Hợp đồng lao động là cơ sở pháp lý quan trọng để các bên trong quan hệ lao động thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình, đồng thời cũng là cơ sở chủ yếu để giải quyết các tranh chấp lao động. Chính vì vậy, trong bài viết dưới đây, Công ty Luật Thái An chúng tôi xin giới thiệu đến Quý bạn đọc tổng hợp những quy định về Hợp đồng lao động
Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.
Theo quy định mới này thì khái niệm hợp đồng lao động đã được mở rộng hơn, không còn phụ thuộc vào tên gọi loại hợp đồng hai bên ký kết để xác định hợp đồng lao động mà chỉ cần đảm bảo các tiêu chí sau thì sẽ được xác định là hợp đồng lao động:
Nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương;
Một bên chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của bên còn lại.
2. Hợp đồng lao động có mấy loại?
Căn cứ Khoản 1 Điều 20 Bộ luật lao động 2019 thì Hợp đồng lao động gồm có 2 loại:
Hợp đồng lao động không xác định thời hạn: là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng;
Hợp đồng lao động xác định thời hạn: là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.
Lưu ý: Bộ luật lao động năm 2019 không còn quy định về loại hợp đồng lao động thời vụ như Bộ luật lao động năm 2012.
Dưới đây là so sánh hợp đồng lao đông không xác định thời hạn với hợp đồng lao động xác định thời hạn:
Về thời hạn hợp đồng:
Hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn không quá 36 tháng.
Về xử lý khi hợp đồng hết hạn:
Không có thời điểm kết thúc đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
Đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn thì khi hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì thực hiện như sau:
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng mới; trong thời gian chưa ký kết hợp đồng mới thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của hai bên được thực hiện theo hợp đồng đã giao kết;
Nếu hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn mà hai bên không ký kết hợp đồng mới thì hợp đồng lao động xác định thời hạn đã giao kết trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng mới là hợp đồng lao động xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn, trừ một số trường hợp đặc biệt (người lao động là người được thuê làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn nhà nước, người cao tuổi, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo Giấy phép lao động, thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở).
Về thời hạn báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng:
Đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn, người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động phải báo trước cho người sử dụng lao động it nhất 45 ngày trừ một số ngành, nghề, công việc đặc thù được quy định tại Khoản 1 Điều 7 Nghị định 145/2020/NĐ-CP thì phải báo trước ít nhất 120 ngày.
Đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn, trừ các trường hợp không phải báo trước, người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau:
Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;
Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;
Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù được quy định tại Khoản 1 Điều 7 Nghị định 145/2020/NĐ-CP thì thời hạn báo trước như sau: Ít nhất 120 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 12 tháng trở lên; Ít nhất bằng một phần tư thời hạn của hợp đồng lao động đối với hợp đồng lao động có thời hạn dưới 12 tháng.
Về quyền lợi của người lao động khi ký hợp đồng (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp):
Đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn, người lao động được đóng tất cả các loại bảo hiểm sau: Bảo hiểm xã hội bắt buộc; Bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp; Bảo hiểm y tế; Bảo hiểm thất nghiệp.
Đối với hợp đồng lao động dưới 1 tháng: không phải tham gia loại bảo hiểm nào;
Đối với hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng, đóng: Bảo hiểm xã hội bắt buộc; Bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp.
Đối với hợp đồng lao động từ đủ 03 tháng trở lên, đóng: Bảo hiểm xã hội bắt buộc; Bảo hiểm y tế; Bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp.
Đối với hợp đồng lao động từ đủ 12 tháng trở lên, đóng: Bảo hiểm xã hội bắt buộc; Bảo hiểm y tế; Bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp; Bảo hiểm thất nghiệp
3. Giao kết Hợp đồng lao động
Việc giao kết Hợp đồng lao động hoàn toàn đến từ sự tự do tự nguyện của các bên. Thông thường trình tự giao kết Hợp đồng được diễn ra như sau:
Bước 1: Các bên bày tỏ mong muốn thiết lập Hợp đồng lao động
Bước 2: Người sử dụng lao động và Người lao động hẹn gặp mặt, trao đổi, phỏng vấn
Bước 3: Các bên thương lượng, đàm phán nội dung của Hợp đồng lao động
Bước 4: Các bên giao kết Hợp đồng sau khi đã thống nhất được nội dung
Tuỳ vào kết quả thương lượng, đàm phán mà các bên tiến hành giao kết hợp đồng. Đây là bước quan trọng nhất , bởi nó liên quan đến việc phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên.
Khi giao kết hợp đồng, bạn cần lưu ý rằng pháp luật quy định cụ thể về hình thức, nội dung hợp đồng lao động người có thẩm quyền giao kết, thời hạn, hiệu lực của hợp đồng…Chi tiết có tại bài viết GIAO KẾT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG
4. Thực hiện hợp đồng lao động
a. Điều chuyển người lao động
Có những trường hợp mà người lao động đang làm việc theo công việc được thỏa thuận trong hợp đồng nhưng vì một trong số những lý do luật định mà phải chuyển sang vị trí hoặc công việc khác theo ý chí của người sử dụng lao động.
Khoản 1 Điều 29 Bộ Luật Lao động 2019 quy định người sử dụng lao động được điều chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng trong các trường hợp sau:
Gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm;
Áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
Sự cố điện, nước;
Nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Đối với trường hợp này, người sử dụng lao động quy định cụ thể trong nội quy lao động những trường hợp do nhu cầu sản xuất, kinh doanh mà người sử dụng lao động được tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động.
Ngoài ra, Bộ luật lao động có quy định cụ thể về thời gian điều chuyển và lương trong thời gian điều chuyển. Để biết chi tiết bạn đọc hãy xem bài viết ĐIỀU CHUYỂN NGƯỜI LAO ĐỘNG.
b. Tạm hoãn hợp đồng lao động
Điều 30 Bộ luật lao động năm 2019 quy định tám trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động bao gồm:
Người lao động thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ;
Người lao động bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự;
Người lao động phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc cơ sở giáo dục bắt buộc;
Lao động nữ mang thai nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi;
Người lao động được bổ nhiệm làm người quản lý doanh nghiệp của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Đó là những người giữ các vị trí Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Thành viên Hội đồng Thành viên, Kiểm soát viên, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng.
Người lao động được ủy quyền để thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp;
Người lao động được ủy quyền để thực hiện quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với phần vốn của doanh nghiệp đầu tư tại doanh nghiệp khác;
Trường hợp khác do hai bên thỏa thuận
Ngoài ra, pháp luật cũng quy định về thủ tục tạm hoãn hợp đồng lao động, các quyền lợi và nghĩa vụ liên quan của các bên – chi tiết có tại TẠM HOÃN HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG.
c. Ngừng việc
Điều 99 bộ luật lao động 2019 quy định về ba trường hợp ngừng việc như sau:
Ngừng việc do lỗi của người sử dụng lao động;
Ngừng việc do lỗi của người lao động;
Ngừng việc do sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế.
Việc trả lương cho người lao động trong các trường hợp nêu trên là khác nhau. Các bên cần nắm rõ để thực hiện đúng – chi tiết có tại bài viết NGỪNG VIỆC
d. Tạm đình chỉ công việc
Theo Điều 128 Bộ Luật Lao động 2019, việc tạm đình chỉ công việc của người lao động chỉ được thực hiện sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xem xét tạm đình chỉ công việc là thành viên.
Việc trao đổi bằng văn bản hoặc thông qua trao đổi trực tiếp giữa đại diện tham gia đối thoại của bên người sử dụng lao động và đại diện đối thoại của tổ chức đại diện người lao động, theo khoản 2 điều 41 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.
Trường hợp không có tổ chức đại diện lao động do số lượng lao động ít thì căn cứ để người sử dụng lao động tạm đình chỉ công việc của người lao động là dựa trên thoả thuận trong hợp đồng lao động hoặc trong nội quy lao động đã công bố sử dụng tại nơi làm việc.
Pháp luật lao động chưa có khái niệm cụ thể về chấm dứt hợp đồng lao động, tuy nhiên có thể hiểu chấm dứt hợp đồng lao động là sự kiện người lao động chấm dứt làm việc cho người sử dụng lao động do hợp đồng lao động đương nhiên chấm dứt theo quy định của pháp luật hoặc do người lao động bị sa thải hoặc do một trong bên trong quan hệ lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn.
Tại Điều 34 Bộ luật lao động năm 2019 quy định về các trường hợp chấm dứt Hợp đồng lao động, cụ thể là:
Hợp đồng lao động đương nhiên chấm dứt
Người lao động đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động
Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động
Khi chấm dứt hợp đồng, các bên phải tuân thủ pháp luật về căn cứ chấm dứt, trình tự, thủ tục, các quyền lợi và nghĩa vụ đi kèm, chi tiết có tại bài viết CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG.
Dịch vụ luật sư tư vấn pháp luật lao động và giải quyết tranh chấp lao động
Với đội ngũ luật sư giỏi, có kiến thức chuyên môn sâu rộng,có bề dày kinh nghiệm, Công ty Luật Thái An đã trở thành một trong những Công ty Luật hàng đầu trong việc cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật lao động, tư vấn soạn thảo hợp đồng lao động, đảm bảo quyền lợi cho cả người lao động và người sử dụng lao động, giảm thiểu rủi ro, tranh chấp, chi phí dịch vụ thấp nhưng chất lượng cao.
Trường hợp bạn có những tranh chấp liên quan đến lĩnh vực pháp luật lao động thì khi sử dụng dịch vụ luật sư tư vấn luật lao động của Công ty Luật Thái An, những tranh chấp của bạn sẽ được giải quyết nhanh chóng, chính xác trong khuôn khổ các quy định pháp luật.
Tiến sỹ luật học, Luật sư Nguyễn Văn Thanh là thành viên Đoàn Luật sư TP. Hà Nội và Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Lĩnh vực hành nghề chính: * Tư vấn pháp luật: Doanh nghiệp, Đầu tư, Xây dựng, Thương mại, Lao động, Dân sự, Hình sự, Đất đai, Hôn nhân và gia đình * Tố tụng và giải quyết tranh chấp: Kinh doanh thương mại, Đầu tư, Xây dựng, Lao động, Bảo hiểm, Dân sự, Hình sự, Hành chính, Đất đai, Hôn nhân và gia đình
Bài viết mới nhất của Nguyễn Văn Thanh (Xem tất cả)
ĐOÀN LUẬT SƯ TP HÀ NỘI - CÔNG TY LUẬT THÁI AN BỀ DẦY TRÊN 15 NĂM KINH NHIỆM TƯ VẤN LUẬT UY TÍN VÀ CHẤT LƯỢNG TẠI VIỆT NAM
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Bề dày 16+ năm kinh nghiệm Tư vấn pháp luật và Giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại, đầu tư, dân sự, hình sự, đất đai, lao động, hôn nhân và gia đình... Công ty Luật Thái An cam kết cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp, bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của Khách hàng.
Để được Giải đáp pháp luật nhanh - Hãy gọi Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 633 725
Để được Tư vấn luật bằng văn bản – Hãy điền Form gửi yêu cầu (phí tư vấn từ 3.000.000 đ)
Để đượcCung cấp Dịch vụ pháp lý trọn gói – Hãy điền Form gửi yêu cầu (Phí dịch vụ tuỳ thuộc tính chất vụ việc)