Kháng nghị bản án sơ thẩm trong tố tụng dân sự là một trong những quyền năng pháp lý của Viện kiểm sát và cũng là nhiệm vụ trọng tâm của công tác kiểm sát hoạt động tư pháp. Việc kháng nghị bản án sơ thẩm đã góp phần giúp Toà án giải quyết các vụ án dân sự theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và Nhà nước.
Hãy cùng Công ty Luật Thái An chúng tôi tim hiểu các quy định về kháng nghị bản sản sơ thẩm trong tố tụng dân sự trong bài viết dưới đây.
1. Quyền kháng nghị bản án sơ thẩm trong tố tụng dân sự
Có thể hiểu kháng nghị là hành vi tố tụng của người có thẩm quyền, thể hiện việc phản đối toàn bộ hoặc một phần bản án, và được đưa ra bởi cơ quan tiến hành tố tụng (viện kiểm sát, toà án). Do đó, kháng nghị khác với kháng cáo là việc phản đối bản án được đưa ra bởi đương sự trong vụ án (nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan).
Theo quy định tại Điều 278, Điều 279 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp và cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị bản án sơ thẩm của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm.
Quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát phải bằng văn bản và có các nội dung chính sau đây:
Ngày, tháng, năm ra quyết định kháng nghị và số của quyết định kháng nghị;
Tên của Viện kiểm sát ra quyết định kháng nghị;
Kháng nghị toàn bộ hoặc phần của bản án của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật;
Lý do của việc kháng nghị và yêu cầu của Viện kiểm sát;
Họ, tên của người ký quyết định kháng nghị và đóng dấu của Viện kiểm sát ra quyết định kháng nghị.
2. Quyết định kháng nghị bản án sơ thẩm được gửi cho ai?
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 279, Điều 281 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì , quyết định kháng nghị bản án sơ thẩm sẽ được gửi cho những đối tượng sau:
Tòa án cấp sơ thẩm đã ra bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng nghị: Mục đích để Tòa án cấp sơ thẩm tiến hành các thủ tục do Bộ luật này quy định và gửi hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp phúc thẩm. Kèm theo quyết định kháng nghị là tài liệu, chứng cứ bổ sung (nếu có) để chứng minh cho kháng nghị của Viện kiểm sát là có căn cứ và hợp pháp.
Đương sự có liên quan đến kháng nghị: Người được thông báo về việc kháng nghị bản án sơ thẩm có quyền gửi văn bản nêu ý kiến của mình về nội dung kháng nghị cho Tòa án cấp phúc thẩm. Văn bản nêu ý kiến của họ được đưa vào hồ sơ vụ án.
3. Thời hạn kháng nghị bản án sơ thẩm là bao lâu?
Tại Điều 280 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 có quy định về thời hạn kháng nghị bản án sơ thẩm cụ thể như sau:
Thời hạn kháng nghị đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm của Viện kiểm sát cùng cấp: là 15 ngày
Thời hạn kháng nghị đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp: là 01 tháng.
Thời hạn này được tính kể từ ngày tuyên án. Trường hợp Kiểm sát viên không tham gia phiên tòa thì thời hạn kháng nghị tính từ ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được bản án.
4. Kháng nghị bản án sơ thẩm quá hạn thì có được không?
Đối với kháng nghị quá hạn, Bộ luật tố tụng dân sự 2015 chỉ quy định Viện kiểm sát đã ban hành kháng nghị giải thích lý do kháng nghị quá hạn và nêu rõ lý do bằng văn bản theo yêu cầu của Tòa án.
Tại Điều 16 Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/8/2016 quy định về gửi văn bản giải thích lý do kháng nghị quá hạn như sau:
Trường hợp tính đến ngày, tháng, năm ghi trên quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát mà đã quá thời hạn kháng nghị theo quy định tại các điều 280, 322, 372, 442, 446, 450 và 461 Bộ luật tố tụng dân sự thì Tòa án cấp sơ thẩm nhận được kháng nghị có văn bản yêu cầu Viện kiểm sát đã kháng nghị giải thích lý do kháng nghị quá hạn. Văn bản giải thích lý do kháng nghị quá hạn của Viện kiểm sát được gửi cho Tòa án trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu
Như vậy, pháp luật hiện hành không quy định rõ việc kháng nghị quá hạn của Viện kiểm sát sẽ được Toà án họp xem xét kháng nghị quá hạn như xem xét kháng cáo quá hạn không, lý do nào dẫn đến kháng nghị quá hạn sẽ được chấp nhận, hay là việc Viện kiểm sát gửi văn bản giải thích lý do kháng nghị quá hạn, cũng đồng nghĩa với việc kháng nghị quá hạn được chấp nhận.
5. Hậu quả của việc kháng nghị bản án sơ thẩm là gì?
Bản án sơ thẩm của Tòa án cấp sơ thẩm hoặc những phần bản án sơ thẩm của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng nghị thì chưa được đưa ra thi hành, trừ trường hợp pháp luật quy định cho thi hành ngay.
Bản án sơ thẩm của Tòa án cấp sơ thẩm hoặc những phần bản án sơ thẩm của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm thì có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng nghị.
6. Có thể thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị bản án sơ thẩm không?
6.1 Trường hợp thay đổi, bổ sung kháng nghị bản án sơ thẩm
Khi chưa hết thời hạn kháng nghị thì Viện kiểm sát đã kháng nghị bản án sơ thẩm có quyền thay đổi, bổ sung kháng nghị mà không bị giới hạn bởi phạm vi kháng nghị ban đầu.
Trước khi bắt đầu phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, Viện kiểm sát đã kháng nghị có quyền thay đổi, bổ sung kháng nghị bản án sơ thẩm, nhưng không được vượt quá phạm vi kháng nghị ban đầu, nếu thời hạn kháng nghị đã hết.
6.2 Trường hợp rút kháng nghị bản án sơ thẩm
Trước khi bắt đầu phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, Viện kiểm sát đã kháng nghị hoặc Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có quyền rút kháng nghị.
Hậu quả của việc rút kháng nghị là Tòa án cấp phúc thẩm đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với những phần của vụ án mà Viện kiểm sát đã rút kháng nghị. Việc đình chỉ xét xử phúc thẩm trước khi mở phiên tòa do Thẩm phán chủ tọa phiên tòa quyết định, tại phiên tòa do Hội đồng xét xử quyết định.
Lưu ý:
Việc thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị trước khi mở phiên tòa phải được lập thành văn bản và gửi cho Tòa án cấp phúc thẩm. Tòa án cấp phúc thẩm phải thông báo cho các đương sự về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị
Việc thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị tại phiên tòa phải được ghi vào biên bản phiên tòa.
7. Có kháng nghị bản án sơ thẩm mà kiểm sát viên vắng mặt tại phiên toà phúc thẩm thì có hoãn phiên toà không?
Theo Điều 296 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì Kiểm sát viên được phân công tham gia phiên tòa phúc thẩm vắng mặt thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử, không hoãn phiên tòa, trừ trường hợp Viện kiểm sát có kháng nghị phúc thẩm.
Như vậy, nếu Viện kiểm sát có kháng nghị bản án sơ thẩm mà kiểm sát viên vắng mặt tại phiên toà phúc thẩm thì toà án sẽ hoãn phiên toà. Thời hạn hoãn phiên tòa là không quá 01 tháng kể từ ngày Toà án ra quyết định hoãn phiên toà.
8. Thủ tục phúc thẩm đối với bản án sơ thẩm có kháng nghị
Thủ tục giải quyết vụ án tại tòa án phúc thẩm được thực hiện qua các bước sau:
Bước 1: Thụ lý vụ án
Việc thụ lý vụ án thực hiện theo Điều 285 Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Ngay sau khi nhận được hồ sơ vụ án, kháng cáo, kháng nghị và tài liệu, chứng cứ kèm theo, Tòa án cấp phúc thẩm phải vào sổ thụ lý.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, Tòa án phải thông báo bằng văn bản cho các đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện và Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý vụ án và thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
Bước 2: Chuẩn bị xét xử phúc thẩm
Việc chuẩn bị xét xử phúc thẩm được thực hiện theo Điều 285 – Điều 292 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
Trong thời hạn 02 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án, tùy từng trường hợp, Tòa án cấp phúc thẩm ra một trong các quyết định sau đây:
Tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án;
Đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án;
Đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.
Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì thời hạn chuẩn bị xét xử có thể kéo dài nhưng không được quá 01 tháng.
Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa phúc thẩm; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng.
Bước 3: Mở phiên tòa xét xử phúc thẩm
Phạm vi xét xử phúc thẩm quy định Điều 293 Bộ luật tố tụng dân sự 2015: Tòa án cấp phúc thẩm chỉ xem xét lại phần của bản án sơ thẩm, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị hoặc có liên quan đến việc xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị.
Những người tham gia phiên tòa phúc thẩm theo Điều 294 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 gồm:
Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Tòa án
Người kháng cáo, đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc giải quyết kháng cáo, kháng nghị
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự
Tòa án có thể triệu tập những người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa nếu xét thấy cần thiết cho việc giải quyết kháng cáo, kháng nghị
Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp tham gia phiên tòa phúc thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm, nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì Hội đồng xét xử công nhận thỏa thuân đó và dựa trên đó đưa ra bản án phúc thẩm, sửa bản án sơ thẩm.
Trường hợp các bên không thỏa thuận được với nhau thì phiên tòa được tiến hành theo thủ tục gồm phần tranh tụng giữa nguyên đơn, bị đơn:
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người kháng cáo trình bày, người kháng cáo có quyền bổ sung ý kiến;
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự tranh luận, đối đáp, đương sự có quyền bổ sung ý kiến;
Khi xét thấy cần thiết, Hội đồng xét xử có thể yêu cầu các đương sự tranh luận bổ sung về những vấn đề cụ thể để làm căn cứ giải quyết vụ án.
Tranh luận đối với kháng nghị bản án sơ thẩm:
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phát biểu về tính hợp pháp, tính có căn cứ của kháng nghị. Đương sự có quyền bổ sung ý kiến;
Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về những vấn đề mà người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, đương sự đã nêu.
Hội đồng xét xử phúc thẩm có thẩm quyền ban hành Bản án phúc thẩm thuộc một trong các trường hợp sau:
Giữ nguyên bản án sơ thẩm;
Sửa bản án sơ thẩm;
Hủy bản án sơ thẩm, hủy một phần bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm;
Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án;
Đình chỉ xét xử phúc thẩm;
Tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (Khoản 6 Điều 313 Bộ luật tố tụng dân sự 2015) và được gửi cho các đương sự trong vòng 15 ngày kể từ ngày Tòa án ban hành bản án. Trường hợp Tòa án nhân dân cấp cao xét xử phúc thẩm thì thời hạn này có thể dài hơn, nhưng không quá 25 ngày.
Trên đây là những vấn đề liên quan đến kháng nghị bản án sơ thẩm. Nếu quý khách hàng còn có những thắc mắc hay phân vân về những vấn đề pháp luật liên quan và muốn được tư vấn thì hãy liên hệ với Công ty Luật Thái An để có thể nhận được sự tư vấn nhanh chóng, hiệu quả, uy tín, chất lượng.
Công ty Luật Thái An là đơn vị hàng đầu trong việc tham gia xét xử sơ thẩm, phúc thẩm vụ án dân sự, cung cấp dịch vụ Luật sư tranh tụng, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho đương sự, tư vấn, hỗ trợ mọi vấn đề liên quan đến pháp luật tố tụng dân sự, các dịch vụ của Công ty Luật Thái An chắc chắn sẽ làm hài lòng mọi khách hàng.
Hãy liên hệ ngay với chúng tôi để biết thêm thông tin chi tiết.
Luật sư Đàm Thị Lộc: • Thành viên Đoàn Luật sư TP. Hà Nội và Liên đoàn Luật sư Việt Nam • Cử nhân luật Đại học Luật Hà Nội • Lĩnh vực hành nghề chính: * Tư vấn pháp luật: Doanh nghiệp, Đầu tư, Xây dựng, Thương mại, Lao động, Dân sự, Hình sự, Đất đai, Hôn nhân và gia đình * Tố tụng và giải quyết tranh chấp: Kinh doanh thương mại, Đầu tư, Xây dựng, Lao động, Bảo hiểm, Dân sự, Hình sự, Hành chính, Đất đai, Hôn nhân và gia đình
ĐOÀN LUẬT SƯ TP HÀ NỘI - CÔNG TY LUẬT THÁI AN BỀ DẦY TRÊN 15 NĂM KINH NHIỆM TƯ VẤN LUẬT UY TÍN VÀ CHẤT LƯỢNG TẠI VIỆT NAM
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Bề dày 16+ năm kinh nghiệm Tư vấn pháp luật và Giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại, đầu tư, dân sự, hình sự, đất đai, lao động, hôn nhân và gia đình... Công ty Luật Thái An cam kết cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp, bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của Khách hàng.
Để được Giải đáp pháp luật nhanh - Hãy gọi Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 633 725
Để được Tư vấn luật bằng văn bản – Hãy điền Form gửi yêu cầu (phí tư vấn từ 3.000.000 đ)
Để đượcCung cấp Dịch vụ pháp lý trọn gói – Hãy điền Form gửi yêu cầu (Phí dịch vụ tuỳ thuộc tính chất vụ việc)