Điều tra vụ án hình sự là một giai đoạn vô cùng quan trọng trong tố tụng hình sự. Giai đoạn này các cơ quan có thẩm quyền sẽ làm sáng tỏ các tình tiết vụ án để xác định tội phạm. Vậy điều tra vụ án hình sự như thế nào, bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin để Quý bạn đọc được biết.
1. Điều tra vụ án hình sự là gì?
Điều tra vụ án hình sự là một giai đoạn tố tụng hình sự, trong đó cơ quan điều tra căn cứ vào các quy định của pháp luật tố tụng hình sự và dưới sự kiểm soát của Viện Kiểm sát tiến hành các biện pháp thu thập chứng cứ cần thiết nhằm phát hiện nhanh chóng và đầy đủ tội phạm, cũng như người có lỗi trong việc thực hiện tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự, đồng thời bảo đảm cho việc bồi thường thiệt hại về vật chất do tội phạm gây ra.
Điều tra vụ án hình sự được bắt đầu từ khi cơ quan (người) tiến hành tố tụng có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và kết thúc bằng bản kết luận điều tra và quyết định của cơ quan điều tra về việc đề nghị Viện Kiểm sát truy tố bị can trước Tòa án hoặc đình chỉ vụ án hình sự.
2. Cơ quan nào có thẩm quyền điều tra vụ án hình sự?
Theo quy định tại Điều 163 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì những cơ quan có thẩm quyền điều tra vụ án hình sự bao gồm:
Cơ quan điều tra của Công an nhân dân: Điều tra tất cả các tội phạm, trừ những tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân và Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân: điều tra các tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự.
Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương: điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ quy định tại Chương XXIII và Chương XXIV của Bộ luật hình sự xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp.
Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình.
Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì việc điều tra vụ án hình sự thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt.
3. Các hoạt động điều tra vụ án hình sự là gì?
Theo quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì các hoạt động điều tra vụ án hình sự của Cơ quan điều tra bao gồm:
Khởi tố và hỏi cung bị can theo quy định tại chương XI Bộ luật tố tụng hình sự 2015
Lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, đối chất và nhận dạng theo quy định tại chương XII Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015
Khám xét, thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật theo quy định tại chương XIII Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015
Khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, xem xét dấu vết trên thân thể, thực nghiệm điều tra theo quy định tại chương XIV Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015
Giám định và định giá tài sản theo quy định tại chương XV Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.
Các biện pháp điều tra đặc biệt được quy định tại chương XVI Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
4. Thời hạn điều tra vụ án hình sự là bao lâu?
Điều 172 Bộ luật tố tụng hình sự quy định thời hạn điều tra và gia hạn điều tra vụ án hình sự như sau:
Đối với tội phạm ít nghiêm trọng: Tối đa 02 tháng, được gia hạn điều tra một lần không quá 02 tháng;
Đối với tội phạm nghiêm trọng: Tối đa 03 tháng, được gia hạn điều tra hai lần:
Lần thứ nhất không quá 03 tháng;
Lần thứ hai không quá 02 tháng.
Đối với tội phạm rất nghiêm trọng: Tối đa 04 tháng, được gia hạn điều tra hai lần, mỗi lần không quá 04 tháng;
Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng: Tối đa 04 tháng, được gia hạn điều tra ba lần, mỗi lần không quá 04 tháng;
Ngoài ra, riêng với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng nếu thời hạn gia hạn điều tra đã hết nhưng do tính chất rất phức tạp của vụ án mà chưa thể kết thúc điều tra thì có thể gia hạn thêm một lần không quá 04 tháng.
Đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền gia hạn thêm một lần không quá 04 tháng.
5. Thời hạn tạm giam để điều tra vụ án hình sự là bao lâu?
Căn cứ quy định tại Điều 173 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì thời hạn tạm giam để điều tra vụ án hình sự được quy định như sau:
Không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng;
Không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng;
Không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Ngoài ra, có thể gia hạn thời hạn tạm giam để điều tra. Cụ thể như sau:
Không quá 01 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng;
Không quá 02 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng;
Không quá 03 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng
Không quá 04 tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
Việc gia hạn thời hạn tạm giam chỉ áp dụng đối với vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam.
Nếu gia hạn thời hạn tạm giam thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn tạm giam, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn tạm giam.
Thời hạn tạm giam được tính từ ngày có quyết định tạm giam.
6. Khi kết thúc điều tra vụ án hình sự cơ quan điều tra phải làm gì?
Căn cứ khoản 1 khoản 2 Điều 232, Điều 233, Điều 234 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì khi kết thúc điều tra vụ án hình sự Cơ quan điều tra sẽ ra bản kết luận điều tra đề nghị truy tố hoặc ra bản kết luận điều tra và quyết định đình chỉ điều tra.
6.1 Kết luận điều tra trong trường hợp đề nghị truy tố
Trong trường hợp đề nghị truy tố thì bản kết luận điều tra ghi rõ những nội dung sau
Diễn biến hành vi phạm tội;
Chứng cứ xác định hành vi phạm tội của bị can, thủ đoạn, động cơ, mục đích phạm tội, tính chất, mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra;
Việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế;
Tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, đặc điểm nhân thân của bị can;
Việc thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật và việc xử lý vật chứng;
Nguyên nhân và điều kiện dẫn đến hành vi phạm tội và tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án;
Lý do và căn cứ đề nghị truy tố;
Tội danh, điều, khoản, điểm của Bộ luật hình sự được áp dụng; những ý kiến đề xuất giải quyết vụ án.
Bản kết luận điều tra phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra kết luận; họ tên, chức vụ và chữ ký của người ra kết luận điều tra.
6.2 Kết luận điều tra trong trường hợp đình chỉ điều tra
Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự khi thuộc một trong các trường hợp:
Vụ án được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại mà người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu
Vụ án có căn cứ không khởi tố vụ án hình sự quy định tại Điều 157 Bộ luật tố tụng hình sự 2015
Có căn cứ tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội quy định tại Điều 16 Bộ luật hình sự
Có căn cứ miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội quy định tại Điều 29 Bộ luật hình sự
Có căn cứ là người dưới 18 tuổi phạm tội và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả,có thể được miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 91 của Bộ luật hình sự
Đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm.
Trong trường hợp đình chỉ điều tra thì bản kết luận điều tra ghi rõ diễn biến sự việc, quá trình điều tra, lý do và căn cứ đình chỉ điều tra.Bản kết luận điều tra phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra kết luận; họ tên, chức vụ và chữ ký của người ra kết luận điều tra.
Quyết định đình chỉ điều tra ghi rõ thời gian, địa điểm ra quyết định, lý do và căn cứ đình chỉ điều tra, việc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, trả lại tài liệu, đồ vật đã tạm giữ (nếu có), việc xử lý vật chứng và các vấn đề khác có liên quan.
7. Kết luận điều tra vụ án hình sự được giao cho ai?
Căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 232 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày ra bản kết luận điều tra vụ án hình sự, Cơ quan điều tra phải giao bản kết luận điều tra cho:
Viện kiểm sát cùng cấp (kèm theo hồ sơ vụ án);
Bị can hoặc người đại diện của bị can;
Ngoài ra, Cơ quan điều tra phải gửi bản kết luận điều tra cho người bào chữa; thông báo cho bị hại, đương sự và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
8. Trường hợp nào thì phải điều tra bổ sung vụ án hình sự
8.1. Trả hồ sơ điều tra bổ sung trước khi xét xử
Căn cứ quy định tại Điều 245 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì Viện kiểm sát ra quyết định trả hồ sơ vụ án, yêu cầu Cơ quan điều tra điều tra bổ sung khi thuộc một trong các trường hợp:
Còn thiếu chứng cứ để chứng minh một trong những vấn đề quy định tại Điều 85 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 mà Viện kiểm sát không thể tự mình bổ sung được;
Có căn cứ khởi tố bị can về một hay nhiều tội phạm khác;
Có người đồng phạm hoặc người phạm tội khác liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố bị can;
Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
8.2. Trả hồ sơ điều tra điều tra bổ sung tại phiên tòa
Theo quy định tại Điều 280 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì:
Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung khi thuộc một trong các trường hợp:
Khi thiếu chứng cứ dùng để chứng minh một trong những vấn đề quy định tại Điều 85 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 mà không thể bổ sung tại phiên tòa được;
Có căn cứ cho rằng ngoài hành vi mà Viện kiểm sát đã truy tố, bị can còn thực hiện hành vi khác mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm;
Có căn cứ cho rằng còn có đồng phạm khác hoặc có người khác thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố vụ án, khởi tố bị can;
Việc khởi tố, điều tra, truy tố vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng.
Viện kiểm sát phát hiện có căn cứ trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì Viện kiểm sát có văn bản đề nghị Tòa án trả hồ sơ.
8.3 Số lần được trả lại hồ sơ vụ án hình sự để điều tra bổ sung
Theo khoản 2 Điều 174 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì:
Viện kiểm sát chỉ được trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung hai lần.
Thẩm phán chủ tọa phiên tòa chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần.
Hội đồng xét xử chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần.
8.4 Thời hạn điều tra bổ sung vụ án hình sự
Thời hạn điều tra bổ sung được quy định tại khoản 2 Điều 174 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 như sau:
Vụ án do Viện kiểm sát trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá 02 tháng;
Vụ án do Tòa án trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá 01 tháng.
Thời hạn điều tra bổ sung tính từ ngày Cơ quan điều tra nhận lại hồ sơ vụ án và yêu cầu điều tra bổ sung.
9. Trường hợp nào thì phục hồi điều tra vụ án hình sự ?
9.1 Căn cứ để phục hồi điều tra vụ án hình sự
Theo quy định tại Điều 235 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Điều 7 Thông tư liên tịch 01/2020/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BNN&PTNT-BTC-BTP thì khi có lý do để hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định tạm đình chỉ điều tra thì Cơ quan điều tra ra quyết định phục hồi điều tra, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nếu việc điều tra bị đình chỉ vì đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc tội phạm đã được đại xá mà bị can không đồng ý và yêu cầu điều tra lại thì Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát cùng cấp ra quyết định phục hồi điều tra.
Đối với vụ án có lý do để hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ điều tra và vẫn còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan có thẩm quyền điều tra ra quyết định phục hồi điều tra theo quy định tại Điều 235 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Đối với vụ án tạm đình chỉ điều tra nhưng đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan có thẩm quyền điều tra trao đổi bằng văn bản với Viện kiểm sát trước khi ra quyết định đình chỉ điều tra mà không phải tra quyết định phục hồi điều tra;
9.2 Gửi Quyết định phục hồi điều tra vụ án hình sự:
Trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày ra quyết định phục hồi điều tra, Cơ quan điều tra phải gửi quyết định này cho Viện kiểm sát cùng cấp, bị can, người bào chữa hoặc người đại diện của bị can; thông báo cho bị hại, đương sự và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
9.3 Thời hạn phục hồi điều tra vụ án hình sự
Trường hợp phục hồi điều tra thì thời hạn điều tra tiếp là
Không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng
Không quá 03 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng
Thời hạn này được tính kể từ khi có quyết định phục hồi điều tra cho đến khi kết thúc điều tra.
Trường hợp cần gia hạn điều tra do tính chất phức tạp của vụ án thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn điều tra, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn điều tra. Việc gia hạn điều tra được quy định như sau:
Tội phạm ít nghiêm trọng: Có thể được gia hạn điều tra một lần không quá 01 tháng;
Tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng: Có thể được gia hạn điều tra một lần không quá 02 tháng;
Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng: Có thể được gia hạn điều tra một lần không quá 03 tháng.
10. Dịch vụ Luật sư chuyên tố tụng hình sự
Trong vụ án hình sự vai trò của Luật sư có ý nghĩa rất quan trọng. Luật sư giúp bảo đảm tính khách quan của việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự, hạn chế được các vi phạm pháp luật có thể xảy ra; góp phần xác định sự thật của vụ án, đảm bảo vụ án được giải quyết khách quan, toàn diện, đúng quy định pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan sai người vô tội.
Nếu bạn đang muốn tìm kiếm một luật sư chuyên tố tụng hình sự và giàu kinh nghiệm thì hãy đến ngay với Công ty Luật Thái An chúng tôi.
Hiện Công ty Luật Thái An đang sở hữu một đội ngũ luật sư chất lượng cao, được đào tạo bài bản, có năng lực chuyên môn vững vàng, có kinh nghiệm tố tụng hình sự dày dặn, đưa đến cho quý khách những giải pháp hoàn hảo nhất.
Luật Thái An rất hân hạnh trở thành đối tác pháp lý đáng tin cậy của quý khách hàng
Luật sư Đàm Thị Lộc: • Thành viên Đoàn Luật sư TP. Hà Nội và Liên đoàn Luật sư Việt Nam • Cử nhân luật Đại học Luật Hà Nội • Lĩnh vực hành nghề chính: * Tư vấn pháp luật: Doanh nghiệp, Đầu tư, Xây dựng, Thương mại, Lao động, Dân sự, Hình sự, Đất đai, Hôn nhân và gia đình * Tố tụng và giải quyết tranh chấp: Kinh doanh thương mại, Đầu tư, Xây dựng, Lao động, Bảo hiểm, Dân sự, Hình sự, Hành chính, Đất đai, Hôn nhân và gia đình
ĐOÀN LUẬT SƯ TP HÀ NỘI - CÔNG TY LUẬT THÁI AN BỀ DẦY TRÊN 15 NĂM KINH NHIỆM TƯ VẤN LUẬT UY TÍN VÀ CHẤT LƯỢNG TẠI VIỆT NAM
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Bề dày 16+ năm kinh nghiệm Tư vấn pháp luật và Giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại, đầu tư, dân sự, hình sự, đất đai, lao động, hôn nhân và gia đình... Công ty Luật Thái An cam kết cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp, bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của Khách hàng.
Để được Giải đáp pháp luật nhanh - Hãy gọi Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 633 725
Để được Tư vấn luật bằng văn bản – Hãy điền Form gửi yêu cầu (phí tư vấn từ 3.000.000 đ)
Để đượcCung cấp Dịch vụ pháp lý trọn gói – Hãy điền Form gửi yêu cầu (Phí dịch vụ tuỳ thuộc tính chất vụ việc)