Cơ cấu tổ chức hợp tác xã như thế nào ?

Cơ cấu tổ chức hợp tác xã đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo hoạt động minh bạch, hiệu quả và bền vững. Việc tổ chức hợp lý giúp phân công nhiệm vụ rõ ràng, tối ưu hóa nguồn lực và nâng cao năng suất lao động. Bài viết này sẽ phân tích chi tiết về cơ cấu tổ chức của một hợp tác xã theo quy định pháp luật hiện hành.

1. Cơ cấu tổ chức hợp tác xã hiện nay 

Luật Hợp tác xã 2023 quy định cơ cấu tổ chức hợp tác xã có những thành phần sau:

  • Đại hội thành viên;
  • Hội đồng quản trị;
  • Giám đốc (Tổng giám đốc);
  • Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên.

Khoản 1 Điều 56 Luật Hợp tác xã 2023 quy định cơ cấu tổ chức hợp tác xã có hai loại là:

  • Tổ chức quản trị đầy đủ;
  • Tổ chức quản trị rút gọn.

1.1. Cơ cấu tổ chức hợp tác xã theo mô hình quản trị đầy đủ 

Cơ cấu tổ chức hợp tác xã theo mô hình tổ chức quản trị đầy đủ bao gồm:

  • Đại hội thành viên;
  • Hội đồng quản trị;
  • Giám đốc (Tổng giám đốc);
  • Ban kiểm soát.

Lưu ý: Chủ tịch Hội đồng quản trị có thể kiêm Giám đốc (Tổng giám đốc).

Hợp tác xã quy mô nhỏ, vừa, lớn từ 10 thành viên trở lên phải tổ chức theo tổ chức quản trị đầy đủ.

Cơ sở pháp lý: khoản 1, 2 Điều 56 Luật Hợp tác xã 2023.

1.2. Cơ cấu tổ chức hợp tác xã theo mô hình quản trị rút gọn 

Cơ cấu tổ chức hợp tác xã theo mô hình tổ chức quản trị rút gọn bao gồm:

  • Đại hội thành viên;
  • Giám đốc;
  • Kiểm soát viên.

Hợp tác xã quy mô siêu nhỏ dưới 10 thành viên có thể tổ chức theo mô hình quản trị đầy đủ hoặc quản trị rút gọn.

Trường hợp hợp tác xã đang tổ chức theo tổ chức quản trị rút gọn phát triển thành hợp tác xã quy mô nhỏ, vừa, lớn từ 10 thành viên trở lên thì Đại hội thành viên gần nhất phải quyết định việc chuyển sang tổ chức quản trị đầy đủ.

Cơ sở pháp lý: khoản 3,4  Điều 56 Luật Hợp tác xã 2023.

Chúng tôi sẽ trình bầy cụ thể về từng thành phần cơ cấu hợp tác xã sau đây:

2. Đại hội thành viên trong cơ cấu tổ chức hợp tác xã

Điều 57 Luật Hợp tác xã 2023 quy định Đại hội thành viên là cơ quan quyết định cao nhất của hợp tác xã. Vì vậy, hợp tác xã theo mô hình đầy đủ hay rút gọn đều bắt buộc phải có Đại hội thành viên.

Các nội dung sau đây được Đại hội thành viên thông qua khi có ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết tán thành của thành viên, đại biểu tham dự và biểu quyết theo quy định:

  • Sửa đổi, bổ sung Điều lệ;
  • Quyết định việc đầu tư hoặc bán tài sản chung được chia có giá trị bằng hoặc lớn hơn 20% tổng giá trị tài sản của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất; quyết định việc đầu tư hoặc bán tài sản chung không chia;
  • Thay đổi tổ chức quản trị của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
  • Tổ chức lại, giải thể, phá sản hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Các nội dung khác được thông qua khi có trên 50% tổng số phiếu biểu quyết tán thành của thành viên, đại biểu tham dự và biểu quyết.

Đối với Đại hội thành viên của hợp tác xã, mỗi thành viên chính thức tham dự đại hội toàn thể có một phiếu biểu quyết có giá trị ngang nhau, không phụ thuộc vào phần vốn góp hay chức vụ thành viên. Mỗi đại biểu tham dự đại hội đại biểu có số phiếu biểu quyết bằng số lượng thành viên ủy quyền.

Chi tiết có tại bài viêt sau:

Đại hội thành viên hợp tác xã

cơ cấu tổ chức hợp tác xã
2 mô hình cơ cấu tổ chức hợp tác xã: đầy đủ và rút gọn. ảnh minh hoạ: Luật Thái An

3. Hội đồng quản trị trong cơ cấu tổ chức hợp tác xã

Khoản 1 Điều 65 Luật Hợp tác xã 2023 quy định hội đồng quản trị là cơ quan quản lý hợp tác xã, gồm Chủ tịch Hội đồng quản trị và thành viên khác của Hội đồng quản trị.

Số lượng thành viên Hội đồng quản trị do Điều lệ quy định nhưng tối thiểu là 03 người, tối đa là 15 người.

Tổng số lượng thành viên tham gia Hội đồng quản trị là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và cá nhân là nhà đầu tư nước ngoài chiếm dưới 35% tổng số lượng thành viên Hội đồng quản trị.

Nhiệm kỳ của Hội đồng quản trị do Điều lệ quy định nhưng tối đa là 05 năm. Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản trị theo nhiệm kỳ của Hội đồng quản trị. Thành viên Hội đồng quản trị có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế.

Thành viên hội đồng quản trị của hợp tác xã phải đáp ứng các điều kiện tại khoản 1 Điều 62 Luật Hợp tác xã 2023:

  • Là thành viên chính thức hoặc là người đại diện theo pháp luật hoặc theo ủy quyền của tổ chức là thành viên chính thức;
  • Không đồng thời là thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên, kế toán trưởng, thủ quỹ của cùng hợp tác xã;
  • Không được là người có quan hệ gia đình với thành viên khác của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên, kế toán trưởng, thủ quỹ của cùng hợp tác xã.

Chi tiết có tại bài viêt sau:

Hội đồng quản trị hợp tác xã: Các quy định mới nhất!

4. Giám đốc (Tổng giám đốc) trong cơ cấu tổ chức hợp tác xã

Giám đốc (Tổng giám đốc) là người điều hành hoạt động của hợp tác xã theo mô hình tổ chức đầy đủ hoặc rút gọn.

Đối với mô hình tổ chức đầy đủ: Giám đốc (Tổng giám đốc) chịu sự giám sát, chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. (Cơ sở pháp lý: khoản 1 Điều 68 Luật Hợp tác xã 2023).

Đối với mô hình tổ chức rút gọn: Giám đốc chịu sự giám sát, chịu trách nhiệm trước Đại hội thành viên và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. (Cơ sở pháp lý: khoản 1 Điều 71 Luật Hợp tác xã 2023).

Nhiệm kỳ của Giám đốc (Tổng giám đốc) do Điều lệ quy định nhưng tối đa là 05 năm. Giám đốc (Tổng giám đốc) có thể được bổ nhiệm lại với số nhiệm kỳ không hạn chế.

Chi tiết có tại bài viêt sau:

Giám đốc hợp tác xã: Chức năng, quyền hạn và tiêu chuẩn

5. Ban kiểm soát hoặc Kiểm soát viên trong cơ cấu tổ chức hợp tác xã

a. Ban kiểm soát trong mô hình tổ chức quản trị đầy đủ:

Khoản 1 Điều 69 Luật Hợp tác xã 2023 quy định Ban kiểm soát có từ 01 đến 07 thành viên bao gồm Trưởng Ban kiểm soát và kiểm soát viên do Đại hội thành viên bầu.

Ban kiểm soát chịu trách nhiệm trước Đại hội thành viên.

Nhiệm kỳ Ban kiểm soát tối đa là 05 năm. Nhiệm kỳ của thành viên Ban kiểm soát theo nhiệm kỳ của Ban kiểm soát.

Thành viên Ban kiểm soát có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế.

Trường hợp Ban kiểm soát chỉ có 01 thành viên thì thành viên đó đồng thời là Trưởng Ban kiểm soát.

Việc bầu, bãi nhiệm, miễn nhiệm thành viên Ban kiểm soát được thực hiện bằng phiếu kín.

Ban kiểm soát hoạt động độc lập, kiểm tra và giám sát hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của pháp luật và Điều lệ.

b. Kiểm soát viên trong mô hình tổ chức quản trị rút gọn:

Khoản 1 Điều 72 Luật Hợp tác xã 2023 quy định kiểm soát viên kiểm tra và giám sát hoạt động của hợp tác xã theo quy định của pháp luật và Điều lệ. Kiểm soát viên hoạt động độc lập, chịu trách nhiệm trước Đại hội thành viên và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Khoản 3 Điều 62 Luật Hợp tác xã quy định thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên của hợp tác xã phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

  • Là thành viên chính thức hoặc là người đại diện theo pháp luật hoặc theo ủy quyền của tổ chức là thành viên chính thức;
  • Không đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc (Tổng giám đốc), kế toán trưởng, thủ quỹ của cùng hợp tác xã;
  • Không được là người có quan hệ gia đình với thành viên Hội đồng quản trị, thành viên khác của Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên, Giám đốc (Tổng giám đốc), kế toán trưởng, thủ quỹ của cùng hợp tác xã.

Chi tiết có tại bài viêt sau:

Ban kiểm soát hợp tác xã: Các quy định cần biết!

 

Luật Thái An là đơn vị tư vấn chuyên nghiệp về cơ cấu tổ chức hợp tác xã, giúp khách hàng tuân thủ quy định pháp luật. Với đội ngũ luật sư giàu kinh nghiệm, Luật Thái An cung cấp dịch vụ tư vấn chuyên sâu, hỗ trợ hợp tác xã hoạt động minh bạch, hiệu quả và bền vững.

Đàm Thị Lộc