Xét xử vụ án dân sự như thế nào?

Xét xử vụ án dân sự là hoạt động của Toà án nhân dân nhân danh quyền lực của Nhà nước nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức nói riêng, bảo vệ Nhà nước xã hội pháp quyền xã hội chủ nghĩa nói chung trong các vụ án dân sự. Vậy xét xử vụ án dân sự được pháp luật quy định như thế nào? Hãy theo dõi bài viết dưới đây của Công ty Luật Thái An để biết thông tin chi tiết.

1. Cơ sở pháp lý quy định về xét xử vụ án dân sự

Cơ sở pháp lý quy định về xét xử vụ án dân sự là các văn bản pháp luật sau:

2. Các nguyên tắc xét xử vụ án dân sự

Vụ án dân sự là các tranh chấp diễn ra trên nhiều lĩnh vực như dân sự, hôn nhân gia đình, dinh doanh thương mại, lao động.

Việc xét xử vụ án dân sự phải đảm bảo các nguyên tắc xét xử chung của Toà án được quy định tại Hiến pháp năm 2013, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, Luật tổ chức Toà án nhân dân năm 2014. Theo đó, một số nguyên tắc xét xử vụ án dân sự tiêu biểu của Toà án đó là:

  • Việc xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân có Hội thẩm tham gia, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn.
  • Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm
  • Tòa án nhân dân xét xử kịp thời, công bằng, công khai. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, Tòa án nhân dân có thể xét xử kín
  • Tòa án nhân dân xét xử tập thể và quyết định theo đa số, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn
  • Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử vụ án dân sự được bảo đảm
  • Bảo đảm chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm
  • Bảo đảm sự vô tư khách quan trong xét xử vụ án dân
  • Quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo đảm
  • Tòa án xét xử theo nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt dân tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần xã hội, địa vị xã hội; cá nhân, cơ quan, tổ chức đều bình đẳng trước Tòa án.

3. Các cấp xét xử vụ án dân sự

Thông thường quá trình xét xử vụ án dân sự được diễn ra ở 2 cấp đó là cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm. Cụ thể như sau:

3.1 Xét xử vụ án dân sự sơ thẩm

Xét xử sơ thẩm vụ án dân sự hay xét xử vụ án dân sự sơ thẩm là lần xét xử đầu tiên của Toà án với sự tham gia của những người tham gia tố tụng theo nguyên tắc, thủ tục nhất định để giải quyết vụ án dân sự bằng việc ra Bản án/Quyết định sơ thẩm.

Phiên toà xét xử sơ thẩm phải được diễn ra đúng thời gian, địa điểm đã được ghi trong Quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc trong giấy báo mở lại phiên tòa trong một số trường hợp hoãn phiên tòa.

Phiên tòa xét xử sơ thẩm được diễn ra theo sự điều hành của Thẩm phán-Chủ toạ phiên toà. Trình tự thủ tục xét xử vụ án dân sự sơ thẩm bao gồm các phần sau:

  • Chuẩn bị khai mạc phiên tòa;
  • Khai mạc phiên tòa;
  • Hỏi đương sự về việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu:
  • Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự nếu các đương sự thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án;
  • Phần tranh tụng tại phiên toà. Phần này bao gồm:
    • Đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trình bày tại phiên tòa
    • Phần hỏi Hỏi tại phiên tòa
    • Phần tranh luận tại phiên toà
    • Phát biểu của kiểm sát viên
    • Trở lại việc tranh luận nếu thấy cần thiết
    • Tạm ngừng phiên toà nếu thuộc trường hợp tạm ngừng phiên toà.
  • Nghị án;
  • Tuyên án.

Lưu ý: Bản án sơ thẩm, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm hoặc những phần bản án sơ thẩm, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm thì có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị. (Căn cứ Khoản 2 Điều 282 Bộ luật tố tụng dân sự 2015).

>>> Xem thêm: Trình tự xét xử sơ thẩm vụ án dân sự

Xét xử vụ án dân sự
Pháp luật quy định cụ thể cách thức tiến hành xét xử vụ án dân sự. – ảnh minh hoạ: internet

3.2 Xét xử vụ án dân sự phúc thẩm

Theo quy định tại Điều 270 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp phúc thẩm trực tiếp xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị.

Tòa án cấp phúc thẩm chỉ xem xét lại phần của bản án sơ thẩm, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị hoặc có liên quan đến việc xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị.(Điều 293 Bộ luật tố tụng dân sự 2015).

Về cơ bản trình tự, thủ tục xét xử phúc cũng không khác nhiều so với trình tự, thủ tục xét xử sơ thẩm. Phiên tòa phúc thẩm gồm các phần chính sau đây:

  • Chuẩn bị khai mạc phiên tòa phúc thẩm và thủ tục bắt đầu phiên tòa phúc thẩm: Tòa án sẽ kiểm tra sự có mặt và giấy tờ nhân thân của đương sự, người đại diện và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
  • Hỏi về việc kháng cáo:
    • Các đương sự được Chủ tọa phiên tòa hỏi về việc rút đơn khởi kiện; thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo; và việc thỏa thuận được giải quyết vụ án giữa các bên.
    • Trường hợp người kháng cáo rút một phần kháng cáo thì Tòa án chấp nhận việc rút kháng cáo. Nếu người kháng cáo bổ sung nội dung mới thì nội dung này không được vượt quá phạm vi kháng cáo ban đầu.
    • Trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện, Tòa án sẽ chấp nhận nếu bị đơn đồng ý với việc rút đơn khởi kiện này. Khi đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm ban hành Quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án. Như vậy, nếu bị đơn không đồng ý với việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn thì vụ án vẫn được tiếp tục xét xử.
    • Trường hợp các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa phúc thẩm thì Hội đồng xét xử công nhận thỏa thuận đó và dựa trên đó ban hành bản án phúc thẩm, sửa bản án sơ thẩm.
  • Tranh tụng tại phiên tòa: Các bên đương sự sẽ lần lượt trình bày ý kiến và lập luận để bảo vệ yêu cầu của mình. Sau đó, các bên tiến hành hỏi, trả lời và tranh luận, đối đáp lẫn nhau theo sự điều hành của Chủ tọa phiên tòa.
  • Nghị án và tuyên án

Sau khi các bên kết thúc phần tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử sẽ nghị án, ban hành Bản án phúc thẩm và tuyên đọc bản án với sự có mặt của các đương sự.

Kết quả của xét xử vụ án dân sự phúc thẩm là: Hội đồng xét xử phúc thẩm ban hành Bản án phúc thẩm thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Giữ nguyên bản án sơ thẩm;
  • Sửa bản án sơ thẩm;
  • Hủy bản án sơ thẩm, hủy một phần bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm;
  • Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án;
  • Đình chỉ xét xử phúc thẩm;
  • Tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án khi có văn bản của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên cho đến khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản trả lời Tòa án kết quả xử lý.

Lưu ý: Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án .

>>> Xem thêmThủ tục xét xử phúc thẩm vụ án dân sự 

4. Xét xử vụ án dân sự trong một số trường hợp đặc biệt

 4.1 Xét xử vụ án dân sự: Xét xử Giám đốc thẩm

Căn cứ xét xử giám đốc thẩm

Theo quy định tại Điều 325 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị giám đốc thẩm khi có căn cứ sau đây:

  • Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự;
  • Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm cho đương sự không thực hiện được quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình, dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ không được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật;
  • Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến việc ra bản án, quyết định không đúng, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.

Phạm vi xét xử giám đốc thẩm

  • Chỉ xem xét lại phần quyết định của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị hoặc có liên quan đến việc xem xét nội dung kháng nghị.
  • Xem xét phần quyết định của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật không bị kháng nghị hoặc không liên quan đến việc xem xét nội dung kháng nghị, nếu phần quyết định đó xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, lợi ích của người thứ ba không phải là đương sự trong vụ án. (Căn cứ Điều 342 Bộ luật tố tụng dân sự 2015).

Thủ tục xét xử tại phiên tòa giám đốc thẩm

  • Khai mạc phiên toà
  • Một thành viên Hội đồng xét xử giám đốc thẩm trình bày tóm tắt nội dung vụ án, quá trình xét xử vụ án, quyết định của bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị, các căn cứ, nhận định của kháng nghị và đề nghị của người kháng nghị. Trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị thì đại diện Viện kiểm sát trình bày nội dung kháng nghị.
  • Đương sự, người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác được Tòa án triệu tập đến phiên tòa giám đốc thẩm trình bày ý kiến về những vấn đề mà Hội đồng giám đốc thẩm yêu cầu
  • Đại diện Viện kiểm sát phát biểu ý kiến về quyết định kháng nghị và việc giải quyết vụ án.
  • Các thành viên Hội đồng xét xử giám đốc thẩm phát biểu ý kiến và thảo luận. Hội đồng xét xử giám đốc thẩm nghị án và biểu quyết về việc giải quyết vụ án và công bố nội dung quyết định về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa.

Kết quả của giám đốc thẩm: 

Hội đồng xét xử giám đốc thẩm sẽ ra một trong các quyết định sau đây:

  • Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;
  • Hủy bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp dưới đã bị hủy hoặc bị sửa;
  • Hủy một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm hoặc xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm;
  • Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ giải quyết vụ án;
  • Sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

XEM THÊM:

Thủ tục xét xử giám đốc thẩm vụ án dân sự như thế nào?

4.2 Xét xử vụ án dân sự: Xét xử Tái thẩm

Tính chất của tái thẩm

Theo quy định tại Điều 351 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì tính chất của tái thẩm là xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án, các đương sự không biết được khi Tòa án ra bản án, quyết định đó.

Căn cứ kháng nghị theo thủ tục tái thẩm 

Tại Điều 352 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm khi có một trong những căn cứ sau đây:

  • Mới phát hiện được tình tiết quan trọng của vụ án mà đương sự đã không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án;
  • Có cơ sở chứng minh kết luận của người giám định, lời dịch của người phiên dịch không đúng sự thật hoặc có giả mạo chứng cứ;
  • Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án hoặc cố ý kết luận trái pháp luật;
  • Bản án, quyết định hình sự, hành chính, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của Tòa án hoặc quyết định của cơ quan nhà nước mà Tòa án căn cứ vào đó để giải quyết vụ án đã bị hủy bỏ.

Kết quả của phiên tòa xét xử tái thẩm

Hội đồng xét xử tái thẩm sẽ ra một trong các quyết định sau:

  • Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.
  • Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại theo thủ tục do Bộ luật này quy định.
  • Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ giải quyết vụ án.

Trình tự thủ tục xét xử tái thẩm tương tự như giám đốc thẩm.

XEM THÊM:

Thủ tục xét xử tái thẩm vụ án dân sự – Những điều cần biết

5. Dịch vụ Luật sư tranh tụng và bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của đương sự trong xét xử vụ án dân sự

Xét xử vụ án dân sự là một quá trình phức tạp, có thể khiến các đương sự mất rất nhiều thời gian, công sức nhưng thậm chí quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự vẫn không được bảo vệ một cách tốt nhất.

Nếu bạn đang trong quá trình xét xử vụ án dân sự, bạn nên tìm đến dịch vụ luật sư chuyên nghiệp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình và Công ty Luật Thái An chúng tôi là một sự lựa chọn hoàn hảo dành cho bạn.

Công ty Luật Thái An cung cấp dịch vụ luật sư bào chữa/luật sư tranh tụng uy tín, chuyên nghiệp. Công ty Luật Thái An có đội ngũ luật sư giàu kinh nghiệm, có kiến thức và sự am hiểu sâu sắc ở nhiều lĩnh vực pháp luật, cùng với kinh nghiệm tham gia hàng trăm phiên xét xử vụ án dân sự với nhiều tình tiết từ đơn giản đến phức tạp, trên phạm vi cả nước và đã đạt được rất nhiều thành công.

Đặc biệt, bảng giá dịch vụ và quy trình cung cấp dịch vụ luật sư tranh tụng tại Công ty luật Thái An luôn hợp lý nhất thị trường.

>>> Xem thêm: 

Dịch vụ luật sư tranh tụng dân sự uy tín!

Hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tốt nhất.

Nguyễn Văn Thanh