Từ khi Việt Nam bước vào giai đoạn cải cách đất đai, pháp luật về đất đai nhà ở đã trở thành một trong những bộ luật quan trọng, quy định về quản lý, sử dụng và phát triển các nguồn lực đất đai trên toàn quốc. Bối cảnh phát triển và lịch sử của luật này liên tục thay đổi để phản ánh đúng tình hình xã hội và nhu cầu của người dân. Pháp luật đất đai và nhà ở gồm có 2 luật riêng: Luật đất đai và các văn bản pháp lý dưới luật (nghị định, thông tư…), Luật nhà ở và các văn bản pháp lý dưới luật (nghị định, thông tư…).
1. Luật đất đai
a. Lịch sử hình thành và phát triển Luật đất đai
Quá trình hình thành, phát triển luật đất đai Việt Nam trải qua rất nhiều thời kỳ và không ngừng được đổi mới, hoàn thiện theo hướng mở rộng quyền năng cho người sử dụng đất, bên cạnh những quyền năng cơ bản, thiết yếu, các quyền lợi khác thiết thực gắn liền với đất cũng được nhà nước ta quan tâm mở rộng để đảm bảo phù hợp với tình hình xã hội và tình hình kinh tế.
Luật Đất đai đầu tiên được ban hành là Luật đất đai năm 1987, tiếp đến là Luật đất đai năm 1993, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 1998, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 2001, Luật đất đai năm 2003 và Luật đất đai năm 2013
Hiện nay, Luật đất đai năm 2013 là Luật đất đai mới nhất, có hiệu lực pháp luật từ ngày 01/7/2014.
Nhìn chung Luật đất đai các thời kỳ đều chứa đựng những quy phạm pháp luật quy định về chế độ sở hữu đất đai, quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, chế độ quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất đối với đất đai thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
b. Vai trò của Luật đất đai
Thứ nhất: Thể chế hóa được các quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đất đai.
Thứ hai: Duy trì và củng cố được chế độ sở hữu đất đai duy nhất là thuộc sở hữu toàn dân. Việc này nhằm giữ vững ổn định chính trị, ổn định trong các quan hệ quản lý và sử dụng đất đai; đồng thời góp phần giữ vững tính định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường nhiều thành phần ở nước ta.
Thứ ba, Luật đã góp phần xác định các mục tiêu kinh tế thông qua việc xác định nguyên tắc và phương pháp xác định giá đất; các quy định về chính sách tài chính về đất đai; các quy định về giao đất có thu tiền sử dụng đất; các quy định về cho thuê đất; thu hồi đất, bồi thường, GPMB…
Thứ tư: Luật tạo ra được mối quan hệ, tương thích gắn bó với các luật khác trong hệ thống pháp luật của Việt Nam như Bộ luật dân sự, Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật khiếu nại, tố cáo…
Thứ năm: Luật góp phần xác lập khung pháp lý vững chắc thống nhất cho các hoạt động, giao dịch liên quan đến đất đai trên cả nước.
c. Nguyên tắc áp dụng Luật đất đai qua các thời kỳ
Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực. Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp quy định của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó.
Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.
Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau.
Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật mới không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra, trước ngày văn bản có hiệu lực thì áp dụng văn bản mới.
Việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật trong nước không được cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật trong nước và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp.
d. Bố cục và những nội dung của Luật đất đai 2013
Luật đất đai năm 2013 bao gồm 14 chương và 212 điều như sau:
Chương 1. Quy định chung (gồm 12 điều, từ Điều 1 đến Điều 12);
Chương 2. Quyền và trách nhiệm của Nhà nước đối với đất đai (gồm 16 điều, từ Điều 13 đến Điều 28);
Chương 3. Địa giới hành chính và điều tra cơ bản về đất đai (gồm 6 điều, từ Điều 29 đến Điều 34);
Chương 4. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (gồm 17 điều, từ Điều 35 đến Điều 51);
Chương 5. Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (gồm 9 điều, từ Điều 52 đến Điều 60);
Chương 6. Thu hồi đất, trưng dụng đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (gồm 34 điều, từ Điều 61 đến Điều 94);
Chương 7. Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gồm 12 điều, từ Điều 95 đến Điều 106);
Chương 8. Tài chính về đất đai, giá đất và đấu giá quyền sử dụng đất (gồm 13 điều, từ Điều 107 đến Điều 119);
Chương 9. Hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai (gồm 5 điều, từ Điều 120 đến Điều 124);
Chương 10. Chế độ sử dụng các loại đất (gồm 42 điều, từ Điều 125 đến Điều 165);
Chương 11. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất (gồm 29 điều, từ Điều 166 đến Điều 194);
Chương 12. Thủ tục hành chính về đất đai (gồm 03 điều, từ Điều 195 đến Điều 197);
Chương 13. Giám sát, thanh tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai (gồm 12 điều, từ Điều 198 đến Điều 209);
Chương 14. Điều Khoản thi hành (gồm 3 điều, từ Điều 210 đến Điều 212).
e. Một vài điểm mới quan trọng của Luật đất đai 2013
Luật Đất đao 2013 đã có những điểm mới quan trọng sau:
Luật đã cụ thể hóa quyền và trách nhiệm Nhà nước, những bảo đảm của Nhà nước đối với người sử dụng đất; trách nhiệm của Nhà nước trong việc cung cấp thông tin đất đai cho người dân, trách nhiệm của Nhà nước đối với người trực tiếp sản xuất nông nghiệp, các quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất.
Hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai đối với khu vực nông nghiệp nhằm tạo điều kiện đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn theo hướng nâng thời hạn giao đất nông nghiệp trong hạn mức đối với hộ gia đình, cá nhân lên 50 năm thống nhất cho các loại đất nông nghiệp; mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân; khuyến khích nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất để tập trung đất đai; quy định chặt chẽ chế độ quản lý, sử dụng đất trồng lúa, đất có rừng nhằm đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực quốc gia và bảo vệ môi trường…
Hoàn thiện quy định về điều tra, đánh giá đất đai nhằm khắc phục bất cập chỉ mới quan tâm về điều tra số lượng đất, chưa quan tâm đến vấn đề chất lượng đất. Quy định cụ thể mối quan hệ giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với quy hoạch, kế hoạch của các ngành, lĩnh vực, của địa phương;
Tăng cường hơn việc vận hành các quan hệ đất đai theo cơ chế thị trường thông qua các quy định thu hẹp các trường hợp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất, chuyển cơ bản sang áp dụng hình thức thuê đất; thực hiện cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất khi giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất; thực hiện định giá đất theo nguyên tắc phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; quy định cụ thể về cơ quan xây dựng, cơ quan thẩm định giá đất và tư vấn xác định giá đất.
Hoàn thiện cơ chế nhằm phát huy nguồn lực từ đất đai thông qua quy định Nhà nước chủ động thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất; lập Quỹ phát triển đất, tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất; mở rộng các đối tượng thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê.
Công khai, minh bạch và dân chủ trong quản lý, sử dụng đất, góp phần phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và làm giảm các khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai.
Thiết lập sự bình đẳng trong việc tiếp cận đất đai, thực hiện quyền và nghĩa vụ sử dụng đất giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với yêu cầu hội nhập và thu hút đầu tư.
Quy định cụ thể trách nhiệm của Nhà nước về đất ở, đất sản xuất nông nghiệp đối với đồng bào dân tộc thiểu số; bổ sung quy định chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số…
Quy định cụ thể các nội dung liên quan đến quyền và lợi ích của người sử dụng đất như thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
2. Pháp luật nhà ở
Nhà ở là một trong những tài sản quan trọng, giá trị lớn, có liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế-xã hội và liên quan đến nhiều chủ thể. Để có cơ sở pháp lý điều chỉnh toàn diện các vấn đề về nhà ở, ngày 25 /11/2014 Quốc hội đã thông qua Luật Nhà ở, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2015. Trong bài viết này, Công ty Luật Thái An sẽ giới thiệu đến Quý bạn đọc một số nội dung nổi bật của Luật Nhà ở 2014.
a. Sự phát triển của pháp luật nhà ở
Pháp luật nhà ở phát triển qua nhiều thời kỳ khác nhau. Theo đó, có thể kể đến các quy định pháp luật quan trọng điều chỉnh vấn đề ở là:
Pháp lệnh nhà ở năm 1991, có hiệu lực từ ngày 1/7/1991, hết hiệu lực ngày 01/07/1996;
Luật nhà ở năm 2005, có hiệu lực từ ngày 01/07/2006, hết hiệu lực ngày 01/07/2015;
Luật nhà ở năm 2014, có hiệu lực từ ngày 01/07/2015 và vẫn đang còn hiệu lực thi hành
b. Bố cục của Luật nhà ở hiện hành
Luật Nhà ở 2014 hiện hành gồm có 13 Chương với 183 Điều, tăng 4 Chương và 30 Điều so với Luật Nhà ở 2005. Luật Nhà ở 2014. Cụ thể:
Chương I: Những quy định chung
Chương II: Sở hữu nhà ở
Chương III: Phát triển nhà ở
Chương IV: Chính sách về nhà ở xã hội
Chương V: Tài chính cho phát triển nhà ở
Chương VI: Quản lý và sử dụng nhà ở
Chương VII: Quản lý, sử dụng nhà chung cư
Chương VIII: Giao dịch về nhà ở
Chương IX: Quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài
Chương X: Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về nhà ở
Chương XI: Quản lý Nhà nước về Nhà ở
Chương XII: Giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về nhà ở
Chương XII: Điều khoản thi hành.
So với Luật nhà ở năm 2005 thì Luật nhà ở đã bổ sung thêm 04 Chương mới gồm:
Chương IV: Chính sách về nhà ở xã hội
Chương V: Tài chính cho phát triển nhà ở
Chương VII: Quản lý, sử dụng nhà chung cư
Chương X: Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về nhà ở
c. Nội dung của Luật nhà ở năm 2014
Luật Nhà ở 2014 đã điều chỉnh hầu hết các vấn đề liên quan đến lĩnh vực nhà ở từ phát triển nhà ở, sở hữu nhà ở, quản lý, sử dụng nhà ở, giao dịch về nhà ở, sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài, quản lý nhà nước về nhà ở và việc xử lý vi phạm các vấn đề về nhà ở. Một vài nội dung nổi bật của Luật nhà ở 2014 có thể kể đến như:
Thu hẹp phạm vi điều chỉnh của Luật nhà ở: Luật nhà ở 2014 chỉ điều chỉnh việc sở hữu, phát triển, quản lý, sử dụng; giao dịch; quản lý nhà nước về nhà ở tại Việt Nam. Đối với giao dịch mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở thương mại của các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản thì thực hiện theo Luật kinh doanh bất động sản 2014. (Điều 1 Luật nhà ở 2014)
Mở rộng đối tượng áp dụng: Đối tượng áp dụng Luật nhà ở 2014 bao gồm tổ chức, cá nhân và cả hộ gia đình có liên quan đến sở hữu, phát triển, quản lý, sử dụng, giao dịch, quản lý nhà nước về nhà ở. (Điều 2 Luật nhà ở 2014)
Làm rõ các thuật ngữ: Làm rõ các thuật ngữ như Nhà ở riêng lẻ, Nhà chung cư, Nhà ở thương mại, Nhà ở công vụ, Nhà ở xã hội, Dự án đầu tư xây dựng nhà ở, Phát triển nhà ở, Cải tạo nhà ở, Bảo trì nhà ở , Chủ sở hữu nhà ở, Chủ sở hữu nhà chung cư …
Về sở hữu nhà ở: Luật nhà ở năm 2014 quy định có 03 đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam gồm: Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước; người Việt Nam định cư ở nước ngoài; tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Điều kiện được công nhận sở hữu nhà ở tại Việt Nam: Tổ chức, cá nhân phải có các điều kiện sau:
Đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước được sở hữu nhà ở thông qua hình thức đầu tư xây dựng, mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở và các hình thức khác theo quy định của pháp luật;
Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam và sở hữu nhà thông qua hình thức mua, thuê mua nhà ở thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản; mua, nhận tặng cho, nhận đổi, nhận thừa kế nhà ở của hộ gia đình, cá nhân; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật;
Đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài thì phải có đủ điều kiện quy định tại Điều 160 của Luật nhà ở và sở hữu nhà thông qua các hình thức quy định tại khoản 2 Điều 159 của Luật nhà ở…
Người nước ngoài được sở hữu không quá 250 căn nhà: Luật Nhà ở 2014 cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Nhưng có một số hạn chế, như:
Được sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa chung cư; nếu là nhà ở riêng lẻ thì trên một khu vực có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường chỉ được sở hữu không quá 250 căn nhà.
Được sở hữu nhà ở tối đa không quá 50 năm, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận và có thể được gia hạn, nếu có nhu cầu.
Tổ chức được sở hữu nhà ở theo thỏa thuận trong các giao dịch hợp đồng mua bán, thuê mua, tặng cho, nhận thừa kế nhà ở nhưng tối đa không vượt quá thời hạn ghi trong Giấy chứng nhận đầu tư.
Thêm nhiều đối tượng được hỗ trợ về nhà ở xã hội: Luật Nhà ở 2014 bổ sung thêm một số đối tượng được hỗ trợ về nhà ở xã hội bên cạnh các đối tượng được quy định tại Luật cũ. Các đối tượng mới bao gồm:
Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị;
Các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ
Học sinh, sinh viên các học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề; học sinh trường dân tộc nội trú công lập được sử dụng nhà ở trong thời gian học tập.
Điều kiện để được hưởng chính sách nhà ở xã hội: Theo Điều 49 Luật nhà ở, các đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội gồm 10 đối tượng khác nhau. Tuy nhiên việc được hưởng hay không còn cần điều kiện kèm theo. Cụ thể:
Các đối tượng chưa có nhà ở.
Chưa được hưởng bất cứ chính sách nào của nhà nước hay các cơ quan tổ chức về nhà ở.
Các đối tượng được hưởng phải có hộ khẩu thường trú tại địa bàn có nhà ở xã hội. Đồng thời phải có giấy đăng ký tạm trú, tạm vắng trong thời hạn từ 1 năm trở lên tại khu vực đó.
Với những người thuộc diện có thu nhập thấp cần phải chứng minh không đủ khả năng nộp thuế thu nhập cá nhân.
Quy định về bán lại nhà ở xã hội: Bên thuê mua, bên mua nhà ở xã hội không được bán lại nhà ở trong thời hạn tối thiểu là 05 năm, kể từ thời điểm thanh toán hết tiền thuê mua, tiền mua nhà ở.
Trường hợp trong thời hạn 05 năm mà có nhu cầu bán nhà ở này thì chỉ được bán lại cho đơn vị quản lý nhà ở xã hội đó hoặc bán cho đối tượng thuộc diện được mua nhà ở xã hội nếu đơn vị này không mua với giá bán tối đa bằng giá bán nhà ở xã hội cùng loại tại cùng địa điểm, thời điểm bán và không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở:
Trường hợp mua bán nhà ở và trường hợp thuê mua nhà ở thì thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở là kể từ thời điểm bên mua, bên thuê mua đã thanh toán đủ tiền mua, tiền thuê mua và đã nhận bàn giao nhà ở, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Trường hợp góp vốn, tặng cho, đổi nhà ở thì thời điểm chuyển quyền sở hữu là kể từ thời điểm bên nhận góp vốn, bên nhận tặng cho, bên nhận đổi nhận bàn giao nhà ở từ bên góp vốn, bên tặng cho, bên đổi nhà ở.
Trường hợp mua bán nhà ở giữa chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở với người mua thì thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở là thời điểm bên mua nhận bàn giao nhà ở hoặc thời điểm bên mua thanh toán đủ tiền mua nhà ở cho chủ đầu tư. Đối với nhà ở thương mại mua của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thì thời điểm chuyển quyền sở hữu được thực hiện theo quy định của luật kinh doanh bất động sản.
Trường hợp thừa kế nhà ở thì thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở được thực hiện theo quy định của luật thừa kế đất đai.
Chưa có Sổ đỏ, người mua nhà ở xã hội chỉ phải trả trước 95%
Người mua nhà ở xã hội ứng trước một khoản tiền nhất định theo thỏa thuận, phù hợp với tỷ lệ hoàn thành xây dựng và tiến độ thực hiện dự án nhưng tổng số tiền ứng trước không quá 70% giá trị của nhà ở đến trước khi bàn giao nhà.
Nếu chưa được cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở, số tiền ứng trước không được vượt quá 95% giá trị của nhà.
Những giao dịch về nhà ở không bắt buộc có Sổ đỏ
Có 6 trường hợp giao dịch về nhà ở không bắt buộc phải có Sổ đỏ, gồm:
Mua bán, thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai;
Tổ chức thực hiện tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương;
Mua bán, thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; mua bán, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở để phục vụ tái định cư không thuộc sở hữu nhà nước; bán nhà ở quy định tại khoản 4 Điều 62 của Luật này;
Cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở;
Nhận thừa kế nhà ở;
Chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại được xây dựng trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở bao gồm cả trường hợp đã nhận bàn giao nhà ở từ chủ đầu tư nhưng chưa nộp hồ sơ đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở đó.
Quy định về ban quản trị nhà chung cư
Nếu khu chung cư có một hoặc nhiều chủ sở hữu nhưng tổng số các căn hộ không vượt quá 20 thì không bắt buộc phải lập ban quản trị (có thể có hoặc không tùy nhu cầu).
Ban quản trị chung cư bắt buộc phải được thành lập nếu tổng số căn hộ từ 20 trở lên. Vai trò của ban quản trị chính là nhắc nhở, đôn đốc cư dân đảm bảo thực hiện đúng nội quy….
3. Dịch vụ tư vấn các vấn đề liên quan đến pháp luật đất đai, nhà ở
Thông qua việc tìm hiểu những quy định về pháp luật đất đai nhà ở chắc hẳn chúng ta đều nhận thấy đất đai là một tài sản lớn, quan trọng đối với mỗi cá nhân, tổ chức. Điều này dẫn đến thực trạng hiện nay các tranh chấp, kiện tụng liên quan đến đất đai xảy ra ngày một nhiều. Những tranh chấp này chủ yếu là các mẫu thuẫn về lợi ích kinh tế, quyền và nghĩa vụ của mỗi chủ thể trong quan hệ đất đai. Cá biệt có những vụ tranh chấp đất đai có thể dẫn đến các vụ án hình sự, các vụ án mang màu sắc chính trị, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội.
Bên cạnh những tranh chấp về đất đai thì những thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai cũng khá phức tạp, đòi hỏi nhiều giấy tờ, tài liệu và trải qua rất nhiều các bước khác nhau.
Chính vì vậy, để giúp Quý khách hàng giải quyết những tranh chấp đất đai, thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai một cách nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm tiền bạc, Công ty Luật Thái An chúng tôi sẽ cung cấp cho Quý khách hàng rất nhiều dịch vụ tư vấn liên quan đến pháp luật Luật đất đai. Quý khách hàng có thể tham khảo các dịch vụ sau đây của chúng tôi.
Đến với chúng tôi, mọi vấn đề vướng mắc, mọi tranh chấp liên quan đến Luật đất đai nhà ở sẽ được giải đáp, tư vấn, hỗ trợ kịp thời.
Tiến sỹ luật học, Luật sư Nguyễn Văn Thanh là thành viên Đoàn Luật sư TP. Hà Nội và Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Lĩnh vực hành nghề chính: * Tư vấn pháp luật: Doanh nghiệp, Đầu tư, Xây dựng, Thương mại, Lao động, Dân sự, Hình sự, Đất đai, Hôn nhân và gia đình * Tố tụng và giải quyết tranh chấp: Kinh doanh thương mại, Đầu tư, Xây dựng, Lao động, Bảo hiểm, Dân sự, Hình sự, Hành chính, Đất đai, Hôn nhân và gia đình
Bài viết mới nhất của Nguyễn Văn Thanh (Xem tất cả)
ĐOÀN LUẬT SƯ TP HÀ NỘI - CÔNG TY LUẬT THÁI AN BỀ DẦY TRÊN 15 NĂM KINH NHIỆM TƯ VẤN LUẬT UY TÍN VÀ CHẤT LƯỢNG TẠI VIỆT NAM
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Bề dày 16+ năm kinh nghiệm Tư vấn pháp luật và Giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại, đầu tư, dân sự, hình sự, đất đai, lao động, hôn nhân và gia đình... Công ty Luật Thái An cam kết cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp, bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của Khách hàng.
Để được Giải đáp pháp luật nhanh - Hãy gọi Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 633 725
Để được Tư vấn luật bằng văn bản – Hãy điền Form gửi yêu cầu (phí tư vấn từ 3.000.000 đ)
Để đượcCung cấp Dịch vụ pháp lý trọn gói – Hãy điền Form gửi yêu cầu (Phí dịch vụ tuỳ thuộc tính chất vụ việc)