đồng không còn và các bên có thể thoả thuận thay thế đối tượng khác hoặc bồi thường thiệt hại

Đối tượng hợp đồng là nội dung bắt buộc phải có trong hợp đồng. Nếu đối tượng của hợp đồng không còn thì hợp đồng chấm dứt nhưng có thể không làm chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia quan hệ hợp đồng.

Nếu đối tượng của hợp đồng không còn thì các bên có thể thỏa thuận thay thế đối tượng của hợp đồng hoặc bồi thường thiệt hại.

>>> Xem thêm: Bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng

f. Chấm dứt hợp đồng theo quy định tại Điều 420 của Bộ luật dân sự năm 2015

Điều 420 của Bộ luật dân sự 2015 quy định về việc thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Hoàn cảnh thay đổi cơ bản có thể hiểu là trường hợp hoàn cảnh khi thực hiện hợp đồng có sự thay đổi xuất phát từ những nguyên nhân khách quan mà các bên không thể biết trước khi giao kết hợp đồng. Mặc dù bên bị ảnh hưởng đã thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết, trong khả năng cho phép để giảm thiểu thiệt hại nhưng vẫn không được và nếu tiếp tục thực hiện hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên.

Do vậy, đây được xem là một trong những trường hợp hợp đồng chấm dứt.

g. Các trường hợp chấm dứt hợp đồng khác

Bộ luật dân sự 2015 với tư cách là bộ luật chung sẽ đảm bảo sự điều chỉnh của các văn bản luật chuyên ngành về lĩnh vực nhất định và với mỗi lĩnh vực sẽ có những trường hợp đặc biệt được chấm dứt hợp đồng. Hợp đồng sẽ chấm dứt trong các trường hợp khác do pháp luật quy định ví dụ như hợp đồng lao động, Hợp đồng thương mại, Hợp đồng xây dựng

Ví dụ: Trong lĩnh vực lao động, Bộ luật lao động 2019 đã có quy định về trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động mà khi áp dụng chuyên ngành lao động sẽ phải tuân thủ như sau:

“Điều 34. Các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động

…5. Người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam bị trục xuất theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

  1. Người lao động chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết.
  2. Người sử dụng lao động là cá nhân chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết. Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.

…11. Người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc theo quy định tại Điều 42 và Điều 43 của Bộ luật này.

  1. Giấy phép lao động hết hiệu lực đối với người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.

  2. Trường hợp thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động mà thử việc không đạt yêu cầu hoặc một bên hủy bỏ thỏa thuận thử việc.”

3. Phân biệt chấm dứt hợp đồng với huỷ bỏ hợp đồng

Nhiều người nghĩ rằng chấm dứt hợp đồng giống như huỷ bỏ hợp đồng. Hiểu như vậy là sai. Chấm dứt hợp đồng và huỷ bỏ hợp đồng khác nhau ở nhiều phương diện, trong đó hệ quả pháp lý là khác nhau hoàn toàn:

Hậu quả pháp lý của hủy bỏ hợp đồng là:

  • Hủy bỏ hợp đồng làm hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết. Tuy nhiên pháp luật có loại trừ một số nghĩa vụ vẫn phải thực hiện như nghĩa vụ phát sinh từ thỏa thuận về bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm và về giải quyết tranh chấp.
  • Các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải trả bằng tiền. Bên cạnh đó, bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên còn lại thanh toán phần nghĩa vụ mà mình đã thực hiện.

Còn đối với chấm dứt hợp đồng, thì hợp đồng vẫn có giá trị và hiệu lực từ thời điểm ký kết tới lúc chấm dứt. Khi chấm dứt hợp đồng, các bên không còn quyền và nghĩa vụ với nhau nhưng họ không phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

4. Quy trình chấm dứt hợp đồng

Chấm dứt hợp đồng không chỉ đơn thuần là vấn đề quyết định chấm dứt mà nó bao gồm một quy trình để đảm bảo rằng quyền và nghĩa vụ của tất cả các bên trong hợp đồng được giải quyết thỏa đáng. Thông thường các bước chấm dứt hợp đồng sẽ là

  • Xem lại các điều khoản của hợp đồng: Hợp đồng thường có các điều khoản cụ thể quy định việc chấm dứt hợp đồng, bao gồm thời hạn thông báo, điều kiện và biện pháp xử lý vi phạm khi chấm dứt hợp đồng… vì vậy, việc xem lại các điều khoản của hợp đồng là điều cần thiết.
  • Thông báo cho Bên còn lại trong hợp đồng: Sau khi xác định rằng việc chấm dứt là cần thiết, hãy nhanh chóng thông báo cho bên còn lại biết, tốt nhất là nên thông báo bằng văn bản. Thông báo chấm dứt phải nêu rõ lý do chấm dứt, dẫn chiếu các điều khoản hợp đồng có liên quan và nêu rõ ngày chấm dứt có hiệu lực.
  • Xem xét giải quyết các nghĩa vụ còn tồn đọng trước khi chấm dứt hợp đồng: Tùy thuộc vào hoàn cảnh và điều khoản của hợp đồng, có thể có những nghĩa vụ, khoản thanh toán hoặc việc giao hàng còn tồn đọng cần được giải quyết trước khi hoàn tất việc chấm dứt hợp đồng. Các bên cần nhận thức được các nghĩa vụ còn lại của mình và cùng nhau hoàn thành chúng trước khi chấm dứt hợp đồng.
  • Lưu lại các tài liệu liên quan đến chấm dứt hợp đồng: Tài liệu về quá trình chấm dứt hợp đồng sẽ có giá trị khi phát sinh tranh chấp. Bởi vậy hãy lưu giữ giấy tờ, tài liệu bao gồm thông báo chấm dứt, thư từ liên lạc và thỏa thuận liên quan đến việc chấm dứt.
  • Trả lại hoặc lấy lại tài sản: Nếu hợp đồng liên quan đến việc trao đổi tài sản, chẳng hạn như các trang thiết bị, hàng hóa vật chất, hãy nêu rõ trong quá trình chấm dứt cách thức xử lý những tài sản này. Có thể là trả lại tài sản cho chủ sở hữu hợp pháp, chuyển quyền sở hữu hoặc xử lý tài sản theo các điều khoản trong hợp đồng.
  • Giải quyết tranh chấp: Trong một số trường hợp, tranh chấp có thể phát sinh trong quá trình chấm dứt hợp đồng. Điều quan trọng là phải có sẵn các cơ chế để giải quyết những tranh chấp này, dù thông qua đàm phán, hòa giải hay giải pháp cuối cùng là kiện tụng. Thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc theo hợp đồng có thể giúp các bên giải quyết xung đột hiệu quả hơn.
  • Thông báo cho bên thứ 3 biết: Nếu có bên thứ ba hoặc các bên liên quan bị ảnh hưởng bởi hợp đồng, hãy thông báo cho họ về việc chấm dứt hợp đồng nếu xét thấy cần thiết.
  • Tiến hành đánh giá sau khi chấm dứt hợp đồng: Việc tiến hành đánh giá sau khi chấm dứt hợp đồng là rất có lợi. Đánh giá lý do chấm dứt hợp đồng, tính hiệu quả của quá trình chấm dứt hợp đồng và các bài học kinh nghiệm, giúp cải thiện việc quản lý và đàm phán hợp đồng trong tương lai.
Chấm dứt hợp đồng
                              Những công việc cần thực hiện khi chấm dứt hợp đồng- Nguồn: Luật Thái An

5. Các câu hỏi thường gặp về chấm dứt hợp đồng

a. Chấm dứt hợp đồng có cần phải báo trước không?

Chấm dứt hợp đồng phải báo trước bao nhiêu ngày hay không cần báo trước thì tuỳ vào từng loại hợp đồng, luật điều chỉnh loại hợp đồng và những thoả thuận của các bên trong hợp đồng. Bởi mỗi một loại hợp đồng ngoài việc phải tuân thủ các quy định chung của Bộ luật dân sự thì phải tuân thủ các quy định của Luật chuyên ngành điều chỉnh nó, ví dụ như Luật thương mại, Bộ luật lao động, Luật nhà ở…Do đó, việc chấm dứt hợp đồng cũng phải tuân thủ các quy định này.

Ví dụ về trường hợp chấm dứt hợp đồng cần phải báo trước

Khi người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau:

  •  Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
  • Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;
  • Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;
  • Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù như thành viên tổ lái tàu bay; nhân viên kỹ thuật bảo dưỡng tàu bay, nhân viên sửa chữa chuyên ngành hàng không; nhân viên điều độ, khai thác bay; Người quản lý doanh nghiệp; Thuyền viên thuộc thuyền bộ làm việc trên tàu Việt Nam đang hoạt động ở nước ngoài; thuyền viên được doanh nghiệp Việt Nam cho thuê lại làm việc trên tàu biển nước ngoài thì cần báo trước:  Ít nhất 120 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 12 tháng trở lên; Ít nhất bằng một phần tư thời hạn của hợp đồng lao động đối với hợp đồng lao động có thời hạn dưới 12 tháng.

(Căn cứ Khoản 1 Điều 35 Bộ luật lao động năm 2019, Điều 7 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động vê điều kiện lao động và quan hệ lao động).

Ví dụ về trường hợp chấm dứt hợp đồng không cần phải báo trước

Căn cứ Khoản 1 Điều 35 Bộ luật lao động năm 2019 thì Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong trường hợp sau đây:

  •  Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này;
  • Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 97 của Bộ luật này;
  • Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;
  •  Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
  • Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 138 của Bộ luật này;
  •  Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật này, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
  • Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Bộ luật này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.

b. Khi hết hạn hợp đồng có mặc nhiên chấm dứt không?

Chấm dứt hợp đồng khi hết hạn là một trong những trường hợp chấm dứt hợp đồng theo sự thỏa thuận giữa các bên được quy định tại Điều 422 Bộ luật dân sự năm 2015. Có thể thấy khi thời hạn của hợp đồng được đưa vào trong nội dung hợp đồng thì đó là kết quả của sự thỏa thuận, sự thống nhất ý chí giữa các bên về việc chấm dứt hợp đồng, theo đó khi hợp đồng đã hết hạn thì hợp đồng này sẽ không còn giá trị để tiếp tục thực hiện, vì vậy nó sẽ bị chấm dứt

Lưu ý: Nếu các bên muốn tiếp tục hợp đồng thì chỉ có thể giao kết hợp đồng mới, hoặc khi Hợp đồng gần hết hạn các bên sẽ ký Phụ lục hợp đồng để gia hạn hợp đồng.

6. Hậu quả của việc chấm dứt hợp đồng

Chấm dứt hợp đồng là một quá trình có thể gây ra nhiều hậu quả. Các bên phải cân nhắc cẩn thận những mặt lợi và mặt hại của việc chấm dứt. Dưới đây là một số hậu quả có thể xảy ra khi chấm dứt hợp đồng:

  • Có khả năng phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại: Trong trường hợp xảy ra vi phạm hợp đồng thì khi chấm dứt hợp đồng Bên vi phạm có thể phải bồi thường cho bên không vi phạm những tổn thất phát sinh do hành vi vi phạm. Những thiệt hại này có thể bao gồm thiệt hại thực tế và thiệt hại phát sinh do vi phạm gây ra.

>>>Xem thêm: Bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng 

  • Có thể trả lại cho nhau những gì đã nhận: Trong nhiều hợp đồng, các tài sản như các trang thiết bị, hàng hóa có thể đã được trao đổi. Việc chấm dứt hợp đồng thường liên quan đến việc xác định cách xử lý những tài sản này. Tùy theo điều khoản hợp đồng, tài sản có thể được trả lại cho chủ sở hữu ban đầu, chuyển giao cho bên kia hoặc xử lý theo thỏa thuận trong hợp đồng.
  • Có thể nghĩa vụ vẫn tồn tại sau khi chấm dứt hợp đồng: Nghĩa vụ hợp đồng có thể vẫn tồn tại ngay cả sau khi chấm dứt hợp đồng. Ví dụ như các nghĩa vụ về việc bảo mật thông tin, các điều khoản không cạnh tranh…. Các bên trong hợp đồng cần phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ này để tránh phát sinh thêm các tranh chấp.
  • Có thể tác động đến các mối quan hệ kinh doanh: Mối quan hệ kinh doanh của các bên có thể bị ảnh hưởng sau khi chấm dứt hợp đồng. Nếu các bên vẫn mong muốn duy trì mối quan hệ làm việc tích cực thì việc chấm dứt hợp đồng nên được tiến hành một cách hoà bình, thiện chí.
  • Có thể phát sinh tranh chấp: Việc chấm dứt hợp đồng, đặc biệt khi có tranh chấp, có thể dẫn đến tranh chấp pháp lý. Những bất đồng có thể nảy sinh về lý do chấm dứt hợp đồng, cách giải thích các điều khoản hợp đồng hoặc mức độ thiệt hại phải trả. Để giải quyết các tranh chấp như vậy, các bên có thể sử dụng biện pháp kiện tụng hoặc các phương pháp giải quyết tranh chấp thay thế như hòa giải hoặc trọng tài.

 

Hy vọng thông qua bài viết trên bạn sẽ nhận được những kiến thức hữu ích để giải quyết những vấn đề xoay quanh việc chấm dứt hợp đồng. Nếu việc chấm dứt hợp đồng quá phức tạp hoặc có tranh chấp, hãy tìm tới những Luật sư và chuyên gia pháp lý của chúng tôi. Với nhiều năm kinh nghiệm thực tế cùng kiến thức pháp lý vững vàng đảm bảo rằng các quyền của bạn được bảo vệ lợi ích tối đa.

Nguyễn Văn Thanh