7 chế tài thương mại bạn cần biết

Khi giao kết, soạn thảo hợp đồng thương mại với bạn hàng và đối tác, bạn có thể cân nhắc đưa vào hợp đồng một hoặc vài chế tài thương mại như dưới đây để đảm bảo là hợp đồng sẽ được thực hiện một cách ổn thỏa nhất.

Một hợp đồng thương mại kín kẽ và chặt chẽ với các chế tài thương mại sẽ giúp giảm khả năng phát sinh tranh chấp hợp đồng. Trường hợp nếu tranh chấp xảy ra và hai bên đưa vụ việc ra tòa án hay trọng tài để giải quyết thì tòa án và trọng tài cũng có thể áp dụng một trong các chế tài dưới đây để xử lý đối với bên vi phạm hợp đồng.

1. Chế tài thương mại là gì?

Chế tài thương mại được hiểu là những biện pháp pháp lý bất lợi được áp dụng đối với người có hành vi vi phạm pháp luật thương mại khi họ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, thực hiện không đầy đủ các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng thương mại.

Ví dụ về chế tài thương mại như: Khi thực hiện hợp đồng mua bán hàng hoá, vì bên bán không thực hiện đúng việc giao hàng trong khoảng thời gian như đã thoả thuận nên bên mua có quyền áp dụng các chế tài như phạt vi phạm, buộc bồi thường thiệt hại, tạm ngừng thực hiện hợp đồng….

Vậy có bao nhiêu loại chế tài trong thương mại ? Có 6 chế tài và đó là:

  • Buộc thực hiện đúng hợp đồng: Bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm thực hiện đúng hợp đồng hoặc dùng các biện pháp khác để hợp đồng được thực hiện và bên vi phạm phải chịu chi phí phát sinh (Chi tiết có tại BÀI VIẾT NÀY)
  • Phạt vi phạm: Bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thoả thuận (Chi tiết có tại BÀI VIẾT NÀY)
  • Buộc bồi thường thiệt hại: Bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm (Chi tiết có tại BÀI VIẾT NÀY)
  • Tạm ngừng thực hiện hợp đồng: Một bên tạm thời không thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng khi ảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để tạm ngừng thực hiện hợp đồng, hoặc khi một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng (Chi tiết có tại BÀI VIẾT NÀY)
  • Đình chỉ thực hiện hợp đồng: Một bên chấm dứt thực hiện nghĩa vụ hợp đồng khi xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để đình chỉ hợp đồng; hoặc khi một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng (Chi tiết có tại BÀI VIẾT NÀY)
  • Hủy bỏ hợp đồng: Bãi bỏ hoàn toàn việc thực hiện tất cả các nghĩa vụ hợp đồng đối với toàn bộ hợp đồng (Chi tiết có tại BÀI VIẾT NÀY)

Ngoài ra, còn có thể áp dụng các biện pháp khác do các bên thoả thuận không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và tập quán thương mại quốc tế.

Các quy định về các loại chế tài trong thương mại được thể hiện tại Chương VII (từ Điều 292 đến Điều 316) Luật Thương mại 2005.

2. Vai trò của chế tài thương mại

Các chế tài thương mại là rất quan trọng vì nó đem lại nhiều lợi ích cho tất cả các bên:

a. Chế tài thương mại bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong hợp đồng 

Khi tham gia hợp đồng thương mại các bên đều hướng tới những lợi ích nhất định. Hành vi vi phạm hợp đồng của một bên có thể xâm phạm tới quyền và lợi ích hợp pháp của bên kia. Các chế tài thương mại sẽ giúp bảo vệ lợi ích của bên bị vi phạm.

Song song với đó các chế tài thương mại cũng bảo vệ lợi ích của bên vi phạm. Ví dụ như bên vi phạm chỉ phải chịu bồi thường thiệt hại thực tế mà bên bị vi phạm phải gánh chịu do hành vi vi phạm gây ra. Bên yêu cầu bồi thường phải có nghĩa vụ chứng minh thiệt hại và phải thực hiện các biện pháp để hạn chế thiệt hại, không được đòi bồi thường vượt quá thiệt hại.

b. Chế tài thương mại ngăn ngừa và hạn chế vi phạm hợp đồng, nâng cao kỷ luật thực hiện hợp đồng của các bên

Thông qua các chế tài thương mại, pháp luật bắt bên vi phạm phải gánh chịu những hậu quả pháp lý bất lợi. Điều này giúp các bên trong hợp đồng phải tôn trọng pháp luật, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong hợp đồng.

Chế tài thương mại áp dụng với các hành vi vi phạm hợp đồng để răn đe các bên trong hợp đồng. Nếu không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ sẽ phải gánh chịu những hậu quả pháp lý bất lợi. Điều này cũng giúp phòng ngừa các hành vi vi phạm hợp đồng, nâng cao kỷ luật hợp đồng.

c. Các chế tài thương mại góp phần giáo dục pháp luật cho các bên trong hợp đồng

Bên vi phạm hợp đồng bị áp dụng các chế tài thương mại không những có thể mất đi những lợi ích vật chất mà còn có thể giảm sút uy tín trong kinh doanh. Để hạn chế điều này, các bên trong hợp đồng bắt buộc phải thực hiện đúng hợp đồng để không bị áp dụng các chế tài thương mại. Qua đó, nâng cao tinh thần, ý thức, trách nhiệm tuân thủ các quy định trong hợp đồng cũng như các quy định pháp luật.

Chế tài thương mại
Các loại chế tài cần phải biết trong thương mại- Nguồn: Luật Thái An

3. Trường hợp nào được miễn trách nhiệm và không áp dụng chế tài thương mại?

Trong quá trình thực hiện hợp đồng, không phải lúc nào bên vi phạm hợp đồng cũng phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm hợp đồng mà có thể được miễn trách nhiệm trong một số trường hợp nhất định.

Miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm hợp đồng tức là bên vi phạm hợp đồng không bị áp dụng các chế tài thương mại do vi phạm hợp đồng mà pháp luật quy định (điều 294 Luật Thương mại 2005). Bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong các trường hợp sau:

  • Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận. Các bên có thể thoả thuận các trường hợp miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng trong hợp đồng.

>>> Xem thêm: Các trường hợp miễn trách nhiệm

  • Xảy ra sự kiện bất khả kháng. Đây là những sự kiện xảy ra sau khi ký kết hợp đồng, nằm ngoài ý chí, tầm kiểm soát của các bên trong hợp đồng.

>>> Xem thêm: Các trường hợp bất khả kháng

  • Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia. Trường hợp này thể hiện tính công bằng trong hoạt động kinh doanh. Khi một bên làm cho bên kia vi phạm hợp đồng thì không thể viện dẫn việc vi phạm này để buộc bên kia phải chịu trách nhiệm.
  • Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.

4. Khi thuộc trường hợp miễn trách nhiệm thì bên vi phạm cần phải làm gì?

Theo quy định tại  Điều 294, Điều 295 Luật thương mại năm 2005 thì bên vi phạm hợp đồng có nghĩa vụ chứng minh các trường hợp miễn trách nhiệm và thông báo ngay bằng văn bản cho bên kia về trường hợp miễn trách nhiệm và các hậu quả có thể xảy ra.

Khi trường hợp miễn trách nhiệm chấm dứt, bên vi phạm hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết. Nếu bên vi phạm không thông báo hoặc thông báo không kịp thời cho bên kia thì phải bồi thường thiệt hại.

Bên vi phạm hợp đồng có nghĩa vụ chứng minh các trường hợp miễn trách nhiệm. Cụ thể là bên vi phạm phải đưa ra các bằng chứng chứng minh mình thuộc các trường hợp được miễn trách nhiệm như nêu ở trên.

 

KẾT LUẬN:

Có thể thấy là việc áp dụng chế tài nào, khi nào và như thế nào là điều không đơn giản. Việc áp dụng không đúng có thể đưa đến những hậu quả pháp lý nặng nề.

Luật sư tư vấn về các chế tài thương mại đóng vai trò quan trọng trong việc giúp doanh nghiệp và cá nhân hiểu rõ và tuân thủ quy định pháp luật liên quan đến hoạt động thương mại. Họ cung cấp lời khuyên, thông tin và giải pháp pháp lý cho một loạt các vấn đề như hợp đồng thương mại, tranh chấp thương mại, quyền sở hữu trí tuệ, hoạt động xuất nhập khẩu, và các chế độ thuế liên quan đến thương mại.

Sự hiểu biết sâu rộng về pháp luật và kinh nghiệm thực tiễn giúp luật sư có khả năng định hình chiến lược kinh doanh, phòng ngừa rủi ro và giải quyết các khó khăn một cách hiệu quả. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu và sự phức tạp của hệ thống pháp luật hiện nay, việc sở hữu một đội ngũ luật sư chuyên nghiệp và có hiểu biết về chế tài thương mại là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp đứng vững trước những thách thức và cơ hội.

Công ty Luật Thái An cung cấp dịch vụ soạn thảo hợp đồng đáng tin cậy, có thể hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp!

Nguyễn Văn Thanh