Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng gồm những ai?
Khi tham gia tố tụng dân sự, chúng ta thường nghe nói đến cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Đây là những chủ thể được giao quyền và nghĩa vụ tố tụng nhất định để giải quyết vụ án dân sự một cách khách quan, đúng quy định pháp luật tố tụng dân sự. Vậy cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng gồm những ai, trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng là gì? Hãy cùng Luật Thái An tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
1. Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng gồm những ai?
Theo quy định tại Điều 46 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 về cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thì:
Các cơ quan tiến hành tố tụng dân sự gồm có:
- Tòa án: Theo Điều 3 Luật tổ chức Toà án nhân dân 2014 thì hệ thống Toà án gồm Tòa án nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân cấp cao; Tòa án nhân dân cấp tỉnh; Tòa án nhân dân cấp huyện; Tòa án quân sự.
- Viện kiểm sát: Theo Điều 40 Luật tổ chức viện kiểm sát nhân dân 2014 thì hệ thống Viện kiểm sát gồm Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân cấp cao; Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh; Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện; Viện kiểm sát quân sự các cấp.
Người tiến hành tố tụng dân sự gồm có:
- Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án; Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án dân sự gồm một Thẩm phán và hai Hội thẩm nhân dân. Trong trường hợp đặc biệt thì Hội đồng xét xử sơ thẩm có thể gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm nhân dân.
- Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên.
2. Trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng là gì?
Tại Điều 13 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng như sau:
- Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải tôn trọng Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân.
- Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải giữ bí mật nhà nước, bí mật công tác theo quy định của pháp luật; giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên, giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ.
- Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Trường hợp người tiến hành tố tụng có hành vi trái pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
- Người tiến hành tố tụng trong khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân thì cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật đó phải bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
- Tòa án có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
- Viện kiểm sát có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.
3. Nhiệm vụ, quyền hạn của người tiến hành tố tụng là gì?
3.1 Nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án Tòa án
- Tổ chức công tác giải quyết vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền; bảo đảm thực hiện nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật
- Quyết định phân công Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án tiến hành tố tụng bảo đảm đúng nguyên tắc
- Quyết định thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án trước khi mở phiên tòa;
- Quyết định thay đổi người giám định, người phiên dịch trước khi mở phiên tòa
- Ra quyết định và tiến hành hoạt động tố tụng dân sự
- Giải quyết khiếu nại, tố cáo
- Kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc kiến nghị Chánh án Tòa án có thẩm quyền xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án
- Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật nếu phát hiện có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên
- Xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự
- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
(Căn cứ Điều 47 Bộ luật tố tụng dân sự 2015).
3.2 Nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán
Khi được Chánh án Tòa án phân công, Thẩm phán có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
- Xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, thụ lý vụ việc dân sự
- Lập hồ sơ vụ việc dân sự
- Tiến hành thu thập, xác minh chứng cứ, tổ chức phiên tòa, phiên họp để giải quyết vụ việc dân sự
- Quyết định việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời
- Quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ giải quyết vụ việc dân sự, quyết định tiếp tục đưa vụ việc dân sự ra giải quyết
- Giải thích, hướng dẫn cho đương sự biết để họ thực hiện quyền được yêu cầu trợ giúp pháp lý
- Tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự
- Quyết định đưa vụ án dân sự ra xét xử, đưa việc dân sự ra giải quyết
- Triệu tập người tham gia phiên tòa, phiên họp
- Chủ tọa hoặc tham gia xét xử vụ án dân sự, giải quyết việc dân sự
- Đề nghị Chánh án Tòa án phân công Thẩm tra viên hỗ trợ thực hiện hoạt động tố tụng
- Phát hiện và đề nghị Chánh án Tòa án kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên
- Xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự
- Tiến hành hoạt động tố tụng khác khi giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
(Căn cứ Điều 48 Bộ luật tố tụng dân sự 2015).
3.3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội thẩm nhân dân
Khi được Chánh án Tòa án phân công, Hội thẩm nhân dân có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
- Nghiên cứu hồ sơ vụ án trước khi mở phiên tòa
- Đề nghị Chánh án Tòa án, Thẩm phán ra các quyết định cần thiết thuộc thẩm quyền
- Tham gia Hội đồng xét xử vụ án dân sự
- Tiến hành các hoạt động tố tụng và ngang quyền với Thẩm phán khi biểu quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử.
(Căn cứ Điều 49 Bộ luật tố tụng dân sự 2015).
3.4 Nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm tra viên
Khi được Chánh án Tòa án phân công, Thẩm tra viên có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
- Thẩm tra hồ sơ vụ việc dân sự mà bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật cần xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm
- Kết luận về việc thẩm tra và báo cáo kết quả thẩm tra, đề xuất phương án giải quyết vụ việc dân sự với Chánh án Tòa án
- Thu thập tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ việc dân sự theo quy định
- Hỗ trợ Thẩm phán thực hiện hoạt động tố tụng
- Thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định.
(Căn cứ Điều 50 Bộ luật tố tụng dân sự 2015).
3.5 Nhiệm vụ, quyền hạn của Thư ký Tòa án
Khi được Chánh án Tòa án phân công, Thư ký Tòa án có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
- Chuẩn bị các công tác nghiệp vụ cần thiết trước khi khai mạc phiên tòa
- Phổ biến nội quy phiên tòa
- Kiểm tra và báo cáo với Hội đồng xét xử danh sách những người được triệu tập đến phiên tòa
- Ghi biên bản phiên tòa, phiên họp, biên bản lấy lời khai của người tham gia tố tụng
- Thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định.
(Căn cứ Điều 51 Bộ luật tố tụng dân sự 2015).
3.6 Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng Viện kiểm sát
Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng Viện kiểm sát là như sau:
- Tổ chức và chỉ đạo thực hiện công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự
- Quyết định phân công Kiểm sát viên thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự, tham gia phiên tòa xét xử vụ án dân sự, phiên họp giải quyết việc dân sự và thông báo cho Tòa án; quyết định phân công Kiểm tra viên tiến hành tố tụng đối với vụ việc dân sự bảo đảm đúng nguyên tắc quy định
- Quyết định thay đổi Kiểm sát viên, Kiểm tra viên
- Kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án theo quy định
- Yêu cầu, kiến nghị theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015
- Giải quyết khiếu nại, tố cáo
- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
(Căn cứ Điều 57 Bộ luật tố tụng dân sự 2015).
3.7 Nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm sát viên
Khi được Viện trưởng Viện kiểm sát phân công, Kiểm sát viên có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
- Kiểm sát việc trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu
- Kiểm sát việc thụ lý, giải quyết vụ việc dân sự
- Nghiên cứu hồ sơ vụ việc; yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự; thu thập tài liệu, chứng cứ
- Tham gia phiên tòa, phiên họp và phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ việc
- Kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án
- Kiến nghị, yêu cầu Tòa án thực hiện đúng các hoạt động tố tụng
- Đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án có vi phạm pháp luật
- Kiểm sát hoạt động tố tụng của người tham gia tố tụng; yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý nghiêm minh người tham gia tố tụng vi phạm pháp luật
- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn tố tụng dân sự khác thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát.
(Căn cứ Điều 58 Bộ luật tố tụng dân sự 2015).
>>> Xem thêm: Kiểm sát viên trong vụ án dân sự
3.8 Nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm tra viên
Khi được phân công tiến hành hoạt động tố tụng, Kiểm tra viên có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
- Nghiên cứu hồ sơ vụ việc, báo cáo kết quả với Kiểm sát viên
- Lập hồ sơ kiểm sát vụ việc dân sự theo phân công của Kiểm sát viên hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát
- Giúp Kiểm sát viên kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự.
(Căn cứ Điều 59 Bộ luật tố tụng dân sự 2015).
4. Trường hợp nào phải thay đổi người tiến hành tố tụng?
4.1 Trường hợp chung thay đổi người tiến hành tố tụng
Theo Điều 52 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì người tiến hành tố tụng dân sự phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi trong những trường hợp sau đây:
- Họ đồng thời là đương sự, người đại diện, người thân thích của đương sự.
- Họ đã tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch trong cùng vụ việc đó.
- Có căn cứ rõ ràng cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.
4.2 Trường hợp thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân
Điều 53 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi trong những trường hợp sau đây:
- Thuộc một trong những trường chung thay đổi người tiến hành tố tụng dân sự nêu tại mục 4.1 của bài viết này.
- Họ cùng trong một Hội đồng xét xử và là người thân thích với nhau; trong trường hợp này, chỉ có một người được tiến hành tố tụng.
- Họ đã tham gia giải quyết theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm vụ việc dân sự đó và đã ra bản án sơ thẩm, bản án, quyết định phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, quyết định giải quyết việc dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc, quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, trừ trường hợp là thành viên của Hội đồng Thẩm phán TAND cao, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao thì vẫn được tham gia giải quyết vụ việc đó theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.
- Họ đã là người tiến hành tố tụng trong vụ việc đó với tư cách là Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên.
4.3 Trường hợp thay đổi Thư ký Tòa án, Thẩm tra viên
Thư ký Tòa án, Thẩm tra viên phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi trong những trường hợp sau đây:
- Thuộc một trong những trường hợp chung thay đổi người tiến hành tố tụng dân sự nêu tại mục 4.1 của bài viết này.
- Họ đã là người tiến hành tố tụng trong vụ việc đó với tư cách là Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên.
- Là người thân thích với một trong những người tiến hành tố tụng khác trong vụ việc đó.
(Căn cứ Điều 54 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015)
4.4 Thay đổi Kiểm sát viên, Kiểm tra viên
Kiểm sát viên, Kiểm tra viên phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi trong những trường hợp sau đây:
- Thuộc một trong những trường hợp chung thay đổi người tiến hành tố tụng dân sự nêu tại mục 4.1 của bài viết này.
- Họ đã là người tiến hành tố tụng trong vụ việc đó với tư cách là Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên.
5. Ai có quyền thay đổi người tiến hành tố tụng
5.1 Trường hợp thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án
- Trước khi mở phiên toà
Trước khi mở phiên tòa, việc thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án do Chánh án Tòa án quyết định.
Trường hợp Thẩm phán bị thay đổi là Chánh án Tòa án thì thẩm quyền quyết định việc thay đổi như sau:
- Thẩm phán là Chánh án TAND huyện thì do Chánh án TAND tỉnh quyết định;
- Thẩm phán là Chánh án TAND tỉnh thì do Chánh án TAND cấp cao có thẩm quyền theo lãnh thổ đối với TAND tỉnh đó quyết định;
- Thẩm phán là Chánh án TAND cấp cao thì do Chánh án TAND tối cao quyết định.
- Tại phiên toà
Việc thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án do Hội đồng xét xử quyết định sau khi nghe ý kiến của người bị yêu cầu thay đổi.
5.2 Quyền thay đổi Kiểm sát viên, Kiểm tra viên
- Trước khi mở phiên tòa: Việc thay đổi Kiểm sát viên do Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp quyết định; nếu Kiểm sát viên bị thay đổi là Viện trưởng Viện kiểm sát thì do Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp quyết định. Việc thay đổi Kiểm tra viên do Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp quyết định.
- Tại phiên tòa: Việc thay đổi Kiểm sát viên do Hội đồng xét xử quyết định sau khi nghe ý kiến của người bị yêu cầu thay đổi. Hội đồng xét xử thảo luận tại phòng nghị án và quyết định theo đa số.
6. Dịch vụ pháp lý của Công ty Luật Thái An trong tố tụng dân sự
Luật sư trong tố tụng dân sự có vai trò hết sức quan trọng. Có Luật sư các đương sự sẽ hiểu rõ được quyền và nghĩa vụ của mình cũng như trình tự, thủ tục giải quyết vụ án dân sự, vụ việc dân sự, đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp. Nếu bạn đang có nhu cầu tìm kiếm Luật sư chuyên về tố tụng dân sự, hãy đến ngay với Công ty Luật Thái An.
Công ty Luật Thái An đã và đang cung cấp các dịch vụ tư vấn pháp luật tố tụng dân sự, dịch vụ Luật sư tranh tụng và bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho các đương sự trong các vụ án dân sự uy tín, chất lượng.
Các dịch vụ của chúng tôi đều được thực hiện bởi đội ngũ Luật sư giỏi, giàu kinh nghiệm tham gia các vụ án dân sự, do đó quý khách hàng khi đến với dịch vụ pháp lý của Công ty Luật Thái An thì có thể hoàn toàn yên tâm về chất lượng cũng như chi phí dịch vụ. Chúng tôi đảm bảo cung cấp dịch vụ với chất lượng tốt nhất và mức chi phí phải chăng nhất trên thị trường.
Hãy liên hệ ngay với Luật Thái An chúng tôi để biết thông tin chi tiết.
- Chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan - 31/10/2022
- Đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai - 19/03/2022
- Cẩn trọng khi ký hợp đồng vay? - 31/10/2021