Bồi thường thiệt hại trong hợp đồng: Điều khoản quan trọng
Ngày nay, các vụ việc vi phạm hợp đồng dân sự nói chung xảy ra ngày càng nhiều, dẫn đến tranh chấp giữa các cá nhân, doanh nghiệp tăng lên. Hệ quả của những tranh chấp này thường liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Trong bài viết dưới đây, Công ty Luật Thái An sẽ tư vấn về quy định về vấn đề bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng.
Việc bồi thường thiệt hại trong hợp đồng chịu sự điều chỉnh của Bộ Luật dân sự năm 2015 và Luật thương mại năm 2005: Các hợp đồng dân sự (không vì mục đích lợi nhuận) chịu sự điều chỉnh của Bộ luật dân sư, các hợp đồng thương mại (vì mục đích lợi nhuận với ít nhất một bên trong hợp đồng là thương nhân) chịu sự điều chỉnh bởi cả Bộ luật dân sự lẫn Luật thương mại.
1. Bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng là gì?
Khi một bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nội dung của nghĩa vụ theo thỏa thuận giữa các bên hoặc theo các quy định của pháp luật tức là đã vi phạm hợp đồng, khi đó, bên vi phạm hợp đồng phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng.
Như vậy, bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng được hiểu là biện pháp pháp lý, trách nhiệm dân sự nhằm bù đắp những thiệt hại, những tổn thất do hành vi phạm các quy định trong hợp đồng của các bên.
Cần phân biệt bồi thường thiệt hại TRONG hợp đồng (khi các bên giao kết hợp đồng) với bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (không có hợp đồng). Trong bài viết này, chúng tôi đề cập tới bồi thường thiệt hại trong hợp đồng. Để hiểu hơn về sự khác biệt, bạn hãy đọc So sánh bồi thường thiệt hại trong hợp đồng và ngoài hợp đồng
Bồi thường thiệt hại là một trong số các chế tài có thể áp dụng đối với bên vi phạm. Ngoài bồi thường thiệt hại thì các chế tài khác là:
2. Các căn cứ áp dụng biện pháp bồi thường thiệt hại
Không phải cứ có thiệt hại là phải bồi thường. Theo quy định của Bộ Luật Dân sự 2015, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng chỉ phát sinh khi có đầy đủ các yếu tố sau:
Có hành vi vi phạm hợp đồng;
Có thiệt hại thực tế xảy ra;
Việc vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thiệt hại (yếu tố lỗi).
Bên bị vi phạm phải có nghĩa vụ chứng minh những tổn thất, thiệt hại mà bên mình phải chịu khi bên kia vi phạm hợp đồng.
Một số khách hàng hỏi “Có phải bồi thường thiệt hại khi không có lỗi hay không ?” Câu trả lời là “không”. “Có phải bồi thường thiệt hại khi hợp đồng vô hiệu không ?”. Câu trả lời cũng là “không”.
Tuy nhiện, có những trường hợp, dù đã đáp ứng cả 3 yếu tố nên trên nhưng bên vi phạm hợp đồng vẫn không phải chịu trách nhiệm bồi thường. Đó là khi thuộc một trong các trường hợp được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Chúng tôi sẽ trình bầy bên dưới.
3. Mức độ bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng
Khi một bên phải nhận trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng rồi thì việc xác định mức độ bồi thường là điều các bên đều rất quan tâm.
a. Bồi thường toàn bộ thiệt hại
Mức độ bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng được quy định rất cụ thể tại Bộ Luật Dân sự 2015 như sau:
“Cá nhân, pháp nhân có quyền dân sự bị xâm phạm được bồi thường “toàn bộ thiệt hại”, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”.
Ngoài ra, Điều 360 Bộ Luật Dân sự 2015 cũng có quy định:
“Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường “toàn bộ thiệt hại”, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”.
Như vậy, khi một bên vi phạm hợp đồng do đó thiệt hại xẩy ra thì bên đó phải bồi thường TOÀN BỘ THIỆT HẠI. Thiệt hại bao gồm cả thiệt hại về vật chất và tinh thần theo Điều 361 Bộ Luật dân sự 2015.
Căn cứ Điều 419, Điều 369 Bộ Luật dân sự 2015 quy định cụ thể về việc xác định thiệt hại được bồi thường do vi phạm hợp đồng. Theo đó, thiệt hại được bồi thường sẽ bao gồm:
Thiệt hại về vật chất thực tế xác định được: bao gồm: tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại hay thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút.
Các khoản lợi, lãi mà đáng lẽ bên có quyền (bên yêu cầu bồi thường thiệt hại) được hưởng do hợp đồng mang lại.
Các chi phí phát sinh do việc không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng, vi phạm hợp đồng mà không trùng lặp với mức bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà hợp đồng mang lại nêu trên.
Thiệt hại về tinh thần: Theo khoản 3 Điều 361 Bộ Luật Dân sự 2015 thì: “Thiệt hại về tinh thần là tổn thất về tinh thần do bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các lợi ích nhân thân khác của một chủ thể”.
Những thiệt hại tinh thần do vi phạm hợp đồng thường được chấp thuận thường là các hợp đồng mang tính “cá nhân” (hợp đồng dân sự thông thường) hơn là các hợp đồng mang tính thương mại. Ví dụ như: hợp đồng hỗ trợ cho việc sinh con, hợp đồng vận chuyển hành khách, hợp đồng giải quyết các vấn đề về nhà ở… Tuy nhiên thực tế hiện nay, việc bồi thường thiệt hại về tinh thần do vi phạm hợp đồng là chưa nhiều và rất khó xác định.
Như vậy, có thể thấy, theo quy định tại Bộ Luật Dân sự 2015 thì thiệt hại được bồi thường không chỉ bao gồm những thiệt hại thực tế mà còn bao gồm cả khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm lẽ ra được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.
Quy định này có sự tương đồng với quy định về bồi thường thiệt hại được quy định tại Khoản 2 Điều 302 Luật Thương mại 2005:
“Giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm”.
b. Căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng
Như đã phân tích ở trên, hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự, theo đó, mức bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng cũng là một phần trong nội dung được thỏa thuận.
Nếu trong Hợp đồng có quy định cụ thể về các khoản bồi thường và mức bồi thường thì việc xác định mức bồi thường sẽ làm theo quy định tại Hợp đồng. Cần lưu ý là các điều khoản bồi thường thiệt hại không được trái quy định của pháp luật.
Nếu hợp đồng không có quy định về mức bồi thường thì lúc này, mức bồi thường thiệt hại sẽ do hai bên sử dụng phương pháp thỏa thuận và quyết định. Các bên có thể dựa vào quy định của luật để thoả thuận.
Lưu ý: Nếu bên vi phạm chỉ có lỗi một phần trong việc gây ra các thiệt hại do vi phạm hợp đồng thì sẽ chỉ phải bồi thường tương ứng với mức độ lỗi của mình (Điều 363 Bộ Luật Dân sự 2015).
Cũng theo Điều 304 và Điều 305 của Luật thương mại 2005 thì để có thể áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại thì bên bị vi phạm phải chứng minh được những tổn thất của mình và cũng phải hạn chế tổn thất để tránh việc bên bị vi phạm ỉ vào bên vi phạm bồi thường mà không làm gì để hạn chế tổn thất dù việc ngăn chặn đó là trong khả năng của họ:
Nghĩa vụ chứng minh tổn thất: Bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải chứng minh tổn thất, mức độ tổn thất do hành vi vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.
Nghĩa vụ hạn chế tổn thất: Bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải áp dụng các biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất kể cả tổn thất đối với khoản lợi trực tiếp đáng lẽ được hưởng do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra. Nếu bên yêu cầu bồi thường thiệt hại không áp dụng các biện pháp đó, bên vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu giảm bớt giá trị bồi thường thiệt hại bằng mức tổn thất đáng lẽ có thể hạn chế được.
4. Các trường hợp nào được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng
Không phải bồi thường thiệt hại trong mọi trường hợp. Pháp luật có quy định về những trường hợp được miễn trách nhiệm dân sự – miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng. Điều 302 Bộ Luật dân sự 2015 chỉ quy định 02 trường hợp miễn trừ trách nhiệm dân sự nói chung và trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng đó là: do sự kiện bất khả kháng và do lỗi của bên có quyền.
Căn cứ để miễn trừ trách nhiệm dân sự do sự kiện bất khả kháng được quy định tại Khoản 1 Điều 302 Bộ Luật Dân sự 2015, theo đó:
“Trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thể thực hiện được nghĩa vụ dân sự do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.”
Căn cứ để miễn trách nhiệm khi thiệt hại do lỗi của bên có quyền được quy định tại Khoản 3 Điều 302 Bộ Luật Dân sự 2015, theo đó:
“Bên có nghĩa vụ không phải chịu trách nhiệm dân sự nếu chứng minh được nghĩa vụ không thực hiện được là hoàn toàn do lỗi của bên có quyền.”
Ngoài các căn cứ trên, theo quy định tại Điều 402 Bộ Luật Dân sự 2015 thì một trong những nội dung mà các bên có thể thỏa thuận trong hợp đồng đó là điều khoản về trách nhiệm do vi phạm hợp đồng. Pháp luật để cho các chủ thể tự do thỏa thuận về trách nhiệm do vi phạm hợp đồng nên các chủ thể được tự do thỏa thuận về điều khoản miễn trừ trách nhiệm bồi thường do vi phạm hợp đồng.
Ngoài ra, trong một số điều khoản khác của Bộ Luật Dân sự 2015 về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của bên vi phạm hợp đồng cũng thường kèm theo cụm từ “trừ trường hợp có thỏa thuận khác” (khoản 2 Điều 305, Điều 306…)
Như vậy, ngoài 02 trường hợp luật định là miễn trừ bồi thường thiệt hại vi phạm hợp đồng do sự kiện bất khả kháng và miễn trừ trách nhiệm do lỗi hoàn toàn của bên có quyền thì bên có nghĩa vụ còn được miễn trừ trách nhiệm bồi thường nếu trong hợp đồng các bên có thỏa thuận về việc này.
Tóm lại, các trường hợp miễn trách nhiệm gồm: Lý do bất khả kháng, do lỗi của bên bị vi phạm hợp đồng, do các bên thỏa thuận, do cơ quan nhà nước quyết định; mà tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không biết được thì không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng bên vi phạm hợp đồng cũng có trách nhiệm phải chứng minh được lý do mình được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
5. Tiền lãi do chậm thanh toán như một cách áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại
Việc chậm thanh toán là khá phổ biến khi các bên thực hiện hợp đồng, đây được coi là một hành vi vi phạm hợp đồng và có thể được xử lý bằng cách áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại. Cụ thể là nếu một bên chậm thanh toán thì bên kia có quyền yêu cầu trả lãi đối với số tiền chậm trả, áp dụng lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm chậm thanh toán. Căn cứ Điều 306 Luật thương mại 2005:
“Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.”
6. Chế tài bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm hợp đồng
Bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng là một chế tài quan trọng, nó có thể được áp dụng kể cả khi trong hợp đồng không có điều khoản về bồi thường thiệt hại.
Ngoài ra, các bên còn có thể thoả thuận áp dụng điều khoản phạt vi phạm. Phạt vi phạm hợp đồng là một chế tài được quy định cả trong luật dân sự lẫn luật thương mại. Tuy nhiên, cần lưu ý là nếu hợp đồng không có điều khoản này thì khi xẩy ra vi phạm không thể áp dụng chế tài phạt vi phạm.
Điều 418 Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau:
Phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm.
Mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
Các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm.
Điều 299 Luật Thương mại 2005 quy định như sau về quan hệ giữa chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng và chế tài bồi thường thiệt hại:
Trường hợp các bên không có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm chỉ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.
Như vậy, đối với các hợp đồng dân sự và thương mại, nếu các bên không có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm chỉ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Trường hợp các bên có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại.
7. Vai trò của luật sư khi tư vấn soạn thảo hợp đồng
Có thể thấy là nếu các bên không thoả thuận cụ thể về bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng thì khi vi phạm xẩy ra, gây ra mất mát và tổn thất, việc xác định mức bồi thường là phức tạp và bất lợi cho một bên.
Luật sư soạn hợp đồng với điều khoản về bồi thường thiệt hại không chỉ giúp xác định rõ ràng trách nhiệm của mỗi bên mà còn đề xuất cơ chế xử lý khi có tranh chấp. Điều này giúp giảm thiểu rủi ro và không rõ ràng, đồng thời tăng cường sự tin tưởng giữa các bên. Điều khoản bồi thường thường bao gồm việc xác định mức độ thiệt hại, cách tính toán và thời gian thanh toán.
Tuy nhiên, việc xác định mức bồi thường không nên quá cao so với giá trị thực tế của thiệt hại, để tránh tạo ra một áp lực không cần thiết lên bên vi phạm. Ngược lại, nó cũng không nên quá thấp đến mức không đủ để bảo vệ quyền lợi của bên bị thiệt hại. Vì vậy, kinh nghiệm và kiến thức pháp lý của luật sư sẽ giúp cân nhắc và đưa ra quyết định hợp lý nhất trong việc đề xuất và thỏa thuận điều khoản này.
Tóm lại, việc có một luật sư chuyên nghiệp trong quá trình soạn thảo hợp đồng, đặc biệt là về điều khoản bồi thường thiệt hại, là một bước thiết yếu để đảm bảo quyền lợi và tránh rủi ro cho cả hai bên. Điều này càng đúng đối với những ai đề cao pháp lý doanh nghiệp.
Tiến sỹ luật học, Luật sư Nguyễn Văn Thanh là thành viên Đoàn Luật sư TP. Hà Nội và Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Lĩnh vực hành nghề chính: * Tư vấn pháp luật: Doanh nghiệp, Đầu tư, Xây dựng, Thương mại, Lao động, Dân sự, Hình sự, Đất đai, Hôn nhân và gia đình * Tố tụng và giải quyết tranh chấp: Kinh doanh thương mại, Đầu tư, Xây dựng, Lao động, Bảo hiểm, Dân sự, Hình sự, Hành chính, Đất đai, Hôn nhân và gia đình
Bài viết mới nhất của Nguyễn Văn Thanh (Xem tất cả)
ĐOÀN LUẬT SƯ TP HÀ NỘI - CÔNG TY LUẬT THÁI AN BỀ DẦY TRÊN 15 NĂM KINH NHIỆM TƯ VẤN LUẬT UY TÍN VÀ CHẤT LƯỢNG TẠI VIỆT NAM
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Bề dày 16+ năm kinh nghiệm Tư vấn pháp luật và Giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại, đầu tư, dân sự, hình sự, đất đai, lao động, hôn nhân và gia đình... Công ty Luật Thái An cam kết cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp, bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của Khách hàng.
Để được Giải đáp pháp luật nhanh - Hãy gọi Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 633 725
Để được Tư vấn luật bằng văn bản – Hãy điền Form gửi yêu cầu (phí tư vấn từ 3.000.000 đ)
Để đượcCung cấp Dịch vụ pháp lý trọn gói – Hãy điền Form gửi yêu cầu (Phí dịch vụ tuỳ thuộc tính chất vụ việc)