Những điều cần biết khi ký hợp đồng lao động

Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, quan hệ lao động chủ yếu được thiết lập thông qua các Hợp đồng lao động. Tuy nhiên, việc giao kết hợp đồng lao động tại các doanh nghiệp hiện nay còn chưa được chặt chẽ, thực tế thực hiện hợp đồng lao động còn nhiều điều vướng mắc dẫn đến tình trạng tranh chấp thường xuyên xảy ra.

Chính vì vậy, việc trang bị những kiến thức pháp lý về hợp đồng lao động là điều cần thiết. Bài viết dưới đây, Công ty Luật Thái An chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin hữu ích xoay quanh hợp đồng lao động,

1. Hợp đồng lao động là gì?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Bộ luật lao động năm 2019 thì:

Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.

Trước khi nhận người lao động vào làm việc thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động.

2. Đặc điểm của Hợp đồng lao động

Hợp đồng lao động có các đặc điểm sau:

  • Hợp đồng lao động xuất phát từ sự tự nguyện, tự do, bình đẳng của các bên chủ thể tham gia quan hệ lao động. Tuy nhiên, sau khi ký Hợp đồng thì Người lao động chịu sự phụ thuộc, làm việc dưới sự lãnh đạo, điều khiển của người sử dụng lao động về các công việc trong Hợp đồng.
  • Hợp đồng lao động có đối tượng là một công việc cụ thể, có trả lương. Hay nói cách khác thì đối tượng của hợp đồng lao động chính là sức lao động của người lao động. Người lao động phải tự mình thực hiện công việc nêu trong hợp đồng lao động, không được thuê hay nhờ người khác thực hiện nghĩa vụ của mình.
  • Hợp đồng lao động có tính liên tục. Dù là hợp đồng lao động ngắn hạn hay hợp đồng lao động dài hạn thì việc thực hiện hợp đồng phải được thực hiện liên tục theo hướng linh hoạt, không được ngắt quãng trừ trường hợp pháp luật cho phép. Các bên trong Hợp đồng vẫn có thể điều chỉnh thời gian thực hiện phù hợp với điều kiện của các bên.
  • Về nguồn điều chỉnh của Hợp đồng lao động. Một Hợp đồng lao động phổ thông ngoài việc phải tuân thủ quy định của Bộ luật dân sự năm 2015, Bộ luật lao động năm 2019 còn phải tuân thủ quy định của thoả ước lao động tập thể, trong đó thoả ước lao động tập thể được coi là nguồn điều chỉnh đặc biệt nhất. Bởi thoả ước này được ký giữa tập thể hoặc đại diện tập thể người lao động với người sử dụng lao động, buộc cả người lao động với người sử dụng lao động đều phải tuân thủ.

3. Hình thức của Hợp đồng lao động

Hình thức của Hợp đồng lao động là cách thức thể hiện nội dung của Hợp đồng lao động. Theo quy định tại Điều 14 Bộ luật lao động năm 2019 thì hợp đồng lao động có thể có những hình thức như sau:

  • Hợp đồng lao động giao kết bằng văn bản;
  • Hợp đồng lao động bằng lời nói hay còn gọi là hợp đồng lao động bằng miệng. Hình thức hợp đồng này được sử dụng trong trường hợp hợp đồng có thời hạn dưới 01 tháng trừ trường hợp giao kết hợp đồng lao động với nhóm người lao động làm công việc theo mùa vụ, dưới 12 tháng; hợp đồng với người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó; hợp đồng lao động là người giúp việc gia đình (quy định tại khoản 2 Điều 18, điểm a khoản 1 Điều 145 và khoản 1 Điều 162 của Bộ luật lao động 2019).
  • Hợp đồng lao động được giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử. Hợp đồng giao kết bằng hình thức này có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản.

4. Hợp đồng lao động gồm những loại nào?

Căn cứ Khoản 1 Điều 20 Bộ luật lao động 2019 thì Hợp đồng lao động gồm có 2 loại:

  • Hợp đồng lao động không xác định thời hạn: là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng;
  • Hợp đồng lao động xác định thời hạn: là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.

Lưu ý: Bộ luật lao động năm 2019 không còn quy định về loại hợp đồng lao động mùa vụ hay hợp đồng lao động thời vụ như Bộ luật lao động năm 2012.

5. Hợp đồng lao động gồm những nội dung gì?

Nội dung của hợp đồng lao động chứa đựng toàn bộ những thoả thuận của người lao động và người sử dụng lao động. Pháp luật lao động đã quy định những nội dung chủ yếu của Hợp đồng lao động để các bên chủ thể dựa vào đó xác định những nội dung cụ thể cho hợp đồng lao động của mình, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cả hai bên.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 3, Bộ luật lao động năm 2019, Điều 21 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH thì hợp đồng lao động phải có các nội dung chủ yếu như sau:

  • Thông tin về tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;
  • Thông tin về họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hơp đồng phía bên người lao động và một số thông tin khác. Lưu ý đối với Hợp đồng lao động với người nước ngoài cần phải ghi số giấy phép lao động hoặc văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động do cơ quan có thẩm quyền cấp cho người nước ngoài;
  • Công việc và địa điểm làm việc;
  • Thời hạn của hợp đồng lao động;
  • Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, kỳ hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;
  • Chế độ nâng bậc, nâng lương;
  • Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
  • Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;
  • Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp;
  • Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề.
Hợp đồng lao động
            Những nội dung cơ bản mà một Hợp đồng lao động cần có- Nguồn: Luật Thái An

6. Hiệu lực của hợp đồng lao động

a. Hợp đồng lao động có hiệu lực khi nào?     

Theo quy định tại Điều 23 Bộ luật lao động năm 2019 thì Hợp đồng lao động có hiệu lực kể từ ngày hai bên giao kết, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.

b. Hợp đồng lao động vô hiệu khi nào?   

Hợp đồng lao động vô hiệu có nghĩa là hợp đồng lao động không có hiệu lực. Căn cứ quy định tại Điều 49 Bộ luật lao động năm 2019 thì hợp đồng lao động vô hiệu trong những trường hợp sau:

Hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ:

Hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ khi:

  • Toàn bộ nội dung của hợp đồng lao động vi phạm pháp luật;
  • Người giao kết hợp đồng lao động không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động;
  • Công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động là công việc mà pháp luật cấm.

Khi hợp đồng vô hiệu toàn bộ thì dù được thể hiện dưới hình thức nào thì hợp đồng đều bị tước bỏ khả năng thực hiện theo nguyên tắc:

  • Nếu chưa thực hiện thì chưa đưa vào thực hiện
  • Nếu đang thực hiện thì phải dừng lại, không được tiếp tục thực hiện. Quyền và nghĩa vụ của các bên được giải quyết theo quy định của pháp luật. Các bên có thể ký lại Hợp đồng lao động sao cho tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

Ví dụ như: Trường hợp ký sai thẩm quyền thì hai bên ký lại. Trường hợp không ký lại thì Hợp đồng lao động chấm dứt.

Hợp đồng lao động vô hiệu từng phần

Hợp đồng lao động vô hiệu từng phần khi nội dung của phần đó vi phạm pháp luật nhưng không ảnh hưởng đến các phần còn lại của hợp đồng. Theo đó, chỉ phần nội dung vi phạm bị vô hiệu, các phần còn lại vẫn có hiệu lực áp dụng.

6.3 Hợp đồng lao động chấm dứt trước hạn được không ?

Thông thường khi hợp đồng lao động hết hạn thì hợp đồng này sẽ được chấm dứt. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp Hợp đồng lao động chấm dứt trước hạn. Cụ thể là:

  • Trường hợp người lao động và người sử dụng lao động thoả thuận chấm dứt Hợp đồng trước hạn
  • Trường hợp Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động quy định tại Điều 35 Bộ luật lao động năm 2019
  • Trường hợp Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động quy định tại Điều 36 Bộ luật lao động năm 2019

>>> Xem thêm: Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng của người sử dụng lao động

7. Hợp đồng lao động và hợp đồng dịch vụ 

Hợp đồng lao động khác hợp đồng dịch vụ như thế nào?

Phân biệt hợp đồng lao động và hợp đồng dịch vụ về căn cứ pháp lý

  • Khái niệm Hợp đồng lao động được quy định tại Điều 13 Luật lao động năm 2019. Các vấn đề liên quan tới hợp đồng lao động cũng như tranh chấp hợp đồng lao động được giải quyết theo Bộ Luật lao động.
  • Khái niệm Hợp đồng dịch vụ được quy định tại Điều 513 Bộ luật dân sự năm 2015. Các vấn đề liên quan tới hợp đồng dịch vụ cũng như tranh chấp hợp đồng dịch vụ được giải quyết theo Bộ Luật dân sự.

Phân biệt hợp đồng lao động và hợp đồng dịch vụ về nội dung thoả thuận

  • Hợp đồng lao động: là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động
  • Hợp đồng dịch vụ: là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ.

Phân biệt hợp đồng lao động và hợp đồng dịch vụ về sự ràng buộc giữa các chủ thể:

  • Hợp đồng lao động: Có sự ràng buộc pháp lý giữa Người lao động và Người sử dụng lao động. Người lao động trong quá trình thực hiện công việc trong hợp đồng, chịu sự quản lý, điều khiển của Người sử dụng lao động.
  • Hợp đồng dịch vụ: Không có sự ràng buộc về pháp lý giữa bên yêu cầu dịch vụ và bên cung cấp dịch vụ, kết quả hướng tới của hợp đồng dịch vụ chỉ là kết quả công việc.

Phân biệt hợp đồng lao động và hợp đồng dịch vụ về việc thực hiện hợp đồng:

  • Hợp đồng lao động: Người lao động phải tự mình thực hiện hợp đồng lao động, không được chuyển giao cho người khác. Thời gian thực hiện liên tục trong một khoảng thời gian nhất định đã thỏa thuận trước, không được tự ý ngắt quãng hợp đồng, trừ khi pháp luật lao động có quy định.
  • Hợp đồng dịch vụ: Bên cung cấp dịch vụ được thay đổi người thực hiện hợp đồng nếu được sự đồng ý của bên yêu cầu dịch vụ. Thời gian thực hiện hợp đồng không cần liên tục, chỉ cần hoàn thành xong công việc.

Phân biệt hợp đồng lao động và hợp đồng dịch vụ về căn cứ trả tiền:

  • Hợp đồng lao động: Việc trả lương dựa vào quá trình lao động.
  • Hợp đồng dịch vụ: Việc trả phí dịch vụ dựa vào chất lượng dịch vụ cung cấp.

Phân biệt hợp đồng lao động và hợp đồng dịch vụ về chế độ đãi ngộ:

  • Hợp đồng lao động: Khi ký hợp đồng phải bắt buộc đóng BHXH, BHYT, BHTN cho Người lao động. Người lao động có các chế độ nghỉ phép năm, chế độ ốm đau.

Lưu ý:  Hợp đồng lao động không đóng BHXH là những hợp đồng có thời hạn dưới 1 tháng.

  • Hợp đồng dịch vụ: Không có quy định về việc đóng BHXH, BHYT,BHTN hay các chế độ nghỉ phép năm, chế độ ốm đau.

8. Phân biệt hợp đồng lao động và Hợp đồng làm việc

Hợp đồng làm việc khác Hợp đồng lao động ở các điểm sau:

Một là: Hợp đồng làm việc được quy định tại Luật viên chức năm 2010

Hai là: Chủ thể của Hợp đồng làm việc là viên chức hoặc người được tuyển dụng làm viên chức với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập

Ba là: Về hình thức Hợp đồng làm việc chỉ có thể ký kết bằng văn bản và được lập thành ba bản.

Bốn là: Về nội dung

Hợp đồng làm việc có những nội dung chủ yếu sau:

  •  Tên, địa chỉ của đơn vị sự nghiệp công lập và người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập;
  • Họ tên, địa chỉ, ngày, tháng, năm sinh của người được tuyển dụng.

Lưu ý: Trường hợp người được tuyển dụng là người dưới 18 tuổi thì phải có họ tên, địa chỉ, ngày, tháng, năm sinh của người đại diện theo pháp luật của người được tuyển dụng;

  • Công việc hoặc nhiệm vụ, vị trí việc làm và địa điểm làm việc
  • Quyền và nghĩa vụ của các bên;
  • Loại hợp đồng, thời hạn và điều kiện chấm dứt của hợp đồng làm việc;
  • Tiền lương, tiền thưởng và chế độ đãi ngộ khác (nếu có);
  • Thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi;
  •  Chế độ tập sự (nếu có)
  •  Điều kiện làm việc và các vấn đề liên quan đến bảo hộ lao động;
  •  Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế;
  •  Hiệu lực của hợp đồng làm việc;
  • Các cam kết khác gắn với tính chất, đặc điểm của ngành, lĩnh vực và điều kiện đặc thù của đơn vị sự nghiệp công lập nhưng không trái với quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

9. Mẫu Hợp đồng lao động mới nhất

Chúng tôi cung cấp mẫu hợp đồng lao động trong bài viết dưới đây để bạn đọc tham khảo:

Mẫu hợp đồng lao động mới nhất theo Bộ luật lao động 2019

10. Dịch vụ soạn thảo mẫu hợp đồng lao động của Công ty Luật Thái An

Với đội ngũ luật sư am hiểu pháp luật và có bề dày kinh nghiệm soạn thảo hợp đồng, Công ty Luật Thái An đã trở thành một trong những Công ty Luật hàng đầu trong việc cung cấp dịch vụ soạn thảo hợp đồng lao động với nhiều ưu điểm: điều khoản hợp đồng chặt chẽ, rõ ràng, đảm bảo quyền lợi cho cả người lao động và người sử dụng lao động, giảm thiểu rủi ro và tranh chấp, chi phí dịch vụ thấp nhưng chất lượng cao.

Theo đó, Công ty Luật Thái An chúng tôi có nhiều kinh nghiệm tư vấn và soạn thảo các loại hợp đồng lao động mẫu sau đây:

  • Hợp đồng lao động phổ thông;
  • Hợp đồng lao động ngắn hạn;
  • Hợp đồng lao động dài hạn;
  • Hợp đồng lao động bán thời gian;
  • Hợp đồng lao động với người cao tuổi;
  • Hợp đồng lao động với người nước ngoài;
  • Hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp với cá nhân;
  • Hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp với nhóm người (người từ 18 tuổi trở lên và thực hiện công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng);

Giá dịch vụ soạn thảo hợp đồng lao động mẫu 

Bạn vui lòng tham khảo bảng giá dịch vụ:

DỊCH VỤ TƯ VẤN HỢP ĐỒNG

Quy trình cung cấp dịch vụ soạn thảo hợp đồng lao động mẫu 2019

Bạn vui lòng tham khảo quy trình cung cấp dịch vụ:

BẢNG GIÁ DỊCH VỤ TƯ VẤN SOẠN THẢO HỢP ĐỒNG

Ngoài dịch vụ soạn thảo hợp đồng, bạn có thể tham khảo thêm các dịch vụ khác như rà soát hợp đồngtư vấn đàm phán thương lượng, thực hiện, thanh lý và tư vấn giải quyết tranh chấp hợp đồng.

Nguyễn Văn Thanh