Người làm chứng trong vụ án dân sự
Một số trường hợp khi giải quyết vụ án dân sự cần có sự tham gia của người làm chứng. Người làm chứng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xác định sự thật khách quan của vụ án. Chính vì vậy, Bộ luật tố tụng dân sự 2015 đã có những quy định cụ thể về người làm chứng. Bài viết dưới đây, Công ty Luật Thái An xin tổng hợp các quy định về người làm chứng để quý bạn đọc nắm được.
1. Cơ sở pháp lý quy định về người làm chứng trong vụ án dân sự
Cơ sở pháp lý quy định về người làm chứng trong vụ án dân sự là các văn bản pháp lý sau:
- Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015
- Bộ luật dân sự năm 2015;
2. Người làm chứng trong vụ án dân sự là ai?
Theo quy định tại Điều 77 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì Người làm chứng là người biết các tình tiết có liên quan đến nội dung vụ việc được đương sự đề nghị, Tòa án triệu tập tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng. Người mất năng lực hành vi dân sự không thể là người làm chứng.
Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 22 Bộ luật Dân sự 2015 thì một người bị coi là mất năng lực hành vi dân sự khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
- Do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi;
- Có yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan tuyên bố người này mất năng lực hành vi dân sự
- Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự theo yêu cầu của những chủ thể trên, trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.
3. Quyền, nghĩa vụ của người làm chứng là gì?
Quyền và nghĩa vụ của người làm chứng được quy định tại Điều 78 Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Cụ thể người làm chứng sẽ có các quyền:
- Cung cấp toàn bộ thông tin, tài liệu, đồ vật mà mình có được có liên quan đến việc giải quyết vụ việc.
- Được từ chối khai báo nếu lời khai của mình liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình hoặc việc khai báo đó có ảnh hưởng xấu, bất lợi cho đương sự là người có quan hệ thân thích với mình.
- Được nghỉ việc trong thời gian Tòa án triệu tập hoặc lấy lời khai, nếu làm việc trong cơ quan, tổ chức.
- Được thanh toán các khoản chi phí có liên quan theo quy định của pháp luật.
- Yêu cầu Tòa án đã triệu tập, cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình khi tham gia tố tụng; khiếu nại hành vi tố tụng của người tiến hành tố tụng.
Đây là những quy định rất cần thiết để Tòa án có cơ sở giải quyết vụ án dân sự, đồng thời có thể tạo điều kiện thuận lợi người làm chứng an tâm khai báo hết các sự kiện, tình tiết trong vụ việc mình biết. Ngoài các quyền như trên, người làm chứng phải thực hiện các nghĩa vụ sau:
- Khai báo trung thực những tình tiết mà mình biết được có liên quan đến việc giải quyết vụ việc.
- Bồi thường thiệt hại và chịu trách nhiệm trước pháp luật do khai báo sai sự thật gây thiệt hại cho đương sự hoặc cho người khác.
- Phải có mặt tại Tòa án, phiên tòa, phiên họp theo giấy triệu tập của Tòa án nếu việc lấy lời khai của người làm chứng phải thực hiện công khai tại Tòa án, phiên tòa, phiên họp; trường hợp người làm chứng không đến phiên tòa, phiên họp mà không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ cản trở việc xét xử, giải quyết thì Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Hội đồng giải quyết việc dân sự có thể ra quyết định dẫn giải người làm chứng đến phiên tòa, phiên họp, trừ trường hợp người làm chứng là người chưa thành niên.
- Phải cam đoan trước Tòa án về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình, trừ trường hợp người làm chứng là người chưa thành niên.
4. Người làm chứng vắng mặt phiên toà có bị hoãn không?
Theo quy định tại Điều 229 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì người làm chứng có nghĩa vụ tham gia phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án.
Trường hợp người làm chứng vắng mặt tại phiên toà xét xử sơ thẩm thì Hội đồng xét xử quyết định vẫn tiến hành xét xử hoặc hoãn phiên tòa tuỳ từng trường hợp.
- Tiến hành xét xử: trong trường hợp người làm chứng vắng mặt nhưng trước đó họ đã có lời khai trực tiếp với Tòa án hoặc gửi lời khai cho Tòa án.
- Hoãn phiên tòa: Nếu việc vắng mặt của người làm chứng tại phiên tòa gây khó khăn, ảnh hưởng đến việc giải quyết khách quan, toàn diện vụ án.
5. Trường hợp nào người làm chứng sẽ bị dẫn giải đến phiên toà
Căn cứ quy định tại Điều 229, Điều 490 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì nếu người làm chứng vắng mặt tại phiên tòa không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ gây cản trở cho việc xét xử thì có thể bị dẫn giải đến phiên tòa theo quyết định của Hội đồng xét xử, trừ trường hợp họ là người chưa thành niên.
Tòa án có quyền ra quyết định dẫn giải người làm chứng đến phiên tòa. Quyết định dẫn giải người làm chứng phải ghi rõ thời gian, địa điểm ra quyết định; họ, tên, chức vụ người ra quyết định; họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người làm chứng; thời gian, địa điểm người làm chứng phải có mặt.
Cơ quan công an có nhiệm vụ thi hành quyết định của Tòa án dẫn giải người làm chứng. Người thi hành quyết định dẫn giải người làm chứng phải đọc, giải thích quyết định dẫn giải cho người làm chứng bị dẫn giải biết và lập biên bản về việc dẫn giải.
6. Thủ tục lấy lời khai của người làm chứng được thực hiện thế nào?
Theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, thẩm phán tiến hành lấy lời khai của người làm chứng tại trụ sở Tòa án hoặc ngoài trụ sở Tòa án. Trước khi lấy lời khai, Thẩm phán phải giải thích quyền, nghĩa vụ của người làm chứng và yêu cầu người này cam đoan về lời khai của mình.
Thủ tục lấy lời khai của người làm chứng phải được lập thành biên bản. Biên bản ghi lời khai phải được người khai tự đọc lại hay nghe đọc lại và ký tên hoặc điểm chỉ. Người làm chứng có quyền yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản ghi lời khai và ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận.Biên bản ghi lời khai phải có:
- Chữ ký của người lấy lời khai, người ghi biên bản và đóng dấu của Tòa án;
- Nếu biên bản được ghi thành nhiều trang rời nhau thì phải ký vào từng trang và đóng dấu giáp lai.
- Trường hợp biên bản ghi lời khai được lập ngoài trụ sở Tòa án thì phải có người làm chứng hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi lập biên bản.
Việc lấy lời khai của người làm chứng chưa đủ mười tám tuổi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi phải được tiến hành với sự có mặt của người đại diện theo pháp luật hoặc người đang thực hiện việc quản lý, trông nom người đó.
7. Nếu người làm chứng khai báo gian dối sẽ bị xử lý thế nào?
Khoản 2 Điều 489 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định người nào từ chối khai báo, khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật khi làm chứng tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
7.1 Trường hợp bị xử phạt hành chính
Tại Điều 18, Pháp lệnh số 02/2022/UBTVQH15 Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng 2022 thì nếu người làm chứng khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật khi làm chứng sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
7.2 Trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Tại Điều 382 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối như sau:
Người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật, người bào chữa nào mà kết luận, dịch, khai gian dối hoặc cung cấp những tài liệu mà mình biết rõ là sai sự thật, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
- Có tổ chức;
- Dẫn đến việc giải quyết vụ án, vụ việc bị sai lệch.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
- Phạm tội 02 lần trở lên;
- Dẫn đến việc kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm.
Ngoài ra gười phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, nếu đủ yếu tố cấu thành tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối, người làm chứng khai báo gian dối sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.
8. Đương sự có quyền đề nghị Toà án triệu tập người làm chứng trong vụ án dân sự hay không?
Khoản 7 Điều 70 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định một trong những quyền và của đương sự là: Đề nghị Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ của vụ việc mà tự mình không thể thực hiện được; đề nghị Tòa án yêu cầu đương sự khác xuất trình tài liệu, chứng cứ mà họ đang giữ; đề nghị Tòa án ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp tài liệu, chứng cứ đó; đề nghị Tòa án triệu tập người làm chứng, trưng cầu giám định, quyết định việc định giá tài sản.
Như vậy, theo quy định trên, đương sự hoàn toàn có quyền đề nghị Toà án triệu tập người làm chứng.
>>> Xem thêm: Đương sự trong vụ án dân sự là ai?
9. Dịch vụ tư vấn quy định về người làm chứng
Công ty Luật Thái An là một trong những hãng luật hàng đầu cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật tố tụng dân sự nói chung, tư vấn các quy định về người làm chứng trong vụ án dân sự nói riêng. Khi sử dụng dịch vụ của chúng tôi, quý khách sẽ được đội ngũ Luật sư có trình độ chuyên môn cao và kinh nghiệm dày dặn tư vấn tất tần tật các quy định về người làm chứng từ ai có thể là người làm chứng, đối tượng nào không được là người làm chứng, tư vấn quyền và nghĩa vụ của người làm chứng đến tư vấn các vấn đề liên quan khác.
Ngoài ra, quý khách có thể đưa ra quyết định lựa chọn Luật sư kinh nghiệm của Luật Thái An bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp hoặc là người đại diện theo ủy quyền khi tham gia tố tụng dân sự. Luật Thái An đảm bảo quý khách hàng luôn cảm thấy hài lòng khi sử dụng dịch vụ của chúng tôi.
Luật Thái An rất hân hạnh trở thành đối tác pháp lý tin cậy của quý khách hàng. Hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn và sử dụng dịch vụ.
- Chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan - 31/10/2022
- Đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai - 19/03/2022
- Cẩn trọng khi ký hợp đồng vay? - 31/10/2021