Đăng ký đầu tư theo pháp luật hiện hành

Trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, các hoạt động đầu tư kinh doanh được tiến hành tương đối đa dạng. Theo đó thì việc đăng ký đầu tư là tiền đề, là cơ sở cho những bước tiếp theo của quá trình đầu tư. Đăng ký đầu tư được quy định trong Luật đầu tư năm 2020. Hãy cùng Công ty Luật Thái An tìm hiểu về đăng ký đầu tư trong bài viết dưới đây nhé.

1. Đăng ký đầu tư và những đặc điểm của đăng ký đầu tư 

Pháp luật đầu tư hiện hành chưa có khái niệm cụ thể về đăng ký đầu tư nhưng có thể hiểu đăng ký đầu tư là việc thực hiện trình tự, thủ tục nhất định do pháp luật đầu tư quy định nhằm thực hiện quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong quá trình đầu tư và quản lý đầu tư.

Đặc điểm của đăng ký đầu tư là:

  • Chủ thể của đăng ký đầu tư là cơ quan quản lý Nhà nước về đầu tư và các nhà đầu tư được điều chỉnh bởi Luật đầu tư
  • Nội dung của đăng ký đầu tư là các hoạt động cụ thể, mang tính pháp lý cần thiết phải thực hiện;
  • Hình thức của đăng ký đầu tư được tiến hành theo trình tự, thủ tục nhất định do Luật đầu tư quy định;
  • Mục đích của đăng ký đầu tư là đảm bảo sự quản lý Nhà nước về đầu tư tránh lãng phí, thất thoát, kém hiệu quả trong đầu tư.

2. Quy định về cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong nước 

Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là văn bản bằng bản giấy hoặc bản điện tử ghi nhận thông tin đăng ký của nhà đầu tư về dự án đầu tư (căn cứ khoản 11 Điều 3 Luật đầu tư năm 2020).

2.1 Trường hợp phải và không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Theo quy định tại Điều 37 Luật Đầu tư 2020 thì

Các trường hợp phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư bao gồm:

  • Dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài;
  • Dự án đầu tư của tổ chức kinh tế quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư 2020, đó là:
    • Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;
    • Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Các trường hợp không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư bao gồm:

  • Dự án đầu tư của nhà đầu tư trong nước;
  • Dự án đầu tư của tổ chức kinh tế không thuộc các trường hợp bắt buộc phải xin cấp Giấy chứng nhận

Lưu ý: Trường hợp nhà đầu tư có Dự án đầu tư thuộc 2 trường hợp nêu trên nếu muốn cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì nhà đầu tư thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư quy định tại Điều 38 Luật Đầu tư 2020.

  •  Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế.

2.2 Điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Đối với dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, UBND cấp tỉnh quy định tại các Điều 30, 31 và 32 Luật Đầu tư 2020, nhà đầu tư được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

  • Dự án đầu tư không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh;
  • Có địa điểm thực hiện dự án đầu tư;
  • Dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch quy định tại điểm a khoản 3 Điều 33 Luật Đầu tư 2020;
  • Đáp ứng điều kiện về suất đầu tư trên một diện tích đất, số lượng lao động sử dụng (nếu có);
  • Đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.

2.3 Thủ tục đăng ký đầu tư

Nếu dự án đầu tư thuộc loại phải xin chủ trương đầu tư thì thủ tục gồm 2 bước: Xin chủ trương đầu tư và xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Đó là các trường hợp quy định tại điều 30, 31, 32 Luật Đầu tư 2020. Chi tiết về dự án phải xin chủ trương đầu tư có tại bài viết sau:

 

Nếu không thuộc diện phải xin chủ trương đầu tư thì nhà đầu tư chỉ cần làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Về thủ tục xin phê duyệt chủ trương đầu tư:

Tuỳ từng dự án mà phải xin chủ trương đầu tư từ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc UBND cấp tỉnh. Do đó, thủ tục xin cấp là khác nhau, chi tiết có tại các bài viết sau:

 

Về thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư:

Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư, đặt hoặc dự kiến đặt văn phòng điều hành để thực hiện dự án đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư sau:

  • Dự án đầu tư thực hiện tại 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên;
  • Dự án đầu tư thực hiện ở trong và ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế;
  • Dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế nơi chưa thành lập Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế hoặc không thuộc phạm vi quản lý của Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.

Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án đầu tư sau:

  • Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu chức năng trong khu kinh tế;
  • Dự án đầu tư thực hiện trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.

Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 

Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư được quy định tại Điều 36 Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định như sau:

Bước 1: Nhà đầu tư nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gồm những nội dung quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư cho cơ quan đăng ký đầu tư.

Bước 2: Đối với dự án đầu tư đã triển khai hoạt động, nhà đầu tư nộp hồ sơ theo theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Nghị định 31/2021/NĐ-CP, trong đó đề xuất dự án đầu tư được thay bằng báo cáo tình hình thực hiện dự án đầu tư từ thời điểm triển khai đến thời điểm đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Bước 3: Cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ khi dự án đáp ứng các điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại mục 2.2.1.

luật đầu tư
Việc đăng ký đầu tư phải theo quy định của Luật đầu tư hiện hành. – ảnh minh hoạ: internet

3. Quy định về cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài

3.1 Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài

Theo quy định tại Điều 60 Luật đầu tư 2020 thì điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài là:

  • Hoạt động đầu tư ra nước ngoài phù hợp với nguyên tắc quy định tại Điều 51 của Luật đầu tư 2020.
  • Không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư ra nước ngoài quy định tại Điều 53 của Luật đầu tư 2020 và đáp ứng điều kiện đầu tư ra nước ngoài đối với ngành, nghề đầu tư ra nước ngoài có điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật đầu tư 2020.
  • Nhà đầu tư có cam kết tự thu xếp ngoại tệ hoặc có cam kết thu xếp ngoại tệ để thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài cửa tổ chức tín dụng được phép.
  • Có quyết định đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại Điều 59 Luật đầu tư 2020
  • Có văn bản của cơ quan thuế xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của nhà đầu tư. Thời điểm xác nhận của cơ quan thuế là không quá 03 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ dự án đầu tư.

3.2 Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài

Thủ tục đăng ký đầu tư ra nước ngoài là khác nhau đối với hai trường hợp: phải xin phê duyệt chủ trương đầu tư và không phải. Cụ thể như sau:

3.2.1 Đối với dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài

Thành phần hồ sơ

Theo quy định tại Điều 75 Nghị định 31/2021/NĐ-CP thì thành phần hồ sơ gồm:

  • Các tài liệu theo quy định tại khoản 1 Điều 57 của Luật Đầu tư.
  • Đối với tài liệu quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 57 của Luật Đầu tư, trường hợp nhà đầu tư nộp văn bản cam kết tự cân đối nguồn ngoại tệ thì nộp kèm theo văn bản của tổ chức tín dụng xác nhận số dư tài khoản ngoại tệ của nhà đầu tư.
  • Văn bản của cơ quan thuế xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của nhà đầu tư theo quy định tại khoản 5 Điều 60 của Luật Đầu tư.
  • Tài liệu xác nhận địa điểm thực hiện dự án đầu tư tại nước ngoài đối với trường hợp quy định tại Điều 73 của Nghị định 31/2021/NĐ-CP.
  • Tài liệu xác định hình thức đầu tư ra nước ngoài đối với trường hợp quy định tại Điều 74 của Nghị định 31/2021/NĐ-CP.
  • Báo cáo về việc cho tổ chức kinh tế ở nước ngoài vay
  • Tài liệu xác định việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh phát sinh đối với trường hợp dự án đầu tư ra nước ngoài có nội dung nhà đầu tư bảo lãnh cho tổ chức kinh tế ở nước ngoài vay để thực hiện dự án đầu tư.
  •  Các tài liệu khác có liên quan.

Thủ tục thực hiện

Đối với dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài của Quốc hội thực hiện theo quy định tại Điều 57 của Luật Đầu tư và quy định riêng của Chính phủ về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia.

Đối với dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài của Thủ tướng Chính phủ thực hiện như sau:

  • Nhà đầu tư kê khai thông tin Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư và nộp 08 bộ hồ sơ (trong đó có 01 bộ hồ sơ gốc) cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong vòng 15 ngày tiếp theo.
  •  Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi hồ sơ lấy ý kiến của các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan.
  • Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến và hồ sơ, cơ quan được lấy ý kiến phải có ý kiến bằng văn bản về những nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình hoặc nội dung được phân công gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
  • Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thẩm định, lập báo cáo thẩm định gồm các nội dung quy định tại khoản 3 Điều 57 của Luật Đầu tư, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài;
  • Trong quá trình thẩm định hồ sơ, nếu có nội dung cần làm rõ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản thông báo cho nhà đầu tư. Trường hợp sau khi đã giải trình, bổ sung mà dự án không đủ điều kiện để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư về việc từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài;
  • Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài theo các nội dung quy định tại khoản 8 Điều 57 của Luật Đầu tư;
  • Đối với dự án đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước, sau khi có Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp quyết định đầu tư ra nước ngoài;
  • Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài  Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài cho nhà đầu tư.
  • Trường hợp Thủ tướng Chính phủ không chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản nêu ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản thông báo từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài và nêu rõ lý do gửi nhà đầu tư.

3.2.2 Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài đối với dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài

Thành phần hồ sơ

Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 78 Nghị định 31/2021 thì thành phần hồ sơ gồm:

  • Các tài liệu theo quy định tại khoản 2 Điều 61 của Luật Đầu tư;
  • Đối với tài liệu quy định tại điểm d khoản 2 Điều 61 của Luật Đầu tư, trường hợp nhà đầu tư nộp văn bản cam kết tự cân đối nguồn ngoại tệ thì nộp kèm theo văn bản của tổ chức tín dụng xác nhận số dư tài khoản ngoại tệ của nhà đầu tư;
  • Văn bản của cơ quan thuế xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của nhà đầu tư theo quy định tại khoản 5 Điều 60 của Luật Đầu tư;
  • Tài liệu xác nhận địa điểm thực hiện dự án đầu tư tại nước ngoài đối với trường hợp quy định tại Điều 73 của Nghị định 31/2020/NĐ-CP;
  • Tài liệu xác định hình thức đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại Điều 74 của Nghị định 31/2020/NĐ-CP.

Trình tự thủ tục

  • Nhà đầu tư kê khai thông tin Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư và nộp 03 bộ hồ sơ (trong đó có 01 bộ hồ sơ gốc) cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong vòng 15 ngày tiếp theo.
  • Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ hoặc có nội dung cần phải làm rõ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản thông báo cho nhà đầu tư trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ;
  • Trường hợp khoản vốn bằng ngoại tệ chuyển ra nước ngoài tương đương 20 tỷ đồng trở lên thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bằng văn bản.
  • Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản trả lời Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
  • Trường hợp dự án đầu tư ra nước ngoài có nội dung nhà đầu tư cho tổ chức kinh tế ở nước ngoài vay để thực hiện hoạt động đầu tư thì sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư phải thực hiện các thủ tục để được chấp thuận việc cho vay ra nước ngoài theo quy định của pháp luật về ngoại hối;
  • Trường hợp dự án đầu tư ra nước ngoài có ngành, nghề báo chí, phát thanh, truyền hình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến Bộ Thông tin và Truyền thông bằng văn bản. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến, Bộ Thông tin và Truyền thông có văn bản trả lời Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
  • Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài
  • Trường hợp hồ sơ không hợp lệ hoặc không đáp ứng các điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản thông báo từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài và nêu rõ lý do gửi nhà đầu tư.

4. Dịch vụ tư vấn đầu tư

Công ty Luật Thái An là một hãng luật nổi tiếng hàng đầu trong lĩnh vực tư vấn đầu tư tại Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài. Bằng năng lực và kinh nghiệm của mình, các Luật sư, chuyên gia pháp lý giỏi của Công ty Luật Thái An trong thời gian qua đã cung cấp dịch vụ tư vấn đầu tư cho hàng trăm nhà đầu tư, đem lại những lợi ích cao nhất cho họ.

Nếu các nhà đầu tư đang tìm cách gỡ rối cho những thủ tục pháp lý đầu tư tại Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài, thì đến với Công ty Luật Thái An chắc chắn các nhà đầu tư sẽ có những giải pháp tối ưu nhất.

Hãy liên hệ ngay với TỔNG ĐÀI TƯ VẤN LUẬT ĐẦU TƯ  của chúng tôi để được tư vấn, hỗ trợ.

Nguyễn Văn Thanh