Thu thập chứng cứ vụ án ly hôn như thế nào ?

Tùy thuộc vào phạm vi yêu cầu giải quyết tranh chấp trong vụ án ly hôn của khách hàng mà luật sư áp dụng các biện pháp thu thập chứng cứ khác nhau. Khi cung cấp dịch vụ ly hôn đơn phương cho khách hàng, Luật sư Công ty Luật Thái An có thể thu thập chứng cứ vụ án ly hôn theo một hoặc vài hướng sau đây:

Trước tiên cần hiểu là chứng cứ vụ án ly hôn cũng phải đáp ứng về chứng cứ nói chung, được quy định bởi Bộ luật tố tụng dân sự. Thông tin thêm có tại bài viết sau:

https://luatthaian.vn/luat-to-tung-dan-su/chung-cu/

1. Thu thập chứng cứ vụ án ly hôn để chứng minh quan hệ hôn nhân hợp pháp

Việc xác định có hay không quan hệ hôn nhân hợp pháp giữa người nam và người nữ được xác định chủ yếu thông qua giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, tuy nhiên cũng có những trường hợp không có giấy chứng nhận vẫn được coi là hôn nhân hợp pháp.

Trường hợp các bên có đăng ký kết hôn: Hôn nhân hợp pháp khi nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật hôn nhân gia đình về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn (giấy chứng nhận đăng ký kết hôn). Luật sư sẽ thu thập theo cách là đề nghị khách hàng cung cấp Giấy chứng nhận kết hôn hoặc xin trích lục sổ đăng ký kết hôn tại nơi đăng ký kết hôn (trong trường hợp Giấy chứng nhận kết hôn bị thất lạc).

Trường hợp ngoại lệ, các bên mặc dù không có đăng ký kết hôn nhưng vẫn được pháp luật công nhận là hôn nhân hợp pháp:

  • nếu cặp đôi chung sống với nhau trước năm 1987 không có đăng ký kết hôn, nếu muốn ly hôn thì Toà án vẫn coi như họ đã đăng ký kết hôn và áp dụng pháp luật hôn nhân gia đình để giải quyết.
  • từ ngày 01/01/2001 cho đến ngày 01/01/2003 nếu cặp đôi chung sống như vợ chồng, chưa đăng ký kết hôn hoặc đã đăng ký kết hôn mà họ có yêu cầu ly hôn, thì Toà án thụ lý vụ án. Quan hệ vợ chồng của họ vẫn được công nhận là đã xác lập kể từ ngày họ bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng, chứ không phải kể từ ngày đăng ký kết hôn.

Trong trường hợp này, để chứng minh quan hệ hôn nhân hợp pháp, luật sư sẽ thu thập chứng cứ về việc cặp đôi đã chung sống như vợ chồng (tổ chức đám cưới, có sự chứng kiến của gia đình và cộng đồng…)

2. Thu thập chứng cứ vụ án ly hôn để chứng minh căn cứ ly hôn

Để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện xin ly hôn của mình, người vợ hoặc người chồng phải đưa ra các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu xin ly hôn là có căn cứ hợp pháp. Theo Điều 56 Luật Hôn nhân Gia đình 2014, đó là một trong các căn cứ sau:

  • việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình
  • vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được

Luật sư có thể thu thập qua hình thức thu âm, thu hình hoặc văn bản có xác nhận lời khai của khách hàng, lời khai của những người làm chứng là các thành viên khác trong gia đình, hàng xóm, Tổ trưởng dân phố, đại diện hội phụ nữ, bệnh án tại cơ sở y tế…

Nếu vợ chồng đã ly thân thì luật sư thu thập bằng chứng về việc thuê nhà đi ở riêng trong thời gian dài, và đó là chứng cứ tốt để chứng minh việc yêu cầu ly hôn là có căn cứ.

XEM THÊM:

Ly thân và ly hôn

thu thập chứng cứ vụ án ly hôn
Thu thập chứng cứ vụ án ly hôn gồm chứng cứ để chứng minh có đủ căn cứ cho ly hôn. – ảnh: Luật Thái An

3. Thu thập chứng cứ vụ án ly hôn để xác định quan hệ cha mẹ và con, giành quyền nuôi con

a. Thu thập chứng cứ vụ án ly hôn: Chứng minh quan hệ cha-con hoặc mẹ-con

Thông thường thì Giấy khai sinh sẽ là bằng chứng về mối quan hệ cha-con, mẹ-con.

Trường hợp không có giấy khai sinh thì luật sư có thể thu thập chứng cứ bằng cách tìm giấy chứng sinh tại bệnh viện, cơ sở y tế, nơi con ra đời.

Ngoài ra, luật sư thu thập chứng cư thông qua các tài liệu, chứng cứ gián tiếp như:

  • việc các bên đương sự cư xử với nhau như cha – con (mẹ – con) thông qua việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, gây dựng tương lai cho con hoặc thông qua việc cư xử của người con với cha, mẹ hoặc thông qua dư luận xã hội…
  • giám định gen – đây sẽ là chứng cứ thuyết phục nhất

b. Thu thập chứng cứ vụ án ly hôn: Giành quyền nuôi con

Điều 81 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định:

  • Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

  • Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Luật sư muốn chứng minh cho yêu cầu nuôi con của khách hàng mình là chính đáng thì phải thu thập được những tài liệu, chứng cứ thuyết phục về việc bảo đảm “quyền lợi về mọi mặt của con” khi giao con cho mẹ hoặc cha nuôi.

Quyền lợi về mọi mặt của con, đặc biệt là các điều kiện cho sự phát triển về thể chất, bảo đảm việc học hành và các điều kiện cho sự phát triển tốt về tinh thần của con được thế hiện cụ thể qua các tài liệu, chứng cứ như:

  • Thu nhập ổn định (bằng chứng có thể là hợp đồng lao động, hợp đồng cho thuê nhà…)
  • Chỗ ở ổn định (bằng chứng có thể là Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở của mình, trường hợp sau khi ly hôn về ở với bố, mẹ thì bằng chứng là Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở của bố mẹ…)
  • Tính chất công việc (để có thời gian đưa đón, chăm sóc con hàng ngày…).

Ngoài ra, Luật sư sẽ thu thập các tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho nguyện vọng nuôi con của khách hàng mình là chính đáng, tuỳ thuộc vào từng trường hợp:

  • Nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên: Phải có ý kiến thể hiện nguyện vọng của con muốn sống cùng với bố hoặc mẹ sau ly hôn. Đây là một tài liệu, chứng cứ bắt buộc phải thu thập để xác định việc giao con cho một bên nuôi con sau ly hôn.
  • Con dưới 36 tháng: Về nguyên tắc được giao cho người mẹ nuôi dưỡng. Tuy nhiên, nếu như người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì luật sư bảo vệ quyền được nuôi con của người bố thu thập chứng cứ để phản bác lại quyền được nuôi con của người mẹ (có thể là việc người mẹ không có thu nhập ổn định, phải thường xuyên thay đổi chỗ ở, thường xuyên vắng nhà, người mẹ vướng vào tệ nạn xã hội …)

Làm thế nào để giành quyền nuôi con khi ly hôn?

c. Thu thập chứng cứ vụ án ly hôn: Yêu cầu cấp dưỡng cho con

Để xác định mức cấp dưỡng mà khách hàng của mình đưa ra là phù hợp với thực tế thì Luật sư thu thập các tài liệu, chứng cứ về:

  • chi phí cho việc học tập ở trường của con:  thông báo đóng tiền học hàng tháng…
  • các khoản chi trả khác cho con: xác nhận của cá nhân, tổ chức khác về khoản tiền phải chi trả

Luật sư cũng thu thập thêm thông tin về nguồn thu nhập, hoàn cảnh sống của người cấp dưỡng đế khẳng định rằng họ hoàn toàn có khả năng đáp ứng yêu cầu về mức cấp dưỡng đã đưa ra.

Cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn: Tư vấn chi tiết nhất!

thu thập chứng cứ vụ án ly hôn
Thu thập chứng cứ vụ án ly hôn là cực kỳ quan trọng. – ảnh: Luật Thái An

4. Thu thập chứng cứ vụ án ly hôn để chia tài sản khi ly hôn

a. Thu thập chứng cứ vụ án ly hôn: Xác định tài sản chung vợ chồng

Nếu vợ chồng có thỏa thuận về chế độ tài sản thì luật sư sẽ  yêu cầu khách hàng cung cấp văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng. Luật sư sẽ đánh giá văn bản này có hiệu lực pháp luật hay không?

Trong trường hợp, các bên không có thỏa thuận về chế độ tài sản vợ chồng thì tài sản chung của vợ chồng được hình thành từ các nguồn sau:

  • Tài sản chung hình thành từ kết quả của lao động. Những tài sản có thể do vợ và chồng cùng trực tiếp lao động hoặc do một trong hai bên trực tiếp lao động để làm ra sản phẩm, tạo thu nhập cho gia đình; hoặc tài sản chung có thể hình thành qua việc được trả công lao động, thuê người khác làm việc, do tổ chức sản xuất, kinh doanh mà có…
  • Tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung. Trong di chúc, phải thể hiện rõ để lại tài sản cho cả vợ và chồng. Luật sư sẽ xem xét và đánh giá các văn bản thừa kế, di chúc để thu thập chứng cứ.
  • Tài sản chung được hình thành từ việc được tặng cho chung. Luật sư sẽ thu thập tài liệu, chứng cứ đầy đủ để khẳng định ý chí của bố mẹ là tặng cho chung (ví dụ, vợ chồng đã xây nhà trên khuôn viên riêng, vợ chồng đã quản lý, sử dụng trong nhiều năm hoặc đã kê khai, được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, cha, mẹ đã biết nhưng không phản đối hoặc đồng ý đế cho con đi kê khai, xin cấp giấy…).
  • Những thu nhập khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân: tiền thưởng, tiền trợ cấp, tiền trúng thưởng xổ số …
  • Việc nhập tài sản riêng của một bên vợ hoặc chồng vào tài sản chung: Luật sư thu thập chứng cứ chứng minh một bên có tài sản riêng tự nguyện khi nhập vào khối tài sản chung.
  • Về tài sản là quyền sử dụng đất: Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng. Tuy nhiên, một bên cho rằng quyền sử dụng đất là của riêng họ. Do vậy, luật sư sẽ thu thập tài liệu, chứng cứ để làm rõ đất đó có cấp cho hộ gia đình, cấp cho cả hai vợ chồng vào thời điểm nào?

XEM THÊM:

Tài sản chung của vợ chồng gồm những gì?

b. Thu thập chứng cứ vụ án ly hôn: Chứng minh tài sản riêng của vợ hoặc chồng

Để chứng minh tài sản nào là tài sản riêng của khách hàng và tài sản này sẽ không chia khi giải quyết ly hôn, luật sư thu thập chứng cứ vụ án ly hôn liên quan đến nguồn gốc của tài sản. Luật sư cũng sẽ thu thập chứng cứ bằng cách yêu cầu khách hàng cung cấp văn bản tặng cho riêng, thừa kế riêng…

Những điều cần biết về xác định tài sản riêng của vợ chồng

c. Thu thập chứng cứ vụ án ly hôn: Chia tài sản chung vợ chồng

Về cơ bản, tài sản chung của vợ chồng được chia đôi khi ly hôn, nhưng có tính đến các yếu tố sau:

  • hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng
  • công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung
  • bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập
  • lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng
  • Tòa cũng xem xét để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Như vậy, luật sư sẽ thu thập những tài liệu, chứng cứ có lợi nhất cho khách hàng của mình. Ví dụ, nếu khách hàng là phụ nữ không có công ăn việc làm, ở nhà nội trợ và chăm sóc con nhỏ thì luật sư thu thập thêm tài liệu, chúng cứ về việc người chồng đã vi phạm nghĩa vụ thương yêu, chung thủy với người vợ… Tài liệu, chứng cứ chứng minh về việc vi phạm nghĩa vụ của người chồng (đánh bạc, phá tán tài sản, ngoại tình…) sẽ có lợi cho khách hàng để yêu cầu được bảo đảm quyền lợi khi chia tài sản ly hôn.

Chia tài sản khi ly hôn – Tư vấn chi tiết của luật sư!

 

Thu thập chứng cứ vụ án ly hôn không hề đơn giản, tuy nhiên nó ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả vụ án. Công sức và trí tuệ của luật sư được thể hiện rõ trong giai đoạn này. Và đó cũng là giá trị mà luật sư Công ty Luật Thái An đem lại cho khách hàng trong vụ án, khi cung cấp dịch vụ ly hôn đơn phương cho khách hàng.

Nguyễn Văn Thanh