Miễn trừ trách nhiệm: Khi nào áp dụng và áp dụng như thế nào?

Khi xẩy ra vi phạm quyền và nghĩa vụ của một bên theo hợp đồng thì không phải trong trường hợp nào, bên vi phạm cũng phải chịu trách nhiệm. Pháp luật hiện hành có quy định về những trường hợp khi đủ điều kiện nhất định thì các chủ thể sẽ được miễn trách nhiệm hợp đồng. Đó là những trường hợp nào ? và áp dụng như thế nào?

1. Miễn trừ trách nhiệm là gì?

Miễn trách nhiệm trong hợp đồng hay miễn trách nhiệm trong trường hợp vi phạm hợp đồng là quy định về việc không buộc bên có hành vi vi phạm phải chịu trách nhiệm hợp đồng trong những trường hợp pháp luật quy định hoặc các bên thỏa thuận.

Về bản chất, miễn trách nhiệm hợp đồng là những trường hợp được loại trừ yếu tố lỗi của bên có hành vi vi phạm do hành vi này diễn ra trong hoàn cảnh không thuộc phạm vi kiểm soát của chủ thể thực hiện. Cơ sở để miễn trách nhiệm hợp đồng trong những trường hợp này là bên vi phạm không có lỗi khi thực hiện, thực hiện không đúng hợp đồng trong điều kiện nảy sinh những tình huống ngoài ý muốn như thiên tai, bão lũ, hỏa hoạn, dịch bệnh.

Các quy định về miễn trừ trách nhiệm pháp lý có tại Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Thương mại năm 2005:

  • Các trường hợp miễn trách nhiệm trong hợp đồng dân sự phải tuân thủ quy định của Bộ Luật dân sự 2025. Hợp đồng dân sự là hợp đồng không vì mục đích lợi nhuận (thí dụ hợp đồng tặng cho, cho mượn, hỗ trợ, tiêu dùng…)
  • Các trường hợp miễn trách nhiệm trong hợp đồng thương mại phải tuân thủ quy định của Luật thương mại 2005. Hợp đồng thương mại là hợp đồng mà ít nhất một bên trong hợp đồng hoạt động vì mục đích lợi nhuận (thí dụ hợp đồng cung cấp dịch vụ, mua bán hàng hoá…)

2. Miễn trách nhiệm trong hợp đồng dân sự

a. Trường hợp miễn trách nhiệm do thỏa thuận của các bên

Bên vi phạm có thể được miễn trách nhiệm pháp lý nếu các bên đã thỏa thuận về việc miễn trách nhiệm trước thời điểm có vi phạm xảy ra. Hoặc các bên cũng có thể thoả thuận miễn trách nhiệm sau khi vi phạm xẩy ra – khi đó việc này hoàn toàn tuỳ thuộc vào thiện chí của bên có quyền. Thỏa thuận miễn trách nhiệm được ghi thành văn bản, tốt nhất là trong hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng.

Ví dụ: A đến cửa hàng của B mua một bộ bàn ghế, hai bên thỏa thuận thời hạn giao là 16/07/2018. Tuy nhiên, do chỗ quen biết lâu năm nên hai bên đã thỏa thuận nếu B không giao đúng hạn cũng không phải chịu trách nhiệm dân sự. Đến ngày 30/07/2018 B mới giao bộ bàn ghế cho A nhưng do thỏa thuận nên B sẽ được miễn trừ trách nhiệm vi phạm hợp đồng.

b. Miễn trừ trách nhiệm do xẩy ra trường hợp bất khả kháng

Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Đây là quy định tại điều 351 Bộ Luật dân sự 2015. Theo đó, nếu một bên vi phạm hợp đồng trong trường hợp bất khả kháng thì được miễn trách nhiệm dân sự: không phải bồi thường thiệt hại (nếu có thiệt hại), không bị phạt vi phạm hợp đồng (nếu hợp đồng quy định)…

Tuy nhiên, bạn cần tìm hiểu xem trường hợp của bạn có phải là bất khá kháng hay không. Nói một cách khác, để được coi là bất khả kháng thì phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật. Điều 156 Bộ Luật dân sự 2015 định nghĩa bất khả kháng như sau:

Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

>>> Xem thêm: Sự kiện bất khả kháng

c. Miễn trừ trách nhiệm nếu bên có quyền hoàn toàn có lỗi

Khoản 3 điều 351 Bộ Luật dân sự 2015 quy định:

Bên có nghĩa vụ không phải chịu trách nhiệm dân sự nếu chứng minh được nghĩa vụ không thực hiện được là hoàn toàn do lỗi của bên có quyền.

Như vậy, nếu một bên vi phạm hợp đồng nhưng hoàn toàn do lỗi của bên kia thì cũng được miễn trách nhiệm. Tuy nhiên, nếu việc vi phạm hợp đồng MỘT PHẦN do lỗi của bên kia thì bên vi phạm vẫn phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vi phạm do lỗi của mình.

Miễn trách nhiệm hợp đồng
Có 4 trường hợp được miễn trách nhiệm hợp đồng. – ảnh: Luật Thái An

4. Miễn trách nhiệm trong hợp đồng thương mại

a. Các trường hợp miễn trách nhiệm trong hợp đồng thương mại

Đối với hợp đồng thương mại thì có thể áp dụng các quy định về miễn trách nhiệm như đối với hợp đồng dân sự, ngoài ra còn có thể áp dụng trường hợp miễn trách nhiệm do quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đó là ành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng (điều 294 Luật Thương mại 2005).

Về bản chất, hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước là hành vi vi phạm do sự kiện bất khả kháng về sự biến pháp lý.

Quyết định của cơ quan nhà nước phải làm phát sinh nghĩa vụ của bên vi phạm, tức là phải thực hiện hoặc không thực hiện một hành vi nhất định nào đó dẫn tới hành vi vi phạm hợp đồng.

Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể là quyết định hành chính (quyết định xử phạt vi phạm, quyết định trưng thu,…) hoặc quyết định của cơ quan tư pháp (bản án, quyết định).

Miễn trách nhiệm chỉ được áp dụng khi các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng sẽ xảy ra hành vi vi phạm do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Nếu các bên đã biết về việc thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền có thể dẫn đến vi phạm hợp đồng mà vẫn đồng ý giao kết hợp đồng thì không được áp dụng miễn trách nhiệm.

Ví dụ: Ngày 16/06/2018 bên A kí kết hợp đồng mua bán với bên B theo đó bên B sẽ giao cho bên A 1000 con gà vào ngày 16/7/2018 để tiến hành sơ chế đóng gói bán ra thị trường. Tuy nhiên, ngày 30/6/2018, Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định về việc tuyên bố vùng dịch bệnh và cấm nuôi, giết mổ, vận chuyển gia súc ra khỏi vùng dịch bệnh. Quyết định này khiến bên B không thể giao hàng đúng hạn cho bên A nhưng lại được miễn trách nhiệm.

b. Áp dụng miễn trách nhiệm trong hợp đồng thương mại

Nếu bạn cho rằng mình đã vi phạm hợp đồng trong trường hợp được miễn trách nhiệm thì bạn cần thực hiện một số bước:

  • Bạn phải chứng minh trường hợp miễn trách nhiệm
  • Bạn phải thông báo ngay bằng văn bản cho bên kia về trường hợp được miễn trách nhiệm và những hậu quả có thể xảy ra.
  • Khi trường hợp miễn trách nhiệm chấm dứt, bạn phải thông báo ngay cho bên kia biết; nếu không thông báo hoặc thông báo không kịp thời cho bên kia thì phải bồi thường thiệt hại.

Căn cứ điều 294 Luật Thương mại 2005.

KẾT LUẬN:

Trong quá trình ký kết hợp đồng, điều khoản miễn trừ trách nhiệm thường được đưa vào để giảm bớt hoặc loại bỏ nghĩa vụ pháp lý của một bên trước những rủi ro có thể xảy ra. Tuy nhiên, việc xác định và soạn thảo các điều khoản này đòi hỏi sự am hiểu sâu rộng về pháp luật và kỹ năng phân tích.

Vì vậy, việc tìm đến một luật sư để tư vấn soạn thảo hợp đồng và đánh giá tính hợp lệ của các điều khoản miễn trừ trách nhiệm là vô cùng quan trọng, giúp đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan và tính pháp lý của hợp đồng.

Nguyễn Văn Thanh