Tội hiếp dâm là một loại tội phạm rất nguy hiểm không chỉ xâm phạm nghiêm trọng về danh dự, làm tổn thương về nhân phẩm, sức khỏe, tính mạng nạn nhân, mà còn gây đau khổ dai dẳng về tinh thần cho chính nạn nhân và cả thân nhân của nạn nhân. Bài viết dưới đây chúng tôi sẽ phân tích những dấu hiệu pháp lý cần biết của tội hiếp dâm để Quý bạn đọc nắm được.
Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP về hướng dẫn áp dụng quy định tại các Điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành
2. Khái niệm tội hiếp dâm
Căn cứ quy định tại Điều 12 và Điều 141 BLHS năm 2015 thì Tội hiếp dâm: là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc bằng thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái ý muốn của nạn nhân, được quy định trong BLHS, do người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi hoặc từ đủ 16 tuổi trở lên thực hiện một cách cố ý, xâm phạm quan hệ quan hệ nhân thân, nhân phẩm, danh dự của con người.
3. Dấu hiệu pháp lý của tội hiếp dâm là gì?
a. Khách thể của tội hiếp dâm
Khách thể của tội này là quyền bất khả xâm phạm về tình dục của con người
Đối tượng tác động của tội hiếp dâm gồm cả nam giới và nữ giới. Nam giới cũng có thể là nạn nhân của tội hiếp dâm và kể cả khi cùng giới giao cấu với nhau cũng có thể bị coi là tội phạm.
b. Mặt khách quan của tội hiếp dâm
Mặt khách quan của tội hiếp dâm gồm hai dấu hiệu:
Dấu hiệu thứ nhất là một trong các hành vi:
Hành vi dùng vũ lực: là dùng sức mạnh vật chất đè bẹp sự kháng cự của nạn nhân, mục đíchchủ yếu là làm tê liệt sự kháng cự của nạn nhân để người phạm tội thực hiện hành vi giao cấu, ví dụ như: xô ngã, vật lộn, giữ chân tay, bịt mồm, trói, bóp cổ, đánh đấm nạn nhân,…
Đe dọa dùng vũ lực: là hành vi dùng lời nói hoặc hành động hoặc cả hai dọa sẽ dùng vũ lực nếu nạn nhân chống lại hành vi giao cấu. Hành vi này gây uy hiếp tinh thần, khống chế ý chí làm nạn nhân sợ hãi nên buộc phải giao cấu trái ý muốn. Vũ lực đe dọa nhằm vào chính nạn nhân nhưng cũng có thể là những người có quan hệ thân thuộc với nạn nhân. Bằng hành vi đe dọa người phạm tội đã khiến nạn nhân phải giao cấu trái ý muốn của họ.
Lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân: là việc người phạm tội lợi dụng tình trạng nạn nhân lâm vào một trong những hoàn cảnh sau đây để giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác:
Nạn nhân bị hạn chế hoặc bị mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi (ví dụ: người bị hại bị say rượu, bia, thuốc ngủ, thuốc gây mê, ma túy, thuốc an thần, thuốc kích thích, các chất kích thích khác, bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh khác… dẫn đến hạn chế hoặc mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi).
Nạn nhânkhông thể chống cự được (ví dụ: người bị hại bị tai nạn, bị ngất, bị trói, bị khuyết tật… dẫn đến không thể chống cự được);
Thủ đoạn khác: bao gồm các thủ đoạn như đầu độc nạn nhân; cho nạn nhân uống thuốc ngủ, thuốc gây mê, uống rượu, bia hoặc các chất kích thích mạnh khác làm nạn nhân lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi để giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác; hứa hẹn cho tốt nghiệp, cho đi học, đi thi đấu, đi biểu diễn ở nước ngoài để giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác.
Dấu hiệu thứ hai là: dấu hiệu giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái ý muốn của nạn nhân.
Hành vi giao cấu: là hành vi xâm nhập của bộ phận sinh dục nam vào bộ phận sinh dục nữ, với bất kỳ mức độ xâm nhập nào
Hành vi quan hệ tình dục khác: là hành vi của những người cùng giới tính hay khác giới tính sử dụng bộ phận sinh dục nam, bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: ngón tay, ngón chân, lưỡi…), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, miệng, hậu môn của người khác với bất kỳ mức độ xâm nhập nào, bao gồm một trong các hành vi sau đây:
Đưa bộ phận sinh dục nam xâm nhập vào miệng, hậu môn của người khác;
Dùng bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: ngón tay, ngón chân, lưỡi…), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, hậu môn của người khác.
Trái với ý muốn của nạn nhân là người bị hại không đồng ý, phó mặc hoặc không có khả năng biểu lộ ý chí của mình đối với hành vi quan hệ tình dục cố ý của người phạm tội.
c. Chủ thể của tội hiếp dâm
Chủ thể của tội hiếp dâm là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.
d. Mặt chủ quan của tội hiếp dâm
Lỗi của người phạm tội hiếp dâm là lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội biết rõ hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác và hành vi giao cấu của mình là nguy hiểm cho xã hội và trái ý muốn của nạn nhân nhưng vẫn thực hiện và mong muốn thực hiện hành vi đó.
4. Phạm tội hiếp dâm phải chịu hình phạt như thế nào?
4.1 Hình phạt đối với tội hiếp dâm người từ 16 tuổi trở lên
a. Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm
Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
b. Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
Có tổ chức;
Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
Nhiều người hiếp một người;
Phạm tội 02 lần trở lên;
Đối với 02 người trở lên;
Có tính chất loạn luân;
Làm nạn nhân có thai;
Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
Tái phạm nguy hiểm.
c. Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.
d. Hình phạt đối với trường hợp phạm tội đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi
Phạm tội đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại tiểu mục b, tiểu mục c nêu trên thì bị xử phạt theo mức hình phạt quy định tại các khoản đó.
e. Hình phạt bổ sung
Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
4.2 Hình phạt đối với tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi
a. Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm
Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ;
Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi.
b. Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
Có tính chất loạn luân;
Làm nạn nhân có thai;
Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
Phạm tội 02 lần trở lên;
Đối với 02 người trở lên;
Tái phạm nguy hiểm.
c. Phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
Có tổ chức;
Nhiều người hiếp một người;
Đối với người dưới 10 tuổi;
Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
d. Hình phạt bổ sung đối với tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi
Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Một số tình tiết định khung hình phạt đối với tội hiếp dâm cần lưu ý
5.1 Tình tiết có tính chất loạn luân
Có tính chất loạn luân là một trong các trường hợp sau đây:
Phạm tội đối với người cùng dòng máu về trực hệ, với anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha;
Phạm tội đối với cô ruột, dì ruột, chú ruột, bác ruột, cậu ruột, cháu ruột;
Phạm tội đối với con nuôi, bố nuôi, mẹ nuôi;
Phạm tội đối với con riêng của vợ, con riêng của chồng, bố dượng, mẹ kế;
Phạm tội đối với con dâu, bố chồng, mẹ vợ, con rể.
5.2 Tình tiết phạm tội 02 lần trở lên
Phạm tội 02 lần trở lên là trường hợp người phạm tội đã thực hiện hành vi phạm tội từ 02 lần trở lên nhưng chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
5.3 Tình tiết nhiều người hiếp một người
Nhiều người hiếp một người là trường hợp 02 người trở lên hiếp dâm 01 người. Cũng được coi là “nhiều người hiếp một người”, nếu có từ 02 người trở lên cùng bàn bạc, thống nhất sẽ thay nhau hiếp dâm 01 người, nhưng vì lý do ngoài ý muốn mới có 01 người thực hiện được hành vi hiếp dâm.
Không coi là “nhiều người hiếp một người”, nếu có từ 02 người trở lên câu kết với nhau tổ chức, giúp sức cho 01 người hiếp dâm (trường hợp này là đồng phạm).
6. Khi xét xử tội hiếp dâm Toà án cần phải tuân thủ điều gì?
6.1 Nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội hiếp dâm
Căn cứ quy định tại Điều 6 Nghị Quyết 06/2019/NQ-HĐTP thì nguyên tắc xử lý tối với người phạm tội hiếp dâm là:
Tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật hình sự và tố tụng hình sự.
Áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm luân thường, đạo đức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; lợi dụng nghề nghiệp, công việc; xâm hại người dưới 13 tuổi.
Áp dụng các hình phạt bổ sung cao nhất theo quy định của Bộ luật Hình sự và các đạo luật khác có liên quan. Trong trường hợp cần thiết có thể cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề liên quan đến người dưới 16 tuổi.
6.2 Nguyên tắc khi xét xử tội hiếp dâm mà bị hại là người dưới 18 tuổi
Khi xét xử vụ án xâm hại tình dục người bị hại dưới 18 tuổi, Tòa án phải thực hiện:
Xét xử kín, tuyên án công khai theo đúng quy định tại Điều 327 của Bộ luật Tố tụng hình sự. Khi tuyên án, Hội đồng xét xử chỉ đọc phần quyết định trong bản án;
Phân công Thẩm phán có kiến thức hoặc kinh nghiệm xét xử các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi;
Khi tham gia xét xử, Thẩm phán mặc trang phục làm việc hành chính của Tòa án nhân dân, không mặc áo choàng;
Xử án tại Phòng xét xử thân thiện
Có sự tham gia của người đại diện, người giám hộ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi.
Tuỳ vào điều kiện và hoàn cảnh cụ thể, Toà án cần thực hiện:
Hạn chế triệu tập bị hại là người dưới 18 tuổi đến phiên tòa nếu vẫn giải quyết được vụ án bằng việc áp dụng các biện pháp thay thế khác
Trường hợp phải triệu tập bị hại là người dưới 18 tuổi đến phiên tòa, Tòa án cần tạo điều kiện để họ làm quen, tiếp xúc với môi trường Tòa án, với quy trình và thủ tục xét xử;
Bố trí cho họ ngồi ở phòng cách ly và sử dụng các thiết bị điện tử để không làm ảnh hưởng đến tâm lý của họ khi họ khai báo, tham gia tố tụng tại phiên tòa; trường hợp không bố trí được phòng cách ly thì để họ ngồi ở phòng xử án nhưng phải có màn che ngăn cách với khu vực của bị cáo và khoảng cách giữa Hội đồng xét xử với người bị hại là người dưới 18 tuổi không quá 03 mét.
Câu hỏi đối với bị hại là người dưới 18 tuổi phải phù hợp với lứa tuổi, mức độ phát triển, trình độ văn hóa, hiểu biết của họ.
Câu hỏi cần ngắn gọn, rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu; không hỏi nhiều vấn đề cùng một lúc; chỉ đặt câu hỏi làm rõ tình tiết vụ án; không đặt câu hỏi chỉ để tranh luận. Câu hỏi đối với bị hại dưới 10 tuổi không quá 10 từ và thời gian hỏi không liên tục quá 01 giờ.
Sử dụng sơ đồ hoặc mô hình cơ thể có đánh số thứ tự các bộ phận để người bị hại là người dưới 18 tuổi xác định các bộ phận bị xâm hại.
Khi bị cáo đề nghị được hỏi bị hại là người dưới 18 tuổi thì phải chuyển câu hỏi cho người bào chữa hoặc Hội đồng xét xử hỏi.
Toà án sẽ không được thực hiện các công việc sau đây:
Yêu cầu bị hại là người dưới 18 tuổi tường thuật lại chi tiết quá trình phạm tội;
Sử dụng câu hỏi có tính chất công kích, đe dọa, gây xấu hổ, xúc phạm bị hại;
Đối chất giữa bị hại với người phạm tội tại phiên tòa;
Xác định bộ phận bị xâm hại bằng cách để bị hại là người dưới 18 tuổi chỉ trực tiếp vào bộ phận cơ thể của mình hoặc của người khác;
Để bị cáo hỏi trực tiếp bị hại là người dưới 18 tuổi;
Buộc bị hại là người dưới 18 tuổi phải đứng khi tham gia tố tụng tại phiên tòa;
Công khai bản án, quyết định của Tòa án liên quan đến vụ án trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án.
7. Toà án quyết định mức hình phạt đối với người phạm tội hiếp dâm như thế nào?
Tòa án căn cứ vào quy định tại Điều 141, Điều 142 nêu trên, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.
Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt.
Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự 2015.
Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.
8. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội hiếp dâm là bao lâu?
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật hình sự quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với tội hiếp dâm thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 20 năm kể từ ngày tội phạm được thực hiện.
Nếu trong thời hạn quy định, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.
Nếu trong thời hạn quy định, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.
9. Người che dấu tội phạm tội hiếp dâm thì bị xử lý thế nào?
Người nào không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện đã che giấu người phạm tội, dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm
Đối với tội hiếp dâm theo quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 141 và Điều 142 Bộ luật hình sự thì người che dấu tội phạm bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm.
Trường hợp người che giấu tội phạm tội hiếp dâm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội thì sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự.
10. Trường hợp nào nạn nhân đồng ý mà vẫn phạm tội hiếp dâm?
Tại điểm b khoản 1 Điều 142 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 có quy định như sau:
“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
b) Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi”.
Như vậy, trường hợp giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi (dù nạn nhân đồng ý) vẫn cấu thành tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi.
11. Phạm tội hiếp dâm ở nước ngoài có bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật Việt Nam hay không?
Khoản 1 Điều 6 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định:
“Công dân Việt Nam hoặc pháp nhân thương mại Việt Nam có hành vi phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà Bộ luật này quy định là tội phạm, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam theo quy định của Bộ luật này”.
Như vậy, Công dân Việt Nam phạm tội hiếp dâm ở ngoài lãnh thổ nước Việt Nam thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật Việt Nam.
12. Thuê Luật sư bào chữa tội hiếp dâm
Bạn đang cần tìm luật sư bào chữa, tư vấn về tội hiếp dâm hay những quy định của pháp luật hình sự, bạn hoàn toàn có thể tin tưởng lựa chọn Công ty Luật Thái An chúng tôi.
Là một trong những công ty Luật uy tín hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực hình sự, đến với Luật Thái An bạn sẽ được đội ngũ Luật sư giỏi kiến thức pháp luật hình sự, dày dặn kinh nghiệm thực tế tư vấn, bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp cho bạn.
Bạn hãy đọc thêm bài viết Dịch vụ luật sư bào chữa để hiểu những lợi ích to lớn mà mình sẽ nhận được khi chọn dịch vụ của Công ty Luật Thái An chúng tôi.
HÃY LIÊN HỆ NGAY VỚI CHÚNG TÔI ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN VÀ SỬ DỤNG DỊCH VỤ LUẬT SƯ BÀO CHỮA TỘI HIẾP DÂM
Luật sư Đàm Thị Lộc: • Thành viên Đoàn Luật sư TP. Hà Nội và Liên đoàn Luật sư Việt Nam • Cử nhân luật Đại học Luật Hà Nội • Lĩnh vực hành nghề chính: * Tư vấn pháp luật: Doanh nghiệp, Đầu tư, Xây dựng, Thương mại, Lao động, Dân sự, Hình sự, Đất đai, Hôn nhân và gia đình * Tố tụng và giải quyết tranh chấp: Kinh doanh thương mại, Đầu tư, Xây dựng, Lao động, Bảo hiểm, Dân sự, Hình sự, Hành chính, Đất đai, Hôn nhân và gia đình
ĐOÀN LUẬT SƯ TP HÀ NỘI - CÔNG TY LUẬT THÁI AN BỀ DẦY TRÊN 15 NĂM KINH NHIỆM TƯ VẤN LUẬT UY TÍN VÀ CHẤT LƯỢNG TẠI VIỆT NAM
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Bề dày 16+ năm kinh nghiệm Tư vấn pháp luật và Giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại, đầu tư, dân sự, hình sự, đất đai, lao động, hôn nhân và gia đình... Công ty Luật Thái An cam kết cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp, bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của Khách hàng.
Để được Giải đáp pháp luật nhanh - Hãy gọi Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 633 725
Để được Tư vấn luật bằng văn bản – Hãy điền Form gửi yêu cầu (phí tư vấn từ 3.000.000 đ)
Để đượcCung cấp Dịch vụ pháp lý trọn gói – Hãy điền Form gửi yêu cầu (Phí dịch vụ tuỳ thuộc tính chất vụ việc)