Pháp luật lao động: Những nội dung cơ bản nhất!

Trong thế giới hội nhập và phát triển không ngừng nghỉ, việc hiểu rõ ràng về pháp luật lao động không chỉ là nền tảng vững chắc cho sự phát triển của doanh nghiệp mà còn là bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Ở Việt Nam, nơi có nền kinh tế đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ, việc tìm hiểu sâu rộng về các quy luật pháp luật lao động trở nên cần thiết và thiết yếu hơn bao giờ hết. Cùng tìm hiểu các vấn đề pháp lý liên quan đến nội dung này sau đây:

1. Bộ luật lao động là gì?

Luật lao động là một ngành luật độc lập trong hệ thống pháp luật Việt Nam, bao gồm tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ lao động giữa người lao động làm công ăn lương và người sử dụng lao động thuê mướn có trả công lao động và những quan hệ xã hội khác có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động.

Bộ luật này bao gồm các quy định về việc làm, hợp đồng lao động, thời gian làm việc, nghỉ yên, tiền lương, an toàn lao động, bảo hiểm xã hội, quản lý lao động, và các vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ lao động.

Ở mỗi quốc gia, Bộ luật lao động có thể được cập nhật và sửa đổi theo thời gian để phản ánh những thay đổi trong kinh tế – xã hội, tiến bộ công nghệ, cũng như các chuẩn mực quốc tế về lao động mà quốc gia gia đó đã cam kết kết thúc.

Ở Việt Nam, Bộ luật lao động nền tảng pháp lý cho quản lý nhà nước về lao động, quan hệ lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn và bảo vệ lao động, và giải quyết tranh chấp lao động . Bộ luật này nhằm mục đích đảm bảo quyền lợi của người lao động cũng như tạo điều kiện cho sự phát triển của các doanh nghiệp, qua đó góp phần vào sự ổn định và phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia.

2. Lịch sử phát triển pháp luật lao động Việt Nam

Kế thừa và phát triển pháp luật lao động của nước ta từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay, Bộ Luật Lao động đã thể chế hoá đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam và cụ thể hoá các quy định của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 về lao động, về sử dụng và quản lý lao động.

Từ năm 1994 đến nay, trải qua 25 năm, Bộ luật lao động Việt Nam qua các thời kì đã không ngừng phát triển và tiến tới hoàn thiện các quy định nhằm đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của cả người lao động và người sử dụng lao động. Cụ thể như sau

  • Bộ luật lao động 1994 được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá IX, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 23/6/1994, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/1995, trên cơ sở kế thừa và phát triển pháp luật lao động của nước ta từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay. Đây là lần đầu tiên nước ta có Bộ luật hoàn chỉnh để thể chế hoá quan điểm, đường lối đổi mới, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng. Bộ luật này gồm Lời nói đầu, 17 chương và 198 điều. Qua các lần sửa đổi, bổ sung vào các năm 2002, 2006 đã lên tới 223 Điều, được bố cục trong 17 Chương, Bộ Luật lao động 1994 đã điều chỉnh các quan hệ lao động và các quan hệ xã hội có liên quan trực tiếp với quan hệ lao động phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước qua từng thời kỳ.
  • Bộ Luật lao động 2012 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 18/6/2012 và có hiệu lực thi hành kể từ 01/5/2013, gồm có 17 chương và 242 điều.
  • Bộ luật lao động năm 2019: Ngày 20/11/2019, Quốc hội đã thông qua Bộ Luật lao động 2019 với 90,06% đại biểu Quốc hội tán thành. Bộ Luật lao động 2019 ra đời nhằm bổ sung những quy định còn thiếu sót của Bộ Luật lao động 2012 cũng như để kịp thời cập nhật tình hình phát triển sôi động của đất nước.

3. Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật lao động Việt Nam

Pháp luật lao động Việt Nam có các nguyên tắc sau:

  • Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, người làm việc không có quan hệ lao động; khuyến khích những thỏa thuận bảo đảm cho người lao động có điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động.
  • Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động, quản lý lao động đúng pháp luật, dân chủ, công bằng, văn minh và nâng cao trách nhiệm xã hội.;
  • Kết hợp hài hoà giữa chính sách kinh tế và chính sách xã hội;
  • Tôn trọng và nghiêm chỉnh tuân thủ những quy phạm pháp luật lao động quốc tế đã phê chuẩn.
  •  Nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa
  • Nguyên tắc tự do lao động, tự do việc làm và tuyển dụng lao động

4. Đối tượng áp dụng của Bộ luật lao động:

  • Người lao động, người học nghề, người tập nghề và người làm việc không có quan hệ lao động.
  • Người sử dụng lao động.
  • Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
  • Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động.

Theo đó, có thể thấy Bộ luật lao động năm 2012 chỉ quy định các vấn đề có liên quan đến mối quan hệ lao động giữa người lao động (“NLĐ”) và người sử dụng lao động (“NSDLĐ”). Trong khi đó, Bộ luật lao động 2019 quy định thêm một đối tượng áp dụng nữa, đó là “người làm việc không có quan hệ lao động”.

Đối tượng áp dụng của Bộ luật lao động
Đối tượng áp dụng của Bộ luật lao động năm 2019 – Nguồn: Luật Thái An:

5. Bố cục của Bộ luật lao động năm 2019

Bộ luật Lao động năm 2019 gồm 17 chương, 220 điều, đã có nhiều sửa đổi, bổ sung lớn, quan trọng, mang tính lịch sử, đáp ứng các yêu cầu mới của việc quản trị thị trường lao động và những yêu cầu mới trong bối cảnh hội nhập quốc tế một cách sâu rộng. Cụ thể như sau:

  • Chương I. Những quy định chung, gồm 8 điều (từ Điều 1 đến Điều 8).
  • Chương II. Việc làm, tuyển dụng và quản lý lao động, gồm 4 điều (từ Điều 9 đến Điều 12).
  • Chương III. Hợp đồng lao động, gồm 46 điều (từ Điều 13 đến Điều 57).
  • Chương IV. Giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề, gồm 4 điều (từ Điều 59 đến Điều 62).
  • Chương V. Đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể, gồm 27 điều (từ Điều 63 đến Điều 89).
  • Chương VI. Tiền lương, gồm 15 điều (từ Điều 90 đến Điều 104).
  • Chương VII. Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, gồm 12 điều (từ Điều 105 đến Điều 116).
  • Chương VIII. Kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất, gồm 15 điều (từ Điều 117 đến Điều 131).
  • Chương IX. An toàn, vệ sinh lao động, gồm 3 điều (từ Điều 132 đến Điều 134).
  • Chương X. Những quy định riêng đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới, gồm 8 điều (từ Điều 135 đến Điều 142).
  • Chương XI. Những quy định riêng đối với lao động chưa thành niên và một số lao động khác, gồm 25 Điều (từ Điều 143 đến Điều 167).
  • Chương XII. Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, gồm 02 điều (Điều 168 và Điều 169).
  • Chương XIII. Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, gồm 9 điều (từ Điều 170 đến Điều 178).
  • Chương XIV. Giải quyết tranh chấp lao động, gồm 33 điều (từ Điều 179 đến Điều 211).
  • Chương XV. Quản lý Nhà nước về lao động, gồm 02 Điều (Điều 212 và Điều 213).
  • Chương XVI. Thanh tra lao động, xử lý vi phạm pháp luật về lao động, gồm 4 điều (từ Điều 214 đến Điều 217).
  • Chương XVII. Điều khoản thi hành, gồm 3 Điều (từ Điều 218 đến Điều 220).

6. Một số quy định đáng chú ý của Bộ luật lao động năm 2019

Bộ luật lao động năm 2019 của Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, đã đánh dấu một số thay đổi quan trọng so với các phiên bản trước đây. Những thay đổi này nhằm mục tiêu hiện đại hóa môi trường lao động, bảo vệ quyền lợi người lao động, và đáp ứng các tiêu chuẩn lao động quốc tế. Dưới đây là các nội dung chính đáng chú ý của Bộ luật này:

6.1. Quy định về hợp đồng lao động

Các loại hợp đồng lao động: Hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại sau đây:

  • Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng;
  • Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng

Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng:

  • Người lao động có quyền đòi hỏi một môi trường làm việc an toàn, có quyền nghỉ ngơi, và đặc biệt là quyền nhận lương đúng hạn và đủ số. Họ cũng có trách nhiệm thực hiện công việc theo đúng mô tả công việc và tuân thủ nội quy lao động của công ty.
  • Ngược lại, người sử dụng lao động phải cung cấp công việc theo đúng hợp đồng, đảm bảo điều kiện làm việc an toàn, và trả lương theo đúng thỏa thuận. Họ cũng có quyền yêu cầu người lao động thực hiện đúng công việc và có thể chấm dứt hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật trong trường hợp cần thiết.

Điều kiện và thủ tục chấm dứt hợp đồng:

Chấm dứt hợp đồng lao động là quy trình phức tạp và phải tuân thủ nghiêm ngặt theo pháp luật. Có nhiều lý do hợp pháp cho việc chấm dứt hợp đồng, bao gồm: hết hạn hợp đồng, hoàn thành công việc, thỏa thuận giữa hai bên, không đạt yêu cầu của thử việc, hoặc vi phạm các điều khoản của hợp đồng lao động. Trong mọi trường hợp, quyền lợi của người lao động như trợ cấp thất nghiệp, bảo hiểm,

Bộ luật Lao động 2019 quy định nhiều điểm thay đổi quan trọng về hợp đồng lao động, cụ thể:

  • Tăng tính nhận diện các quan hệ lao động diễn ra trên thực tế.
  • Chấp nhận hợp đồng lao động được thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu.
  • Không còn loại Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định.
  • Không áp dụng thử việc đối với hợp đồng lao động dưới 01 tháng.
  • Thêm 02 trường hợp tạm hoãn hợp đồng lao động.
  • Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần lý do.
  • Bổ sung quy định về những trường hợp được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần báo trước.
  • 02 trường hợp người sử dụng lao động (NSDLĐ) có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng không cần báo trước.
  • Quy định hợp lý về thời gian giải quyết và trách nhiệm của 2 bên khi chấm dứt hợp đồng lao động.
  • Về nội dung bắt buộc phải có trong hợp đồng lao động, hiện nay chỉ yêu cầu phải có Tên và địa chỉ người sử dụng lao động hoặc của người đại diện hợp pháp, từ ngày 01/01/2021, yêu cầu phải có “Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động”.

6.2. Quy định về thời gian làm việc và nghỉ ngơi

Bộ luật lao động qua các thời kỳ đều quy định cụ thể về các nội dung như: Thời gian làm việc tiêu chuẩn; Các loại ngày nghỉ (Nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, nghỉ bù,…), vấn đề tăng ca và quy định về làm thêm giờ…

Bộ luật lao động năm 2019 có một số điểm mới về thời gian làm việc và nghỉ ngơi như sau:

  • Quy định chi tiết về việc NSDLĐ phải thông báo cho người lao động biết về thời giờ làm việc.
  • Không còn quy định cố định thời giờ làm việc không quá 06 giờ trong 01 ngày đối với những người làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
  • Thời gian làm thêm giờ không quá 40 giờ/tháng (hiện hành là không quá 30 giờ/tháng).
  • Thêm nhiều trường hợp NSDLĐ được sử dụng người lao động làm thêm không quá 300 giờ trong 01 năm.
  • Không giới hạn số giờ làm thêm trong trường hợp đặc biệt.
  • Người lao động có thể từ chối làm thêm giờ trong trường hợp đặc biệt nếu công việc đó có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người lao động.
  • Người lao động sẽ có 2 ngày nghỉ lễ Quốc khánh 02/9 (hiện hành 01 ngày nghỉ).
  • Thêm nhiều trường hợp người lao động được nghỉ việc riêng, hưởng nguyên lương.
  • Người lao độngcao tuổi được thỏa thuận với NSDLĐ về việc rút ngắn thời giờ làm việc (hiện hành do NSDLĐ quyết định).
  • Lao động nữ làm công việc nặng nhọc khi mang thai có thể được giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày (Hiện hành, lao động nữ làm công việc nặng nhọc khi mang thai từ tháng thứ 07 thì mới được chuyển làm công việc nhẹ hơn hoặc được giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà vẫn hưởng đủ lương).
  • NSDLĐ có trách nhiệm quy định lịch nghỉ hằng năm của người lao động (hiện tại không quy định đây là trách nhiệm của NSDLĐ).
  • Thêm nhiều công việc đặc biệt được quy định thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi riêng.

6.3. Quy định về tiền lương và phúc lợi

Bộ luật lao động
Các yếu tố tạo nên chế định về tiền lương và phụ cấp trong bộ luật lao động – Nguồn: Luật Thái An

Bộ luật lao động năm 2019 tiếp tục quy định về vấn đề tiền lương và phúc lợi theo các yếu tố:

  • Cấu trúc và mức tiền lương tối thiểu
  • Phụ cấp, khen thưởng và các loại phúc lợi khác
  • Quy định về thời hạn và hình thức thanh toán tiền lương

Trong đó, Bộ luật lao động năm 2019 có một số điểm mới như sau:

  • NSDLĐ không được ép người lao động dùng lương mua hàng hóa, dịch vụ của mình/đơn vị khác.
  • NSDLĐ phải thông báo bảng kê trả lương cho người lao động vào mỗi lần trả lương.
  • Quy định mới về lãi suất khi tính tiền đền bù do chậm trả lương cho người lao động.
  • NSDLĐ phải chịu chi phí mở tài khoản cho người lao động nếu trả lương qua ngân hàng.
  • Quy định cụ thể Tiền lương ngừng việc khi người lao động phải ngừng việc vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của NSDLĐ hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế.
  • Thêm nhiều trường hợp người lao động được nghỉ việc riêng và hưởng nguyên lương.
  • Người lao động được nghỉ 2 ngày dịp Quốc khánh 2/9 và hưởng nguyên lương.
  • Người lao động có thể nghỉ việc ngay không cần báo trước nếu không được trả lương đúng hạn.
  • Lao động nữ làm công việc nặng nhọc khi mang thai có thể được giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày và hưởng nguyên lương.

6.4. Quy định về giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề

  • Quy định Nhà nước có chính sách khuyến khích NSDLĐ có đủ điều kiện đào tạo nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề cho người lao động đang làm việc cho mình và người lao đông khác trong xã hi nhằm thúc đẩy, tăng cường chất lượng đào tạo, giáo dục nghề nghiệp.
  • Quy định rõ về các hình thức hoạt động của NSDLĐ trong giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề.
  • Bổ sung khái niệm học nghề, tập nghề để nhận diện và phân biệt rõ hơn về các trường hợp học nghề, tập nghề; bổ sung quy định về thời gian học nghề, thời hạn tập nghề; quy định rõ độ tuổi học nghề, tập nghề.

6.5. Quy định về lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới, lao động đặc thù

  • Hoàn thiện các quy định về bảo vệ thai sản, bảo đảm và tạo điều kiện để NLĐ nữ thực hiện quyền của mình; hạn chế tối đa các quy định cấm.
  • Bảo đảm bình đẳng giới: Quy định chính sách của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền bình đẳng của lao động nữ, lao động nam, thực hiện các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới và phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Sửa đổi một số quy định áp dụng chung cho cả lao động nam và lao động nữ, như: NSDLĐ có trách nhiệm giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho NLĐ.
  • Ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới: Áp dụng với trường hợp hợp đồng lao động hết hạn trong thời gian lao động nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
  • Sửa đổi một số các quy định liên quan đến lao động đặc thù như:  Lao động chưa thành niên, Người lao động cao tuổi, Lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, Lao động là người khuyết tật

6.6. Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp

  • Đối tượng tham gia bảo hiểm: Quy định mới về bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động có hợp đồng từ 1 tháng trở lên.
  • Quyền lợi bảo hiểm: Cải tiến quy định về bảo hiểm doanh nghiệp, mở rộng quyền lợi và điều kiện bảo hiểm.
  • Trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc đóng bảo hiểm cho người lao động

Xem thêm: Khi nào doanh nghiệp phải đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên?

6.7. Quy định về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp

Bộ luật lao động năm 2019 tiếp tục quy định một cách cụ thể, chi tiết các nội dung liên quan đến việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động gồm:

  • Các tiêu chuẩn an toàn lao động
  • Trách nhiệm của doanh nghiệp trong công việc đảm bảo an toàn
  • Các biện pháp phòng tránh và quản lý rủi ro nghề nghiệp

Trong đó, Bộ luật lao động năm 2019 tăng cường các quy định về an toàn lao động, bảo vệ sinh lao động và sức khỏe nghề nghiệp và nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong công việc đảm bảo môi trường làm việc an toàn và lành mạnh.

6.8. Giải quyết tranh chấp lao động

Cũng như các Bộ luật lao động trước đây, Bộ luật lao động năm 2019 cũng tập trung quy định các nội dung liên quan đến việc giải quyết tranh chấp lao động gồm:

  • Các loại tranh chấp lao động
  • Các hình thức giải quyết tranh chấp
  • Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động
  • Quyền và nghĩa vụ của các bên trong giải quyết tranh chấp lao động
  • Quy định về đình công
  • Vai trò của các tổ chức đại diện và các cơ quan, tổ chức khác trong giải quyết tranh chấp
pháp luật lao động
Các nội dung liên quan đến việc giải quyết tranh chấp lao động quy định trong pháp luật lao động – Nguồn: Luật Thái An

Một số điểm mới của Bộ luật lao động năm 2019 liên quan đến tranh chấp lao động đó là:

  • Điểm mới trong Khái niệm và các loại tranh chấp lao động.
  • Số lượng trọng tài viên lao động của Hội đồng trọng tài lao động ít nhất là 15 người (Hiện hành quy định “Số lượng thành viên Hội đồng trọng tài lao động là số lẻ và không quá 07 người).
  • Hội đồng trọng có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân.
  • Các tranh chấp lao động cá nhân không bắt buộc phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết .
  • Điểm mới trong quy định về Giải quyết tranh chấp lao động cá nhân của Hội đồng trọng tài lao động.
  • Điểm mới về thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân tại Hội đồng trọng tài lao động.
  • Điểm mới về thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền.
  • Điểm mới về thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền.
  • Các trường hợp người lao động có quyền đình công.
  • Quy định mới về các trường hợp đình công bất hợp pháp.

6.9. Quy định mới về vấn đề nghỉ hưu của người lao động

  • Tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình.
  • Thay đổi điều kiện hưởng lương hưu.
  • Thêm quy định mới về chính sách hưởng lương hưu.

Xem thêm:Tuổi nghỉ hưu từ năm 2021 theo quy định của pháp luật

Xem thêm:Người lao động tiếp tục làm việc khi nghỉ hưu có được không?

6.10. Quy định mới về kỷ luật lao động

  • Thay đổi trong khái niệm “kỷ luật lao động”.
  •  NSDLĐ phải ban hành nội quy lao động (Hiện hành chỉ quy định “NSDLĐ sử dụng từ 10 NLĐ trở lên phải có nội quy lao động bằng văn bản).
  •  Một số quy định mới về những nội dung chủ yếu trong nội quy lao động.
  •  Luật hóa nội dung “sử dụng dưới 10 lao động không phải đăng ký nội quy lao động”.
  •  Khi xử lý kỷ luật với người lao động chưa đủ 15 tuổi thì phải có sự tham gia của người đại diện theo pháp luật (BLLĐ 2012 quy định trường hợp là người dưới 18 tuổi thì phải có sự tham gia của cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật).
  • Khi hết thời gian không được xử lý kỷ luật mà trường hợp còn thời hiệu nhưng không đủ 60 ngày sẽ được kéo dài thời hiệu (hiện hành phải xử lý ngay,không được kéo dài)
  • Thêm trường hợp NSDLĐ được sa thải người lao động là trường hợp “NLĐ có hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động”.
  • Một số điểm mới trong quy định về các hành vi bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động.

6.11.  Nội dung về thanh tra, xử lý vi phạm

Quy định mới về quyền của Thanh tra lao động: Khi thanh tra đột xuất theo quyết định của người có thẩm quyền trong trường hợp khẩn cấp có nguy cơ đe dọa an toàn, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người lao động tại nơi làm việc thì không cần báo trước.

7. Kết luận

Pháp luật lao động không chỉ là khung pháp lý thiết lập nền móng cho môi trường làm việc chuyên nghiệp và công bằng mà còn là cơ sở quan trọng để bảo vệ quyền lợi của người lao động và xây dựng một thị trường lao động ổn định, phát triển bền vững.

Những nội dung cơ bản nhất của luật lao động tại Việt Nam được thực hiện qua Bộ luật lao động 2019 đã mang lại những cải thiện đáng kể từ việc tăng cường quyền lợi cho người lao động, khuyến khích sự hoạt động trong hợp đồng lao động, đến việc đảm bảo an toàn và sức khỏe nơi làm việc. Qua việc nắm bắt và hiểu sâu sắc những điểm cốt lõi này, cả người sử dụng lao động và người lao động có thể tạo ra môi trường làm việc tốt hơn, từ đó đóng góp vào việc hoàn thiện nền kinh tế và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Nguyễn Văn Thanh