Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả: Những quy định quan trọng
Tiền là một tài sản có giá trị, một công cụ thanh toán vô cùng hữu hiệu trong cuộc sống hàng ngày. Chính bởi tầm quan trọng như vậy mà hiện nay tiền được làm giả khá nhiều. Để ngăn chặn vấn nạn này, Bộ luật hình sự Việt Nam đã quy định việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả. Tội này có những dấu hiệu pháp lý nào và mức hình phạt cụ thể ra sao? Hãy theo dõi bài viết dưới đây của Công ty Luật Thái An chúng tôi để biết thông tin chi tiết.
1. Cơ sở pháp lý quy định đối với tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả
Cơ sở pháp lý quy định đối với tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả là Điều 207 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
2. Tiền giả là gì?
Trước khi tìm hiểu những dấu hiệu pháp lý của tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, chúng ta không thể bỏ qua một khái niệm quan trọng liên quan đến tội danh này, đó là “tiền giả”. Vậy tiền giả là gì?
Điều 17 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010 quy định về tiền Việt Nam như sau:
- Ngân hàng Nhà nước là cơ quan duy nhất phát hành tiền giấy, tiền kim loại của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tại khoản 1, khoản 2 Điều 3 Thông tư 28/2013/TT-NHNN ngày 5/12/2013 của Ngân hàng nhà nước Việt Nam quy định:
- Tiền giả là những loại tiền làm giống như tiền Việt Nam nhưng không phải do Ngân hàng Nhà nước tổ chức in, đúc, phát hành.
- Tiền giả loại mới là loại tiền giả chưa được Ngân hàng Nhà nước (hoặc Bộ Công an) thông báo bằng văn bản.
Theo đó có thể hiểu đơn giản tiền giả là tiền được làm gần giống như với tiền thật nhưng không phải do Ngân hàng Nhà nước phát hành.
Để phân biệt tiền giả và tiền thật có thể dựa trên các đặc điểm thiết kế đối với từng mệnh giá của tiền như kích thước, trọng lượng, hình vẽ, hoa văn và các đặc điểm khác của tiền.
3. Những dấu hiệu pháp lý cơ bản của tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả
a. Khách thể của tội phạm
Tội phạm này xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, cụ thể là xâm phạm các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý tiền tệ và các loại giấy tờ có giá trị như tiền.
Đối tượng của tội phạm này là tiền.
b. Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm là bất kỳ ai có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự (từ đủ 16 tuổi trở lên).
c. Mặt khách quan của tội phạm
Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả được thực hiện bằng một trong các hành vi sau:
- Làm tiền giả: bao gồm các hành vi như in ấn, sao chụp, tạo bản in, tìm nguyên liệu mực, phương tiện in, in tiền giả.
- Tàng trữ tiền giả: là hành vi cất giấu tiền giả ở một nơi nào đó không kể thời gian dài hay ngắn nhằm trốn tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng chứ không nhằm mục đích trao đổi.
- Vận chuyển tiền giả: là hành vi di chuyển tiền giả từ địa điểm này đến địa điểm khác bằng bất kỳ phương tiện nào như mang theo người, chuyển qua bưu điện, ô tô, tàu hỏa, máy bay… mà không nhằm mục đích trao đổi.
- Lưu hành tiền giả: là hành vi tìm nguồn tiêu thụ, mua bán, đưa tiền giả vào lưu thông trên thị trường.
Hậu quả: Hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả khiến nền kinh tế bị suy yếu, đồng tiền thật mất giá và đây là nguyên nhân chính gây ra tình trạng lạm phát, mất ổn định của đất nước. Bên cạnh đó, hành vi này còn gây hoang mang trong nhân dân và mất lòng tin người dân vào Nhà nước.
Hậu quả không phải dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này, tội phạm được hoàn thành khi người phạm tội thực hiện một trong các hành vi nêu trên. Số lượng tiền giả nhiều hay ít chỉ ảnh hưởng đến việc xác định khung tăng nặng hình phạt đối với người phạm tội.
d. Mặt chủ quan của tội phạm
Tội phạm được thực hiện do cố ý, có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp. Người phạm tội biết hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn cố tình thực hiện tội phạm.
4. Các khung hình phạt đối với tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả
Khung 1- Phạt tù từ 03 năm đến 07 năm
Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
Khung 2- Phạt tù từ 05 năm đến 12 năm
Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
Khung 3- Phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 50.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
5. Hình phạt bổ sung đối với tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả
Ngoài hình phạt chính người phạm tội còn có thể bị
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc
- Tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Người chuẩn bị phạm tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả có bị xử lý không?
Chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm.
Người chuẩn bị phạm tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.
7. Người che giấu tội phạm tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả thì bị xử lý thế nào?
Người nào không hứa hẹn trước mà che giấu tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm.
Ngoài ra, người phạm tội trong trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc phát hiện tội phạm hoặc có những hành vi khác bao che người phạm tội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Nếu người che giấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
8. Người không tố giác người phạm tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả thì bị xử lý thế nào?
Theo quy định tại Điều 390 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì người nào biết rõ người phạm tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Lưu ý:
- Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt.
- Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự.
9. Vô ý sử dụng tiền giả có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Người phạm tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả thực hiện tội phạm với lỗi cố ý. Do đó, hành vi vô ý sử dụng tiền giả nếu như có chứng cứ chứng minh được người thực hiện không hề có lỗi trong việc sử dụng thì người đó có thể không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
10. Căn cứ quyết định hình phạt đối với tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả
Theo quy định tại Điều 50 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì
- Khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.
- Khi quyết định áp dụng hình phạt tiền, ngoài căn cứ trên, Tòa án căn cứ vào tình hình tài sản, khả năng thi hành của người phạm tội.
a. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả
Các tình tiết sau đây có thể là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, được quy định tại khoản 1 điều 51 Bộ Luật hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017:
- Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;
- Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;
- Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;
- Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;
- Người phạm tội là phụ nữ có thai;
- Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên;
- Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;
- Người phạm tội tự thú;
- Người phạm tội thành khẩn khai báo và ăn năn hối cải;
- Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án
- Người phạm tội đã lập công chuộc tội;
- Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác;
- Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ.
Lưu ý quan trọng:
- Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.
- Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật hình sự quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt.
- Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự 2015 như nêu trên.
- Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.
b. Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả
Các tình tiết sau đây có thể là các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự:
- Phạm tội có tổ chức;
- Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp;
- Phạm tội 02 lần trở lên;
- Tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm;
- Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hoặc tàn ác để phạm tội;
- Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội;
- Có hành động xảo quyệt hoặc hung hãn nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm.
11. Đồng phạm tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả thì bị xử lý thế nào?
Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.
Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.
- Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.
- Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.
- Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.
- Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.
Khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành giấy tờ có giá giả, Tòa án phải xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm.
Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự thuộc người đồng phạm nào, thì chỉ áp dụng đối với người đó.
12. Thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả là bao lâu?
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 20 năm kể từ ngày tội phạm được thực hiện
Thời hiệu này có thể được tính lại trong trường hợp sau đây:
- Nếu trong thời hạn quy định, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.
- Nếu trong thời hạn quy định, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.
13. Dịch vụ Luật sư bào chữa vụ án hình sự
Luật sư bào chữa là người sẽ sử dụng kiến thức pháp lý và các biện pháp nghiệp vụ hợp pháp để bào chữa gỡ tội, làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị can, bị cáo nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.
Hiến pháp nước ta và Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành đều quy định về quyền được thuê luật sư bào chữa trong các vụ án hình sự: “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư bào chữa hoặc người khác bào chữa”. Bị can, bị cáo đều có quyền được nhờ luật sư bào chữa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong vụ án hình sự từ các giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử.
Vì vậy, khi Quý khách hàng có nhu cầu, mong muốn tìm Luật sư bào chữa hãy liên hệ ngay với Công ty Luật Thái An chúng tôi. Luật Thái An cam kết nỗ lực, bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp cho Quý khách hàng hoặc người thân của Quý khách hàng trên cơ sở các quy định pháp luật.
HÃY LIÊN HỆ NGAY VỚI CHÚNG TÔI ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN VỀ TỘI LÀM, TÀNG TRỮ, VẬN CHUYỂN, LƯU HÀNH TIỀN GIẢ
- Chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan - 31/10/2022
- Đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai - 19/03/2022
- Cẩn trọng khi ký hợp đồng vay? - 31/10/2021