Xét xử sơ thẩm vụ án dân sự: Tổng hợp các quy định quan trọng!

Xét xử sơ thẩm vụ án dân sự đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án dân sự. Xét xử sơ thẩm đạt chất lượng tốt sẽ là cơ sở để Toà án ra bản án khách quan, chính xác, đúng quy định của pháp luật, hạn chế kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, đồng thời giải quyết dứt điểm tranh chấp của các đương sự.

1. Xét xử sơ thẩm và các nguyên tắc xét xử sơ thẩm

Xét xử sơ thẩm là lần xét xử dân sự đầu tiên của Toà án khi giải quyết vụ án dân sự với sự tham gia của những người tham gia tố tụng theo những nguyên tắc và thủ tục nhất định để Toà án ra những phán quyết về việc giải quyết vụ án.

Để đảm bảo việc xét xử sơ thẩm dân chủ khách quan và đúng quy định pháp luật thì việc xét xử sơ thẩm vụ án dân sự cần phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của tố tụng dân sự, cụ thể là các nguyên tắc như sau:

  • Tuân thủ pháp luật
  • Quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp
  • Quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự
  • Cung cấp chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự
  • Trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền
  • Bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tố tụng dân sự
  • Bảo đảm quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự
  • Hòa giải trong tố tụng dân sự
  • Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử vụ án dân sự
  • Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân xét xử vụ án dân sự, Thẩm phán giải quyết việc dân sự độc lập và chỉ tuân theo pháp luật
  • Trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng
  • Tòa án xét xử tập thể
  • Tòa án xét xử kịp thời, công bằng, công khai
  • Bảo đảm sự vô tư, khách quan trong tố tụng dân sự
  • Bảo đảm chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm
  • Giám đốc việc xét xử
  • Bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án
  • Tiếng nói và chữ viết dùng trong tố tụng dân sự
  • Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự
  • Trách nhiệm chuyển giao tài liệu, giấy tờ của Tòa án
  • Việc tham gia tố tụng dân sự của cơ quan, tổ chức, cá nhân
  • Bảo đảm tranh tụng trong xét xử
  • Bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo trong tố tụng dân sự

2. Phạm vi xét xử sơ thẩm vụ án dân sự

Phạm vi xét xử sơ thẩm vụ án dân sự là giới hạn những vấn đề của vụ án dân sự mà tòa án cấp sơ thẩm có thẩm quyền xem xét và giải quyết.

Khoản 1 Điều 5 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định về phạm vi xét xử sơ thẩm vụ án dân sự như sau:

“Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó”.

phiên toà
Các đương sự phải có mặt tại Phiên toà xét xử sơ thẩm trừ khi có lý do chính đáng. – ảnh minh hoạ: internet

3. Toà án có thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án dân sự

Việc xác định thẩm quyền của toà án các cấp là hết sức quan trọng:

a. Thẩm quyền của Toà án cấp huyện

Theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì Tòa án cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:

  • Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015, trừ tranh chấp quy định tại khoản 7 Điều 26 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015;
  • Tranh chấp về kinh doanh, thương mại quy định tại khoản 1 Điều 30 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015;
  • Tranh chấp về lao động quy định tại Điều 32 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
  • Việc ly hôn, các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, cha mẹ và con, về nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi và giám hộ giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam theo quy định của Bộ luật này và các quy định khác của pháp luật Việt Nam.

Thẩm quyền của các Tòa chuyên trách Tòa án cấp huyện được quy định căn cứ Điều 36 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 như sau:

  • Tòa dân sự Tòa án cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc về dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp huyện quy định tại Điều 35 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
  • Tòa gia đình và người chưa thành niên Tòa án cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp huyện quy định tại Điều 35 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

b. Thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh

Tòa án cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc sau đây:

  • Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015, trừ những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp huyện quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 35 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015
  • Tranh chấp mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện
  • Những vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp huyện quy định tại Điều 35 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 mà Tòa án cấp tỉnh tự mình lấy lên để giải quyết khi xét thấy cần thiết hoặc theo đề nghị của Tòa án cấp huyện

Thẩm quyền của Toà chuyên trách Toà án cấp tỉnh như sau:

  • Tòa dân sự Tòa án cấp tỉnh có thẩm quyền: Giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp, yêu cầu về dân sự thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh quy định tại Điều 37 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015;
  • Tòa gia đình và người chưa thành niên Tòa án cấp tỉnh có thẩm quyền: Giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp, yêu cầu về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh quy định tại Điều 37 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015;
  • Tòa kinh tế Tòa án cấp tỉnh có thẩm quyền: Giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp, yêu cầu về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh quy định tại Điều 37 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015;
  • Tòa lao động Tòa án cấp tỉnh có thẩm quyền: Giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp, yêu cầu về lao động thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh quy định tại Điều 37 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015;

Ngoài thẩm quyền Toà án theo cấp nêu trên, còn có thẩm quyền toà án theo lãnh thổ quy định tại Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015; thẩm quyền của Tòa án theo sự lựa chọn của nguyên đơn, người yêu cầu quy định tại Điều 40 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.

XEM THÊM:

Xác định thẩm quyền của Toà án dân sự sơ thẩm

 

phiên tòa xét xử sở thẩm
Tư vấn của Luật Thái An về phiên tòa xét xử sở thẩm – nguồn ảnh minh hoạ: Internet

4. Thành phần tham gia xét xử sơ thẩm vụ án dân sự

a. Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án dân sự

Theo quy định tại Điều 63 BLTTDS 2015 thì trừ trường hợp xét xử sơ thẩm theo thủ tục rút gọn thì Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án dân sự gồm:

  • 01 Thẩm phán
  • 02 Hội thẩm nhân dân,
  • Trong trường hợp đặc biệt thì Hội đồng xét xử sơ thẩm có thể gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm nhân dân.

Lưu ý: Đối với vụ án có đương sự là người chưa thành niên thì phải có Hội thẩm nhân dân là người đã hoặc đang công tác tại Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em.

Đối với vụ án lao động thì phải có Hội thẩm nhân dân là người đã hoặc đang công tác trong tổ chức đại diện tập thể lao động hoặc người có kiến thức về pháp luật lao động.

CHI TIẾT CÓ TẠI BÀI VIẾT SAU:

Hội đồng xét xử vụ án dân sự qua các cấp xét xử

b. Đương sự trong vụ án dân sự

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 68 Bộ luật tố tụng dân sự thì Đương sự trong vụ án dân sự bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

CHI TIẾT CÓ TẠI BÀI VIẾT SAU:

Đương sự trong vụ án dân sự là ai? Có quyền và nghĩa vụ gì?

c. Những người tham gia tố tụng khác

Căn cứ quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì những người tham gia tố tụng khác bao gồm:

  • Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự;
  • Người làm chứng;
  • Người giám định;
  • Người phiên dịch;

5. Trình tự thủ tục xét xử sơ thẩm vụ án dân sự

Trình tự thủ tục xét xử sơ thẩm vụ án dân sự gồm 2 phần chính là chuẩn bị xét xử và xét xử:

a. Chuẩn bị xét xử sơ thẩm

Căn cứ quy định tại Điều 203 Bộ luật tố tụng dân sự thì trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, Thẩm phán thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

  • Lập hồ sơ vụ án theo quy định;
  • Xác định tư cách đương sự, người tham gia tố tụng khác;
  • Xác định quan hệ tranh chấp giữa các đương sự và pháp luật cần áp dụng;
  • Làm rõ những tình tiết khách quan của vụ án;
  • Xác minh, thu thập chứng cứ theo quy định;
  • Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
  • Tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải theo quy định của Bộ luật này, trừ trường hợp vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn;
  • Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định.

Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, tùy từng trường hợp, Thẩm phán ra một trong các quyết định sau đây:

  • Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự;
  • Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự;
  • Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự;
  • Đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm

b. Mở phiên toà xét xử sơ thẩm

Thứ nhất: Thủ tục bắt đầu phiên toà 

Thủ tục bắt đầu phiên toà, bao gồm các công việc như:

  • Chuẩn bị khai mạc phiên tòa
  • Khai mạc phiên tòa:
  • Hỏi đương sự về việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu:
  • Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự:

Thứ hai: Thủ tục tranh tụng tại phiên toà

Đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trình bày tại phiên tòa
  • Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn trình bày về yêu cầu và chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của nguyên đơn là có căn cứ và hợp pháp. Nguyên đơn có quyền bổ sung ý kiến. Trường hợp cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án thì đại diện cơ quan, tổ chức trình bày về yêu cầu và chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp;
  • Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn trình bày ý kiến của bị đơn đối với yêu cầu của nguyên đơn; yêu cầu phản tố, đề nghị của bị đơn và chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu, đề nghị đó là có căn cứ và hợp pháp. Bị đơn có quyền bổ sung ý kiến;
  •  Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày ý kiến của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đối với yêu cầu, đề nghị của nguyên đơn, bị đơn; yêu cầu độc lập, đề nghị của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu, đề nghị đó là có căn cứ và hợp pháp. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền bổ sung ý kiến.

Trường hợp nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình thì họ tự trình bày về yêu cầu, đề nghị của mình và chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu, đề nghị đó là có căn cứ và hợp pháp.

Tại phiên tòa, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự chỉ có quyền bổ sung chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu, đề nghị của mình.

 Thứ ba: Hỏi tại phiên tòa

Theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa, thứ tự hỏi của từng người được thực hiện như sau:

  • Nguyên đơn, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn hỏi trước, tiếp đến bị đơn, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn, sau đó là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
  • Những người tham gia tố tụng khác;
  • Chủ tọa phiên tòa, Hội thẩm nhân dân;
  • Kiểm sát viên tham gia phiên tòa.
Tư tư: Tranh luận tại phiên tòa

Trình tự phát biểu khi tranh luận được thực hiện như sau:

  • Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn trình bày. Nguyên đơn có quyền bổ sung ý kiến. Trường hợp cơ quan, tổ chức khởi kiện thì đại diện cơ quan, tổ chức trình bày ý kiến. Người có quyền và lợi ích hợp pháp được bảo vệ có quyền bổ sung ý kiến;
  • Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn tranh luận, đối đáp. Bị đơn có quyền bổ sung ý kiến;
  • Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền bổ sung ý kiến;
  • Các đương sự đối đáp theo sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa;
  • Khi xét thấy cần thiết, Hội đồng xét xử có thể yêu cầu các đương sự tranh luận bổ sung về những vấn đề cụ thể để làm căn cứ giải quyết vụ án.

Lưu ý: 

  • Trường hợp nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì họ tự mình trình bày khi tranh luận.
  • Trường hợp vắng mặt một trong các đương sự và người tham gia tố tụng khác thì chủ tọa phiên tòa phải công bố lời khai của họ để trên cơ sở đó các đương sự có mặt tại phiên tòa tranh luận và đối đáp.

Phát biểu của Kiểm sát viên: Kiểm sát viên thực hiện việc phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và của người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án và phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án.

Trở lại việc hỏi và tranh luận: Qua tranh luận, nếu xét thấy có tình tiết của vụ án chưa được xem xét, việc xem xét chưa được đầy đủ hoặc cần xem xét thêm chứng cứ thì Hội đồng xét xử quyết định trở lại việc hỏi và tranh luận.

Tạm ngừng phiên tòa: Hội đồng xét xử có quyền quyết định tạm ngừng phiên tòa khi có một trong các căn cứ sau đây:

  • Do tình trạng sức khỏe hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan khác mà người tiến hành tố tụng không thể tiếp tục tiến hành phiên tòa, trừ trường hợp thay thế được người tiến hành tố tụng;
  • Do tình trạng sức khỏe hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan khác mà người tham gia tố tụng không thể tiếp tục tham gia phiên tòa, trừ trường hợp người tham gia tố tụng có yêu cầu xét xử vắng mặt;
  • Cần phải xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ mà nếu không thực hiện thì không thể giải quyết được vụ án và không thể thực hiện được ngay tại phiên tòa;
  • Chờ kết quả giám định bổ sung, giám định lại;
  • Các đương sự thống nhất đề nghị Tòa án tạm ngừng phiên tòa để họ tự hòa giải;
  • Cần phải báo cáo Chánh án Tòa án để đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật.

Nghị án và tuyên án:

Sau khi kết thúc phần tranh luận, Hội đồng xét xử vào phòng nghị án để nghị án. Khi nghị án các thành viên hội đồng xét xử căn cứ tài liệu chứng cứ được xem xét tại phiên tòa kết quả tranh tụng, các quy định pháp luật để giải quyết các vấn đề của vụ án bằng cách biểu quyết theo đa số về từng vấn đề.  Lập biên bản ghi lại các ý kiến đã thảo luận và quyết định của hội đồng xét xử và được các thành viên hội đồng xét xử ký tên tại phòng nghị án trước khi tuyên án.

Hội đồng xét xử tuyên đọc bản án với sự có mặt của các đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức và cá nhân khởi kiện. Trường hợp đương sự có mặt tại phiên tòa nhưng vắng mặt khi tuyên án hoặc vắng mặt trong trường hợp Hội đồng xét xử đã thực hiện việc thông báo mà người tham gia tố tụng vắng mặt và ngày, giờ và địa điểm tuyên án thì Hội đồng xét xử vẫn tuyên đọc bản án.

6. Hoãn phiên toà xét xử sơ thẩm trong trường hợp nào?

Căn cứ khoản 1 Điều 233 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa xét xử sơ thẩm trong các trường hợp sau:

  • Trường hợp phải thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án thì Hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên tòa.
  • Trường hợp phải thay đổi Kiểm sát viên thì Hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên tòa.
  • Trường hợp phải thay đổi người giám định, người phiên dịch thì Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Hội đồng giải quyết việc dân sự ra quyết định hoãn phiên tòa, phiên họp.
  • Trường hợp đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt

Khi Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, nếu có đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

Khi Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, nếu đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Tòa án có thể hoãn phiên tòa.

  • Trường hợp người làm chứng vắng mặt thì Hội đồng xét xử quyết định vẫn tiến hành xét xử hoặc hoãn phiên tòa. Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa nếu việc vắng mặt của người làm chứng tại phiên tòa gây khó khăn, ảnh hưởng đến việc giải quyết khách quan, toàn diện vụ án.
  • Trường hợp người giám định vắng mặt thì Hội đồng xét xử quyết định vẫn tiến hành xét xử hoặc hoãn phiên tòa.
  • Trường hợp người phiên dịch vắng mặt mà không có người khác thay thế thì Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa.
  • Khi có người tham gia tố tụng vắng mặt tại phiên tòa mà không thuộc trường hợp Tòa án phải hoãn phiên tòa thì chủ tọa phiên tòa phải hỏi xem có ai đề nghị hoãn phiên tòa hay không. Nếu có người đề nghị thì Hội đồng xét xử xem xét, quyết định theo thủ tục do Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định và có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận; trường hợp không chấp nhận thì phải nêu rõ lý do.

Lưu ý: Thời hạn hoãn phiên tòa là không quá 01 tháng, đối với phiên tòa xét xử vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn là không quá 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa.

7. Sự khác nhau giữa xét xử sở thẩm và phúc thẩm vụ án dân sự

Sự khác nhau cơ bản giữa xét xử sơ thẩm và phúc thẩ theo quy định của Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015 đó là

  • Về bản chất: Xét xử sơ thẩm: là việc xét xử lần đầu tiên của Toà án khi giải quyết vụ án dân sự. Xét xử phúc thẩm: là việc Tòa án cấp phúc thẩm trực tiếp xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị.
  • Cơ sở phát sinh: Xét xử sơ thẩm: đơn khởi kiện được tòa án thụ lý. Xét xử phúc thẩm: đơn kháng cáo của người tham gia tố tụng hoặc kháng nghị của Viện kiểm sát.
  • Tòa án có thẩm quyền giải quyết: Xét xử sơ thẩm: là tòa án thụ lý vụ án có đầy đủ thẩm quyền giải quyết. Xét xử phúc thẩm: tòa án cấp trên trực tiếp có thẩm quyền giải quyết.
  • Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án dân sự: Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm một Thẩm phán và hai Hội thẩm nhân dân, trừ trường hợp quy định tại Điều 65 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Trong trường hợp đặc biệt thì Hội đồng xét xử sơ thẩm có thể gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm nhân dân. Hội đồng xét xử phúc thẩm gồm ba Thẩm phán, trừ trường hợp quy định tại Điều 65 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015
  • Hậu quả của đình chỉ xét xử: Xét xử sơ thẩm: chấm dứt toàn bộ vụ án. Xét xử sơ thẩm phúc thẩm: trường hợp cá nhân tổ chức không có người thừa kế thì chấm dứt toàn bộ vụ án, trường hợp rút đơn kháng cáo kháng nghị thì bản án quyết định sơ thẩm sẽ có hiệu lực.
  • Hỏi và tranh luận: Xét xử sơ thẩm: hỏi và tranh luận những vấn đề liên quan đến vụ án. Xét xử phúc thẩm: hỏi và tranh luận những vấn đề thuộc phạm vi kháng cáo, kháng nghị.
  • Hiệu lực của bản án: Sơ thẩm: chưa có hiệu lực ngay. Phúc thẩm: có hiệu lực pháp luật ngay

8. Dịch vụ tham gia xét xử sơ thẩm của Công ty luật Thái An

Trên đây là những vấn đề liên quan đến xét xử sơ thẩm vụ án dân sự. Nếu quý khách hàng còn những thắc mắc về xét xử sơ thẩm vụ án dân sự là gì; phân vân về những vấn đề pháp luật liên quan đến phiên tòa xét xử sơ thẩm và muốn nhận được sự tư vấn liên quan đến vấn đề này thì hãy liên hệ với Công ty Luật Thái An ngay để có thể nhận được sự tư vấn nhanh chóng, hiệu quả, uy tín, chất lượng với mức chi phí phải chăng.

Tự hào là đơn vị hàng đầu trong việc tham gia xét xử sơ thẩm, phúc thẩm vụ án dân sự cũng như hỗ trợ mọi vấn đề liên quan đến pháp lý, tư vấn pháp luật, thủ tục giấy tờ, các dịch vụ của Công ty Luật Thái An chắc chắn sẽ làm hài lòng mọi khách hàng. Hãy liên hệ ngay với chúng tôi để biết thêm thông tin chi tiết.

 

HÃY LIÊN HỆ VỚI LUẬT THÁI AN ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN VÀ HỖ TRỢ VỀ XÉT XỬ SƠ THÂM VỤ ÁN DÂN SỰ !

Nguyễn Văn Thanh