A-Z về kháng cáo bản án sơ thẩm

Kháng cáo bản án sơ thẩm về dân sự, hình sự, hành chính,… … là quyền của đương sự, người bị hại, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác. Tuy nhiên không phải trường hợp nào đương sự hoặc thân nhân của đương sự; bị cáo, người bị hại cũng có thể kháng cáo. Vậy đương sự kháng cáo bản án sơ thẩm như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu các quy định về kháng cáo bản án sơ thẩm trong bài viết dưới đây của Công ty Luật Thái An.

1. Cơ sở pháp lý điều chỉnh quy định về kháng cáo bản án sơ thẩm

Cơ sở pháp lý điều chỉnh các quy định về kháng cáo bản án sơ thẩm là các văn bản pháp lý sau đây:

2. Kháng cáo là gì?

Kháng cáo bản án sơ thẩm nói chung có thể hiểu là hành vi tố tụng, được tiến hành sau khi có quyết định/bản án của Tòa án; và nếu đương sự không đồng ý với bản án/quyết định này thì sẽ làm đơn kháng cáo yêu cầu Tòa cấp trên xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm.

Tùy từng lĩnh vực cụ thể mà quy định pháp luật về việc kháng cáo bản án sơ thẩm có thể khác nhau, chẳng hạn như: kháng cáo bản án dân sự sơ thẩm, kháng cáo bản án hình sự sơ thẩm, kháng cáo bản án hành chính sơ thẩm….

3. Điều kiện kháng cáo bản án sơ thẩm

3.1. Điều kiện chung để kháng cáo bản án sơ thẩm

Kháng cáo là quyền của các đương sự trong các vụ án nói chung; tuy nhiên việc kháng cáo phải được thực hiện theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định. Tuy nhiên, người kháng cáo khi thực hiện các hoạt động tố tụng này còn phải tuân theo các điều kiện do pháp luật quy định. Chẳng hạn như:

  • Về chủ thể có quyền kháng cáo: Người kháng cáo phải có quyền và lợi ích liên quan đến vụ án, phải có năng lực hành vi tố tụng dân sự;…
  • Đơn kháng cáo phải có đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật,
  • Kháng cáo trong thời hạn do pháp luật quy định;
  • Chỉ kháng cáo đối với bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật;
  • Phải nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm trong thời hạn pháp luật quy định…

3.2. Điều kiện kháng cáo bản án dân sự sơ thẩm

a) Người có quyền kháng cáo bản án dân sự sơ thẩm

Kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm dân sự là một quyền tố tụng quan trọng của đương sự và của những chủ thể khác được pháp luật ghi nhận trong việc không đồng ý với phán quyết của Tòa án sơ thẩm, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền xem xét lại vụ án.

Theo Điều 271 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, những chủ thể sau có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm gồm:

  • Đương sự;
  • Người đại diện hợp pháp của đương sự;
  • Cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện.
Các chủ thể có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm dân sự
Các chủ thể có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm dân sự – Nguồn: Luật Thái An

b) Đơn kháng cáo bản án dân sự sơ thẩm

Căn cứ Điều 272 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định:

  • Mẫu đơn kháng cáo bản án dân sự được ban hành kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP.
  • Đơn kháng cáo phải được gửi cho Tòa án cấp sơ thẩm đã ra bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo.

Trường hợp đơn kháng cáo được gửi cho Tòa án cấp phúc thẩm thì Tòa án đó phải chuyển cho Tòa án cấp sơ thẩm để tiến hành các thủ tục cần thiết theo quy định của Bộ luật này.

  • Kèm theo đơn kháng cáo, người kháng cáo phải gửi tài liệu, chứng cứ bổ sung (nếu có) để chứng minh cho kháng cáo của mình là có căn cứ và hợp pháp.

c) Thời hạn kháng cáo bản án dân sự sơ thẩm

Căn cứ Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về thời hạn kháng cáo bản án sơ thẩm dân sự như sau:

  • Thời hạn kháng cáo đối với bản án Tòa cấp sơ thẩm: 15 ngày kể từ ngày tuyên án

Đối với đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức; cá nhân khởi kiện không có mặt tại phiên tòa; hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án; hoặc bản án được niêm yết;

Đối với trường hợp đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức; cá nhân khởi kiện đã tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt khi Tòa tuyên án mà không có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày tuyên án.

  • Đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa cấp sơ thẩm là 07 ngày kể từ ngày đương sự, cơ quan, tổ chức; cá nhân nhận được quyết định hoặc quyết định được niêm yết theo quy định BLTTDS 2015
  • Trường hợp gửi qua dịch vụ bưu chính thì ngày kháng cáo được xác định căn cứ vào ngày tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi đóng dấu phong bì;
  • Trường hợp người kháng cáo bị tạm giam thì ngày kháng cáo là ngày đơn kháng cáo được giám thị trại giam xác nhận.

3.3. Điều kiện kháng cáo bản án hình sự sơ thẩm

a) Người có quyền kháng cáo bản án hình sự sơ thẩm

Theo Điều 331 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, những chủ thể sau có quyền kháng cáo bản án hình sự sơ thẩm như sau:

  • Bị cáo, bị hại, người đại diện của bị cáo, bị hại.
  • Người bào chữa có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà mình bào chữa.
  • Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại.
  • Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ.
  • Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự là người dưới 18 tuổi hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo phần bản có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ.
  • Người được Tòa án tuyên không có tội có quyền kháng cáo về các căn cứ mà bản án sơ thẩm đã xác định là họ không có tội.

b) Đơn kháng cáo bản án hình sự sơ thẩm

Theo Điều 332 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Đơn kháng cáo phải có các nội dung chính sau:

  • Ngày, tháng, năm làm đơn kháng cáo;
  • Họ tên, địa chỉ của người kháng cáo;
  • Lý do và yêu cầu của người kháng cáo;
  • Chữ ký hoặc điểm chỉ của người kháng cáo.
Nội dung đơn kháng cáo bản án sơ thẩm hình sự theo quy định pháp luật
Nội dung đơn kháng cáo bản án sơ thẩm hình sự theo quy định pháp luật – Nguồn: Luật Thái An

Kèm theo đơn kháng cáo hoặc cùng với việc trình bày trực tiếp là chứng cứ, tài liệu, đồ vật bổ sung (nếu có) để chứng minh tính có căn cứ của kháng cáo.

c) Thời hạn kháng cáo bản án hình sự sơ thẩm

Căn cứ Điều 333 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định như sau:

  • Thời hạn kháng cáo đối với bản án hình sự sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Đối với bị cáo, đương sự vắng mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc ngày bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật.
  • Ngày kháng cáo được xác định như sau:
  • Trường hợp đơn kháng cáo gửi qua dịch vụ bưu chính thì ngày kháng cáo là ngày theo dấu bưu chính nơi gửi;
  • Trường hợp đơn kháng cáo gửi qua Giám thị Trại tạm giam, Trưởng Nhà tạm giữ thì ngày kháng cáo là ngày Giám thị Trại tạm giam, Trưởng Nhà tạm giữ nhận được đơn. Giám thị Trại tạm giam, Trưởng Nhà tạm giữ phải ghi rõ ngày nhận đơn và ký xác nhận vào đơn;
  • Trường hợp người kháng cáo nộp đơn kháng cáo tại Tòa án thì ngày kháng cáo là ngày Tòa án nhận đơn. Trường hợp người kháng cáo trình bày trực tiếp với Tòa án thì ngày kháng cáo là ngày Tòa án lập biên bản về việc kháng cáo.

3.4. Kháng cáo bản án hành chính sơ thẩm

a) Người có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm hành chính

Theo Điều 204 Luật Tố tụng hành chính 2015, những chủ thể sau có quyền kháng cáo bản án hành chính của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm:

  • Đương sự.
  • Người đại diện hợp pháp của đương sự.

b) Đơn kháng cáo bản án hành chính sơ thẩm

Khi thực hiện quyền kháng cáo, người kháng cáo phải làm đơn kháng cáo. Đơn kháng cáo phải có các nội dung chính sau đây:

  • Ngày, tháng, năm làm đơn kháng cáo;
  • Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người kháng cáo;
  • Kháng cáo toàn bộ hoặc một phần của bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật;
  • Lý do của việc kháng cáo và yêu cầu của người kháng cáo;
  • Chữ ký hoặc điểm chỉ của người kháng cáo.

-Đơn kháng cáo bản án hành chính sơ thẩm là Mẫu số 24-HC ban hành kèm theo Nghị quyết 02/2017/NQ-HĐTP.

Kèm theo đơn kháng cáo người kháng cáo gửi tài liệu, chứng cứ bổ sung (nếu có) để chứng minh cho kháng cáo của mình là có căn cứ và hợp pháp.

3.3. Thời hạn kháng cáo bản án hành chính sơ thẩm

Căn cứ Điều 206 Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định về thời hạn kháng cáo bản án sơ thẩm hành chính như sau:

  • Thời hạn kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày tuyên án; đối với đương sự không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày bản án được giao cho họ hoặc được niêm yết.
  • Đối với trường hợp đương sự đã tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt khi Tòa án tuyên án mà không có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo kể từ ngày tuyên án.
  • Trường hợp đơn kháng cáo gửi qua dịch vụ bưu chính thì ngày kháng cáo được tính căn cứ vào ngày tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi đóng dấu ở phong bì. Trường hợp người kháng cáo đang bị tạm giữ hoặc bị tạm giam thì ngày kháng cáo là ngày làm đơn kháng cáo theo xác nhận của người có thẩm quyền của nhà tạm giữ, trại tạm giam.

4. Thủ tục kháng cáo bản án sơ thẩm

4.1. Thủ tục kháng cáo bản án sơ thẩm dân sự

a) Nơi tiếp nhận đơn 

Theo quy định tại khoản 7 Điều 272 BLTTDS 2015 thì nơi tiếp nhận đơn kháng cáo bản án dân sự sơ thẩm như sau:

  • Đơn kháng cáo phải được gửi Tòa án cấp sơ thẩm đã ra quyết định/bản án;
  • Trường hợp gửi đến Tòa phúc thẩm thì Tòa đó phải gửi Tòa cấp sơ thẩm để làm thủ tục cần thiết theo quy định BLTTDS 2015.

b) Trình tự thủ tục kháng cáo bản án sơ thẩm dân sự

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ kháng cáo.

Bước 2: Nộp hồ sơ kháng cáo cho cơ quan có thẩm quyền nêu trên.

Bước 3: Tòa án kiểm tra đơn kháng cáo:

  • Sau khi nhận được đơn kháng cáo, Tòa án cấp sơ thẩm sẽ kiểm tra tính hợp lệ của đơn kháng cáo
  • Trường hợp đơn kháng cáo quá hạn thì Tòa án cấp sơ thẩm yêu cầu người kháng cáo trình bày rõ lý do và xuất trình tài liệu, chứng cứ (nếu có) để chứng minh lý do nộp đơn kháng cáo quá hạn là chính đáng.
  • Trường hợp đơn kháng cáo chưa đúng quy định thì Tòa án cấp sơ thẩm yêu cầu người kháng cáo làm lại hoặc sửa đổi, bổ sung đơn kháng cáo.

Theo Điều 274 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì Tòa án sẽ trả lại đơn kháng cáo trong các trường hợp sau đây:

+ Người kháng cáo không có quyền kháng cáo;

+ Người kháng cáo không làm lại đơn kháng cáo hoặc không sửa đổi, bổ sung đơn kháng cáo theo yêu cầu của Tòa án

+ Trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 276 của BLTTDS 2015.

Bước 4: Tòa án thông báo án phí, thông báo về việc kháng cáo cho các bên liên quan:

Sau khi nhận đơn kháng cáo hợp lệ, Tòa án sẽ thông báo cho bên kháng cáo nộp tạm ứng án phí phúc thẩm đồng theo Điều 276 BLTTDS 2015, đồng thời thông báo ngay bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp và đương sự có liên quan đến kháng cáo biết về việc kháng cáo kèm theo bản sao đơn kháng cáo, tài liệu, chứng cứ bổ sung mà người kháng cáo gửi kèm đơn kháng cáo

Bước 5:  Tòa án cấp phúc thẩm sẽ ghi vào sổ thụ lý, tiến hành thủ tục phúc thẩm theo quy định của BLTTDS.

4.2. Kháng cáo bản án hình sự sơ thẩm

a) Nơi tiếp nhận hồ sơ: 

  • Tòa án đã xét xử cấp sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm
  • Trường hợp bị cáo đang bị tạm giam, Giám thị Trại tạm giam, Trưởng Nhà tạm giữ phải bảo đảm cho bị cáo thực hiện quyền kháng cáo, nhận đơn kháng cáo và chuyển cho Tòa án cấp sơ thẩm đã ra bản án; quyết định bị kháng cáo
  • Người kháng cáo có thể trình bày trực tiếp với Tòa án đã xét xử sơ thẩm hoặc Tòa án phúc thẩm về việc kháng cáo

b) Trình tự, thủ tục kháng cáo bản án sơ thẩm hình sự:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ kháng cáo

Bước 2: Chủ thể có quyền cần gửi đơn kháng cáo; hoặc kháng cáo trực tiếp (kèm theo chứng cứ, tài liệu; đồ vật để chứng minh) đến cơ quan có thẩm quyền như trên.

Bước 3: Tiếp nhận và xử lý đơn

  • Sau khi tiếp nhận đơn hoặc biên bản về việc kháng cáo; Tòa án cấp sơ thẩm phải vào sổ tiếp nhận; và kiểm tra tính hợp lệ của đơn kháng cáo;
  • Trường hợp đơn kháng cáo hợp lệ thì Tòa án cấp sơ thẩm thông báo về việc kháng cáo theo Điều 338 của BLTTHS 2015;
  • Trường hợp đơn kháng cáo hợp lệ nhưng nội dung kháng cáo chưa rõ thì Tòa cấp sơ thẩm phải thông báo ngay cho người kháng cáo để làm rõ;
  • Trường hợp nội dung kháng cáo đúng quy định nhưng quá thời hạn kháng cáo thì Tòa cấp sơ thẩm yêu cầu người kháng cáo trình bày lý do và xuất trình chứng cứ; tài liệu, đồ vật để chứng minh lý do nộp đơn kháng cáo quá hạn là chính đáng;
  • Trường hợp người làm đơn kháng cáo không có quyền kháng cáo thì trong 03 ngày kể từ ngày nhận đơn; Tòa án trả lại đơn và thông báo bằng văn bản cho người làm đơn; Viện kiểm sát cùng cấp. Văn bản phải ghi rõ lý do trả đơn;
  • Việc trả lại đơn có thể bị khiếu nại trong thời gian 07 ngày kể từ ngày nhận được thông báo

Bước 4: Tòa án thụ lý và tiến hành xét xử theo thủ tục phúc thẩm

Tòa án ra thông báo thụ lý vụ án và tiến hành các bước tiếp theo theo quy định tại bộ luật tố tụng hình sự 2015

Tòa án phải lập biên bản về việc kháng cáo theo quy định tại Điều 33 BLTTHS 2015

4.3. Thủ tục kháng cáo bản án sơ thẩm hành chính

a) Nơi nộp hồ sơ kháng cáo:

Đơn kháng cáo phải được gửi cho Tòa án cấp sơ thẩm đã ra bản án, quyết định bị kháng cáo. Kèm theo đơn kháng cáo người kháng cáo gửi tài liệu, chứng cứ bổ sung (nếu có) để chứng minh cho kháng cáo của mình là có căn cứ và hợp pháp.

Trường hợp đơn kháng cáo được gửi cho Tòa án cấp phúc thẩm thì Tòa án đó phải chuyển cho Tòa án cấp sơ thẩm để tiến hành các thủ tục cần thiết theo quy định tại Điều 216 của Luật này.

b) Trình tự, thủ tục kháng cáo bản án sơ thẩm hành chính

Trình tự, thủ tục kháng cáo bản án sơ thẩm hành chính
Trình tự, thủ tục kháng cáo bản án sơ thẩm hành chính – Nguồn: Luật Thái An

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ kháng cáo bản án sơ thẩm:

Chủ thể có quyền kháng cáo nộp đơn kháng cáo và các tài liệu, chứng cứ kèm theo theo hướng dẫn ở phần trên.

Bước 2: Nộp hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền.

Bước 3: Cơ quan có thẩm quyền kiểm tra đơn:

  • Theo quy định tại Điều 207 Luật tố tụng hành chính 2015 về kiểm tra đơn kháng cáo thì: Sau khi nhận được đơn kháng cáo, Tòa án cấp sơ thẩm phải kiểm tra tính  hợp lệ của đơn kháng cáo ( nội dung đơn kháng cáo, các văn bản liên quan).
  • Đối với đơn kháng cáo quá hạn: Sau khi nhận được đơn kháng cáo quá hạn, Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi đơn kháng cáo, bản tường trình của người kháng cáo về lý do kháng cáo quá hạn kèm theo tài liệu, chứng cứ (nếu có) cho Tòa án cấp phúc thẩm.
  • Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đơn kháng cáo quá hạn và tài liệu, chứng cứ kèm theo do Tòa án cấp sơ thẩm chuyển đến, Tòa án cấp phúc thẩm thành lập Hội đồng gồm 03 Thẩm phán để xem xét kháng cáo quá hạn.
  • Đại diện VKSND tại phiên họp, Hội đồng xét kháng cáo quá hạn căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc kháng cáo quá hạn, ý kiến của đương sự mà quyết định theo đa số về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận việc kháng cáo quá hạn và phải ghi rõ lý do của quyết định này.

Bước 4: Thông báo nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm:

  • Theo Điều Điều 209 Luật Tố tụng hành chính, sau khi chấp nhận đơn kháng cáo hợp lệ, Tòa án cấp sơ thẩm phải thông báo cho người kháng cáo biết để họ nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật, nếu họ không thuộc trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm.
  • Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, người kháng cáo phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án cấp sơ thẩm biên lai thu tiền tạm ứng án phí. Hết thời hạn này mà người kháng cáo không nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm thì được coi là họ từ bỏ việc kháng cáo.
  • Khi nhận biên lai thu tiền tạm ứng án phí của người kháng cáo thì Tòa án phải cấp cho họ giấy xác nhận về việc nhận biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
  • Nếu sau khi hết thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người kháng cáo mới nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí phúc thẩm mà không nêu rõ lý do. Trường hợp này thì Tòa án cấp sơ thẩm yêu cầu người kháng cáo trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu của Tòa án phải có văn bản trình bày lý do chậm nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí phúc thẩm nộp cho Tòa án cấp sơ thẩm để đưa vào hồ sơ vụ án. Trường hợp này được xử lý theo thủ tục xem xét kháng cáo quá hạn.

Bước 5:   Tòa án cấp phúc thẩm sẽ ghi vào sổ thụ lý, tiến hành thủ tục phúc thẩm theo quy định của Luật Tố tụng hành chính:

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý vụ án, Tòa án phải thông báo bằng văn bản cho các đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý vụ án và thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

Chánh án Tòa án cấp phúc thẩm thành lập Hội đồng xét xử phúc thẩm và phân công một Thẩm phán làm Chủ tọa phiên tòa, phiên họp.

5. Vai trò của luật sư trong kháng cáo bản án sơ thẩm

Luật sư tư vấn và hỗ trợ kháng cáo đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống pháp lý. Khi một bản án hoặc quyết định của tòa án không làm hài lòng một bên liên quan, họ có quyền kháng cáo lên cấp tòa án cao hơn. Tại đây, luật sư chuyên nghiệp sẽ cung cấp dịch vụ tư vấn, phân tích kỹ lưỡng các khía cạnh pháp lý của vụ án, và đề xuất chiến lược kháng cáo hiệu quả.
Luật sư tư vấn sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng hồ sơ vụ án, bao gồm cả việc xem xét các bằng chứng, lập luận pháp lý, và quyết định của tòa án cấp sơ thẩm. Họ sẽ tìm kiếm các điểm yếu, sai sót trong quá trình xét xử hoặc các vi phạm về thủ tục pháp lý có thể ảnh hưởng đến quyết định của tòa. Dựa trên những phân tích này, luật sư sẽ hỗ trợ khách hàng chuẩn bị hồ sơ kháng cáo, bao gồm việc soạn thảo các tài liệu pháp lý cần thiết và xây dựng lập luận mạnh mẽ để trình bày trước tòa án cấp cao.
Ngoài ra, luật sư còn đóng vai trò hướng dẫn và hỗ trợ khách hàng trong suốt quá trình kháng cáo, giúp họ hiểu rõ về quyền lợi và nghĩa vụ pháp lý của mình. Họ cũng cung cấp lời khuyên về các khả năng và rủi ro liên quan, giúp khách hàng đưa ra quyết định sáng suốt. Với sự hỗ trợ của luật sư, khách hàng có thể tăng cơ hội thành công trong việc kháng cáo và đạt được kết quả tốt nhất có thể.

 

HÃY LIÊN HỆ VỚI LUẬT THÁI AN ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN VÀ HỖ TRỢ VỀ KHÁNG CÁO BẢN ÁN SƠ THẨM !

Nguyễn Văn Thanh