Tội tổ chức đua xe trái phép: Tất tần tật các thông tin cần biết

Tổ chức đua xe trái phép là một hành vi vô cùng nguy hiểm, gây mất trật tự an toàn giao thông. Do đó, hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức đua xe trái phép theo quy định tại Điều 265 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 để đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu tất cả những thông tin về tội này qua bài viết dưới đây.

1. Cơ sở pháp lý quy định tội tổ chức đua xe trái phép

Cơ sở pháp lý quy định tội tổ chức đua xe trái phép là Điều 265 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

2. Các dấu hiệu pháp lý cơ bản của tội tổ chức đua xe trái phép

Tội tổ chức đua xe trái phép là hành vi cầm đầu, chỉ huy, cưỡng bức, đe dọa, rủ rê, lôi kéo người khác hoặc tạo điều kiện vật chất hoặc tinh thần cho người khác để họ tham gia vào việc đua xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ trái phép.

a. Khách thể của tội tổ chức đua xe trái phép

Tội tổ chức đua xe trái phép xâm phạm trật tự an toàn giao thông và trật tự an toàn công cộng.

Khác với tội đua xe trái phép thì đối tượng tác động của tội tổ chức đua xe trái phép chính là người đua xe, người cổ vũ đua xe chứ không phải phương tiện dùng để đua. Nếu người phạm tội không tác động đến những người đua xe, người cổ vũ đua xe thì cũng không xảy ra cuộc đua xe; không thể tổ chức đua xe.

b. Chủ thể của tội tổ chức đua xe trái phép

Chủ thể của tội phạm này là bất kỳ người nào có năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự. Theo đó đối với người đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đua xe trái phép theo các khoản 1, 2, 3, 4 Điều 265 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017; còn đối với người đủ 14 tuổi đến 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự khi phạm tội thuộc các khoản 3, 4 Điều 265 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

c. Mặt khách quan của tội tổ chức đua xe trái phép

Về hành vi: Hành vi khách quan của tội phạm này là hành vi tổ chức đua trái phép các loại xe như xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ.

Người phạm tội tổ chức đua xe trái phép, có thể thực hiện một trong các hành vi sau:

  • Khởi xướng ra việc đua xe;
  • Lên kế hoạch đua xe; kế hoạch ứng phó với các cơ quan chức năng
  • Chỉ huy việc đua xe;
  • Cưỡng bức, dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo, kích động người khác đua xe;
  • Cung cấp tiền, tài sản, phương tiện cho người đua xe hoặc để làm giải thưởng cho người đua xe;

Lưu ý: Nếu hành vi tổ chức đua xe được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép thì không bị coi là tội phạm.

Về hậu quả: là những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản, gây mất trật tự công cộng, an toàn công cộng và những thiệt hại khác. Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội tổ chức đua xe trái phép. Tội này được hoàn thành khi người phạm tội đã thực hiện hành vi tổ chức đua xe trái phép.

d. Mặt chủ quan của tội tổ chức đua xe trái phép

Người phạm tội tổ chức đua xe trái phép thực hiện hành vi phạm tội của mình với lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là hành vi tổ chức đua xe trái phép, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn để mặc cho hậu quả xảy ra.

3. Hình phạt đối với tội tổ chức đua xe trái phép là gì?

Tùy theo tính chất, mức độ và hành vi, người phạm tội tổ chức đua xe trái phép phải chịu một trong các khung hình phạt sau:

Khung 1: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Người nào tổ chức trái phép việc đua xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Khung 2: Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 04 năm đến 10 năm

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 04 năm đến 10 năm:

  • Tổ chức cho 10 xe tham gia trở lên trong cùng một lúc hoặc tổ chức 02 cuộc đua xe trở lên trong cùng một lúc;
  • Tổ chức cá cược;
  • Chống lại người có trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông hoặc người có trách nhiệm giải tán cuộc đua xe trái phép;
  • Tại nơi tập trung đông dân cư;
  • Tháo dỡ thiết bị an toàn khỏi phương tiện đua;
  • Làm chết người;
  • Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
  • Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
  • Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
  • Tái phạm về tội này hoặc tội đua xe trái phép.

Khung 3: Phạt từ từ 08 năm đến 15 năm

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:

  • Làm chết 02 người;
  • Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
  • Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
  • Tái phạm nguy hiểm.

Khung 4: Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

  • Làm chết 03 người trở lên;
  • Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
  • Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Hình phạt bổ sung đối với tội tổ chức đua xe trái phép

Người phạm tội tổ chức đua xe trái phép còn có thể phải chịu hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10 triệu VNĐ đến 50 triệu VNĐ.

5. Khi nào thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức đua xe trái phép?

5.1 Khi hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo quy định tại Điều 27 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật hình sự quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với tội tổ chức đua xe trái phép thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 20 năm kể từ ngày tội phạm được thực hiện.

Nếu trong thời hạn quy định, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.

Nếu trong thời hạn quy định, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.

5.2 Khi tổ chức đua xe thô sơ thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức đua xe trái phép

Chỉ coi là hành vi phạm tội tổ chức đua xe trái phép nếu tổ chức đua xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ trái phép, nếu tổ chức đua xe thô sơ như: xe đạp, xe xích lô thì không bị coi là hành vi phạm tội này.

Bởi lẽ việc đua xe thô sơ ít nguy hiểm hơn so với đua xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ. Tuy nhiên nếu hành vi tổ chức đua xe thô sơ cũng như hành vi đua xe thô sơ trái phép gây hậu quả nghiêm trọng thì tuỳ trường hợp người tổ chức và người đua xe trái phép sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng hoặc các tội tương ứng.

tội tổ chức đua xe trái phép
Hình phạt cao nhất của tội tổ chức đua xe trái phép là tù chung thân. – ảnh minh hoạ: internet

6. Hành vi tổ chức đua xe trái phép có phải là hành vi phạm tội có tổ chức không? 

Hành vi tổ chức đua xe trái phép hoàn toàn khác với hành vi phạm tội có tổ chức.

Hành vi tổ chức đua xe trái phép là hành vi khách quan do một hoặc một nhóm người thực hiện như huy động lực lượng, phương tiện, tiền của để đạt được mục đích là tổ chức đua xe.

Còn phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Phạm tội có tổ chức nói lên quy mô của một vụ án.

8. Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với tội tổ chức đua xe trái phép

a. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

Đối với tội tổ chức đua xe trái phép, các tình tiết giảm nhẹ có thể là:

  • Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;
  • Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;
  • Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;
  • Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;
  • Người phạm tội thành khẩn khai báo hoặc ăn năn hối cải;
  • Người phạm tội tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện hoặc điều tra tội phạm;
  • Người phạm tội đã lập công chuộc tội;
  • Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác;
  • Người phạm tội là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ, người có công với cách mạng.
  • Người phạm tội đầu thú

Lưu ý: 

  • Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.
  • Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật hình sự quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt.
  • Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự 2015.
  • Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.

b. Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự

Các tình tiết sau có thể là các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với tội tổ chức đua xe trái phép:

  • Phạm tội có tổ chức;
  • Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp;
  • Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng;
  • Phạm tội 02 lần trở lên;
  • Tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm;
  • Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, tàn ác để phạm tội;
  • Dùng thủ đoạn, phương tiện có khả năng gây nguy hại cho nhiều người để phạm tội;
  • Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội;
  • Có hành động xảo quyệt hoặc hung hãn nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm.

8. Cùng phạm tội tổ chức đua xe trái phép và đua xe trái phép thì bị xử lý thế nào?

Nếu người có hành vi tổ chức đua xe trái phép đồng thời cũng là người đua xe trái phép thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hai tội đó là tội tổ chức đua xe trái phép và tội đua xe trái phép.

Khi đó Toà án sẽ tổng hợp các hình phạt như sau, căn cứ Điều 55 Bộ luật hình sự 2015:

  • Nếu các hình phạt đã tuyên cùng là cải tạo không giam giữ hoặc cùng là tù có thời hạn, thì các hình phạt đó được cộng lại thành hình phạt chung; hình phạt chung không được vượt quá 03 năm đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, 30 năm đối với hình phạt tù có thời hạn;
  • Nếu các hình phạt đã tuyên là cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, thì hình phạt cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành hình phạt tù theo tỷ lệ cứ 03 ngày cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành 01 ngày tù để tổng hợp thành hình phạt chung;
  • Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tù chung thân thì hình phạt chung là tù chung thân;
  • Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tử hình thì hình phạt chung là tử hình;
  • Phạt tiền không tổng hợp với các loại hình phạt khác; các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung;
  • Trục xuất không tổng hợp với các loại hình phạt khác.

Lưu ý quan trọng: Thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù: cứ 1 ngày tạm giữ, tạm giam bằng 01 ngày tù.

9. Luật sư bào chữa tội tổ chức đua xe trái phép

Bạn đang vướng vào một vụ án liên quan đến tội tổ chức đua xe trái phép? Bạn cần tìm một Luật sư bào chữa giỏi để bào chữa, tranh tụng tại phiên toà? Hãy đến ngay với Công ty Luật Thái An chúng tôi- một trong những hãng luật uy tín được rất nhiều khách hàng tin tưởng lựa chọn.

Luật Thái An không chỉ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bạn, mà còn giúp Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án giải quyết vụ án một cách khách quan, đúng pháp luật, tránh làm oan người vô tội nhưng cũng không bỏ lọt tội phạm.

 

HÃY LIÊN HỆ NGAY VỚI CHÚNG TÔI ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN VÀ SỬ DỤNG DỊCH VỤ LUẬT SƯ BÀO CHỮA TỘI TỔ CHỨC ĐUA XE TRÁI PHÉP

Đàm Thị Lộc