Phân loại hợp đồng

Phân loại hợp đồng là việc nhằm xác định được những đặc điểm chung và riêng của từng nhóm hợp đồng, để từ đó đưa ra những điều khoản cụ thể và chặt chẽ theo từng loại hợp đồng, đảm bảo quyền lợi của các bên trong hợp đồng. Việc phân chia hợp đồng có thể dựa vào nhiều tiêu chí khác nhau. Hãy cùng Công ty Luật Thái An chúng tôi tìm hiểu về vấn đề phân loại hợp đồng trong bài viết dưới đây.

1. Bản chất hợp đồng là gì?

Theo quy định tại Điều 385 Bộ luật dân sự 2015 thì Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự

Như vậy bản chất của hợp đồng là:

  • Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên.
  • Hợp đồng là thỏa thuận để tạo ra sự ràng buộc pháp lý giữa các bên.
  • Thỏa thuận tạo lập hợp đồng chỉ có hiệu lực nếu tuân thủ các điều kiện luật định.

Các bên trong hợp đồng có quyền thỏa thuận về nội dung trong hợp đồng. Hợp đồng có thể có các nội dung sau đây:

  •  Đối tượng của hợp đồng;
  • Số lượng, chất lượng;
  • Giá, phương thức thanh toán;
  • Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng;
  • Quyền, nghĩa vụ của các bên;
  • Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;
  • Phương thức giải quyết tranh chấp.

2. Phân loại hợp đồng

Hợp đồng thật sự rất đa dạng và phong phú. Có nhiều cách thức để phân loại hợp đồng tùy theo các tiêu chí khác nhau. Dưới đây là các tiêu chí phân loại hợp đồng thường gặp:

2.1 Phân loại hợp đồng: Dựa vào hình thức

Hình thức là cách thức thể hiện hợp đồng. Dựa vào hình thức của hợp đồng thì phân loại hợp đồng thành hợp đồng miệng, hợp đồng văn bản, hợp đồng có công chứng, hợp đồng mẫu…

2.2 Phân loại hợp đồng:Dựa vào sự tương quan quyền và nghĩa vụ các bên

Dựa vào mối liên hệ quyền và nghĩa vụ các bên thì phân loại hợp đồng thành:

+ Hợp đồng song vụ là hợp đồng mà mỗi bên đều có quyền và nghĩa vụ đối với nhau. Tức là các bên đều được hưởng quyền và phải thực hiện nghĩa vụ. Quyền dân sự của bên này tương ứng với nghĩa vụ của bên kia.

Ví dụ :hợp đồng dịch vụ, hợp đồng vận chuyển…

+ Hợp đồng đơn vụ là hợp đồng mà chỉ một bên có nghĩa vụ. Trong trường hợp này quyền và nghĩa vụ của các bên không tương xứng với nhau, mỗi bên không có sự tương hỗ và tương thuộc với nhau. Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đúng như đã thỏa thuận, chỉ được thực hiện trước hoặc sau thời hạn nếu được bên có quyền đồng ý.

Ví dụ: hợp đồng tặng cho tài sản – bên được tặng có quyền nhận hoặc không nhận tài sản nhưng không phải thực hiện nghĩa vụ nào.

2.3. Phân loại hợp đồng: Dựa vào tính chất có đi có lại về lợi ích của các chủ thể

+ Hợp đồng có đền bù: là loại hợp đồng mà trong đó mỗi bên chủ thể sau khi đã thực hiện cho bên kia một lợi ích sẽ nhận được từ bên kia một lợi ích tương ứng.

Ví dụ: Hợp đồng gửi giữ tài sản có thù lao: Bên gửi tài sản có trách nhiệm phải trả thù lao cho bên giữ tài sản. Bên giữ tài sản có nghĩa vụ bảo quản tài sản cho bên gửi tài sản, nếu bị mất hay hư hỏng thì phải đền bù..

+ Hợp đồng không có đền bù: là những hợp đồng mà trong đó một bên nhận được từ bên kia một lợi ích nhưng không phải giao lại một lợi ích nào. Hợp đồng không có đền bù thường được giao kết trên cơ sở tình cảm và tinh thần tương thân, tương ái giữa các chủ thể.

Ví dụ: Hợp đồng gửi giữ tài sản không có thù lao

2.4 Phân loại hợp đồng: Dựa vào sự phụ thuộc lẫn nhau về hiệu lực giữa các hợp đồng

+ Hợp đồng chính: là hợp đồng mà hiệu lực không phụ thuộc vào hợp đồng phụ (Khoản 3, Điều 402, Bộ luật dân sự 2015). Hợp đồng chính là hợp đồng tồn tại độc lập, được công nhận có hiệu lực và không lệ thuộc vào sự tồn tại của hợp đồng phụ, cũng như hiệu lực của hợp đồng phụ, trừ trường hợp các bên có các thỏa thuận. Khi hợp đồng chính đã tuân thủ đầy đủ các điều kiện mà pháp luật quy định thì đương nhiên phát sinh hiệu lực và có hiệu lực bắt buộc đối với các bên.

+ Hợp đồng phụ: là hợp đồng mà hiệu lực phụ thuộc vào hợp đồng chính (Khoản 4, Điều 402, Bộ luật dân sự 2015). Để một hợp đồng phụ có hiệu lực thì phải tuân thủ các điều kiện sau đây:

  • Hợp đồng phụ phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện có hiệu lực của một hợp đồng như điều kiện về chủ thể; nội dung; hình thức…
  • Hợp đồng chính của hợp đồng phụ đó phải có hiệu lực. Ví dụ: đối với hợp đồng cầm cố, thế chấp tài sản thì hợp đồng phụ chỉ có hiệu lực khi hợp đồng cho vay tài sản tức là hợp đồng chính có hiệu lực.

2.5 Phân loại hợp đồng: Dựa vào thời điểm phát sinh hiệu lực

+ Hợp đồng ưng thuận là hợp đồng mà theo quy của pháp luật quyền và nghĩa vụ của các bên phát sinh ngay sau khi các bên chủ thể thoả thuận xong về các nội dung chủ yếu của hợp đồng. Hay nói cách khác, hợp đồng ưng thuận là những hợp đồng mà thời điểm có hiệu lực của nó được xác định tại thời điểm giao kết.

Ví dụ: Hợp đồng mua bán hàng hoá, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm các bên giao kết hợp đồng chứ không phụ thuộc vào thời điểm bàn giao hàng hóa, việc bàn giao hàng hóa chỉ được coi là hành động của bên bán nhằm thực hiện nghĩa vụ của mình trong hợp đồng mua bán đã có hiệu lực.

+ Hợp đồng trọng thức là hợp đồng theo quy định của pháp luật thì hiệu lực của nó phát sinh từ thời điểm các bên thỏa thuận xong nội dung chủ yếu của hợp đồng và sự thỏa thuận đó được thể hiện dưới một hình thức xác định, nếu pháp luật có quy định hợp đồng phải được lập bằng hình thức đó.

Hợp đồng trọng thức cũng có tính ưng thuận về nội dung tức là có sự trùng hợp ý chí giữa các bên nhưng sự trùng hợp đó phải được thể hiện ra bên ngoài bằng một hình thức nhất định thì hợp đồng mới có giá trị pháp lý.

Ví dụ: Hợp đồng mua bán nhà ở, chuyển quyền sử dụng đất phải được công chứng chứng thực và có hiệu lực kể từ ngày công chứng, chứng thực.

+ Hợp đồng thực tế là hợp đồng mà hiệu lực của nó phát sinh từ thời điểm mà các bên thực tế đã chuyển giao cho nhau đối tượng của hợp đồng. Hiệu lực của nó lệ thuộc vào thời điểm thực tế, khi một bên hứa giao tài sản đã thực hiện hành vi chuyển giao tài sản cho bên kia.

Ví dụ: hợp đồng cho vay tiền hoặc hợp đồng cầm cố tài sản.

2.6. Phân loại hợp đồng: Dựa vào cách thức thỏa thuận để xác lập hợp đồng

+ Hợp đồng tương thuận: là hợp đồng được hình thành dựa trên ý chí chung của các bên tham gia thông qua sự thương lượng và đồng thuận của các bên về từng điều khoản hoặc tất cả nội dung của hợp đồng. Các bên tham gia hợp đồng dựa trên nguyên tắc tự do, bình đẳng.

+ Hợp đồng theo mẫu: là hợp đồng gồm những điều khoản do một bên đưa ra theo mẫu để bên kia trả lời trong một thời gian hợp lý; nếu bên được đề nghị trả lời chấp nhận thì coi như chấp nhận toàn bộ nội dung hợp đồng theo mẫu mà bên đề nghị đã đưa ra (Điểm a, Khoản 1, Điều 405, Bộ luật dân sự 2015 ).

2.7. Phân loại hợp đồng: Dựa vào chủ thể được hưởng lợi từ hợp đồng

+ Hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba là hợp đồng mà các bên giao kết hợp đồng đều phải thực hiện nghĩa vụ và người thứ ba được hưởng lợi ích từ việc thực hiện nghĩa vụ đó (Khoản 5, Điều 402, Bộ luật dân sự 2015).

Đây là trường hợp người thứ ba không trực tiếp tham gia vào hợp đồng với tư cách chủ thể nhưng họ có quyền đối với bên có nghĩa vụ. Bởi vì các bên tham gia đã thoả thuận bên có nghĩa vụ phải thực hiên các nghĩa vụ cho người thứ ba. Việc thoả thuận này có thể trực tiếp hoặc được coi là mặc nhiên do tính chất của hợp đồng quy định.

Ví dụ: Hợp đồng vận chuyển bưu phẩm.

+ Hợp đồng vì lợi ích của các bên tham gia hợp đồng: Đây là hợp đồng mà việc thực hiện nghĩa vụ của một bên nhằm mang lại lợi ích, quyền lợi cho bên còn lại.

2.8. Phân loại hợp đồng: Dựa vào luật chuyên ngành điều chỉnh

Dựa vào luật chuyên ngành điều chỉnh thì có thể phân loại hợp đồng thành các loại như sau:

+ Hợp đồng dân sự: Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự

+ Hợp đồng thương mại: là hợp đồng giữa thương nhân với thương nhân hay thương nhân với các bên có liên quan nhằm xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ giữa các bên trong hoạt động thương mại, cụ thể là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.

Trong đó: Hàng hóa bao gồm:

  • Tất cả các loại động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai;
  • Những vật gắn liền với đất đai.
  • Thói quen trong hoạt động thương mại là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng được hình thành và lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài giữa các bên, được các bên mặc nhiên thừa nhận để xác định quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng thương mại.

+  Hợp đồng lao động: là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.

+ Các loại hợp đồng liên quan đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ: Ví dụ như:

  • Hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ: là thỏa thuận giữa một cá nhân hoặc công ty chuyển giao tài sản trí tuệ (IP) của mình cho một cá nhân hoặc công ty khác
  • Hợp đồng cho phép sử dụng quyền sở hữu trí tuệ: là thoả thuận một bên sẽ cho phép một bên khác được sử dụng quyền sở hữu trí tuệ của mình nhưng không chuyển nhượng quyền sở hữu.
  • Hợp đồng chuyển giao công nghệ:là thoả thuận một bên sẽ cho phép một bên khác được sử một phần công nghệ (ví dụ: phần cứng, phần mềm hoặc quy trình)

+ Các loại hợp đồng liên quan đến lĩnh vực đất đai: Ví dụ như:

  • Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất:  là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên chuyển nhượng quyền sử dụng đất chuyển giao đất và quyền sử dụng đất cho bên nhận chuyển nhượng. Còn bên nhận chuyển nhượng trả tiền cho bên chuyển nhượng theo quy định của Bộ luật dân sự và pháp luật về đất đai.
  • Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất: là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó, bên tặng cho giao quyền sử dụng đất cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, còn bên được tặng cho đồng ý nhận theo quy định của bộ luật này và pháp luật về đất đai.

+ Các loại hợp đồng liên quan đến lĩnh vực nhà ở: Ví dụ như

  • Hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất:  là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên chuyển nhượng quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất chuyển giao đất và quyền sử dụng đất cho bên nhận chuyển nhượng. Còn bên nhận chuyển nhượng trả tiền cho bên chuyển nhượng theo quy định của Bộ luật dân sự và pháp luật về nhà ở, đất đai.

2.9 Các cách phân loại hợp đồng khác

+ Hợp đồng có điều kiện là hợp đồng mà việc thực hiện phụ thuộc vào việc phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt một sự kiện nhất định (Khoản 6, Điều 402, Bộ luật dân sự 2015).

Lưu ý:  Đối với Hợp đồng có điều kiện thì: 

  • Các sự kiện đó phải mang tính khách quan. Yêu cầu này đòi hỏi các sự kiện nói trên có xuất hiện hay không, hoàn toàn nằm ngoài ý chí của các chủ thể, đồng thời phải là một tình tiết trong tương lai (chỉ xuất hiện sau khi hợp đồng đã được giao kết).
  • Điều kiện đó là một công việc phải làm thì phải là những công việc có thể thực hiện được.
  • Sự kiện mà các bên chủ thể thoả thuận phải phù hợp với pháp luật và không trái với đạo đức xã hội.

+ Hợp đồng hỗn hợp : Là những hợp đồng mà khi kí kết, cùng một lúc làm phát sinh những quyền và nghĩa vụ vốn là nội dung của hai hay nhiều hợp đồng thông thường khác. Các chủ thể có thể giao kết những hợp đồng mà pháp luật chưa quy định cụ thể, miễn là nội dung của nó không trái đạo đức xã hội và không vi phạm điều cầm pháp luật.

3. Ý nghĩa của việc phân loại hợp đồng 

  • Phân loại hợp đồng có ý nghĩa quan trọng trong việc quy định các quy chế pháp lý riêng biệt cho từng loại hợp đồng, xác định những nội dung cần có trong hợp đồng, quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng.
  • Phân loại hợp đồng có ý nghĩa trong việc phân chia rủi ro giữa các bên trong hợp đồng, xác định hiệu lực của hợp đồng, xác định cơ chế, trình tự thủ tục  thực hiện nghĩa vụ phát sinh từ quan hệ hợp đồng giữa các bên.
  • Phân loại hợp đồng có ý nghĩa là cơ sở xây dựng các quy định về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng, thời điểm hợp đồng có hiệu lực, thời điểm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng.
  • Phân loại hợp đồng góp phần nâng cao hiệu quả trong quá trình điều chỉnh các quan hệ hợp đồng, dựa vào đặc điểm của từng loại hợp đồng để đưa ra những điều khoản cụ thể và chặt chẽ hơn, đảm bảo quyền lợi của các bên trong hợp đồng.

4. Cần làm gì để tránh những tranh chấp hợp đồng?

Có thể thấy hợp đồng là cơ sở của hầu hết mối quan hệ kinh doanh và giao dịch cá nhân nên để tránh tranh chấp hợp đồng, ngay từ đầu các bên cần có một bản hợp đồng chặt chẽ với các điều khoản rõ ràng, cụ thể, tránh sử dụng những thuật ngữ mơ hồ, không rõ nghĩa và đặc biệt hợp đồng này phải tuân thủ các quy định của pháp luật.

Các bên tham gia hợp đồng có thể lựa chọn một trong những giải pháp tối ưu đó là tìm kiếm một luật sư tư vấn và soạn thảo hợp đồng. Dựa vào việc phân loại hợp đồng, Luật sư không chỉ giúp hợp đồng được soạn thảo chặt chẽ đảm bảo quyền lợi cho các bên, giúp phát hiện và chỉnh sửa những lỗ hổng hoặc mơ hồ trong hợp đồng các bên đã soạn mà còn tư vấn về các khía cạnh pháp lý mà bên ký kết có thể không nhận biết.

Bằng kinh nghiệm và hiểu biết sâu rộng về pháp luật, luật sư sẽ đảm bảo rằng quyền lợi của khách hàng được bảo vệ tối đa, và hạn chế được rủi ro tiềm ẩn. Với sự hỗ trợ của luật sư, hợp đồng không chỉ phản ánh đúng ý định, mục tiêu của các bên tham gia mà còn đảm bảo có hiệu lực pháp luật.

5. Dịch vụ tư vấn hợp đồng của Công ty Luật Thái An

Luật Thái An chuyên tư vấn các loại hợp đồng cho mọi đối tượng khách hàng. Trong khuôn khổ dịch vụ, chúng tôi sẽ:

  • Tư vấn phương án lựa chọn loại hợp đồng tối ưu cho khách hàng;
  • Tư vấn về thủ tục công chứng, chứng thực hợp đồng (nếu cần);
  • Soạn thảo, rà soát dự thảo hợp đồng, thỏa thuận trước khi ký kết theo yêu cầu;
  • Tư vấn các vấn đề liên quan đến quản trị rủi ro, các vấn đề phát sinh ngoài hợp đồng;
  • Tham gia đàm phán, thương lượng hoặc làm việc với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để giải quyết tranh chấp hợp đồng.

HÃY LIÊN HỆ NGAY VỚI CHÚNG TÔI ĐỂ BIẾT THÔNG TIN CHI TIẾT 

>>> Xem thêm: QUY TRÌNH DỊCH VỤ SOẠN THẢO HỢP ĐỒNG

 

Đàm Thị Lộc