Lao động cao tuổi sử dụng sao cho hợp pháp?

Gần đây trên thị trường lao động ở nước ta có sự xuất hiện của rất nhiều người lao động cao tuổi. Bởi chất lượng cuộc sống ngày càng nâng lên, nhiều người cao tuổi vẫn còn sức khỏe và khả năng để làm những công việc phù hợp vừa giúp tinh thần vui vẻ, vừa mang lại thu nhập cho bản thân, gia đình. Theo đó, pháp luật cũng có những quy định dành riêng cho người lao động cao tuổi. Bài viết dưới đây, Công ty Luật Thái An sẽ thông tin chi tiết về các quy định pháp luật này.

1. Đối tượng nào được coi là Người lao động cao tuổi?

Điều 2 Luật người cao tuổi năm 2009 quy định Người cao tuổi là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên.

Đồng thời tại khoản 1 Điều 148 Bộ luật lao động năm 2019 quy định: Người lao động cao tuổi là người tiếp tục lao động sau độ tuổi nghỉ hưu. 

Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ (Căn cứ khoản 2 Điều 169 Bộ luật lao động năm 2019).

2. Đặc trưng của người lao động cao tuổi

Thứ nhất: Người lao động cao tuổi thường có hạn chế về sức khỏe do tuổi cao. Sau một thời gian lao động, cùng với quy luật sinh học tự nhiên của con người, người lao động cao tuổi xuất hiện những biểu hiện của sự suy giảm các chức năng tâm sinh lý và chức năng làm việc, các phản xạ chậm hơn và có phần kém đi. Vì vậy, người lao động cao tuổi cần cân nhắc lựa chọn công việc với phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình.

Thứ hai: Người lao động cao tuổi có thể bị hạn chế về khả năng ghi nhớ, tập trung, khó tiếp cận những kiến thức và công nghệ tiên tiến, hiện đại.Tuy nhiên, họ lại có ưu điểm là nhiều kinh nghiệm, sự thận trọng và trách nhiệm với công việc.

Thứ ba: Người lao động cao tuổi thường phù hợp với các loại công việc đòi hỏi kinh nghiệm, trình độ khoa học kỹ thuật hay trình độ quản lý, không phù hợp với các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

3. Các chế độ làm việc của người lao động cao tuổi là gì?

3.1 Hợp đồng lao động với người lao động cao tuổi

Khoản 1 Điều 20 Bộ luật lao động năm 2019, có 02 loại hợp đồng lao động mà người lao động và người sử dụng lao động có thể lựa chọn đó là:

  • Hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
  • Hợp đồng lao động xác định thời hạn (không quá 36 tháng).

Thông thường chỉ được ký hợp đồng lao động xác định thời hạn tối đa 02 lần. Nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

Tuy nhiên, đối với trường hợp người lao động cao tuổi thì khoản 1 Điều 149 Bộ luật lao động năm 2019 đã nêu rõ: Khi sử dụng người lao động cao tuổi, hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn.

Như vậy, khi sử dụng lao động cao tuổi, người sử dụng lao động có thể thỏa thuận ký nhiều lần hợp đồng lao động có thời hạn hoặc ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn tùy thuộc vào nhu cầu của các bên.

>>> Xem thêm: Những điều cần biết khi ký Hợp đồng lao động

3.2 Thời gian làm việc của người lao động cao tuổi

Người lao động cao tuổi có quyền thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày hoặc áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian (căn cứ khoản 2 Điều 148 Bộ luật lao động năm 2019). Như vậy, so với người lao động thông thường, người lao động cao tuổi sẽ được làm việc trong thời gian ngắn hơn nếu thoả thuận được với người sử dụng lao động. 

Người lao động cao tuổi
Người lao động cao tuổi tiếp tục làm việc khi nghỉ hưu – Nguồn ảnh minh họa: Internet

3.3 Thời giờ làm thêm của người lao động cao tuổi

Bộ luật lao động năm 2019 không có quy định nào hạn chế việc sử dụng lao động cao tuổi làm thêm giờ. Tuy nhiên, khi sử dụng những người này làm thêm giờ, người sử dụng lao động cũng cần đáp ứng các điều kiện tại khoản 2 Điều 107 Bộ luật lao động năm 2019. Cụ thể

  • Phải được sự đồng ý của người lao động;
  • Bảo đảm số giờ làm thêm không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày; trường hợp áp dụng thời giờ làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ/ngày; không quá 40 giờ/tháng;
  • Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ/năm với công việc bình thường, không quá 300 giờ/năm với một số công việc như: Sản xuất, gia công xuất khẩu hàng dệt, may, điện tử; sản xuất, cung cấp điện, viễn thông; cấp, thoát nước….

3.4 Thời giờ nghỉ ngơi của người lao động cao tuổi

Pháp luật lao động hiện hành không có quy định riêng về thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động cao tuổi mà áp dụng chung như đối với những lao động bình thường. Theo đó, thời giờ nghỉ ngơi của người lao động được quy định tại Mục 2, Mục 3 Chương VII Bộ luật lao động năm 2019.

3.5 Công việc dành cho người lao động cao tuổi

Khoản 3 Điều 149 Bộ luật lao động năm 2019 quy định: Không được sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi, trừ trường hợp bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn.

Theo đó danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt năng nhọc, độc hại, nguy hiểm được quy định tại Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020 của Bộ lao động thương binh xã hội.

Lưu ý: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi, trừ trường hợp bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn (khoản 2 Điều 31 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).

3.6 Việc khám sức khoẻ định kỳ cho người lao động cao tuổi 

Tại khoản 1 Điều 21 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 có quy định

  • Hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho người lao động; đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần.
  • Khi khám sức khỏe theo quy định tại khoản 1 Điều này, lao động nữ phải được khám chuyên khoa phụ sản, người làm việc trong môi trường lao động tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp phải được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp.

Như vậy, đối với người lao động cao tuổi thì người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất 6 tháng một lần.

3.7 Việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động cao tuổi

3.7.1 Trường hợp người lao động cao tuổi đang hưởng lương hưu

Khoản 9 Điều 123 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định: Người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng mà đang giao kết hợp đồng lao động thì không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Như vậy, nếu người lao động cao tuổi đang hưởng lương hưu hàng tháng, thì sẽ không phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Lưu ý: Trường hợp này ngoài quyền lợi đang hưởng theo chế độ hưu trí, người lao động cao tuổi được hưởng tiền lương và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật, hợp đồng lao động.

Khoản 3 Điều 168 Bộ luật lao động năm 2019 quy định đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

3.7.2 Trường hợp Người lao động cao tuổi chưa hưởng lương hưu

Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động ký hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng thì sẽ thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Do đó, nếu người lao động cao tuổi chưa hưởng lương hưu hằng tháng mà đang làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng trở lên thì người sử dụng lao động vẫnphải đóng bảo hiểm cho họ.

4. Làm sao để sử dụng người lao động cao tuổi hợp pháp?

Để sử dụng người lao động cao tuổi sao cho hợp pháp, tránh tình trạng tranh chấp lao động xảy ra giữa người sử dụng lao động với người lao động cao tuổi hãy sử dụng ngay dịch vụ tư vấn pháp luật lao động về những vấn đề liên quan đến người lao động cao tuổi của Công ty Luật Thái An.

Công ty Luật Thái An sẽ tư vấn cho bạn các vấn đề sau:

  • Tư vấn các quy định về người lao động cao tuổi;
  • Tư vấn các lưu ý dành cho doanh nghiệp sử dụng lao động cao tuổi;
  • Tư vấn vấn đề Bảo hiểm xã hội khi sử dụng người lao động cao tuổi;
  • Tư vấn những rủi ro khi ký kết hợp đồng lao động với người lao động cao tuổi
  • Tư vấn giải quyết tranh chấp giữa người sử dụng lao động và người lao động cao tuổi; tranh chấp liên quan tới lao động như chấm dứt hợp đồng lao động, khiếu nại, tố cáo, kiện tụng người sử dụng lao động….
  • Tư vấn hỗ trợ các vấn đề khác có liên quan đến pháp luật lao động.

Hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vẫn, hỗ trợ kịp thời.

===>>> Xem thêm: Tư vấn pháp luật lao động

===>>> Xem thêm: Khởi kiện vụ án tranh chấp lao động 

Nguyễn Văn Thanh