Tội giết người vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng theo quy định năm 2024

Phòng vệ chính đáng là hành vi cần thiết khi bị ai đó xâm phạm quyền lợi ích hợp pháp, tuy nhiên nếu giết người vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì lại là tội phạm được quy định trong Bộ luật hình sự. Vậy tội giết người vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng có những dấu hiệu định tội như thế nào, hình phạt đối với tội này ra sao, bài viết dưới đây Công ty Luật Thái An sẽ chỉ cho bạn biết.

1. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là gì?

Tại  Điều 22 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định:

  • Phòng vệ chính đáng: là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
  • Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng: là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.

Như vậy, để được coi là phòng vệ chính đáng phải thoả mãn tất cả các điều kiện là:

  • Phòng vệ chính đáng có mục đích là nhằm bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức;
  • Hành vi chống trả phải được thực hiện đúng thời điểm;
  • Hành vi gây thiệt hại trong trường hợp phòng vệ chính đáng phải là hành vi cần thiết;
  • Thiệt hại do hành vi chống trả gây ra phải là cho chính người có hành vi trái pháp luật.

Nếu thiếu một trong 4 điều kiện nêu trên sẽ bị coi là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

2. Căn cứ pháp lý quy định tội giết người vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng

Tội giết người vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng được quy định tại Điều 126 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017.

3. Dấu hiệu định tội giết người vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng

Tội giết người vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện gây thiệt hại về tính mạng cho người có hành vi xâm hại.

a. Khách thể của tội giết người vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng

Tội giết người vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng xâm phạm đến quyền được sống của con người.

b. Mặt khách quan của tội giết người vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng

Về hành vi phạm tội: là hành vi tước đoạt tính mạng của người đang có hành vi xâm hại vào quyền và lợi ích hợp pháp của người phạm tội hoặc người khác hoặc quyền lợi ích của Nhà nước, của xã hội. Hành vi này thể hiện ở hành vi dùng sức mạnh vật chất tác động lên thân thể của nạn nhân bằng các cách khác nhau như dùng tay chân đấm đá, dùng hung khí, vũ khí…

Để xác định là hành vi phạm tội giết người vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải xác định được người phạm tội có quyền phòng vệ chính đáng và trong quá trình thực hiện quyền phòng vệ chính đáng đã thực hiện hành vi quá mức cần thiết, giết chết người có hành vi xâm hại. Cụ thể như sau:

  • Nạn nhân đã có hành vi xâm hại vào quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, lợi ích của Nhà nước, xã hội.
  • Hành vi của nạn nhân có thể là hành vi phạm tội hoặc là hành vi nguy hiểm cho xã hội.
  • Vào thời điểm xảy ra sự việc, hành vi xâm hại của nạn nhân đang gây thiệt hại hoặc đang đe dọa gây thiệt hại thực sự và ngay tức khắc cho những lợi ích hợp pháp cần bảo vệ.
  • Hành vi của người phạm tội xuất phát từ việc thực hiện quyền phòng vệ chính đáng, tác động trực tiếp lên cơ thể của nạn nhân.
  • Trong quá trình thực hiện quyền phòng vệ chính đáng, người phạm tội đã chống trả một cách quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại, gây ra cái chết cho nạn nhân.

Về hậu quả: là làm chết người có hành vi xâm hại. Hậu quả chết người là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm tội giết người vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.Tội phạm hoàn thành khi hậu quả chết người xảy ra.

Ngoài ra, mối quan hệ giữa hành vi và hậu quả khi xác định phạm tội giết người vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng cũng là yếu tố bắt buộc, đòi hỏi phải làm rõ được hậu quả chết người đó là do chính những tác động của người phòng vệ gây ra chứ không phải nguyên nhân khác.

c. Mặt chủ quan của tội giết người vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng

Lỗi: Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý.

Động cơ phạm tội: Để bảo vệ quyền lợi ích của mình hoặc của Nhà nước, xã hội, cá nhân, tổ chức khác.

Mục đích phạm tội: nhằm làm cho người có hành vi xâm hại quyền lợi ích của mình hoặc của Nhà nước, xã hội, cá nhân, tổ chức khác không có hành vi xâm hại nữa.

d. Chủ thể của tội giết người vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng

Tội phạm này được thực hiện bởi bất kỳ người nào có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, tức là người không mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác dẫn đến mất khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi.

Tội phạm này chỉ là ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng nên chủ thể của tội phạm phải từ đủ 16 tuổi trở lên.

tội giết người
Có nhiều dấu hiệu nhận biết tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. – Nguồn ảnh minh họa: Internet.

4. Hình phạt đối với tội giết người vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng

Căn cứ Điều 126 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì hình phạt đối với tội giết người vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng như sau:

a. Phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

b. Phạt tù từ 2 năm đến 5 năm

Phạm tội đối với 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.

5. Các căn cứ để Toà án quyết định hình phạt đối với tội giết người vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. 

Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017 quy định về căn cứ quyết định hình phạt như sau:

  • Khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật này, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.
  • Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.
  • Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết tăng nặng trong khi quyết định hình phạt.
  • Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự 2015.
  • Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.

Theo quy định tại Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho tội giết người vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng có thể là:

  • Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;
  • Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;
  • Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;
  • Người phạm tội là phụ nữ có thai;
  • Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên;
  • Người phạm tội tự thú;
  • Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;
  • Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án
  • Người phạm tội đã lập công chuộc tội;
  • Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác
  • Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ

>>> Xem thêm:

6. Phân biệt tội giết người vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng và tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh

a. Về hành vi trái pháp luật

Tội giết người vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng: Nạn nhân đang có hành vi xâm hại đến các quyền lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, của cá nhân người phòng vệ hoặc của người khác, tức là hành vi trái pháp luật của nạn nhân đang diễn ra và chưa kết thúc. Hành vi này chỉ có thể bằng hành động.

Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh: hành vi trái pháp luật của nạn nhân khiến tinh thần của người phạm tội bị kích động mạnh có thể đã kết thúc. Hành vi này có thể bằng hành động, lời nói…

b. Về tinh thần

Tội giết người vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng: Người phạm tội có thể bị kích động (chưa đến mức mất tự chủ) hoặc không bị kích động.

Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh: tinh thần của người phạm tội phải bị kích động mạnh, không còn nhận thức đầy đủ về hành vi của mình như lúc bình thường, nhưng chưa mất hẳn khả năng nhận thức. Trạng thái này chỉ xảy ra trong chốc lát, sau đó tinh thần của họ trở lại bình thường như trước.

7. Thuê luật sư bào chữa tội giết người vượt quá phòng vệ chính đáng

Khi gặp những rắc rối liên quan đến tội giết người vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc bất cứ vấn đề gì liên quan đến pháp luật hình sự khiến bạn cần tới một luật sư giỏi dày dặn kinh nghiệm để bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp thì Công ty Luật Thái An là một lựa chọn hoàn hảo dành cho bạn.

Với phương châm luôn đặt quyền lợi của khách hàng lên đầu và đấu tranh vì công bằng và lẽ phải trên cơ sở các quy định của pháp luật và chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, Luật Thái An chắc chắn sẽ cung cấp cho bạn dịch vụ Luật sư bào chữa chất lượng với mức chi phí vô cùng hợp lý.

HÃY LIÊN HỆ NGAY VỚI CÔNG TY LUẬT THÁI AN ĐỂ ĐƯỢC SỬ DỤNG DỊCH VỤ LUẬT SƯ BÀO CHỮA TỘI GIẾT NGƯỜI VƯỢT QUÁ GIỚI HẠN PHÒNG VỆ CHÍNH ĐÁNG.

Đàm Thị Lộc