Sự kiện bất khả kháng: Điều khoản quan trọng trong hợp đồng

Trong cuộc sống có rất nhiều tình huống bất khả kháng hoặc sự kiện bất khả kháng mà không thể lường trước. Đó là những tình huống bất lợi như thiên tai, địch họa, dịch bệnh, thay đổi chính sách….

Khi những tình huống đó xẩy ra thì một hoặc các bên trong hợp đồng có thể không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình. Vậy nếu không được dự liệu trước trong hợp đồng thì sẽ rất khó khăn cho các bên khi giải quyết tranh chấp. Lúc này, hậu quả pháp lí sẽ là vấn đề mà các bên phải xem xét.

Chúng tôi sẽ tư vấn về vấn đề này tới bạn đọc trong bài viết dưới đây.


1. Sự kiện bất khả kháng là gì?

Để trả lời câu hỏi “Sự kiện bất khả kháng là gì?”, chúng tôi xin viện dẫn quy định của pháp luật. Điều 156 Bộ Luật Dân sự 2015 đưa ra định nghĩa bất khả kháng như sau:

“Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.”

Theo đó, có 3 điểm để xác định sự kiện bất khả kháng đó là:

  • Sự kiện khách quan
  • Sự kiện không thể lường trước được
  • Hậu quả không thể khắc phục được mặc dù các bên trong hợp đồng đã áp dụng mọi khả năng cần thiết và khả năng cho phép.

2. Sự kiện bất khả kháng trong hợp đồng

Trong hợp đồng, việc xác định có phải là sự kiện bất khả kháng hay không là rất quan trọng. Do nếu một bên vi phạm hợp đồng trong trường hợp bất khả kháng thì được miễn trừ trách nhiệm. Khoản 2 điều 351 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Tuy nhiên, để được coi là sự kiện bất khả kháng trong hợp đồng thì phải đáp ứng những điều kiện (điều kiện bất khả kháng). Sự kiện bất khả kháng là căn cứ miễn trách nhiệm hợp đồng khi thỏa mãn các điều kiện:

  • Thoả mãn các điều kiện như đã nêu trên của Bộ luật dân sự
  • Các bên thoả thuận trong hợp đồng mà không trái luật
  • Là nguyên nhân dẫn đến sự vi phạm hợp đồng.

Sau đây là một số sự kiện bất khả kháng trong hợp đồng:

  • Những hiện tượng do thiên nhiên gây ra (thiên tai) như lũ lụt, hỏa hoạn, bão, động đất, sóng thần,…
  • Những hiện tượng xã hội như chiến tranh, bạo loạn, đảo chính, đình công, cấm vận, thay đổi chính sách của Chính phủ,…
  • Những sự kiện xảy ra do các bên thỏa thuận trong hợp đồng là sự kiện bất khả kháng như: thiếu nguyên liệu, mất điện, lỗi mạng vi tính, bên cung cấp chậm trễ giao hàng,…
Bão, lũ là trường hợp bất khả kháng
Bão, lũ là trường hợp bất khả kháng – Nguồn ảnh minh họa: Internet

Hiện nay, pháp luật quy định về các sự kiện bất khả kháng còn chung chung chưa bao quát được các trường hợp trong thực tế, do đó, khi soạn thảo bất kỳ loại hợp đồng cũng cần có điều khoản thỏa thuận rõ ràng về các trường hợp bất khả kháng và nghĩa vụ của các bên vi phạm khi có sự kiện bất khả kháng xảy ra từ hợp đồng uỷ quyền, hợp đồng thuê nhà, …. đến các loại hợp đồng như: hợp đồng mua bán hàng hoá, hợp đồng cung cấp dịch vụ, hợp đồng hợp tác, hợp đồng kinh doanh thương mại ….

Quy định về sự kiện bất khả kháng thể hiện tính nhân văn và sự bình đẳng của pháp luật trong việc đảm bảo quyền lợi của các bên trong hợp đồng. 

3. Hệ quả khi xảy ra sự kiện bất khả kháng

Trường hợp có sự vi phạm hợp đồng do sự kiện bất khả kháng thì bên vi phạm hợp đồng bởi sự kiện bất khả kháng được;

  • Miễn trách nhiệm nếu nghĩa vụ không được thực hiện, không được thực hiện đầy đủ hoặc không được thực hiện đúng như hợp đồng 

>>> Xem thêm: Miễn trừ trách nhiệm pháp lý

  • Kéo dài thời hạn thực hiện hợp đồng nếu việc thực hiện hợp đồng bị chậm trễ.

Theo nguyên tắc chung, khi một bên vi phạm hợp đồng do sự kiện bất khả kháng thì họ có trách nhiệm thông báo cho bên còn lại biết về các trường hợp bất khả kháng này. Bên vi phạm cần gửi thông báo bằng văn bản (với các hình thức như fax, telegraph, email, điện tín, thư bảo đảm,…) đến bên kia về sự kiện bất khả kháng trong thời hạn hợp đồng hoặc luật áp dụng quy định nếu không có quy định, nhằm đảm bảo lợi ích của cả hai bên, bên vi phạm cần gửi.

4. Vai trò của việc xây dựng điều khoản bất khả kháng trong hợp đồng

Vai trò quan trọng nhất của việc soạn thảo điều khoản bất khả kháng trong hợp đồng chính là ở chỗ sẽ giúp cho các bên hợp đồng lường trước được các trường hợp miễn trách nhiệm nếu có vi phạm từ nghĩa vụ hợp đồng. Theo quy định của pháp luật thì việc miễn trách nhiệm này được áp dụng nếu các bên đã có thỏa thuận trong hợp đồng về điều khoản bất khả kháng.

Bởi vậy, khi soạn thảo chủ thể cần lường trước được các trường hợp bất khả kháng có thể nảy sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng và phải có những thỏa thuận rõ ràng về các trường hợp bất khả kháng để hạn chế việc bên vi phạm lợi dụng bất khả kháng để thoái thác trách nhiệm dẫn đến thiệt hại cho bên bị vi phạm do sự kiện đó gây ra.

Sự kiện bất khả kháng, tình huống bất khả kháng thể hiện tính nhân văn sự bình đẳng của pháp luật trong việc đảm bảo quyền lợi của các bên trong hợp đồng.

Điều khoản bất khả kháng trong hợp đồng là để bảo vệ các bên trong những trường hợp bất thường không lường trước được
Điều khoản bất khả kháng trong hợp đồng là để bảo vệ các bên trong những trường hợp bất thường không lường trước được – Nguồn ảnh minh họa: Internet

5. Phương pháp xây dựng điều khoản bất khả kháng trong hợp đồng

Để hạn chế các tranh chấp xảy ra liên quan đến việc xác định trường hợp được xem là bất khả kháng thì khi soạn thảo hợp đồng, các bên cần có các quy định về sự kiện bất khả kháng và về nghĩa vụ thông báo của bên vi phạm khi có sự kiện bất khả kháng xảy ra.

Khi soạn thảo hợp đồng, các bên có thể lựa chọn việc xây dựng các điều khoản về sự kiện bất khả kháng theo phương pháp sau:

a. Phương pháp trừu tượng hóa (phương pháp định nghĩa)

Theo phương pháp này, các bên sẽ đưa ra một định nghĩa khái quát về sự kiện bất khả kháng. Phương pháp này là mang tính khái quát, tránh bỏ sót những trường hợp được xem là bất khả kháng nhưng lại mang tính trừu tượng, khó áp dụng, dễ phát sinh tranh chấp.

Ví dụ: “Trường hợp một bên không thể thực hiện được nghĩa vụ trong hợp đồng này do sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra sau thời điểm ký kết hợp đồng này, mà các bên không có khả năng dự đoán, kiểm soát và ngăn chặn, sẽ được miễn trách nhiệm do không thực hiện nghĩa vụ…

b. Phương pháp liệt kê

Các bên sẽ liệt kê trong điều khoản bất khả kháng một loạt các sự kiện cho phép bên bị ảnh hưởng bởi sự kiện bất khả kháng sẽ được miễn trách nhiệm hoặc kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng.

Ví dụ: “Một bên không thể thực hiện được nghĩa vụ được quy định trong hợp đồng này do sự kiện bất khả kháng bao gồm: mưa bão, lũ, lốc xoáy, chiến tranh, dịch bệnh…xảy ra sau thời điểm ký kết hợp đồng này sẽ được miễn trách nhiệm do không thực hiện nghĩa vụ..”.

c. Phương pháp tổng hợp

Đây là phương pháp kết hợp cả hai phương pháp trên, vừa đưa ra định nghĩa, vừa liệt kê các trường hợp được xem là sự kiện bất khả kháng. Theo đó, phương pháp này khắc phục được nhược điểm của hai phương pháp trên và được sử dụng rộng rãi trong hợp đồng.

Hiện nay, pháp luật còn quy định chung chung mà chưa có những quy định, hướng dẫn cụ thể trong việc xác định các trường hợp bất khả kháng trong hợp đồng. Bởi vậy, các chủ thể tham gia soạn thảo, ký kết hợp đồng cần ghi nhận một cách rõ ràng những vấn đề liên quan đến trường hợp bất khả kháng để hạn chế tối đa các tranh chấp dân sự do vấn đề này gây ra.

6. Khuyến nghị khi soạn thảo và ký kết hợp đồng

Trong quá trình soạn thảo và ký kết hợp đồng, việc đảm bảo mọi điều khoản đều rõ ràng và hợp lý là tiêu chí hàng đầu để giảm thiểu rủi ro và tranh chấp sau này.

a. Cách để phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro liên quan đến Bất khả kháng:

Trước hết, khi nhắc đến Bất khả kháng, các bên nên định rõ và mô tả chi tiết những sự kiện hoặc tình huống nào được xem xét là Bất khả kháng. Điều này giúp giảm bớt khả năng tranh cãi về việc một sự kiện cụ thể có phải là Bất khả kháng hay không.

Thêm vào đó, hợp đồng nên chứa các điều khoản xử lý tình huống khi Bất khả kháng xảy ra, như việc gia hạn thời gian thực hiện nghĩa vụ, hoặc quy định về việc chấm dứt hợp đồng trong trường hợp Bất khả kháng kéo dài.

b. Mẹo và gợi ý cho việc thương lượng và soạn thảo điều khoản hợp đồng:

Khi thương lượng và soạn thảo, luôn cần đặt mình vào vị trí của đối tác để đảm bảo rằng mọi điều khoản đều công bằng và cân xứng. Nên sử dụng ngôn ngữ rõ ràng, tránh sử dụng các thuật ngữ mơ hồ hoặc đa nghĩa. Đối với những điểm mà các bên chưa đạt được thỏa thuận, hãy đặt ra các giải pháp thay thế hoặc phương án dự phòng. Việc này không chỉ giúp hợp đồng trở nên linh hoạt hơn mà còn thể hiện tinh thần hợp tác và sẵn lòng tìm kiếm giải pháp tốt nhất cho cả hai bên.

Qua đó, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và hiểu biết rõ ràng về các điều khoản, việc soạn thảo và ký kết hợp đồng sẽ trở nên thuận lợi và hiệu quả hơn, giảm thiểu rủi ro và bất đồng trong tương lai.

 

Công ty Luật Thái An có đội ngũ luật sư chuyên sâu về tư vấn soạn thảo hợp đồng sẽ giúp bạn có được hợp đồng kín kẽ và đảm bảo cho giao dịch thành công! Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn!

Nguyễn Văn Thanh