Xử phạt liên quan tới trốn thuế gian lận thuế
Việc vô tình hay cố ý có những hành vi dẫn đến việc trốn thuế, gian lận thuế khi bị phát hiện đều phải chịu các hình thức xử phạt hành chính rất nặng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Các hành vi trên có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế hoặc cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong khuôn khổ bài viết này, Công ty Luật Thái An sẽ cung cấp các quy định về xử phạt liên quan tới trốn thuế gian lận thuế (Phạt vi phạm hành chính) theo quy định pháp luật hiện hành.
1. Cơ sở pháp lý điều chỉnh các quy định về xử phạt liên quan tới trốn thuế gian lận thuế
Cơ sở pháp lý điều chỉnh các quy định về xử phạt liên quan tới trốn thuế gian lận thuế là các văn bản pháp lý sau đây:
- Luật Quản Lý Thuế Số 38/2019/QH14 ban hành ngày 13 tháng 06 năm 2019;
- Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi bổ sung năm 2020;
- Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn được ban hành ngày 19/10/2020, có hiệu lực thi hành ngày 05/12/2020
- Nghị định 102/2021/NĐ-CP ngày 16/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hóa đơn; hải quan; kinh doanh bảo hiểm….
2. Trốn thuế, gian lận thuế là gì?
Hành vi trốn thuế và gian lận thuế đều là hành vi vi phạm pháp luật.
Trốn thuế, gian lận thuế có thể hiểu là việc các chủ thể thực hiện các phương thức mà pháp luật không cho phép để giảm số thuế phải nộp; hoặc không nộp thuế, ví dụ như bán hàng mà không xuất hoá đơn để giảm doanh thu; tạo hồ sơ giả để hoàn thuế GTGT, hay tạo ra những thông tin không có thật như mua hoá đơn để tăng chi phí nhằm khấu trừ thuế;…
3. Đối tượng bị xử phạt liên quan tới trốn thuế gian lận thuế
Căn cứ quy định tại Điều 3 Nghị định 125/2020/NĐ-CP thì đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn nói chung và bị xử phạt liên quan tới trốn thuế gian lận thuế bao gồm:
- Thứ nhất là người nộp thuế có hành vi vi phạm hành chính về trốn thuế
Trường hợp người nộp thuế ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện các nghĩa vụ về thuế mà pháp luật về thuế, quản lý thuế quy định nghĩa vụ, trách nhiệm của bên được ủy quyền phải thực hiện thay người nộp thuế thì nếu bên được ủy quyền có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này thì tổ chức, cá nhân được ủy quyền bị xử phạt theo Nghị định này.
Trường hợp theo quy định của pháp luật về thuế và quản lý thuế, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ đăng ký thuế, khai, nộp thuế thay người nộp thuế mà tổ chức, cá nhân khai, nộp thuế thay có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này thì tổ chức, cá nhân khai, nộp thuế thay bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế theo quy định tại Nghị định này.
- Thứ hai là tổ chức, cá nhân liên quan vi phạm hành chính về trốn thuế gian lận thuế. Ví dụ như các tổ chức , cá nhân có hành vi thông đồng, bao che người nộp thuế trốn thuế, gian lận thuế; …
4. Xử phạt liên quan tới trốn thuế gian lận thuế
Việc xử phạt liên quan tới trốn thuế gian lận thuế được quy định tại Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn. Cụ thể như sau:
4.1. Xử phạt hành vi trốn thuế
Căn cứ Điều 17 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP về các trường hợp bị xem là hành vi trốn thuế và hình thức xử phạt hành vi trốn thuế như sau:
a) Các hành vi bị xử phạt hành vi trốn thuế
Căn cứ Khoản 1 Điều 17 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định người nộp thuế sẽ bị xử phạt về hành vi trốn thuế khi thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
“a) Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế hoặc nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc kể từ ngày hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế, trừ trường hợp quy định tại điểm b, c khoản 4 và khoản 5 Điều 13 Nghị định này;
b) Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp, không khai, khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, được miễn, giảm thuế, trừ hành vi quy định tại Điều 16 Nghị định này;
c) Không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp người nộp thuế đã khai thuế đối với giá trị hàng hóa, dịch vụ đã bán, đã cung ứng vào kỳ tính thuế tương ứng; lập hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ sai về số lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ để khai thuế thấp hơn thực tế và bị phát hiện sau thời hạn nộp hồ sơ khai thuế;
d) Sử dụng hóa đơn không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp hóa đơn để khai thuế làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm;
đ) Sử dụng chứng từ không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp chứng từ; sử dụng chứng từ, tài liệu không phản ánh đúng bản chất giao dịch hoặc giá trị giao dịch thực tế để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được miễn, giảm, số tiền thuế được hoàn; lập thủ tục, hồ sơ hủy vật tư, hàng hóa không đúng thực tế làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn, được miễn, giảm;
e) Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng, khai thuế với cơ quan thuế;
g) Người nộp thuế có hoạt động kinh doanh trong thời gian xin ngừng, tạm ngừng hoạt động kinh doanh nhưng không thông báo với cơ quan thuế, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều 10 Nghị định này.”
b) Mức xử phạt trốn thuế gian lận thuế
Người nộp thuế có hành vi trốn thuế, gian lận thuế sẽ bị xử phạt theo số lần tính trên số tiền thuế trốn, số tiền thuế gian lận. Cụ thể:
- Thứ nhất, Khoản 1 Điều 17 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định áp dụng mức phạt tiền 1 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế có từ một tình tiết giảm nhẹ trở lên thực hiện một trong các hành vi nêu trên
- Thứ hai, Khoản 2 Điều 17 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định áp dụng mức phạt tiền 1,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này mà không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ.
- Thứ ba, Khoản 3 Điều 17 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định áp dụng mức phạt tiền 2 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này mà có một tình tiết tăng nặng.
- Thứ tư, Khoản 4 Điều 17 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định áp dụng mức phạt tiền 2,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này có hai tình tiết tăng nặng.
- Thứ năm, Khoản 5 Điều 17 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định áp dụng mức phạt tiền 3 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này có từ ba tình tiết tăng nặng trở lên.
***Về xác định số tiền trốn thuế trong xử phạt liên quan tới trốn thuế gian lận thuế, theo khoản 3 Điều 2 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định:
“3. Số tiền thuế trốn là số tiền thuế phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về thuế mà người nộp thuế bị cơ quan có thẩm quyền phát hiện và xác định trong biên bản vi phạm hành chính, biên bản thanh tra (kiểm tra) thuế.”
c) Biện pháp khắc phục hậu quả:
Căn cứ Khoản 6 Điều 17 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định, ngoài việc phải chịu mức phạt tiền, Người nộp thuế còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như sau:
- Buộc nộp đủ số tiền thuế trốn vào ngân sách nhà nước
- Trường hợp hành vi trốn thuế theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 ,4, 5 Điều 17 đã quá thời hiệu xử phạt thì người nộp thuế không bị xử phạt về hành vi trốn thuế nhưng người nộp thuế phải nộp đủ số tiền thuế trốn, tiền chậm nộp tính trên số tiền thuế trốn vào ngân sách nhà nước theo thời hạn quy định tại khoản 6 Điều 8 Nghị định này.
- Buộc điều chỉnh lại số lỗ, số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ trên hồ sơ thuế (nếu có).
Lưu ý, theo Khoản 7 Điều 17 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định:
“7. Các hành vi vi phạm quy định tại điểm b, đ, e khoản 1 Điều này bị phát hiện sau thời hạn nộp hồ sơ khai thuế nhưng không làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc chưa được hoàn thuế, không làm tăng số tiền thuế được miễn, giảm thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định này.”
4.2. Xử phạt liên quan tới trốn thuế gian lận thuế đối với tổ chức, cá nhân liên quan
Căn cứ Điều 19 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP về xử phạt hành vi vi phạm hành chính về thuế nói chung và về trốn thuế nói riêng đối với tổ chức, cá nhân liên quan như sau:
“Điều 19. Xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với tổ chức, cá nhân liên quan
2. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Thông đồng, bao che người nộp thuế trốn thuế, không thực hiện quyết định cưỡng chế hành chính thuế, trừ hành vi không trích chuyển tiền từ tài khoản của người nộp thuế quy định tại Điều 18 Nghị định này;
b) Không cung cấp hoặc cung cấp không chính xác thông tin liên quan đến tài sản, quyền, nghĩa vụ về tài sản của người nộp thuế do mình nắm giữ; tài khoản của người nộp thuế tại tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước.
3. Mức phạt tiền quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức.Mức phạt tiền đối với cá nhân áp dụng theo nguyên tắc quy định tại khoản 5 Điều 4 Nghị định này.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc cung cấp thông tin đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.”
5. Thời hiệu xử phạt vi phạm liên quan tới trốn thuế gian lận thuế
Trong việc xử phạt vi phạm liên quan tới đăng ký thuế cần lưu ý về vấn đề thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về thuế được quy định tại Điều 8 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định 102/2021/NĐ-CP như sau:
“2. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về thuế
b) Thời hiệu xử phạt đối với hành vi trốn thuế chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn là 05 năm, kể từ ngày thực hiện hành vi vi phạm.
Ngày thực hiện hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm hoàn hoặc hành vi trốn thuế (trừ hành vi tại điểm a khoản 1 Điều 17 Nghị định này) là ngày tiếp theo ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế mà người nộp thuế thực hiện khai thiếu thuế, trốn thuế hoặc ngày tiếp theo ngày cơ quan có thẩm quyền ra quyết định hoàn thuế, miễn thuế, giảm thuế.
Đối với hành vi không nộp hồ sơ đăng ký thuế, không nộp hồ sơ khai thuế tại điểm a khoản 1 Điều 17 Nghị định này, ngày thực hiện hành vi vi phạm để tính thời hiệu là ngày người có thẩm quyền thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm. Đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày quy định tại điểm a khoản 1 Điều 17 Nghị định này thì ngày thực hiện hành vi vi phạm để tính thời hiệu là ngày người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế.
5. Thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn
Tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn nếu trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo hoặc 01 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác hoặc kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt mà không tái phạm thì được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đó.
Ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo là ngày quyết định xử phạt vi phạm hành chính được giao, gửi cho tổ chức, cá nhân bị xử phạt theo quy định tại Điều 39 Nghị định này.
6. Thời hạn truy thu thuế
a) Quá thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về thuế thì người nộp thuế không bị xử phạt nhưng vẫn phải nộp đủ tiền thuế truy thu (số tiền thuế thiếu, số tiền thuế trốn, số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn cao hơn quy định, tiền chậm nộp tiền thuế) vào ngân sách nhà nước trong thời hạn mười năm trở về trước, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm. Trường hợp người nộp thuế không đăng ký thuế thì phải nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền thuế trốn, tiền chậm nộp tiền thuế cho toàn bộ thời gian trở về trước, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm.
b) Thời hạn truy thu thuế tại điểm a khoản này chỉ áp dụng đối với các khoản thuế theo pháp luật về thuế và khoản thu khác do tổ chức, cá nhân tự khai, tự nộp vào ngân sách nhà nước.
Đối với các khoản thu từ đất đai hoặc khoản thu khác do cơ quan có thẩm quyền xác định nghĩa vụ tài chính của tổ chức, cá nhân thì cơ quan có thẩm quyền xác định thời hạn truy thu theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan nhưng không ít hơn thời hạn truy thu theo quy định tại điểm a khoản này.”
Như vậy, thời hiệu xử phạt đối với hành vi trốn thuế chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn là 05 năm, kể từ ngày thực hiện hành vi vi phạm.
Trên đây là phần tư vấn về vấn đề xử phạt liên quan tới trốn thuế gian lận thuế. Để được tư vấn chi tiết hơn và được giải đáp các thắc mắc trong từng trường hợp cụ thể, hãy gọi Tổng đài tư vấn pháp lý.
Công ty Luật Thái An chuyên tư vấn các quy định pháp luật về đối tượng nộp thuế, thu nhập được miễn thuế, thu nhập chịu thuế, thủ tục đăng ký mã số thuế, cách thức khai thuế… Ngoài ra, chúng tôi còn cung cấp các dịch vụ hỗ trợ khiếu nại, tố cáo hành chính cho Khách hàng có nhu cầu.
Việc sử dụng các dịch vụ tư vấn pháp lý cũng như hỗ trơ khiếu nại, tố cáo giúp các cá nhân, tổ chức bảo vệ tốt hơn về quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đặc biệt là khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân, tổ chức.
- Vụ án ly hôn đơn phương giành quyền nuôi con - 04/06/2024
- LY HÔN VỚI CHỒNG ĐANG ĐI TÙ: THÀNH CÔNG BẤT CHẤP MỌI KHÓ KHĂN! - 04/06/2024
- Luật sư giúp khách hàng trong tranh chấp với Thẩm mỹ viện - 25/01/2024