Khái quát về pháp luật hành chính

Pháp luật hành chính là một ngành luật quan trọng trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Theo đó, pháp luật hành chính cũng có đối tượng điều chỉnh và phương pháp điều chỉnh riêng biệt. Hãy theo dõi bài viết dưới đây của Luật Thái An chúng tôi để biết thêm thông tin chi tiết.

1. Pháp luật hành chính, vai trò của pháp luật hành chính là gì?

Pháp luật hành chính là tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước hay còn gọi là quan hệ chấp hành, điều hành.

Nguồn của pháp luật hành chính là các văn bản pháp quy của nhà nước như Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc Hội, pháp lệnh của Uỷ ban thường vụ Quốc Hội, nghị định của Chính phủ, Quyết định của thủ tướng Chính phủ, thông tư của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ….

Pháp luật hành chính đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc chấp hành, điều hành, bởi pháp luật hành chính quy định:

  • Địa vị pháp lý của cơ quan hành chính nhà nước, trình tự thành lập bãi bỏ các cơ quan hành chính;
  • Xác định các nguyên tắc cơ bản về quản lý hành chính nhà nước và các vấn đề có liên quan đến quản lý hành chính nhà nước;
  • Quy định quyền và nghĩa vụ của công dân trong quản lý hành chính nhà nước, các biện pháp bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân ;
  • Quy định quyền và nghĩa vụ của các tổ chức trong quản lý hành chính nhà nước;
  • Quy định quyền và nghĩa vụ, điều kiện, tiêu chí cán bộ công chức nhà nước,
  • Xác định cơ chế quản lý hành chính trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội.

2. Đối tượng điều chỉnh của pháp luật  hành chính

Pháp luật hành chính có đối tượng điều chỉnh đặc thù riêng, cụ thể là pháp luật hành chính sẽ điều chỉnh các đối tượng như

Thứ nhất, quan hệ giữa cơ quan hành chính cấp trên và cơ quan hành chính cấp dưới theo ngành dọc. Ví dụ như quan hệ giữa Chính phủ và UBND cấp tỉnh, quan hệ giữa UBND cấp tỉnh và UBND cấp huyện…

Thứ hai, quan hệ giữa cơ quan hành chính có thẩm quyền chung và cơ quan hành chính có thẩm quyền chuyên môn. Ví dụ như quan hệ giữa UBND cấp tỉnh và các Sở trực thuộc UBND cấp tỉnh như Sở Tài Chính, Sở Tài nguyên và Môi trường…

Thứ ba, Quan hệ giữa cơ quan hành chính có thẩm quyền chuyên môn cấp trên và cơ quan hành chính có thẩm quyền chuyên môn cấp dưới.Ví dụ như quan hệ giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND cấp tỉnh…

Thứ tư, Quan hệ giữa những cơ quan có thẩm quyền chuyên môn cùng cấp khi cơ quan này có quyền hạn nhất định theo quy định của pháp luật đối với cơ quan kia, trong lĩnh vực quản lý, chuyên môn nhất định. Ví dụ như quan hệ giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với Bộ Tài Chính…

Thứ năm, Quan hệ giữa các cơ quan hành chính Nhà nước với các đơn vị kinh tế

Thứ sáu, Quan hệ giữa các cơ quan hành chính Nhà nước với các tổ chức xã hội

Thứ bảy, Quan hệ giữa các cơ quan hành chính Nhà nước với công dân, người không quốc tịch, người nước ngoài làm ăn, cư trú tại Việt Nam. Ví dụ như quan hệ giữa UBND thành phố Hà Nội và công dân…

pháp luật
Pháp luật hành chính là một bộ phận không thể thiếu của hệ thống pháp luật Việt Nam – Nguồn ảnh minh họa: Internet.

3. Phương pháp điều chỉnh của pháp luật hành chính 

Pháp luật hành chính sử dụng hai phương pháp điều chỉnh, đó là

  • Phương pháp mệnh lệnh hành chính: Phương pháp này được hình thành từ quan hệ mệnh lệnh phục tùng giữa một bên nhân danh nhà nước ra những mệnh lệnh bắt buộc thi hành và một bên có nghĩa vụ phải phục tùng, chẳng hạn như: quan hệ giữa các cơ quan hành chính cấp trên và cấp dưới, giữa các cơ quan hành chính nhà nước và công dân,…
  • Phương pháp phối hợp hoạt động giữa các chủ thể mang quyền lực nhà nước: Theo đó trong quan hệ này tồn tại sự bình đẳng về ý chí của các bên tham gia quan hệ. Chẳng hạn như: trong quan hệ hành chính phối hợp giữa hai cơ quan hành chính để ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên tịch thì các bên trong quan hệ này có tư cách, ý chí bình đẳng với nhau hay còn gọi là quan hệ pháp luật hành chính ngang

4. Pháp luật hành chính có điểm gì khác với các luật khác

4.1 Pháp luật hành chính với Hiến pháp

Luật Hiến pháp có đối tượng điều chỉnh rộng hơn pháp luật hành chính. Theo đó Hiến pháp sẽ điều chỉnh những quan hệ xã hội cơ bản nhất về chính trị, kinh tế, xã hội Còn pháp luật hành chính là sẽ cụ thể hoá những quy định của Hiến pháp trong hoạt động quản lý nhà nước.

4.2 Pháp luật hành chính với luật dân sự

Hai ngành luật này khác nhau về đối tượng điều chỉnh và phương pháp điều chỉnh. Luật dân sự điều chỉnh quan hệ tài sản, quan hệ nhân thân còn pháp luật hành chính điều chỉnh quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình quản lý hành chính nhà nước.

Nếu như luật hành chính dùng phương pháp mệnh lệnh hành chính để điều chỉnh thì luật dân sự lại sử dụng phương pháp điều chỉnh dựa trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, thoả thuận của các bên tham gia quan hệ.

4.2 Pháp luật hành chính với luật hình sự

Luật hình sự quy định về hình phạt và tội phạm.

Pháp luật hành chính quy định hành vi vi phạm quy định pháp luật có tính chất nguy hiểm cho xã hội thấp hơn tội phạm hình sự, quy định thẩm quyền xử phạt, các hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, biện pháp cưỡng chế của nhà nước.

4.3 Pháp luật hành chính với luật lao động

Hai ngành luật này mặc dù đều có những quy định về tuyển dụng, cho thôi việc đối với người lao động nhưng lại ở các góc độ khác nhau.

Luật lao động điều chỉnh quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động, còn pháp luật hành chính lại điều chỉnh việc tổ chức, quản lý quá trình lao động, xác định thẩm quyền của nhà nước trong quan hệ lao động, quy định quy chế phục vụ của cán bộ, công chức, các thủ tục hành chính trong việc tuyển dụng, cho thôi việc, kỷ luật, khen thưởng.

5. Tư vấn pháp luật hành chính 

Qua bài viết trên, chắc hẳn sẽ có nhiều người cảm thấy pháp luật hành chính thật khó hiểu. Nếu vậy, hãy liên hệ ngay với Công ty Luật Thái An chúng tôi để được hỗ trợ, tư vấn pháp luật hành chính.

Đến với Luật Thái An các chuyên gia về luật hành chính luôn sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc của bạn. Đồng thời, còn đưa ra các giải pháp giúp bạn giải quyết những vấn đề của bạn một cách nhanh chóng, hiệu quả, đúng quy định pháp luật.

Gọi ngay Tổng đài tư vấn pháp luật  của Công ty Luật Thái An để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời!

Nguyễn Văn Thanh