Chứng cứ vụ án: Nguồn, các yêu cầu, cách thu thập và giao nộp
Thu thập chứng cứ là một công việc cực kỳ quan trọng trong quá trình khởi kiện vụ án. Nó quyết định thành công hay thất bại tại phiên toà. Không phải chứng cứ nào cũng được chấp nhận. Pháp luật quy định cụ thể về các nguồn chứng cứ, các yêu cầu khi thu thập từng loại chứng cứ, các cách thức thu thập chứng cứ có thể vận dụng, cách thức giao nộp chứng cứ cho Toà án. Chi tiết có trong bài viết sau đây:
Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp.
2. Nguồn cung cấp chứng cứ
Chứng cứ có thể được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau như tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, kể cả dữ liệu điện tử; vật chứng, lời khai của đương sự, lời khai của người làm chứng, kết luận giám định, biên bản, văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi, văn bản công chứng, chứng thực v.v… được xác nhận là chứng cứ.
Pháp luật cũng có những quy định cụ thể về nguồn chứng cứ (điều 94 Bộ Luật tố tụng dân sự), đó là:
Vật chứng
Lời khai của đương sự
Lời khai của người làm chứng
Kết luận giám định
Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ
Kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản
Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập
Văn bản công chứng, chứng thực
Các nguồn khác mà pháp luật có quy định
Điều 95 quy định về cách thưc thu thập, xác minh chứng cứ – chúng tôi sẽ trình bầy cụ thể dưới đây. Do đó, có thể thấy rằng một người bình thường chưa chắc đã biết cách thu thập chứng cứ. Đây là một trong những phần việc quan trọng của luật sư khi hỗ trơ khách hàng khởi kiện vụ án dân sự
3. Những yêu cầu đối với chứng cứ là gì?
Để có thể được coi là chứng cứ có giá trị pháp lý thì pháp luật quy định những điều kiện nhất định đối với từng loại chứng cứ:
a. Yêu cầu đối với chứng cứ là tài liệu đọc được nội dung:
Căn cứ khoản 1 điều 95 Bộ luật tố tụng dân sự:
Tài liệu đọc được nội dung được coi là chứng cứ nếu là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận.
Như vậy, đối với chứng cứ là tài liệu đọc được nội dung, cần thu thập bản chính. Trong trường họp không có bản gốc, có thể nộp bản sao các tài liệu đó nhưng bản sao phải có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc bản sao do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận. Bản chính có thế là bản gốc hoặc bản được dùng làm cơ sở đế lập ra các bản sao.
Trường hợp tài liệu đọc được nội dung được viết bằng tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài thì phải dịch sang tiếng Việt và gửi kèm theo tài liệu này bản dịch sang tiếng Việt, được công chứng, chứng thực hợp pháp. Nếu không đảm bảo được tính bản gốc của tại liệu thì có thể chịu các bất lợi và các tài liệu đó có thể không được thừa nhận là bằng chứng.
b. Yêu cầu đối với chứng cứ là các tài liệu nghe được, nhìn được:
Căn cứ khoản 2 điều 95 Bộ luật tố tụng dân sự:
Tài liệu nghe được, nhìn được được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản trình bày của người có tài liệu đó về xuất xứ của tài liệu nếu họ tự thu âm, thu hình hoặc văn bản có xác nhận của người đã cung cấp cho người xuất trình về xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó.
Khi thu thập các chứng cứ dạng này, cần đảm bảo có được thông tin về xuất xứ của tài liệu nếu tự thu âm, thu hình hoặc văn bản có xác nhận của người đã cung cấp cho người xuất trình về xuất xứ của tài liệu hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó:
Trường hợp người có tài liệu tự thu âm, thu hình thì trực tiếp trình bày về xuất xứ của tài liệu.
Trường hợp người khác cung cấp, thì phải có văn bản xác nhận của người đã cung cấp cho người xuất trình về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó.
c. Yêu cầu đối với chứng cứ là các dữ liệu điện tử:
Khoản 3 điều 95 Bộ luật tố tụng dân sự quy định các dạng chứng cứ là dữ liệu điện tử như sau:
Thông điệp dữ liệu điện tử được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
Để xác định chứng cứ này và áp dụng các biện pháp thu thập phù họp, cần tham khảo thêm các quy định về Luật Giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn thi hành. Luật Giao dịch điện tử đã thừa nhận giá trị pháp lý của các chứng cứ điện tử là thông điệp dữ liệu, chữ ký điện tử có giá trị chứng cứ như tất cả các loại chứng cứ thông thường khác và nó không thể bị phủ nhận chỉ vì lý do đó là một thông điệp dữ liệu điện tử hay chữ ký điện tử.
d. Yêu cầu đối với chứng cứ là các vật:
Khoản 4 điều 95 Bộ luật tố tụng dân sự quy định như sau về vật chứng:
Vật chứng là chứng cứ phải là hiện vật gốc liên quan đến vụ việc.
Các vật chứng trở thành bằng chứng khi những vật này được thu thập, củng cố, nghiên cứu và đánh giá theo đúng trình tự luật định, đáp ứng ba đặc tính là KHÁCH QUAN, LIÊN QUAN và HỢP PHÁP của chứng cứ. Do đó các chứng cứ loại này cũng cần được thu thập theo đúng trình tự luật định. Ngoài ra, cũng cần bảo quản, giữ gìn để đảm bảo tính đặc định của vật chứng trong suốt quá trình xem xét và giải quyết vụ, việc dân sự.
Khi thu thập các vật chứng, cần phải lập biên bản hoặc miêu tả chi tiết hình thức và các tính chất lý hóa của vật đặc biệt là các dấu vết thể hiện trên vật chứng đó. Đối với những vật mau hỏng thì cần phải xem xét kịp thời và phản ánh đầy đủ trong quá trình xem xét (bằng biên bản, chụp hình, ghi hình). Đối với những vật khó di chuyển, có thể đề nghị Tòa án đến xem xét thẩm định tại chỗ.
đ. Yêu cầu đối với chứng cứ là lời khai của đương sự, người làm chứng:
Khoản 5 điều 95 Bộ luật tố tụng dân sự quy định như sau về lời khai của đương sự, người làm chứng:
Lời khai của đương sự, lời khai của người làm chứng được coi là chứng cứ nếu được ghi bằng văn bản, băng ghi âm, đĩa ghi âm, băng ghi hình, đĩa ghi hình, thiết bị khác chứa âm thanh, hình ảnh theo quy định tại khoản 2 Điều này hoặc khai bằng lời tại phiên tòa.
Lời khai của đương sự, người làm chứng được dựa trên trí nhớ về một sự kiện nên thường mang tính chủ quan, vì vậy yếu tố tâm lý, độ tuổi, các yếu tố tác động đến nhận thức của đương sự, người làm chứng là một đặc trưng cần xem xét thận trọng khi thu thập và đánh giá nguồn chứng cứ là lời khai.
Nội dung lời khai của đương sự, lời khai của người làm chứng chứa đựng sự thật về vụ án được coi là chứng cứ nếu được ghi bằng văn bản, băng ghi âm, đĩa ghi âm, băng ghi hình, đĩa ghi hình, thiết bị khác có chứa âm thanh, hình ảnh hoặc khai bằng lời tại phiên tòa. Khi thu thập loại chứng cứ này, cần lưu ý:
Trường hợp người làm chứng lập bản tự khai, cần có sự xác nhận chữ ký của chủ thể có thẩm quyền đế đảm bảo xác định chính xác về nhân thân của chủ thể viết bản khai;
Trường hợp Tòa án tiến hành lấy lời khai của đương sự, người làm chứng, tiến hành đối chất thì phải tuân thủ các quy định của Bộ Luật tố tụng dân sự về trình tự, thủ tục lấy lời khai của đương sự, của người làm chứng, trình tự thủ tục đối chất.
Trường hợp lời khai của đương sự, người làm chứng được thể hiện bằng băng, đĩa ghi âm, băng, đĩa ghi hình… thì phải có văn bản xác nhận xuất xứ hoặc văn bản về sự việc liên quan đến việc thu âm, thu hình đó gửi kèm theo băng, đĩa ghi âm, ghi hình. Khi giao nộp loại chứng cứ này cần đề nghị Tòa án tiến hành lập biên bản về việc nhận các tài liệu, chứng cứ và phải bảo quản lưu giữ cùng với hồ sơ vụ án.
Khác với đương sự, người làm chứng là người biết những thông tin liên quan đến vụ kiện nhưng lại không có quyền lợi trong vụ kiện đó, vì vậy lời khai của người làm chứng thường thể hiện được yếu tố khách quan hơn. Tuy nhiên, vẫn cần thận trọng khi đánh giá các bằng chứng này do nó có thể bị sai lệch nếu người làm chứng bị dụ dỗ, bị mua chuộc, bị đe doạ, bị hành hùng để đưa ra lời khai có lợi cho một bên trong vụ án. Hoặc người làm chứng không thể nhớ lại được nên khai bừa hoặc khai gian dối.
e. Yêu cầu đối với chứng cứ là kết luận giám định:
Căn cứ khoản 6 điều 95 Bộ luật tố tụng dân sự:
Kết luận giám định được coi là chứng cứ nếu việc giám định đó được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.
Trong nhiều vụ việc dân sự, để làm sáng tỏ một số tình tiết nhất định đòi hỏi phải sử dụng những kiến thức chuyên môn cần thiết với sự hỗ trợ của Giám định viên. Kết luận của Giám định viên là kết luận khoa học về chuyên môn được thể hiện dưới hình thức một văn bản viết hoặc được trình bày tại phiên tòa, được đưa ra sau khi đã nghiên cứu những vấn đề cần vận dụng kiến thức chuyên môn trả lời cho những vấn đề do Tòa án trưng cầu.
Các trường hợp cần giám định có thể là:
xác định chữ viết, chữ ký, vân tay của một người nào đó
xác định nguyên nhân gây thiệt hại trong xây dựng
xác định ADN
…
Việc giám định được thực hiện khi đương sự, Toà án yêu cầu. Đây là một nguồn chứng cứ quan trọng làm cơ sở cho việc giải quyết vụ việc dân sự, trong nhiều vụ kiện, kết luận giám định có tính chất quyết định đối với phán quyết của Tòa án.
Để kết luận giám định đáp ứng các thủ tục thu thập hợp pháp, cần luu ý các yếu tố sau:
Sự thoả thuận lựa chọn hoặc yêu cầu Toà án trưng cầu giám định phải được thể hiện bằng văn bản. Đương sự được quyền đề nghị Tòa án trang cầu giám định hoặc tự mình yêu cầu giám định sau khi đã đề nghị Tòa án trang cầu giám định nhưng Tòa án từ chối yêu. Quyền tự yêu cầu giám định được thực hiện trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm.
Trường hợp xét thấy kết luận giám định chưa đầy đủ, rõ ràng hoặc có vi phạm pháp luật thì theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết Tòa án yêu cầu người giám định giải thích kết luận giám định, triệu tập người giám định đến phiên tòa để trực tiếp trình bày về các nội dung cần thiết. Theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, Tòa án ra quyết định giám định bổ sung trong trường họp nội dung kết luận giám định chưa rõ, chưa đầy đủ hoặc khi phát sinh vấn đề mới liên quan đến tình tiết của vụ án đã được kết luận giám định trước đó.
f. Yêu cầu đối với chứng cứ là biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ:
Khoản 7 điều 95 Bộ luật tố tụng dân sự quy định như sau về thu thập chứng cứ là biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ:
Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ được coi là chứng cứ nếu việc thẩm định được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.
Nhiều vụ án mà đối tượng tranh chấp là bất động sản, vật không thể di chuyển hoặc trường họp cần nắm vững hiện trường nên nếu đương sự có yêu cầu (bằng văn bản) thì Thẩm phán tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ. Tòa án xem xét và ra quyết định xem xét, thẩm định tại chỗ. Quyết định này được gửi cho UBND cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức nơi có đối tượng cần xem xét, được giao hoặc gửi cho đương sự.
g. Yêu cầu đối với chứng cứ là biên bản ghi kết quả định giá tài sản, kết quả thẩm định giá tài sản:
Khoản 8 điều 95 Bộ luật tố tụng dân sự quy định về thu thập chứng cứ là kết quả định giá tài sản, kết quả thẩm định giá tài sản như sau:
Kết quả định giá tài sản, kết quả thẩm định giá tài sản được coi là chứng cứ nếu việc định giá, thẩm định giá được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.
Theo yêu cầu của một hoặc các bên đương sự, Toà án yêu cầu tổ chức thẩm định giá tài sản tiến hành thấm định giá. Các bên có quyền tự thỏa thuận về việc xác định giá tài sản, lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản.
Việc thẩm định giá tài sản phải được thực hiện theo quy định của pháp luật về thẩm định giá tài sản thì mới được coi là chứng cứ.
h. Yêu cầu đối với chứng cứ là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập tại chỗ:
Khoản 9 điều 95 Bộ luật tố tụng dân sự quy định như sau về thu thập chứng cứ là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập tại chỗ:
Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập tại chỗ được coi là chứng cứ nếu việc lập văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.
Thí dụ vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý. Vi bằng có giá trị chứng cứ đế Tòa án xem xét khi giải quyết vụ án và là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Vi bằng ghi nhận sự kiện hành vi pháp lý như:
vi bằng chứng thực sự kiện, hành vi xảy ra: sự kiện giao nhận tiền, gửi thông báo đòi nhà, đòi nợ, xác lập hợp đồng, lập di chúc; hành vi vi phạm pháp luật của người khác, hành vi sử dụng nhà thuê không đúng mục đích…
vi bằng ghi nhận hiện trạng các công trình liền kề, lân cận, dùng để lập hồ sơ xây dựng
Vi bằng dùng làm chứng cứ để yêu cầu cơ quan bảo hiểm bồi thường
…
i. Yêu cầu đối với chứng cứ là văn bản công chứng, chứng thực:
Khoản 10 điều 95 Bộ luật tố tụng dân sự quy định như sau về thu thập chứng cứ là văn bản công chứng, chứng thực:
Văn bản công chứng, chứng thực được coi là chứng cứ nếu việc công chứng, chứng thực được thực hiện theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.
Khi công chứng, người thực hiện công chứng phải tuân theo quy định của pháp luật về công chứng cũng như các quy định khác có liên quan.
k. Thu thập chứng cứ từ các nguồn khác:
Khoản 11 điều 95 Bộ luật tố tụng dân sự quy định như sau về thu thập chứng cứ từ các nguồn khác:
Các nguồn khác mà pháp luật có quy định được xác định là chứng cứ theo điều kiện, thủ tục mà pháp luật quy định.
Với quy định mới của luật, tập quán có thể được xác định là một nguồn khác mà pháp luật có quy định.
4. Những hình thức thu thập chứng cứ
Dưới đây là các cách thu thập chứng cứ:
a. Thu thập chứng cứ bằng cách yêu cầu đương sự cung cấp chứng cứ
Để chuẩn bị cho việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình được tốt, đương sự cần chuẩn bị những chứng cứ cần thiết. Các đương sự cũng có thể thu thập được các chứng cứ khác từ các nguồn khác nhau.
b. Thu thập chứng cứ bằng cách yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức đang lưu giữ chứng cứ cung cấp chứng cứ
Trách nhiệm cung cấp chứng cứ của cá nhân, cơ quan, tổ chức đã là nguyên tắc chung. Việc cung cấp chứng cứ phải được thực hiện đầy đủ và đúng thời hạn, chủ thể cung cấp chứng cứ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về chứng cứ mà mình đã cung cấp. Nếu không cung cấp được chứng cứ mà mình đang lun giữ thì phải thế hiện bằng văn bản và gửi đến chủ thế có yêu cầu, trong đó phải nêu rõ lý do.
Trên thực tế, với nhiều vụ việc dân sự khi khởi kiện, người khởi kiện không nắm giữ chứng cứ và đã có yêu cầu cơ quan nắm giữ chứng cứ cung cấp để phục vụ cho việc khởi kiện của mình, nhưng vì nhiều lý do mà việc thu thập chứng cứ của họ bị kéo dài do không nhận được trả lời từ phía được yêu cầu.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cung cấp chứng cứ cho Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, đương sự những tài liệu họ đang lưu giữ, quản lý khi có yêu cầu. Việc cung cấp chứng cứ phải trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn quản lý của chủ thể này. Cần lưu ý những vấn đề sau:
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể từ chối cung cấp chứng cứ khi chứng cứ được yêu cầu không thuộc phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý của mình.
Pháp luật mới chỉ ghi nhận chế tài xử lý trong trường họp cơ quan, tổ chức, cá nhân từ chối yêu cầu của Toà án và Viện kiểm sát, mà không quy định chế tài khi từ chối yêu cầu của đương sự.
Khi cơ quan, tổ chức, cá nhân không muốn cung cấp chứng cứ họ chỉ cần gửi văn bản trả lời vì lý do nào đó theo chủ quan của họ. Do đó, việc có cung cấp chứng cứ hay không thực tế áp dụng phụ thuộc khá nhiều vào ý thức trách nhiệm của cá nhân, tố chức đang lưu giữ chứng cứ.
c. Thu thập chứng cứ bằng cách yêu cầu Toà án thu thập chứng cứ
Trường hợp đương sự không thể tự mình thu thập được chứng cứ thì có quyền yêu cầu Thẩm phán tiến hành một hoặc một số biện pháp để thu thập chứng cứ. Khi đương sự yêu cầu Tòa án tiến hành một hoặc một số biện pháp thu thập chứng cứ bẳng văn bản.
5. Giao nộp thu thập chứng cứ cho Toà án
Giao nộp chứng cứ, tài liệu cho Toà án khi nào và như thế nào sẽ ảnh hưởng tới thành công trong vụ án hay vụ việc. Luật sư là người am hiểu thủ tục tố tụng sẽ biết cách xử lý sao cho có lợi nhất cho thân chủ, dựa trên các quy định của pháp luật. Và khi giao nộp chứng cứ, tài liệu bạn cũng cần rất cẩn trọng, thực hiện đúng các quy định của pháp luật về thủ tục giao nộp chứng cứ, tài liệu.
a. Khi nào giao nộp thu thập chứng cứ cho Toà án ?
Giao nộp chứng cứ khi nào là thắc mắc của nhiều đương sự trong vụ án. Nhìn chung thời hạn giao nộp chứng cứ do Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc ấn định nhưng không được vượt quá thời hạn chuẩn bị xét xử theo thủ tục sơ thẩm, căn cứ khoản 4 điều 96 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, tuy nhiên có những ngoại lệ.
i. Giao nộp chứng cứ, tài liệu khi khởi kiện
Việc giao nộp chứng cứ tài liệu ở giai đoạn này là bắt buộc để chứng minh tư cách khởi kiện, tranh chấp phát sinh do đó xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện. Các chứng cứ và tài liệu giao nộp ở giai đoạn này là những tài liệu cơ bản.
Mặt khác thì pháp luật cũng có quy định khá mở về thời gian giao nộp chứng cứ, tài liệu sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử. Khoản 4 điều 96 Bộ luật tố tụng dân sự:
Trường hợp sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm, quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự, đương sự mới cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ mà Tòa án đã yêu cầu giao nộp nhưng đương sự không giao nộp được vì có lý do chính đáng thì đương sự phải chứng minh lý do của việc chậm giao nộp tài liệu, chứng cứ đó.
Đối với tài liệu, chứng cứ mà trước đó Tòa án không yêu cầu đương sự giao nộp hoặc tài liệu, chứng cứ mà đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ việc theo thủ tục sơ thẩm thì đương sự có quyền giao nộp, trình bày tại phiên tòa sơ thẩm, phiên họp giải quyết việc dân sự hoặc các giai đoạn tố tụng tiếp theo của việc giải quyết vụ việc dân sự.
Quy định này nhằm đảm bảo cho các đương sự thời gian nghiên cứu, phân tích chứng cứ, tài liệu liên quan của các bên, đó là khoảng thời gian chờ mở phiên tòa xét xử. Nếu đương sự chứng minh và được Tòa án chấp nhận chứng cứ trong khoảng thời gian chờ mở phiên tòa xét xử hoặc tại phiên tòa xử thì đương sự bên kia có quyền được biết chứng cứ đó và có thể yêu cầu Tòa án kéo dài thời gian xét xử để nghiên cứu, phân tích, thẩm định chứng cứ.
ii. Giao nộp chứng cứ, tài liệu trong giai đoạn chuẩn bị xét xử:
Trong giai đoạn này Toà án tiến hành các hoạt động cần thiết để thu thập chứng cứ và bước đầu đánh giá chứng cứ. Bên cạnh các chứng cứ do khách hàng cung cấp còn có các chứng cứ do các đương sự khác có quyền lợi đối lập cung cấp. Để làm rõ các yêu cầu của mình và phản bác các yêu cầu của đối phương, chỉ nên cung cấp cho Toà án các chứng cứ với mục đích trên.
Giao nộp chứng cứ, tài liệu khi Toà lấy lời khai
Toà án mời các đương sự đến lấy lời khai, lúc này cần khai đầy đủ, ngắn gọn và đi vào trọng tâm của vấn đề. Đồng thời, đương sự cũng cần cung cấp cho Toà án những văn bản, tài liệu có liên quan, nhắm giúp Toà án nhìn nhận vấn đề một cách chính xác và nhanh chóng.
Trường hợp đã xác định được các lập luận, quan điểm của bên đối lập thì cũng cần thiết phải chuẩn bị các bài giải trình để phản bác lại các lập luận đó. Khi cung cấp chứng cứ cho Toà án nên thể hiện rõ quan điểm của mình là chứng cứ này dùng để chứng minh cho yêu cầu nào của mình và tại sao, đồng thời đề xuất phương án để Toà án xem xét.
Giao nộp chứng cứ, tài liệu bổ sung theo yêu cầu của Toà án
Trong giai đoạn xét xử, Toà án thường yêu cầu đương sự bổ sung chứng cứ, tài liệu. Đây cũng là lúc các đương sự giao nộp chứng cứ, tài liệu nhiều nhất.
Giao nộp chứng cứ, tài liệu tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ
Giao nộp chứng cứ, tài liệu tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ là một mốc quan trọng. Qua phiên họp này, có thể biết và tiếp cận tất cả các tài liệu, chứng cứ, xác định những chứng cứ đã giao nộp, đề nghị triệu tập người làm chứng hoặc những người tham gia tố tụng khác.
Phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ cũng là một mốc quan trọng liên quan tới phản tố. Nếu có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan phải đưa ra yêu cầu trước phiên họp này, căn cứ khoản 2 điều 201 Bộ luật tố tụng dân sự:
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền đưa ra yêu cầu độc lập trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.
Như vậy, về nguyên tắc sau phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải cuối cùng các đương sự không có quyền cung cấp chứng cứ, không có quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu nếu việc thay đổi, bố sung yêu cầu của họ vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập ban đầu và không có căn cứ để Tòa án chấp nhận chứng cứ giao nộp quá hạn.
Giao nộp chứng cứ, tài liệu tại phiên toà sơ thẩm
Để có thể giao nộp chứng cứ, tài liệu ở giai đoạn này, cần chứng minh được:
Lý do của việc chậm giao nộp
Toà không yêu cầu giao nộp trước đó
Đương sự không thể biết tới các chứng cứ, tài liệu này trong giai đoạn trước
Việc giao nộp chứng cứ, tài liệu tại phiên toà phúc thẩm vẫn có thể thực hiện nếu đáp ứng được các điều kiện như đối với việc giao nộp chứng cứ, tài liệu tại phiên toà sơ thẩm.
b. Thủ tục giao nộp chứng cứ, tài liệu cho Toà án
Khoản 2 và 3 điều 96 Bộ luật tố tụng dân sự quy định như sau về thủ tục giao nộp chứng cứ, tài liệu cho Toà án:
Việc đương sự giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án phải được lập biên bản. Trong biên bản phải ghi rõ tên gọi, hình thức, nội dung, đặc điểm của tài liệu, chứng cứ; số bản, số trang của chứng cứ và thời gian nhận; chữ ký hoặc điểm chỉ của người giao nộp, chữ ký của người nhận và dấu của Tòa án. Biên bản phải lập thành hai bản, một bản lưu vào hồ sơ vụ việc dân sự và một bản giao cho đương sự nộp chứng cứ.
Đương sự giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ bằng tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài phải kèm theo bản dịch sang tiếng Việt, được công chứng, chứng thực hợp pháp.
Cần lưu ý thủ tục giao nộp chứng cứ, tài liệu trong các trường hợp khác nhau như sau:
i. Giao nộp chứng cứ, tài liệu trực tiếp tại Tòa án:
Khi giao nộp chứng cứ, tài liệu trực tiếp tại Tòa án, cán bộ của Tòa án được Chánh án phân công nhận đơn và chứng cứ kèm theo đó. Cán bộ Tòa án phải ghi việc nhận đơn và chứng cứ kèm theo vào số nhận đơn, đồng thời lập biên bản về việc giao nhận chứng cứ.
ii. Giao nộp chứng cứ, tài liệu qua bưu điện:
Trường hợp giao nộp chứng cứ, tài liệu qua dịch vụ bưu chính, cán bộ Tòa án phải ghi vào sổ; nếu thấy chứng cứ nào còn thiếu hoặc không đầy đủ so với danh mục phải thông báo ngay cho họ biết để giao nộp bổ sung chúng cứ.
iii. Giao nộp chứng cứ, tài liệu tại phiên xét xử của Tòa án:
Trường hợp giao nộp chứng cứ, tài liệu tại phiên toà trước khi khai mạc phiên xét xử, Thư ký Tòa án thực hiện việc giao nhận chứng cứ và phải lập biên bản về việc giao nhận chứng cứ.
Trường hợp giao nộp chứng cứ, tài liệu trong quá trình xét xử hoặc trong quá trình phiên họp thì ghi vào biên bản phiên tòa, biên bản phiên họp.
Thu thập chứng cứ như thế nào ? Giao nộp chứng cứ, tài liệu cho Toà án khi nào và như thế nào sẽ ảnh hưởng tới thành công trong vụ án hay vụ việc. Luật sư là người am hiểu thủ tục tố tụng sẽ biết cách xử lý sao cho có lợi nhất cho thân chủ, dựa trên các quy định của pháp luật. Với các vụ án, bạn nên tìm sự hỗ trợ từ luật sư để hiểu về các quy định, có các hướng giải quyết hiệu quả.
HÃY LIÊN HỆ VỚI LUẬT THÁI AN ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN KỊP THỜI !
Tiến sỹ luật học, Luật sư Nguyễn Văn Thanh là thành viên Đoàn Luật sư TP. Hà Nội và Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Lĩnh vực hành nghề chính: * Tư vấn pháp luật: Doanh nghiệp, Đầu tư, Xây dựng, Thương mại, Lao động, Dân sự, Hình sự, Đất đai, Hôn nhân và gia đình * Tố tụng và giải quyết tranh chấp: Kinh doanh thương mại, Đầu tư, Xây dựng, Lao động, Bảo hiểm, Dân sự, Hình sự, Hành chính, Đất đai, Hôn nhân và gia đình
Bài viết mới nhất của Nguyễn Văn Thanh (Xem tất cả)
ĐOÀN LUẬT SƯ TP HÀ NỘI - CÔNG TY LUẬT THÁI AN BỀ DẦY TRÊN 15 NĂM KINH NHIỆM TƯ VẤN LUẬT UY TÍN VÀ CHẤT LƯỢNG TẠI VIỆT NAM
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Bề dày 16+ năm kinh nghiệm Tư vấn pháp luật và Giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại, đầu tư, dân sự, hình sự, đất đai, lao động, hôn nhân và gia đình... Công ty Luật Thái An cam kết cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp, bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của Khách hàng.
Để được Giải đáp pháp luật nhanh - Hãy gọi Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 633 725
Để được Tư vấn luật bằng văn bản – Hãy điền Form gửi yêu cầu (phí tư vấn từ 3.000.000 đ)
Để đượcCung cấp Dịch vụ pháp lý trọn gói – Hãy điền Form gửi yêu cầu (Phí dịch vụ tuỳ thuộc tính chất vụ việc)