Khởi kiện vụ án hành chính: Những điều cơ bản nhất!

Khởi kiện hành chính / khởi kiện vụ án hành chính là các cơ quan, tổ chức, cơ quan nhà nước, cá nhân yêu cầu tòa án xử lý những quyết định, hành vi do các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhà nước thực hiện khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Trong bài viết sau, chúng tôi sẽ trình bầy những quy định cơ bản nhất:

1. Đối tượng khởi kiện vụ án hành chính

Điều 30, luật tố tụng hành chính năm 2015 quy định các đối tượng kiện hành chính như sau:

  • Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, trừ các quyết định, hành vi sau đây:
    • Quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo quy định của pháp luật;
    • Quyết định, hành vi của Tòa án trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính, xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng;
    • Quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức.
  • Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ Tổng Cục trưởng và tương đương trở xuống.
  • Khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước.Khiếu kiện danh sách cử tri.
đối tượng kiện hành chính
Các đối tượng khởi kiện vụ án hành chính – ảnh minh hoạ: Luật Thái An

2. Ai có thể khởi kiện hành chính

Theo khoản 8 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính 2015 (bổ sung bởi Luật Kiểm toán nhà nước sửa đổi 2019), người khởi kiện là cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi tố tụng hành chính quy định tại Điều 54 Luật Tố tụng hành chính 2015:

  • Người từ đủ mười tám tuổi trở lên có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng hành chính, trừ người mất năng lực hành vi dân sự hoặc pháp luật có quy định khác. Đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì năng lực hành vi tố tụng hành chính của họ được xác định theo quyết định của Tòa án.
  • Đương sự là cơ quan, tổ chức thực hiện quyền, nghĩa vụ trong tố tụng hành chính thông qua người đại diện theo pháp luật.

3. Khi nào có thể khởi kiện vụ án hành chính ?

Căn cứ Điều 115 Luật Tố tụng hành chính 2015, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện vụ án hành chính trong các trường hợp sau:

  • Khiếu kiện ngay sau khi có quyết định hành chính, hành vi hành chính xâm hại đến quyền và lợi ích của mình, quyết định kỷ luật buộc thôi việc.
  • Khiếu kiện sau khi đã khiếu nại lần 01 với người có thẩm quyền giải quyết, nhưng hết thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật mà khiếu nại không được giải quyết.
  • Khiếu kiện sau khi đã khiếu nại lần 02 người có thẩm quyền giải quyết, nhưng hết thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật mà khiếu nại không được giải quyết.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện vụ án đối với quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước trong trường hợp không đồng ý với quyết định đó.

Cá nhân có quyền khởi kiện vụ án về danh sách cử tri trong trường hợp đã khiếu nại với cơ quan có thẩm quyền giải quyết, nhưng hết thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật mà khiếu nại không được giải quyết hoặc đã được giải quyết, nhưng không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại đó.

4. Thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính của Tòa án các cấp

a. Thẩm quyền của Tòa án cấp huyện

Điều 31 Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định Tòa án cấp huyện giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện sau đây:

  • Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước đó, trừ quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
  • Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc của người đứng đầu cơ quan, tổ chức từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án đối với công chức thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức đó.
  • Khiếu kiện danh sách cử tri của cơ quan lập danh sách cử tri trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án.

b. Thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh

Điều 32 Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định Tòa án cấp tỉnh giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện sau đây:

  • Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán nhà nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và quyết định hành chính, hành vi hành chính của người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án;
  • Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan thuộc một trong các cơ quan nhà nước quy định nêu trên và quyết định hành chính, hành vi hành chính của người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án;
  • Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước cấp tỉnh trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án và của người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước đó.
  • Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án.
  • Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan đại diện của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án;
  • Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc của người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp tỉnh, bộ, ngành trung ương mà người khởi kiện có nơi làm việc khi bị kỷ luật trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án.
  • Khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án.
  • Trường hợp cần thiết, Tòa án cấp tỉnh có thể lấy lên giải quyết vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp huyện theo quy định tại Điều 31 Luật Tố tụng hành chính 2015.

5. Thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính

Thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính quy định tại Điều 116 Luật Tố tụng hành chính 2015, theo đó:

  • 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc;
  • 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước;
  • Từ ngày nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri hoặc kết thúc thời hạn giải quyết khiếu nại mà không nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri đến trước ngày bầu cử 05 ngày.

Trường hợp đương sự khiếu nại theo đúng quy định của pháp luật đến cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thì thời hiệu khởi kiện được quy định như sau:

  • 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quyết định giải quyết khiếu nại lần hai;
  • 01 năm kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật mà cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền không giải quyết và không có văn bản trả lời cho người khiếu nại.

Trường hợp vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác làm cho người khởi kiện không khởi kiện được trong thời hạn quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 116 Luật Tố tụng hành chính 2015 thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác không tính vào thời hiệu.

Các quy định của Bộ luật dân sự về cách xác định thời hạn, thời hiệu được áp dụng trong tố tụng hành chính.

6. Thủ tục khởi kiện vụ án hành chính

Theo Điều 117 Luật Tố tụng hành chính 2015, thủ tục khởi kiện vụ án hành chính quy định như sau:

6.1 Nộp đơn khởi kiện vụ án hành chính

Khi kiện vụ án hành chính thì cơ quan, tổ chức, cá nhân phải làm đơn khởi kiện theo quy định tại Điều 118 Luật Tố tụng hành chính 2015. Đơn khởi kiện phải có các nội dung chính theo Điều 118 Luật Tố tụng hành chính 2015, bao gồm:

    • Ngày, tháng, năm làm đơn;
    • Tòa án được yêu cầu giải quyết vụ án hành chính;
    • Tên, địa chỉ; số điện thoại, số fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
    • Nội dung quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước, nội dung giải quyết khiếu nại về danh sách cử tri hoặc tóm tắt diễn biến của hành vi hành chính;
    • Nội dung quyết định giải quyết khiếu nại (nếu có);
    • Yêu cầu đề nghị Tòa án giải quyết;
    • Cam đoan về việc không đồng thời khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.

Kèm theo đơn phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm.

Trường hợp vì lý do khách quan mà người khởi kiện không thể nộp đầy đủ các tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện thì họ phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm.

Các tài liệu, chứng cứ khác, người khiếu kiện phải tự mình bổ sung hoặc bổ sung theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án.

Đơn khởi kiện hành chính
Đơn khởi kiện phải có các nội dung chính theo Điều 118 Luật Tố tụng hành chính 2015 – Nguồn: Luật Thái An

Đơn khởi kiện vụ án hành chính có thể gửi bằng một trong các phương thức sau:

  • Nộp trực tiếp tại Tòa án;
  • Gửi qua dịch vụ bưu chính;
  • Gửi trực tiếp qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án.

Sau khi nhận đơn khởi kiện, nếu thấy đơn khởi kiện không có đủ nội dung quy định thì Thẩm phán thông báo bằng văn bản và nêu rõ các vẫn đề cần sửa đổi, bổ sung cho người khởi kiện để sửa đổi, bổ sung trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày người khởi kiện nhận được thông báo của Tòa án.

Tòa án cũng có thể trả lại đơn khởi kiện nếu nhận thấy hồ sơ khởi kiện không thỏa mãn các yêu cầu của pháp luật. Người khởi kiện có quyền khiếu nại việc trả lại đơn nếu thấy các căn cứ trả lại đơn của Tòa án không hợp lý.

6.2 Thụ lý vụ án hành chính

Sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, xét thấy thuộc thẩm quyền giải quyết cuả Tòa án, Thẩm phán phải thông báo cho người khởi kiện biết để họ nộp tiền tạm ứng án phí.

Thời hạn nộp tiền tạm ứng án phí là 10 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo nộp tiền tạm ứng án phí, đồng thời, người khởi kiện phải nộp biên lai cho Tòa án.

Ngày thụ lý vụ án là ngày người khởi kiện nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí. Trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí thì ngày thụ lý vụ án là ngày Thẩm phán thông báo cho người khởi kiện biết việc thụ lý vụ án.

6.3 Chuẩn bị xét xử vụ án hành chính

Thời hạn chuẩn bị xét xử các vụ án, trừ vụ án xét xử theo thủ tục rút gọn, vụ án có yếu tố nước ngoài và vụ án khiếu kiện về danh sách cử tri được quy định như sau:

  • 04 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án đối với trường hợp kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc;
  • 02 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án đối với trường hợp kiện quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh;
  • Đối với vụ án phức tạp hoặc có trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử một lần, nhưng không quá 02 tháng đối với kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, không quá 01 tháng đối với kiện quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.

Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán sẽ lập hồ sơ vụ án, yêu cầu đương sự nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ, văn bản ghi ý kiến; yêu cầu người khởi kiện nộp bản sao tài liệu, chứng cứ, xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ, tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại. Thẩm phán có thể quyết định việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời. 

Kết thúc giai đoạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán ra một trong các quyết định sau đây:

  • Đưa vụ án ra xét xử;
  • Tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án;
  • Đình chỉ việc giải quyết vụ án.

6.4 Xét xử sơ thẩm vụ án hành chính

Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn mở phiên tòa có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày.

Hội đồng xét xử phải trực tiếp xác định những tình tiết của vụ án tại phiên tòa bằng cách hỏi và nghe trình bày, tranh luận trực tiếp về tình tiết, chứng cứ của vụ án của người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và những người tham gia tố tụng khác, cơ quan, tổ chức được mời tham dự phiên tòa, nghe Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát.

Hội đồng xét xử thảo luận và thông qua bản án tại phòng nghị án. Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử tuyên bản án sơ thẩm.

7. Luật sư hỗ trợ khởi kiện vụ án hành chính

Luật sư hỗ trợ khởi kiện vụ án hành chính là một khía cạnh quan trọng trong hệ thống pháp luật hiện đại, đóng vai trò cần thiết trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Khi một cá nhân hoặc tổ chức cảm thấy quyền lợi của mình bị xâm phạm bởi quyết định của cơ quan nhà nước, họ có quyền khởi kiện vụ án hành chính để đòi lại công bằng.

Trong quá trình này, luật sư đóng vai trò như một trung gian giữa người khởi kiện và cơ quan tư pháp. Luật sư không chỉ giúp khách hàng hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật mà còn hỗ trợ trong việc soạn thảo đơn kiện, tài liệu và chuẩn bị cho quá trình tố tụng.

Để thực hiện điều này, luật sư cần có kiến thức sâu rộng về luật hành chính, cũng như kỹ năng thương lượng, giải quyết vấn đề và thuyết phục. Họ phải biết cách thu thập và phân tích thông tin, chứng cứ liên quan đến vụ án, đồng thời phải hiểu rõ về quy trình tố tụng hành chính.

Quan trọng nhất, luật sư phải giữ vững nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp, đặt lợi ích của khách hàng lên hàng đầu và bảo vệ quyền lợi của họ trong suốt quá trình tố tụng. Họ cũng cần phải luôn cập nhật với các thay đổi trong luật pháp để đảm bảo rằng họ cung cấp dịch vụ pháp lý chính xác và hiệu quả nhất.

Sự hỗ trợ của luật sư nói chung, của Công ty Luật Thái An nói riêng trong khởi kiện vụ án hành chính là điều không thể thiếu, giúp đảm bảo quyền công dân được tôn trọng và bảo vệ trong khuôn khổ pháp luật. Họ giữ vai trò quan trọng trong việc củng cố lòng tin của công chúng vào công lý và hệ thống pháp luật.

Nguyễn Văn Thanh