Các giai đoạn thực hiện tội phạm là gì?

Để trừng phạt người thực hiện hành vi phạm tội, pháp luật hình sự quy định một cách nghiêm khắc hình phạt đối với người phạm tội. Để đảm bảo nguyên tắc xét xử công bằng, bình đằng, tùy vào mức độ vi phạm, hành vi ở giai đoạn thực hiện tội phạm nào mà áp dụng hình phạt tương ứng đối với tội phạm. Để làm rõ các giai đoạn thực hiện tội phạm, trong bài viết tư vấn pháp luật dưới đây, Công ty Luật Thái An  chúng tôi xin phân tích cụ thể như sau:

Việc thực hiện hành vi vi phạm sẽ diễn ra theo một quá trình nhất định. Có những hành vi vi phạm pháp luật nhưng chưa tới mức để kết luận là tội phạm. Nếu đã là tội phạm thì cần xem xét hành vi phạm tội đang thực hiện khi mới bắt đầu, đang diễn ra hay đã kết thúc.

Tương ứng với mức độ vi phạm của hành vi đó, pháp luật hình sự cũng chia làm 4 giai đoạn thực hiện tội phạm. Đó là:

  • chuẩn bị phạm tội
  • tội phạm chưa đạt
  • tội phạm hoàn thành
  • tự ý nửa chừng chấm dứt hành vi phạm tội

Dưới đây là phần phân tích cụ thể:

1. Giai đoạn thực hiện tội phạm: Tội phạm hoàn thành

Tội phạm hoàn thành là trường hợp hành vi phạm tội đã thỏa mãn tất cả dấu hiệu được mô tả trong cấu thành tội phạm.

Khái niệm hoàn thành ở đây cần hiểu đó là hoàn thành về mặt pháp lý, hành vi đã thỏa mãn tất cả các dấu hiệu pháp lý của tội phạm. Hoàn thành ở đây không gắn liền với việc đạt được mục đích của người phạm tội. Thời điểm tội phạm được cho là hoàn thành không đồng nghĩa với việc người phạm tội đã đạt được mục đích đề ra hay chưa. Tội phạm hoàn thành khi đã đạt được mục đích và cũng có thể chưa đạt được mục đích.

Tội phạm hoàn thành trong các giai đoạn thực hiện tội phạm ở đây là hoàn thành về mặt pháp lý – tức là thỏa mãn hết các dấu hiệu của cấu thành tội phạm. Nhiều trường hợp tội phạm hoàn thành về mặt pháp lý còn hành vi có thể tiếp tục xảy ra hoặc đã dừng lại. Ngược lại, có những trường hợp hành vi thực hiện đã chấm dứt nhưng chưa thỏa mãn hết các dấu hiệu của cấu thành tội phạm.

Cần phân biệt Tội phạm hoàn thành với Tội phạm kết thúc: Tội phạm kết thúc là thời điểm hành vi phạm tội đã thực sự chấm dứt. Thời điểm tội phạm hoàn thành là thời điểm dùng để đánh giá về mặt pháp lý còn thời điểm tội phạm kết thúc dùng để đánh giá về mặt thực tế. Hai thời điểm này khác nhau về tính chất nên về hình thức có thể trùng nhau hoặc không trùng nhau. Mọi hành vi tội phạm hoàn thành về nguyên tắc đều phải chịu trách nhiệm hình sự.

các giai đoạn thực hiện tội phạm
Việc xác định hành vi phạm tội ở giai đoạn thực hiện tội phạm nào có ý nghĩa quan trọng trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự – Nguồn ảnh minh họa: Internet.

2. Các giai đoạn thực hiện tội phạm: Phạm tội chưa đạt

Điều 15 quy định về phạm tội chưa đạt trong các giai đoạn thực hiện tội phạm như sau:

Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội.

Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt.

Như vậy, phạm tội chưa đạt trong các giai đoạn thực hiện tội phạm là giai đoạn thực hiện tội phạm mà người phạm tội có thực hiện hành vi phạm tội, nhưng không thực hiện được đến cùng do những cản trở khách quan. Theo đó, phạm tội chưa đạt có những dấu hiệu nhận biết sau:

  • Thứ nhất, người phạm tội đã thực hiện tội phạm. Đây là dấu hiệu phân biệt phạm tội chưa đạt với chuẩn bị phạm tội trong các giai đoạn thực hiện tội phạm. “Đã thực hiện tội phạm” có nghĩa là người phạm tội đã thực hiện hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm hoặc thực hiện hành vi đi liền trước hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm.

Ví dụ như: hành vi cầm dao đâm đối phương tước đoạt tính mạng của người khác là hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm tội giết người (Điều 123 BLHS 2015) hay hành vi cầm búa giơ lên trong trường hợp phạm tội giết người được coi là hành vi đi liền trước của hành vi tước đoạt tính mạng của người khác. Tuy hành vi này chưa phải là hành vi giết người nhưng là hành sự bắt đầu của việc giết đối phương.

  • Thứ hai, người phạm tội chưa thực hiện tội phạm đến cùng (tức chưa hành vi của họ chưa thỏa mãn hết các dấu hiệu về mặt khách quan trong cấu thành tội phạm). Dấu hiệu này để phân biệt với tội phạm hoàn thành. Người phạm tội chưa đạt chưa thể thực hiện hành vi đến cùng, chưa đạt đến mục đích cuối cùng có nghĩa chưa thỏa mãn hết các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của cấu thành tội phạm. Điều này có thể giải thích trong nhiều trường hợp như:
    • Chủ thể chưa thực hiện hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm mà mới chỉ thực hiện hành vi đi liền trước  hành vi đó. Ví dụ như người chỉ mới cầm dao lên để đâm đã bị cưỡng chế bắt giữ.
    • Chủ thể đã thực hiện hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm nhưng chưa thực hiện hết. Ví dụ: Người phạm tội hiếp dâm mới khống chế được nạn nhân nhưng chưa thực hiện hành vi giao cấu đã bị bắt giữ.
    • Chủ thể đã thực hiện được hành vi khách quan được mô tả trong cấu thành tội phạm nhưng chưa gây ra hậu quả thiệt hại được mô tả trong cấu thành tội phạm. Ví dụ như người phạm tội giết người nhưng người đó không chết.
  • Thứ ba, nguyên nhân không thực hiện tội phạm đến cùng là do nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội. Có nghĩa rằng, trong các giai đoạn thực hiện tội phạm này về ý chí họ vẫn mong muốn tội phạm hoàn thành nhưng tội phạm không thể hoàn thành có thể xuất phát từ những nguyên nhân như sau:
    • Nạn nhân hoặc người bị hại đã trốn
    • Bị người khác ngăn chặn
    • Sai lầm của người phạm tội (về đối tượng, công cụ, phương tiện…)  như: bắn nhưng đạn không nổ, thuốc độc không đủ liều lượng.

Dấu hiệu thứ ba này cho phép phân biệt phạm tội chưa đạt với trường hợp dừng lại do ý muốn chủ quan của người phạm tội trong các giai đoạn thực hiện tội phạm.

Người phạm tội chưa đạt tuy là những trường hợp không thực hiện tội phạm được đến cùng những vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự vì về khách quan, người phạm tội có hành vi có tính gây thiệt hại cho xã hội và về chủ quan việc phải dừng lại là do nguyên nhân ngoài ý muốn còn người phạm tội. Như vậy, việc đặt ra trách nhiệm hình sự với người phạm tội chưa đạt trong các giai đoạn thực hiện tội phạm là có cơ sở và cần thiết.

3. Các giai đoạn thực hiện tội phạm: Chuẩn bị phạm tội 

Căn cứ theo điều 14 BLHS 2015 quy định chuẩn bị phạm tội trong các giai đoạn thực hiện tội phạm là:

1. Chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm, trừ trường hợp thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm quy định tại Điều 109, điểm a khoản 2 Điều 113 hoặc điểm a khoản 2 Điều 299 của Bộ luật này.

2. Người chuẩn bị phạm tội quy định tại một trong các điều 108, 109, 110, 111, 112, 113, 114, 115, 116, 117, 118, 119, 120, 121, 123, 134, 168, 169, 207, 299, 300, 301, 302, 303 và 324 của Bộ luật này thì phải chịu trách nhiệm hình sự.

3. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chuẩn bị phạm tội quy định tại Điều 123, Điều 168 của Bộ luật này thì phải chịu trách nhiệm hình s.

Như vậy, chuẩn bị phạm tội trong các giai đoạn thực hiện tội phạm là giai đoạn người phạm tội tiến hành tìm kiếm công cụ phạm tội; sửa soạn công cụ, phương tiện phạm tội hoặc chuẩn bị những điều kiện thuận lợi cho tội phạm quan sát địa điểm, điều kiện liên quan xung quanh hoàn cảnh của nạn nhân. Theo đó, chuẩn bị phạm tội trong các giai đoạn thực hiện tội phạm có các đặc điểm như sau:

  • Chuẩn bị phạm tội tồn tại dưới dạng “hành vi” và hành vi chuẩn bị liên quan trực tiếp đến quá trình thực hiện tội phạm như: tìm kiếm công cụ, phương tiện phạm tội; lên kế hoạch tạo điều kiện cần thiết khác (nghiên cứu, xem xét địa hình nơi dự định thực hiện tội phạm,..). Trong những dạng hành vi chuẩn bị phạm tội trong các giai đoạn thực hiện tội phạm này, hành vi chuẩn bị công cụ, phương tiện là phổ biến hơn cả.

Lưu ý: hành vi thành lập và tham gia nhóm tội phạm là hành vi cần thiết cho sự hình thành nhóm có mục đích thực hiện tội phạm cụ thể, là cơ sở cần thiết hoặc thuận lợi cho việc thực hiện tội phạm trừ trường hợp thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm quy định tại Điều 109, điểm a khoản 2 Điều 113 hoặc điểm a khoản 2 Điều 299 của Bộ Luật Hình sự 2015.

  • Ý định phạm tội đã được biểu hiện ra bên ngoài. Thời điểm sớm nhất của chuẩn bị phạm tội là thời điểm người phạm tội bắt đầu có hành vi tạo điều kiện vật chất hoặc tinh thần để giúp cho việc thực hiện hành vi phạm tội được xảy ra dễ dàng và thuận lợi hơn. Thời điểm muộn nhất của chuẩn bị phạm tội là thời điểm trước khi người phạm tội bắt đầu thực hiện hành vi có tính chất gây thiệt hại được phản ánh trong cấu thành tội phạm.

Đây chính là ranh giới giữa chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt thuộc các giai đoạn thực hiện tội phạm.

  • Nguyên nhân không thực hiện tội phạm được đến cùng là do khách quan ngoài ý muốn (yếu tố giúp phân biệt với tự ý nửa chừng chấm dứt phạm tội trong các giai đoạn thực hiện tội phạm).

4. Các giai đoạn thực hiện tội phạm: Tự ý nửa chừng chấm dứt hành vi phạm tội 

Điều 16 của Bộ Luật Hình sự 2015; sửa đổi, bổ sung 2017 quy định tự ý nửa chừng chấm dứt hành vi phạm tội trong các giai đoạn thực hiện tội phạm là:

Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản.

Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm; nếu hành vi thực tế đã thực hiện có đủ yếu tố cấu thành của một tội khác, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.

Có thể thấy, tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là giai đoạn thực hiện tội phạm mà người đó tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản. Các dấu hiệu của trường hợp tự ý nửa chừng  chấm dứt việc phạm tội. “Nửa chừng” tức phải xảy ra ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt. “Tự ý” tức phải tự nguyện chấm dứt hành vi phạm tội, chấm dứt một cách dứt khoát: triệt để, từ bỏ hẳn ý định phạm tội.

Theo đó, các dấu hiệu của trường hợp tự ý nửa chừng  chấm dứt việc phạm tội.

  • Thời điểm xảy ra: Việc không thực hiện tiếp chỉ có thể xảy ra khi còn là chuẩn bị phạm tội hoặc là phạm tội chưa đạt và thuộc trường hợp chưa đạt chưa hoàn thành. Như vậy, việc không thực hiện tiếp hành vi phạm tội theo điều luật này không thể xảy ra khi tội phạm hoàn thành hoặc phạm tội chưa đạt nhưng đã hoàn thành.

Bởi lẽ, phạm tội chưa đạt đã hoàn thành là người phạm tội đã thực hiện hết các hành vi mong muốn nên cũng có nghĩa chủ thể không còn thực hiện hành vi phạm tội. Tại thời điểm này, hậu quả thiệt hại tuy chưa xảy ra nhưng sẽ xảy ra mà người phạm tội không cần làm gì tiếp theo đó.

Còn đối với giai đoạn thực hiện tội phạm là tội phạm đã hoàn thành là trường hợp hành vi phạm tội đã thỏa mãn hết các dấu hiệu của cấu thành tội phạm nên đầy đủ đặc điểm thể hiện tính nguy hiểm cho xã hội. Do vậy, việc dừng lại không thực hiện hành vi không làm thay đổi tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội đã thực hiện.

  • Việc không thực hiện tiếp hành vi phạm tội phải là “tự mình” và không có gì ngăn cản”. Theo đó, việc chấm dứt hành vi phạm tội đó phải xuất phát từ ý chí, động lực bên trong, mong muốn chấm dứt của người đó mà không phải do trở ngại khách quan chi phối. Khi dừng lại, người phạm tội vẫn tin rằng không có gì ngăn cản và vẫn có thể thực hiện tiếp hành vi phạm tội của mình.
  • Việc không thực hiện tiếp hành vi phạm tội phải là sự thể hiện của việc từ bỏ hẳn ý định phạm tội mà không phải là thủ đoạn tạm dừng đe thực hiện tội phạm sau đó.

Theo quy định của pháp luật: người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm. Sở dĩ pháp luật quy định như vậy cũng bởi các căn cứ sau:

  • Về mặt chủ quan: Người phạm tội đã hoàn toàn tự nguyện từ bỏ hẳn ý định phạm tội, không còn mong muốn thực hiện tội phạm đến cùng.
  • Về mặt khách quan: hành vi thực hiện của người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội chưa có tính nguy hiểm đầy đủ của tội phạm muốn thực hiện vì chưa thỏa mãn hết các dấu hiệu của cấu thành tội phạm.

Như vậy, hành vi đã thực hiện của người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được coi như đã mất tính nguy hiểm của tội phạm mà họ muốn thực hiện. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc khuyến khích người phạm tội chấm dứt hành vi phạm tội, thể hiện chính sách nhân đạo của nhà nước, hạn chế tối đa thiệt hại có thể xảy ra.

Các giai đoạn thực hiện tội phạm
4 giai đoạn thực hiện tội phạm – Nguồn: Luật Thái An

Tuy nhiên, không phải người phạm tội cứ tự ý nửa chừng chấm dứt hành vi phạm tội sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu hành vi thực tế đã thực hiện có đủ yếu tố cấu thành của một tội khác, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm đó.

Ví dụ, A tìm gặp giết B để trả thù. Khi mới chém được một nhát dao vào cánh tay thì A hoảng sợ và bỏ về nhà. B được đưa đi cấp cứu kịp thời. Nếu thương tật của B trên 11% thì có thể A phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích (Điều 134 BLHS 2015).

 

Trên đây là phần tư vấn của Công ty Luật Thái An về các giai đoạn thực hiện tội phạm. Xin lưu ý là sau thời điểm chúng tôi viết bài này, luật pháp đã có thể thay đổi các quy định liên quan. Hãy gọi tới Tổng đài tư vấn Luật Hình Sự. Bạn sẽ được tư vấn trực tiếp và chính xác nhất về các vấn đề liên quan tới tội phạm hình sự.

Nguyễn Văn Thanh