Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 BLHS

Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ là hành vi nguy hiểm cho xã hội, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách vô ý, xâm phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác. Để biết các thông tin chi tiết về tội này, hãy theo dõi bài viết dưới đây của chúng tôi.

1. Cơ sở pháp lý quy định tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

Cơ sở pháp lý quy định tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ là Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

2. Đặc điểm pháp lý cơ bản đối với tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

Trước khi tìm hiểu những đặc điểm pháp lý cơ bản đối với tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ thì chúng ta cần phải biết như thế nào là đường bộ, phương tiện tham gia giao thông đường bộ gồm những phương tiện gì.

Về vấn đề này tại điều 3 Luật giao thông đường bộ năm 2008 đưa ra các khái niệm như sau:

  • Đường bộ: gồm đường, cầu đường bộ, hầm đường bộ, bến phà đường bộ.
  • Phương tiện tham gia giao thông đường bộ gồm phương tiện giao thông đường bộ và xe máy chuyên dùng.
  • Phương tiện giao thông đường bộ: gồm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông thô sơ đường bộ.
  • Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ: gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự.
  • Phương tiện giao thông thô sơ đường bộ: gồm xe đạp (kể cả xe đạp máy), xe xích lô, xe lăn dùng cho người khuyết tật, xe súc vật kéo và các loại xe tương tự.
  • Xe máy chuyên dùng gồm xe máy thi công, xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp và các loại xe đặc chủng khác sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh có tham gia giao thông đường bộ.

a. Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm là người tham gia giao thông đường bộ gồm người điều khiển, người sử dụng phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển, dẫn dắt súc vật và người đi bộ trên đường bộ. Chủ thể này phải là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này

b. Khách thể của tội phạm

Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ xâm phạm đến trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Đối tượng tác động của tội phạm này là phương tiện giao thông đường bộ bao gồm: xe cơ giới, xe thô sơ, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.

c. Mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan: Người phạm tội đã có hành vi vi phạm các quy định về tham gia giao thông đường bộ. Việc xác định hành vi vi phạm các quy định về tham gia giao thông đường bộ không chỉ căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự mà phải căn cứ vào các quy định tại Luật giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền.

Hậu quả: Là gây ra thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác.

Lưu ý:

  • Khi xác định thiệt hại về tài sản thì chỉ những tài sản do hành vi vi phạm trực tiếp gây ra, còn những thiệt hại gián tiếp không tính là thiệt hại để xác định trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội. 
  • Thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tài sản mà người phạm tội gây ra là thiệt hại đối với người khác, nên không tính thiệt hại mà người phạm tội gây ra cho chính mình

d. Mặt chủ quan của tội phạm

Người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội là do vô ý (vô ý vì quá tự tin hoặc vô ý vì cẩu thả), trong đó:

  • Vô ý vì quá tự tin: là trường hợp người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xẩy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.
  • Vô ý vì cẩu thả: là trường hợp người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.

3. Các khung hình phạt chính đối với tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

Khung 1- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm

Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

  •  Làm chết người;
  • Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
  • Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
  • Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

Khung 2- Phạt tù từ 03 năm đến 10 năm

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

  • Không có giấy phép lái xe theo quy định;
  • Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;
  • Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
  • Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
  • Làm chết 02 người;
  • Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
  • Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

Khung 3- Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

  • Làm chết 03 người trở lên;
  • Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
  • Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

Ngoài ra nếu vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các tiểu mục a, b và c nêu trên nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

tội vi phạm quy định giao thông đường bộ
Trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định giao thông đường bộ – Nguồn ảnh minh họa: Internet.

4. Hình phạt bổ sung đối với tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

Người phạm tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ còn có thể phải chịu một hoặc một vài hình phạt bổ sung sau đây:

  • Cấm đảm nhiệm chức vụ
  • Cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

5. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 15 năm kể từ khi hành vi phạm tội xẩy ra.

Lưu ý:

  • Nếu trong thời hạn quy định, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.
  • Nếu trong thời hạn quy định, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.

6. Nếu phạm tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ nhưng nạn nhân có đơn xin không truy tố thì có bị xử phạt không ?

Khoản 1 Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2021) quy định chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các Điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155 và 156 của Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.

Do đó, với tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ tại Điều 260 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) không thuộc các trường hợp trên nên dù có đơn xin không truy tố của nạn nhân thì vẫn bị khởi tố vụ án để tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự.

7. Người phạm tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ đã bồi thường thiệt hại thì có được miễn trách nhiệm hình sự không?

Theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) thì để có thể được miễn trách nhiệm hình sự cần thỏa đủ 3 điều kiện sau:

  • Thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác
  • Đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả
  • Được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự

Do đó, người phạm tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ thuộc khoản 1 Điều 260 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) với lỗi vô ý hoặc thuộc khoản 2 Điều này thì có thể được xem xét miễn trách nhiệm hình sự nếu đã bồi thường đầy đủ và có đơn bãi nại của bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của bị hại.

8. Phạm tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ nhưng không thiệt hại về người có bị đi tù không?

Căn cứ quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì trường hợp phạm tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ không gây thiệt hại về người mà gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên thì vẫn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự và vẫn có thể bị đi tù.

9. Phạm tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ làm chết người thì phải bồi thường thiệt hại thế nào?

Theo quy định tại Điều 591 Bộ luật dân sự 2015 thì người phạm tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ làm chết người thì phải bồi thường thiệt hại gồm

  • Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định.
  • Chi phí hợp lý cho việc mai táng;
  • Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;
  • Thiệt hại khác do luật quy định.

Bên cạnh đó người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thêm một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này.

Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

10. Các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

a. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

Căn cứ quy định tại Điều 51 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ có thể là:

  • Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;
  • Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;
  • Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;
  • Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;
  • Người phạm tội tự thú;
  • Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;
  • Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án;
  • Người phạm tội đã lập công chuộc tội;
  • Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác;
  • Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ.

Lưu ý: 

  • Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.
  • Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt.

b. Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

Các tình tiết tăng nặng đối với tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ có thể là:

  • Phạm tội 02 lần trở lên;
  • Tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm;
  • Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai, người đủ 70 tuổi trở lên;
  •  Phạm tội đối với người ở trong tình trạng không thể tự vệ được, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, người bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc người lệ thuộc mình về mặt vật chất, tinh thần, công tác hoặc các mặt khác;
  • Có hành động xảo quyệt hoặc hung hãn nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm.

Lưu ý:Các tình tiết đã được Bộ luật hình sự quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng.

11. Phạm tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ và các tội khác đồng thời thì hình phạt sẽ thế nào?

Phạm tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ và các tội khác đồng thời thì Toà án sẽ tổng hợp các hình phạt như sau, căn cứ Điều 55 Bộ luật hình sự 2015:

  • Nếu các hình phạt đã tuyên cùng là cải tạo không giam giữ hoặc cùng là tù có thời hạn, thì các hình phạt đó được cộng lại thành hình phạt chung; hình phạt chung không được vượt quá 03 năm đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, 30 năm đối với hình phạt tù có thời hạn;
  • Nếu các hình phạt đã tuyên là cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, thì hình phạt cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành hình phạt tù theo tỷ lệ cứ 03 ngày cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành 01 ngày tù để tổng hợp thành hình phạt chung;
  • Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tù chung thân thì hình phạt chung là tù chung thân;
  • Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tử hình thì hình phạt chung là tử hình;
  • Phạt tiền không tổng hợp với các loại hình phạt khác; các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung;
  • Trục xuất không tổng hợp với các loại hình phạt khác.

Lưu ý quan trọng: Thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù: cứ 1 ngày tạm giữ, tạm giam bằng 01 ngày tù.

12. Dịch vụ Luật sư bào chữa/Luật sư bảo vệ tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

Trong một vụ án liên quan đến tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, việc Luật sư bào chữa tham gia vào các giai đầu của vụ án (khởi tố, điều tra, truy tố) là rất có lợi. Bởi Luật sư bào chữa không chỉ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ mà còn giúp các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án một cách khách quan, đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật.

Với bề dầy kinh nghiệm tham gia các vụ án hình sự cùng sự tận tâm, tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, các luật sư Công ty Luật Thái An luôn là nỗ lực tối đa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ với mức thù lao hợp lý.

Nếu bạn đang tìm kiếm Luật sư bào chữa hoặc Luật sư bảo vệ trong vụ án về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, đừng chần chừ, hãy liên hệ ngay với Công ty Luật Thái An chúng tôi nhé!

>>> Xem thêm: Dịch vụ luật sư bào chữa

Đàm Thị Lộc