Ly hôn thuận tình với người nước ngoài: Hướng dẫn chi tiết!
Ly hôn cần những thủ tục gì ? Đây là những băn khoăn của nhiều người. Tuy nhiên pháp luật quy định khác nhau đối với các trường hợp ly hôn khác nhau. Bài viết này dành riêng để hỗ trợ ly hôn thông qua tư vấn về trường hợp công dân Việt Nam ở Việt Nam ly hôn thuận tình với công dân nước ngoài (còn gọi là thuận tình ly hôn với người nước ngoài ở Việt Nam).
1. Khái niệm ly hôn thuận tình
Ly hôn thuận tình là việc cả hai bên đồng ý chấm dứt hôn nhân, đồng thời thống nhất về các vấn đề liên quan như chia tài sản, quyền nuôi con.
Điều kiện ly hôn thuận tình gồm: cả hai bên đều đồng ý ly hôn; không có tranh chấp về tài sản chung, quyền nuôi con hoặc đã có thỏa thuận; không vi phạm các quy định của pháp luật.
Chi tiết có tại bài viết sau:
>>> Xem thêm: Thuận tình ly hôn là gì ?
2. Công dân Việt Nam thuận tình ly hôn với người nước ngoài
Trước hết, cần hiểu rằng công dân Việt Nam là người mang quốc tịch Việt Nam (có hộ chiếu Việt Nam). Nhiều trường hợp Việt Kiều là công dân Việt Nam khi họ mang quốc tịch Viêt Nam. Nếu là Việt Kiều nhưng không có quốc tịch Việt Nam thì không phải là công dân Việt Nam.
Công dân Việt Nam ở Việt Nam ly hôn thuận tình với công dân nước ngoài (còn gọi là thuận tình ly hôn với người nước ngoài là một trường hợp ly hôn có yếu tố nước ngoài. Để tìm hiểu về ly hôn có yếu tố nước ngoài, bạn có thể đọc bài viết sau:
>>> Xem thêm: Ly hôn có yếu tố nước ngoài là gì ?
Khi yếu tố nước ngoài xuất hiện trong mối quan hệ thì vấn đề pháp lý trở nên phức tạp hơn. Các vấn đề thường gặp là: cầnáp dụng pháp luật của nước nào? việc thừa nhận và thi hành án ly hôn? thỏa thuận phân chia tài sản, quyền nuôi con tại nước ngoài.
Do đó, bạn cần tìm kiếm sự tư vấn từ luật sư có kinh nghiệm để hiểu rõ hơn về các quy định pháp luật và bảo vệ quyền lợi của mình.
3. Toà án nào có thẩm quyền giải quyết ly hôn với người nước ngoài?
Tuỳ vào nơi cư trú của người vợ và người chồng mà có một vài trường hợp ly hôn với người nước ngoài và thẩm quyền giải quyết trong từng trường hợp như sau (căn cứ Điều 127 Luật hôn nhân gia đình 2014):
- Trường hợp 1: Cả hai vợ chồng ở nước ngoài và ở cùng một nước: Toà án nước hai người đang cư trú có thẩm quyền giải quyết việc ly hôn
- Trường hợp 2: Cả hai vợ chồng ở nước ngoài và ở hai nước khác nhau: Toà án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết việc ly hôn
- Trường hợp 3: Một người ở nước ngoài, một người ở Việt Nam: Toà án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết việc ly hôn
- Trường hợp 4: Cả hai vợ chồng ở Việt Nam: Toà án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết việc ly hôn
Như vậy, toà án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết việc ly hôn với người nước ngoài trong hầu hết các trường hợp, trừ trường hợp cả hai vợ chồng ở cùng một nước khác ngoài Việt Nam.
Do thuộc trường hợp ly hôn có yếu tố nước ngoài nên toà án cấp tỉnh (toà án tỉnh hoặc toà án thành phố trực thuộc trung ương) có thẩm quyền giải quyết (căn cứ Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015).
Do thuộc trường hợp ly hôn thuận tình nên toà án cấp tỉnh nơi người vợ hoặc người chồng ở Việt Nam cư trú (có thể là thường trú hoặc tạm trú) có thẩm quyền giải quyết (căn cứ Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015).
Chúng tôi sẽ tư vấn thủ tục ly hôn với người nước ngoài trong trường hợp 2, 3, 4 ở phần sau của bài viết này.
Lưu ý:
Nhiều khách hàng hỏi chúng tôi: Đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài có thể giải quyết thuận tình ly hôn với người nước ngoài không ? Câu trả lời là KHÔNG. Việc giải quyết ly hôn chỉ thuộc thẩm quyền của Toà án nhân dân, theo quy định tại điều Điều 29 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015:
Điều 29. Những yêu cầu về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
-
…
-
Yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn.
Ngoài ra, pháp luật không quy định cơ quan ngoại giao có thẩm quyền giải quyết ly hôn.
4. Vợ chồng có phải có mặt tại Việt Nam để giải quyết ly hôn với người nước ngoài không ?
Thông thường, cả hai vợ chồng phải có mặt tại Toà án tại Việt Nam để thực hiện thủ tục ly hôn. Tuy nhiên, nếu một người đang ở Việt Nam thì người đang ở nước ngoài có thể không cần có mặt tại Việt Nam. Còn nếu cả hai vợ chồng đang ở nước ngoài thì một người phải về Việt Nam. Khi đó, trong hồ sơ ly hôn với người nước ngoài nộp cho Toà án, cần có Đơn xin xét xử vắng mặt của người ở nước ngoài.
5. Thủ tục ly hôn với người nước ngoài trường hợp 2, 3, 4
Thủ tục ly hôn với người nước ngoài gồm các bước như sau:
Bước 1 thủ tục ly hôn với người nước ngoài: Chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ thuận tình ly hôn với người nước ngoài gồm:
- Đơn ly hôn thuận tình (có chữ ký của hai vợ chồng)
- Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính)
- Hộ chiếu của người vợ hoặc chồng là người nước ngoài
- Hộ chiếu, căn cước công dân của vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam
- Giấy khai sinh của con (nếu có con chung)
Lưu ý:
- Hộ chiếu của người nước ngoài phải được dịch ra tiếng Việt và hợp pháp hoá lãnh sự
- Nếu bạn đăng ký kết hôn ở nước ngoài sẽ phải làm thủ tục ghi chú kết hôn theo quy định tại Điều 34 Nghị định 123/2015/NĐ-CP (công nhận việc kết hôn ở nước ngoài)
Bước 2 thủ tục ly hôn với người nước ngoài: Nộp hồ sơ tại Toà án
Bước tiếp theo là nộp ly hôn với nước ngoài tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền. Bạn cần hiểu rõ Toà án có thẩm quyền giải quyết việc ly hôn của mình: Nếu bạn nộp hồ sơ sai địa chỉ thì Toà án sẽ trả lại đơn, do đó bạn sẽ mất rất nhiều thời gian.
Nộp đơn xin ly hôn ở đâu ? Hồ sơ có thể nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi qua đường bưu điện hoặc online thông qua Cổng thông tin điện tử của Toà án có thẩm quyền (nếu có).
Bước 3 thủ tục ly hôn với người nước ngoài: Tòa án xem xét hồ sơ
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ kèm theo, Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán giải quyết đơn yêu cầu.
Trường hợp đơn yêu cầu chưa ghi đầy đủ nội dung theo quy định thì Thẩm phán yêu cầu sửa đổi, bổ sung trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu. Hết thời hạn quy định mà người yêu cầu không sửa đổi, bổ sung đơn yêu cầu thì Thẩm phán trả lại đơn yêu cầu cùng tài liệu, chứng cứ đính kèm.
Lưu ý: Toà án sẽ xem xét rất kỹ hồ sơ ly hôn với người nước ngoài.
Bước 4 thủ tục ly hôn với người nước ngoài: Tòa án thụ lý
Trường hợp xét thấy hồ sơ ly hôn với người nước ngoài đã đủ điều kiện thụ lý thì Thẩm phán thực hiện như sau:
- Thông báo cho người yêu cầu về việc nộp lệ phí trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo nộp lệ phí, trừ trường hợp người đó được miễn hoặc không phải nộp lệ phí theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí;
- Tòa án thụ lý đơn yêu cầu khi người yêu cầu nộp cho Tòa án biên lai thu tiền lệ phí;
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu, Tòa án phải thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết việc dân sự, cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý đơn yêu cầu.
Thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu là 01 tháng, kể từ ngày Tòa án thụ lý đơn yêu cầu.
Bước 5 thủ tục ly hôn với người nước ngoài: Tòa án mở phiên họp giải quyết vụ việc
Tòa án phải mở phiên họp để giải quyết vụ việc thuận tình ly hôn với nước ngoài trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định mở phiên họp. Toà án sẽ ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn.
Nếu người nước ngoài tham gia phiên họp này tại Toà án thì phải có phiên dịch (là người được đào tạo trình độ đại học về ngoại ngữ nước mà người nước ngoài mang quốc tịch).
Lưu ý: Nếu như đối với các trường hợp ly hôn thông thường khác, vợ chồng phải ra toà để thực hiện phiên hoà giải thì trong trường hợp này, sẽ không có phiên hoà giải đó do một bên vợ hoặc chồng đang ở nước ngoài.
6. Thuận tình ly hôn với người nước ngoài thời gian bao lâu?
Dựa vào các bước thủ tục như trình bầy ở trên, thời gian thuận tình ly hôn với người nước ngoài là 2-4 tháng.
7. Uỷ quyền thuận tình ly hôn với người nước ngoài được không ?
Khi người vợ hoặc người chồng muốn thực hiện thủ tục ly hôn với người nước ngoài nhưng do đang ở nước ngoài nên mong muốn ủy quyền cho người khác.
Mặc dù pháp luật cho phép việc ủy quyền đối với rất nhiều công việc, nhưng đối với việc kết hôn và ly hôn thì pháp luật có những quy định chặt chẽ hơn nhiều.
Điều 85 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 có “Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyên cho người khác thay mặt mình tham gia tô tụng’.
Lý do là việc kết hôn và ly hôn gắn liền với quyền nhân thân của mỗi người, nên việc ủy quyền tiềm ẩn rủi ro về sự thiếu trung thực, không phản ánh đúng ý chí của đương sự.
Vợ, chồng không thể uỷ quyền ly hôn nói chung, không thể uỷ quyền thuận tình ly hôn với người nước ngoài nói riêng. Tuy nhiên, vợ hoặc chồng có thể nhờ luật sư hỗ trợ tối đa việc ly hôn của mình nhưng bắt buộc phải có mặt khi Toà án triệu tập đương sự. Luật sư có thể tư vấn cho vợ, chồng các vấn đề pháp lý liên quan (chấm dứt hôn nhân, nuôi con, chia tài sản…), viết đơn ly hôn, chuẩn bị hồ sơ.
8. Lưu ý khi thực hiện thủ tục thuận tình ly hôn với người nước ngoài
Nếu việc ly hôn nói chung, việc thuận tình ly hôn với người nước ngoài nói riêng, được thực hiện theo pháp luật nước ngoài, do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thực hiện thì sau khi có quyết định hoặc bản án ly hôn, bạn nên thực hiện thủ tục ghi chú ly hôn.
Ghi chú việc ly hôn ở nước ngoài là là việc Công dân Việt Nam đã ly hôn, hủy việc kết hôn ở nước ngoài, sau đó về nước thường trú hoặc làm thủ tục đăng ký kết hôn mới tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam ghi vào Sổ hộ tịch việc ly hôn, hủy kết hôn đã được giải quyết ở nước ngoài. Việc này sẽ tránh cho bạn những rắc rối về tình trạng hôn nhân khi giải quyết nhiều công việc sau ly hôn.
Chi tiết có tại bài viết:
>>> Xem thêm: Ghi chú ly hôn
9. Lời khuyên cho bạn khi làm thủ tục thuận tình ly hôn với người nước ngoài
Ly hôn và quyền nuôi con, chia tài sản chung luôn là vấn đề đâu đầu nhất là khi có yếu tố nước ngoài. Để quá trình ly hôn với nước ngoài diễn ra xuôn xẻ và bảo đảm quyền và lợi ích, bạn nên tìm kiếm sự hỗ trợ từ một luật sư có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Luật sư sẽ giúp xác định được quyền và nghĩa vụ của từng bên, cũng như những hệ lụy pháp lý có thể xảy ra. Thông qua việc tư vấn, luật sư sẽ hỗ trợ việc lập kế hoạch chi tiết cho quá trình ly hôn, từ việc lựa chọn tòa án có thẩm quyền, quyết định áp dụng luật pháp của quốc gia nào, cho đến việc xác định cách thức phân chia tài sản và quyền nuôi con, đại diện tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích của khách hàng.
- Vụ án ly hôn đơn phương giành quyền nuôi con - 04/06/2024
- LY HÔN VỚI CHỒNG ĐANG ĐI TÙ: THÀNH CÔNG BẤT CHẤP MỌI KHÓ KHĂN! - 04/06/2024
- Luật sư giúp khách hàng trong tranh chấp với Thẩm mỹ viện - 25/01/2024