Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 là Bộ luật hình sự đầu tiên đã đưa nhóm tội danh vi phạm BHXH, BHYT, BHTN vào phạm vi chịu trách nhiệm hình sự về tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Theo đó, các khung hình phạt hình sự đối với các tội này cũng được xây dựng đảm bảo sự răn đe hiệu quả. Trong bài viết dưới đây, Công ty Luật Thái An chúng tôi sẽ gửi tới các bạn đọc các quy định về tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.
1. Cơ sở pháp lý quy định tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế
Cơ sở pháp lý quy định đối với tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế là Điều 214, Điều 215 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
2. Những dấu hiệu pháp lý của tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế
2.1 Tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp
a, Khách thể của tội phạm
Khách thể của tội phạm là các quy định của Nhà nước về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), sự ổn định, an toàn của chính sách phúc lợi, an sinh xã hội, quyền và lợi ích của người lao động, người tham gia bảo hiểm, người dân.
b, Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm là người từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự.
c, Mặt khách quan của tội phạm
Hành vi khách quan: Người phạm tội thực hiện một trong các hành vi sau đây:
- Lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ BHXH, hồ sơ BHTN lừa dối cơ quan BHXH.
Cụ thể, theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP: Lập hồ sơ giả là hành vi lập hồ sơ BHXH, BHTN trong đó có giấy tờ, tài liệu giả để thanh toán các chế độ: ốm đau; thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí; tử tuất; trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng để duy trì việc làm cho người lao động và chế độ khác theo quy định của pháp luật.
- Dùng hồ sơ giả hoặc hồ sơ đã bị làm sai lệch nội dung lừa dối cơ quan BHXH hưởng các chế độ BHXH, BHTN.
Hậu quả: là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Nếu người phạm tội chưa chiếm đoạt tiền BHXH, BHTN từ 10.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại từ 20.000.000 đồng trở lên mà không thuộc trường hợp quy định tại một trong các Điều 174 (Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản), Điều 353 (Tội tham ô tài sản) và Điều 355 (Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản) của Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì sẽ chưa cấu thành tội phạm.
d, Mặt chủ quan của tội phạm
Lỗi: Người phạm tội thực hiện tội phạm với lỗi cố ý, tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi gian lận BHXH, BHTN là hành vi bị pháp luật cấm nhưng vẫn cố ý thực hiện.
Mục đích: Người phạm tội phạm tội nhằm thu lợi bất chính.
Động cơ: Người phạm tội có thể vì nhiều động cơ khác nhau nhưng chủ yếu là vì động cơ vụ lợi.
2.2 Tội gian lận bảo hiểm y tế
a, Khách thể của tội phạm
Khách thể của tội phạm là các quy định của Nhà nước về bảo hiểm y tế (BHYT).
Đối tượng tác động của tội phạm này là: hồ sơ bệnh án, đơn thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh và các chi phí khác; hồ sơ, thẻ bảo hiểm y tế.
b, Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm này không phải là chủ thể đặc biệt, bất cứ ai có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ 16 tuổi trở lên đều có thể là chủ thể của tội phạm này
c, Mặt khách quan của tội phạm
Hành vi khách quan: Người phạm tội thực hiện một trong các hành vi sau đây:
(1) Lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc khống hoặc kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh và các chi phí khác mà thực tế người bệnh không sử dụng.
Theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao tại Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP, thì:
- Hành vi lập hồ sơ bệnh án khống: là trường hợp không có sự việc khám bệnh, chữa bệnh hoặc có sự việc khám bệnh, chữa bệnh của người tham gia BHYT nhưng họ không phải điều trị mà vẫn lập hồ sơ bệnh án cho họ.
- Kê đơn thuốc khống: là trường hợp không có sự việc khám bệnh, chữa bệnh hoặc có sự việc khám bệnh, chữa bệnh của người tham gia bảo hiểm y tế nhưng không có việc sử dụng thuốc mà vẫn kê đơn thuốc cho người có thẻ BHYT.
- Kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh: là trường hợp có sự việc khám bệnh, chữa bệnh của người tham gia bảo hiểm y tế nhưng kê số lượng thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật nhiều hơn số lượng thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật mà thực tế người bệnh sử dụng hoặc kê thêm các loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật mà thực tế người bệnh không sử dụng; kê tăng số lượng ngày điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc kê không đúng tên thuốc, vật tư y tế, loại giường và các dịch vụ kỹ thuật khác mà thực tế người bệnh đã sử dụng để làm tăng tiền chi phí khám bệnh, chữa bệnh thanh toán với quỹ BHYT.
- Chi phí khác: là các chi phí phát sinh trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không bao gồm chi phí tiền thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật và chi phí giường bệnh (ví dụ: tiền công khám, chi phí vận chuyển người bệnh…)
(2) Giả mạo hồ sơ, thẻ BHYT hoặc sử dụng thẻ BHYT được cấp khống, thẻ BHYT giả, thẻ đã bị thu hồi, thẻ bị sửa chữa, thẻ BHYT của người khác trong khám chữa bệnh hưởng chế độ BHYT trái quy định.
Theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao tại Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP, thì:
- Giả mạo hồ sơ, thẻ BHYT: là hành vi lập, sử dụng hồ sơ, thẻ BHYT không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc giả mạo hồ sơ, thẻ BHYT của người khác để hưởng chế độ BHYT trái quy định.
- Thẻ BHYT được cấp khống: là thẻ BHYT do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người không đóng hoặc không thuộc diện được các tổ chức, nguồn quỹ khác đóng BHYT theo quy định.
- Thẻ BHYT giả: là thẻ BHYT không do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
- Thẻ đã bị thu hồi, thẻ bị sửa chữa: là thẻ BHYT được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người tham gia BHYT nhưng đã bị thu hồi theo quy định của pháp luật và BHYT hoặc thẻ đã bị sửa chữa, làm sai lệch thông tin của người có thẻ.
Hậu quả: Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Nếu người phạm tội chưa gây ra thiệt hại hoặc thiệt hại dưới 20.000.000 đồng, thì hành vi gian lận bảo hiểm y tế chưa cấu thành tội phạm
d, Mặt chủ quan của tội phạm
Lỗi của người phạm tội: là lỗi cố ý, tức là nhận thức rõ hành vi gian lận bảo hiểm y tế là hành vi bị pháp luật cấm nhưng vẫn thực hiện, lừa dối cơ quan bảo hiểm y tế để chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế, gây thiệt hại cho Nhà nước.
Mục đích của người phạm tội: là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này, được quy định ngay trong điều luật của cấu thành là nhằm thu lợi bất chính (chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế, gây thiệt hại cho Nhà nước).
Động cơ của người phạm tội: Người phạm tội có thể vì động cơ khác nhau như vì nể nang, vì mối quan hệ thân quen, lệ thuộc, nhưng chủ yếu là vì động cơ vụ lợi.
Lưu ý: Thiệt hại do hành vi phạm tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp gây ra không bao gồm số tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế bị chiếm đoạt.
3. Hình phạt đối với tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế
3.1 Hình phạt đối với tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp
Khung 1: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm
Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 20.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng mà không thuộc một trong các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174), Tội tham ô tài sản (Điều 353), Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 355) thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
- Lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ bảo hiểm xã hội, hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội;
- Dùng hồ sơ giả hoặc hồ sơ đã bị làm sai lệch nội dung lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
Khung 2: Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
- Có tổ chức;
- Có tính chất chuyên nghiệp;
- Chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
- Gây thiệt hại từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
- Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
- Tái phạm nguy hiểm
Khung 3: Phạt tù từ 05 năm đến 10 năm
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
- Chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp 500.000.000 đồng trở lên;
- Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên.
3.2 Hình phạt đối với tội gian lận bảo hiểm y tế
Khung 1: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm
Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 20.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng mà không thuộc một trong các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174), Tội tham ô tài sản (Điều 353) và Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 355) thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
- Lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc khống hoặc kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh và các chi phí khác mà thực tế người bệnh không sử dụng;
- Giả mạo hồ sơ, thẻ bảo hiểm y tế hoặc sử dụng thẻ bảo hiểm y tế được cấp khống, thẻ bảo hiểm y tế giả, thẻ đã bị thu hồi, thẻ bị sửa chữa, thẻ bảo hiểm y tế của người khác trong khám chữa bệnh hưởng chế độ bảo hiểm y tế trái quy định.
Khung 2: Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
- Có tổ chức;
- Có tính chất chuyên nghiệp;
- Chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
- Gây thiệt hại từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
- Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
- Tái phạm nguy hiểm
Khung 3: Phạt tù từ 05 năm đến 10 năm
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
- Chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế 500.000.000 đồng trở lên;
- Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên
4. Hình phạt bổ sung đối với tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế
4.1 Đối với tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp
Người phạm tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp còn có thể bị:
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng,
- Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
4.2 Đối với tội gian lận bảo hiểm y tế
Người phạm tội gian lận bảo hiểm y tế còn có thể bị:
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng,
- Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Ngoài các hình phạt bổ sung đối với hai tội nêu trên người phạm tội còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
5. Một số tình tiết định khung hình phạt đáng lưu ý đối với tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.
a, Tình tiết có tính chất chuyên nghiệp
Là trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế từ 05 lần trở lên (không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích) và người phạm tội lấy khoản lợi bất chính thu được từ việc phạm tội làm nguồn thu nhập.
b, Tình tiết dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt
Là trường hợp người phạm tội sử dụng công nghệ cao, móc nối với người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan nhà nước hoặc thủ đoạn gian dối, mánh khóe khác để tiêu hủy chứng cứ, che giấu hành vi phạm tội, gây khó khăn cho việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm.
6. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế là bao lâu?
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với tội gian lận bao hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 15 năm kể từ khi hành vi phạm tội xẩy ra.
Lưu ý:
- Nếu trong thời hạn quy định, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.
- Nếu trong thời hạn quy định, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.
7. Phạm đồng thời các tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế thì sẽ bị xử lý thế nào?
Nếu phạm đồng thời các tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế thì Toà án sẽ tổng hợp các hình phạt như sau, căn cứ Điều 55 Bộ luật hình sự 2015:
- Nếu các hình phạt đã tuyên cùng là cải tạo không giam giữ hoặc cùng là tù có thời hạn, thì các hình phạt đó được cộng lại thành hình phạt chung; hình phạt chung không được vượt quá 03 năm đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, 30 năm đối với hình phạt tù có thời hạn;
- Nếu các hình phạt đã tuyên là cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, thì hình phạt cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành hình phạt tù theo tỷ lệ cứ 03 ngày cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành 01 ngày tù để tổng hợp thành hình phạt chung;
- Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tù chung thân thì hình phạt chung là tù chung thân;
- Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tử hình thì hình phạt chung là tử hình;
- Phạt tiền không tổng hợp với các loại hình phạt khác; các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung;
- Trục xuất không tổng hợp với các loại hình phạt khác.
Lưu ý quan trọng: Thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù: cứ 1 ngày tạm giữ, tạm giam bằng 01 ngày tù.
8. Dịch vụ tư vấn pháp luật hình sự Luật Thái An
Tư vấn pháp luật hình sự nói chung, tư vấn tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế nói riêng là một trong những thế mạnh của Công ty Luật Thái An chúng tôi. Ngoài việc tư vấn pháp luật, Luật Thái An sẽ tham gia tố tụng với tư cách luật sư bào chữa cho bị can, bị cáo hoặc luật sư bảo vệ người bị hại trong các vụ án hình sự.
Đến với Luật Thái An mọi rắc rối liên quan đến lĩnh vực hình sự, liên quan đến vụ án hình sự đều được các Luật sư giỏi kiến thức pháp lý, dày dặn kinh nghiệm thực tế giải quyết một cách nhanh nhóng, mọi quyền và lợi ích của thân chủ sẽ được bảo vệ tối đa trên cơ sở các quy định của pháp luật.
HÃY LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN VỀ TỘI GIAN LẬN BẢO HIỂM XÃ HỘI