Kiểm sát viên trong vụ án dân sự

Trong quá trình xét xử vụ án dân sự, Kiểm sát viên có vai trò hết sức quan trọng, đây là người bảo đảm cho các hoạt động xét xử vụ án dân sự của Toà án được công bằng, dân chủ, khách quan, kịp thời và đúng quy định của pháp luật. Vậy những quy định về Kiểm sát viên là ai, hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để biết thông tin chi tiết.

1. Kiểm sát viên là ai?

Theo quy định tại Điều 74 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014 thì Kiểm sát viên là người được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật để thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Kiểm sát viên là đại diện của Viện kiểm sát nhân dân tham gia vào các vụ án.

Kiểm sát viên được bổ nhiệm lần đầu có thời hạn là 05 năm; trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc nâng ngạch thì thời hạn là 10 năm.

Tiêu chuẩn chung của Kiểm sát viên được quy định tại Điều 75 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014 như sau:

  • Là công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết, trung thực, bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.
  • Có trình độ cử nhân luật trở lên.
  • Đã được đào tạo về nghiệp vụ kiểm sát.
  • Có thời gian làm công tác thực tiễn theo quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014.
  • Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm sát viên trong vụ án dân sự là gì?

Theo quy định tại Điều 58 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì khi được Viện trưởng Viện kiểm sát phân công thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự, Kiểm sát viên có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

  • Kiểm sát việc trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu.
  • Kiểm sát việc thụ lý, giải quyết vụ việc dân sự.
  • Nghiên cứu hồ sơ vụ việc; yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này; thu thập tài liệu, chứng cứ theo quy định
  • Tham gia phiên tòa, phiên họp và phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ việc theo quy định
  • Kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án.
  • Kiến nghị, yêu cầu Tòa án thực hiện đúng các hoạt động tố tụng theo quy định
  • Đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án có vi phạm pháp luật.
  • Kiểm sát hoạt động tố tụng của người tham gia tố tụng; yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý nghiêm minh người tham gia tố tụng vi phạm pháp luật.
  • Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn tố tụng dân sự khác thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Thông qua những nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm sát viên có thể thấy qua đó một phần giúp đảm bảo pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất, vụ án dân sự được giải quyết khách quan, đúng quy định.

kiểm sát viên
Kiểm sát viên đại diện cho Viện kiểm sát tham gia xét xử vụ án. – ảnh: Cổng thông tin điện tử Viện KSND Tây Ninh

3. Những việc kiểm sát viên không được làm là gì?

Kiểm sát viên trong vụ án dân sự phải tuân thủ đúng quy định pháp luật về nhiệm vụ và quyền hạn của mình, không được thực hiện các hành vi quy định tại Điều 84 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014. Cụ thể những việc Kiểm sát viên không được làm:

  • Những việc mà pháp luật quy định cán bộ, công chức không được làm.
  • Tư vấn cho  đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác làm cho việc giải quyết vụ án, vụ việc không đúng quy định của pháp luật.
  • Can thiệp vào việc giải quyết vụ án, vụ việc hoặc lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người có trách nhiệm giải quyết vụ án, vụ việc.
  • Đưa hồ sơ, tài liệu của vụ án, vụ việc ra khỏi cơ quan nếu không vì nhiệm vụ được giao hoặc không được sự đồng ý của người có thẩm quyền.
  • Tiếp đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác trong vụ án, vụ việc mà mình có thẩm quyền giải quyết ngoài nơi quy định.

4. Kiểm sát viên có quyền tham gia những phiên toà nào?

4.1 Phiên toà sơ thẩm

Sự tham gia của Kiểm sát viên tại phiên toà sơ thẩm được quy định thông qua sự tham gia của Viện kiểm sát tại phiên toà. Theo đó, tại Khoản 2 Điều 21 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định

Viện kiểm sát tham gia các phiên tòa sơ thẩm đối với:

  • Những vụ án do Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ
  • Những vụ án có đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng, quyền sử dụng đất, nhà ở
  • Những vụ án có có đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi
  • Vụ án chưa có điều luật để áp dụng giải quyết quy định tại khoản 2 Điều 4 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015

XEM THÊM: PHIÊN TOÀ SƠ THẨM

4.2 Phiên toà phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 21 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì Viện kiểm sát tham gia phiên tòa, phiên họp phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm. Như vậy, điều này đồng nghĩa với việc Kiểm sát viên cũng có quyền tham gia phiên tòa, phiên họp phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm.

XEM THÊM:

XÉT XỬ PHÚC THẨM

XÉT XỬ TÁI THẨM

XÉT XỬ GIÁM ĐỐC THẨM

5. Khi Kiểm sát viên vắng mặt tại phiên xét xử thì có hoãn phiên toà không?

  • Trường hợp vắng mặt tại phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án dân sự: Tại Điều 232 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về sự có mặt của Kiểm sát viên khi xét xử sơ thẩm vụ án dân sự như sau:  Kiểm sát viên được Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp phân công có nhiệm vụ tham gia phiên tòa; nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử, không hoãn phiên tòa. Như vậy, Kiểm sát viên không bắt buộc phải có mặt khi xét xử sơ thẩm vụ án dân sự và Toà án sẽ không hoãn phiên toà sơ thẩm nếu Kiểm sát viên vắng mặt.
  • Trường hợp vắng mặt tại phiên toà phúc thẩm vụ án dân sự: Theo quy định tại khoản 1 Điều 296 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì Kiểm sát viên được phân công tham gia phiên tòa phúc thẩm vắng mặt thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử, không hoãn phiên tòa, trừ trường hợp Viện kiểm sát có kháng nghị phúc thẩm.
  • Trường hợp vắng mặt tại phiên toà giám đốc thẩm, tái thẩm vụ án dân sự: Khoản 1 Điều 338, Điều 357 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 đã quy định về những người tham gia phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm theo đó thì phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm phải có sự tham gia của Viện kiểm sát cùng cấp.

Như vậy, nếu kiểm sát viên vắng mặt tại phiên toà giám đốc thẩm, tái thẩm thì sẽ hoãn phiên toà.

6. Kiểm sát viên bị thay đổi trong những trường hợp nào?

Căn cứ quy định tại Điều 60 Bộ luật tố tụng 2015 thì Kiểm sát viên bị thay đổi trong những trường hợp sau đây:

  • Họ đồng thời là đương sự, người đại diện, người thân thích của đương sự.
  • Họ đã tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch trong cùng vụ việc đó.
  • Có căn cứ rõ ràng cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.
  • Họ đã là người tiến hành tố tụng trong vụ việc đó với tư cách là Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên.

Lưu ý: Trường hợp Kiểm sát viên bị thay đổi tại phiên tòa hoặc không thể tiếp tục tham gia phiên tòa xét xử, nhưng có Kiểm sát viên dự khuyết thì người này được tham gia phiên tòa xét xử tiếp vụ án nếu họ có mặt tại phiên tòa từ đầu.

7. Thủ tục đề nghị thay đổi kiểm sát viên

7.1. Yêu cầu đối với việc đề nghị thay đổi Kiểm sát viên

  • Trước khi mở phiên toà: Việc đề nghị thay đổi Kiểm sát viên phải được lập thành văn bản, trong đó nêu rõ lý do và căn cứ của việc từ chối hoặc đề nghị thay đổi Kiểm sát viên.
  • Tại phiên tòa: Việc đề nghị thay đổi Kiểm sát viên phải được ghi vào biên bản phiên tòa.

7.2 Thẩm quyền quyết định việc thay đổi Kiểm sát viên

  • Trước khi mở phiên tòa: Việc thay đổi Kiểm sát viên do Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp quyết định; nếu Kiểm sát viên bị thay đổi là Viện trưởng Viện kiểm sát thì do Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp quyết định.
  • Tại phiên tòa: Việc thay đổi Kiểm sát viên do Hội đồng xét xử quyết định sau khi nghe ý kiến của người bị yêu cầu thay đổi. Hội đồng xét xử thảo luận tại phòng nghị án và quyết định theo đa số. Trường hợp phải thay đổi Kiểm sát viên thì Hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên tòa. Việc cử Kiểm sát viên thay thế Kiểm sát viên bị thay đổi do Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp quyết định. Nếu Kiểm sát viên bị thay đổi là Viện trưởng Viện kiểm sát thì do Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp quyết định.

8. Dịch vụ Luật sư tranh tụng và bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ án dân sự

Quá trình giải quyết vụ án dân sự là một quá trình phức tạp, có thể khiến các đương sự mất rất nhiều thời gian, công sức nhưng thậm chí quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự vẫn không được bảo vệ một cách tốt nhất.

Nếu bạn đang gặp phải những rắc rối liên quan đến vụ án dân sự, hãy đến ngay với Công ty Luật Thái An. Chúng tôi cung cấp dịch vụ luật sư bào chữa/luật sư tranh tụng uy tín, chuyên nghiệp với các ưu điểm nổi bật là:

  • Đội ngũ luật sư tranh tụng giỏi, giàu kinh nghiệm, có kiến thức và sự am hiểu sâu sắc ở nhiều lĩnh vực pháp luật, cùng với kinh nghiệm tham gia hàng trăm phiên xét xử vụ án dân sự và đã đạt được rất nhiều thành công
  • Xuyên suốt quá trình giải quyết vụ án, các công việc của luật sư tranh tụng và bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp sẽ được thực hiện chỉn chu, có tinh thần trách nhiệm cao để bảo đảm được quyền và lợi ích tốt nhất cho thân chủ.
  • Chi phí luật sư tranh tụng và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Luật Thái An vô cùng phải chăng, phù hợp với mọi loại khách hàng.
  • Mọi thông tin của khách hàng, thông tin do khách hàng cung cấp đều được bảo mật tuyệt đối, không để lộ ra bên ngoài gây phiền phức cho khách hàng
  • Có chính sách ưu đãi đối với khách hàng đã sử dụng dịch vụ của Công ty Luật Thái An

Dịch vụ luật sư tranh tụng dân sự uy tín!

Dịch vụ luật sư bào chữa uy tín!

Dịch vụ luật sư bảo vệ uy tín

Luật Thái An chắc chắn sẽ không làm bạn phải thất vọng về những gì bạn nhận được khi lựa chọn chúng tôi. Hãy liên hệ ngay để được trải nghiệm dịch vụ.

Đàm Thị Lộc