Xác định thẩm quyền của Toà án dân sự sơ thẩm
Việc xác định đúng thẩm quyền của Tòa án dân sự sơ thẩm là cực kỳ quan trọng. Việc này đòi hỏi phải nắm vững các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 về thẩm quyền của Tòa án các cấp và thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ.
Trong nhiều trường hợp, khách hàng thuê luật sư để khởi kiện: đây là việc nên làm do luật sư am hiểu pháp luật, trình tự thủ tục tố tụng sẽ giúp việc khởi kiện thuận lợi, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bạn.
1. Về thẩm quyền của Tòa án dân sự sơ thẩm theo cấp toà án:
Xét xử sơ thẩm là cấp xét xử đầu tiên. Nếu có kháng cáo và kháng nghị theo quy định thì tranh chấp sẽ được xét xử ở cấp cao hơn – xét xử phúc thẩm. Để tìm hiểu, bạn có thể đọc bài viết sau:
Xét xử sơ thẩm vụ án dân sự: Tổng hợp các quy định quan trọng!
a. Thẩm quyền của toà án cấp huyện:
Tòa án cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thấm đối với hầu hết các tranh chấp dân sự, trừ những trường hợp thuộc thẩm quyền của toà án cấp tỉnh.
b. Thẩm quyền của toà án cấp tỉnh:
Toà án cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết các vụ án sau:
- Tranh chấp có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thấm quyền của nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp huyện, trừ các tranh chấp về hôn nhân gia đình giữa công dân Việt Nam cư trá ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam
- Những tranh chấp dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp huyện mà Tòa án cấp tỉnh tự mình lấy lên giải quyết khi xét thấy cần thiết hoặc theo đề nghị của Tòa án cấp huyện.
- Tranh chấp về bồi thường thiệt hại do áp dụng biện pháp ngăn chặn hành chính không đúng theo pháp luật cạnh tranh
- Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.
- Tranh chấp giữa người chưa phải là thành viên công ty nhưng có giao dịch về chuyển nhượng phần vốn góp với công ty, thành viên công ty.
- Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty; tranh chấp giữa công ty với người quản lý trong công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc trong công ty cổ phần, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.
2. Thẩm quyền của Toà án dân sự sơ thẩm theo lãnh thổ
a. Thẩm quyền của Toà án giải quyết các tranh chấp có đối tượng là bất động sản
Đối với tranh chấp có đối tượng tranh chấp là bất động sản, Tòa án có thẩm quyền giải quyết là Tòa án nơi có bất động sản (khoản 1 Điều 39 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015).
Nếu tranh chấp bất động sản mà bất động sản có ở nhiều địa phương khác nhau thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi có một trong các bất động sản giải quyết (điểm i khoản 1 Điều 40 Bộ luật tố tụng dân sự 2015).
Các tranh chấp liên quan đến bất động sản không phải là tranh chấp có đối tượng tranh chấp là bất động sản như trong vụ án về hôn nhân gia đình, thừa kế tài sản… mà yêu cầu của các bên có liên quan đến việc giải quyết bất động sản thì thẩm quyền giải quyết của Tòa án được áp dụng theo nguyên tắc nơi cư trú của bị đơn; hoặc tranh chấp hợp đồng có đối tượng là bất động sản thì thấm quyền được xác định theo lựa chọn của nguyên đơn, theo thỏa thuận của các bên (nếu có); theo nơi cư trú của bị đơn.
b. Thẩm quyền của Toà án giải quyết các tranh chấp có đối tượng là bất động sản
Đối với các tranh chấp có đối tượng tranh chấp không phải là bất động sản, thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án được xác định như sau căn cứ Điều 40 Bộ luật tố tụng dân sự:
- Toà án nơi bị đơn cư trú, làm việc (nếu bị đơn là cá nhân) hoặc nơi bị đơn có trụ sở (nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức)
- Các đương sự có thể thoả thuận bằng văn bản yêu cầu toà án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn (nếu nguyên đơn là cá nhân) hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn (nếu nguyên đơn là tổ chức, cơ quan)
Đối với trường hợp khởi kiện vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài, trường hợp không xác định được địa chỉ của người bị kiện; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ở nước ngoài thì người khởi kiện có thể:
- yêu cầu Tòa án Việt Nam đề nghị cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài xác định địa chỉ của họ hoặc
- yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú hoặc yêu cầu Tòa án Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài tuyên bố họ mất tích hoặc đã chết theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc pháp luật nước ngoài hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên (Điều 473 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015).
Ngoài ra, nguyên đơn có quyền lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động trong các trường hợp sau đây, căn cứ Điều 40 Bộ luật tố tụng dân sự 2015:
- Nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết;
- Nếu tranh chấp phát sinh từ hoạt động của chi nhánh tổ chức thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi tổ chức có trụ sở hoặc nơi tổ chức có chi nhánh giải quyết;
- Nếu bị đơn không có nơi cư trú, làm việc, trụ sở ở Việt Nam hoặc vụ án về tranh chấp việc cấp dưỡng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết;
- Nếu tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi xảy ra việc gây thiệt hại giải quyết;
- Nếu tranh chấp về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, quyền và lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương, thu nhập và các điều kiện lao động khác đối với người lao động thì nguyên đơn là người lao động có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc giải quyết;
- Nếu tranh chấp phát sinh từ việc sử dụng lao động của người cai thầu hoặc người có vai trò trung gian thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi người sử dụng lao động là chủ chính cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi người cai thầu, người có vai trò trung gian cư trú, làm việc giải quyết;
- Nếu tranh chấp phát sinh từ quan hệ hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi hợp đồng được thực hiện giải quyết;
- Nếu các bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở ở nhiều nơi khác nhau thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi một trong các bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết;
Việc xác định thẩm quyền của toà án dân sự sơ thẩm là hết sức quan trọng trong pháp luật tố tụng dân sự. Xác định sai thẩm quyền sẽ dẫn tới việc đơn khởi kiện bị trả lại hoặc bị chuyển, quá trình kiện tụng kéo dài và tốn kém hơn. Nếu ban đọc cần tư vấn về các vấn đề pháp lý tố tụng, hãy gọi điện tới tổng đài tư vấn pháp luật của Công ty Luật Thái An chúng tôi.
- Vụ án ly hôn đơn phương giành quyền nuôi con - 04/06/2024
- LY HÔN VỚI CHỒNG ĐANG ĐI TÙ: THÀNH CÔNG BẤT CHẤP MỌI KHÓ KHĂN! - 04/06/2024
- Luật sư giúp khách hàng trong tranh chấp với Thẩm mỹ viện - 25/01/2024