Hướng dẫn soạn thảo và mẫu hợp đồng hợp tác kinh doanh khách sạn

Hợp đồng hợp tác kinh doanh là một loại hợp đồng được sử dụng phổ biến trong hoạt động kinh doanh. Nó cho phép các bên hợp tác với nhau một cách rất linh hoạt mà không phải thành lập một pháp nhân mới. Điều đó cũng đồng thời cho phép các bên có thể rút khỏi sự thỏa thuận hợp tác với thủ tục không quá phức tạp. Một trong các mục đích là kinh doanh dịch vụ lưu trú. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ hướng dẫn cách soạn thảo hợp đồng hợp tác kinh doanh khách sạn một cách kín kẽ để giảm thiểu sự hiểu lầm và tranh chấp giữa các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng.

1. Thế nào là hợp đồng hợp tác kinh doanh ?

Hợp đồng hợp tác kinh doanh là sự thỏa thuận giữa các cá nhân, pháp nhân về việc cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm. Kinh doanh dịch vụ lưu trú cho người Việt Nam, người nước ngoài đang là việc làm ăn đem lại lợi nhuận, các bên muốn cùng nhau kinh doanh khách sạn. Hợp đồng hợp tác kinh doanh khách sạn là cơ sở để cho các bên làm ăn với nhau lâu dài và bền vững.

2. Đặc điểm hợp đồng hợp tác kinh doanh

Hợp đồng hợp tác kinh doanh có những khác biệt so với các loại hợp đồng khác. Để hiểu được các đặc điểm của loại hợp đồng này, bạn vui lòng đọc bài viết Hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ hướng dẫn cách soạn thảo một hợp đồng hợp tác kinh doanh khách sạn.

3. Cách soạn thảo hợp đồng hợp tác kinh doanh khách sạn

Hợp đồng gồm các phần và điều khoản sau:

Quốc hiệu:

Quốc hiệu như sau phải có ở đầu hợp đồng, tiếp đến là tiêu đề hợp đồng và số hợp đồng:

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

—–—–

HỢP ĐỒNG hợp tác kinh doanh khách sạn

Số: …………

Căn cứ của hợp đồng hợp tác kinh doanh khách sạn:

Đầu tiên, bạn cần chỉ ra các văn bản pháp luật và căn cứ của hợp đồng hợp tác kinh doanh khách sạn, đó là:

  • Bộ Luật Dân sự số 91/2015/QH13 được Quốc hội của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 24/11/2015;
  • Luật Thương mại số 36/2005/QH11 được Quốc hội của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 14/06/2005;
  • Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 được Quốc hội của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 26/11/2014 (nếu một hoặc các bên là pháp nhân nước ngoài);
  • Căn cứ nhu cầu và khả năng của hai bên.

Các bên của hợp đồng hợp tác kinh doanh khách sạn:

Có thể có hai hoặc nhiều hơn hai bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh khách sạn. Với mỗi bên, cần ghi rõ các thông tin cơ bản sau:

Nếu là pháp nhân:

  • Tên pháp nhân
  • Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nếu là doanh nghiệp, Giấy phép hoạt động nếu không phải là doanh nghiệp: Cần ghi rõ số giấy chứng nhận, ngày cấp và nơi cấp. Lưu ý: Đây là thông tin quan trọng để xác định pháp nhân hợp pháp nên bạn cần tra cứu cẩn thận.
  • Địa chỉ trụ sở
  • Số điện thoại, email
  • Người đại diện theo pháp luật; Lưu ý: Không phải cứ là Giám đốc hay Phó Giám đốc đều là người đại diện theo pháp luật mà người đại diện theo pháp luật được quy đinh tại Điều lệ công ty. Nếu người đại diện trong hợp đồng không phải là Người đại diện theo pháp luật của công ty thì cần có giấy ủy quyền. Nếu người đại diện ký hợp đồng không phải là Người đại diện theo pháp luật và ký hợp đồng không theo ủy quyền thì hợp đồng sẽ vô hiệu.

Nếu là cá nhân:

  • Họ tên đầy đủ
  • CMND/Căn cước công dân/Hộ chiếu: Số, ngày cấp, nơi cấp; Lưu ý: Đây là thông tin quan trọng phải có trên hợp đồng. Nếu xẩy ra tranh chấp, kiện tụng, tố cáo thì dựa vào thông tin này để tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết. Khi hai bên ký kết hợp đồng, cần kiểm tra, đối chiếu với giấy tờ nhân thân.
  • Ngày sinh
  • Địa chỉ thường trú, địa chỉ tạm trú
  • Điện thoại

Lưu ý: Nếu một hoặc các bên là pháp nhân nước ngoài thì phải xin Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Giấy chứng nhận là cơ sở để hai bên ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Bạn có thể nói sơ qua về nhu cầu của các bên đưa tới việc ký kết hợp đồng, thí dụ:

“Xét rằng:

  • Bên A là pháp nhân được thành lập và hoạt động theo pháp luật nước …… Bên A có khả năng ….. ;
  • Bên B là ….., hoạt động trong lĩnh vực ….. Bên B có khả năng .. ;
  • ….

Với mong muốn hợp tác, các bên thống nhất thỏa thuận ký kết hợp đồng với các điều khoản và điều kiện cụ thể như sau:…”

Giải thích từ ngữ:

Bạn có thể giải thích một số từ ngữ, nhất là thuật ngữ chuyên ngành sử dụng trong hợp đồng để tránh hiểu lầm giữa các bên.

Điều khoản về góp vốn

Tài sản góp vốn

Cần lưu ý là tài sản do các thành viên đóng góp, cùng tạo lập và tài sản khác là tài sản chung theo phần của các thành viên hợp tác. Có thể có nhiều hình thức góp vốn như sau:

  • Góp vốn bằng tiền măt
  • Góp vốn bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất: Trong trường hợp này, một bên có thể đóng góp bằng mảnh đất trên đó đã có nhà xây theo kiểu cho thuê lưu trú. Các bên phải đăng ký biến động quyền sử dụng đất tại văn phòng đăng ký đất đai theo quy định của Luật đất đai 2013.
  • Góp vốn bằng tài sản sở hữu trí tuệ như thương hiệu khách sạn đã được bảo hộ hoặc đã nổi tiếng. Nếu là nhãn hiệu đã được bảo hộ thì bên góp vốn cần cung cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu do cơ quan có thẩm quyền cấp (nếu ở Việt Nam thì là Cục Sở hữu Trí tuệ).
  • ….

Đối với tất cả các tài sản không phải là tiền mặt thì cần thực hiện định giá bởi các thành viên hợp tác hoặc bởi Hội đồng định giá gồm các chuyên gia. Kết quả định giá là cơ sở xác định vốn góp và tỷ lệ góp vốn của từng thành viên.

Ngoài ra, hợp đồng cần quy định cụ thể về:

  • Giá trị góp vốn: Quy định tổng giá trị vốn đầu tư, giá trị góp vốn của từng bên cùng tỷ lệ % so với tổng vốn đầu tư
  • Thời hạn góp vốn: Nếu góp vốn bằng tiền măt và chậm góp tiền thì phải có trách nhiệm trả lãi đối với phần tiền chậm trả theo quy định tại Điều 357 của Bộ luật dân sự và phải bồi thường thiệt hại. Nếu góp vốn không bằng tiền mặt và cũng chậm góp vốn thì có thể phải bồi thường thiệt hai theo thỏa thuận giữa các bên.

Điều khoản về nội dung hợp tác

Các bên thỏa thuận cùng nhau hợp tác kinh doanh với các nội dung sau:

  • Mục đích: Thành lập và vận hành khách sạn 4 sao
  • Vị trí: Tại số nhà, phố, quận, thành phố …
  • Quy mô: Khách sạn 7 tầng, bể bơi, các tiện ích
  • Dự kiến thời gian sửa chữa, tu sửa để đạt chuẩn 4 sao: 6 tháng

Phân quyền điều hành công việc

Hợp đồng xác định mảng công việc thuộc trách nhiệm và quyền hạn của mỗi bên, tùy theo khả năng và điều kiện của mỗi bên. Điều này là cần thiết để trong quá trình hợp tác, các bên không “dẫm chân” lên nhau và vận hành trôi chẩy, hiệu quả:

  • Phụ trách xin giấy phép: cấp hạng sao khách sạn, giấy phép phòng cháy chữa cháy, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm đối với nhà hàng, giấy phép an ninh trật tự đối với các tiện ích giải trí trong khách sạn
  • Phụ trách thi công, sửa chữa khách sạn
  • Phụ trách vận hành khách hàng hàng ngày với các bộ phận buồng, bàn, lễ tân, bảo vệ, nhà hàng, dịch vụ khác…
  • Phụ trách kinh doanh, tìm kiếm thị trường, khách hàng cho dịch vụ
  • Phụ trách tuyển dụng, điều động, sử dụng nhân viên
  • Phụ trách công việc kế toán, tài chính
  • Phụ trách đối ngoại: làm việc với chính quyền, báo chí, các đối tác, các nhà tài trợ
  • ….

Điều khoản về ban điều hành

Thành phần Ban điều hành

Ban điều hành hoạt động kinh doanh gồm ….. người trong đó Bên A sẽ cử ……(….), Bên B sẽ cử…. (…..), Bên C sẽ cử …. (…..) đại diện khi cần phải đưa ra các quyết định liên quan đến nội dung hợp tác được quy định tại Hợp đồng này.

  • Đại diện của Bên A là:…
  • Đại diện của Bên B là:…
  • Đại diện của Bên C là:…

Chức năng của ban điều hành

Chỉ đạo các mảng công việc đã nêu ở phần phần phân quyền điều hành công việc ở trên.

Cơ chế làm việc của Ban điều hành:

Hợp đồng có thể quy định lịch họp thường kỳ của Ban điều hành và phương thức làm việc bằng các phương thức khác (email, điện thoại, gặp trực tiếp v.v…)

Hình thức biểu quyết của ban điều hành:

Khi cần phải đưa ra các quyết định liên quan đến nội dung hợp tác được quy định trong hợp đồng này, mọi quyết định của ban điều hành sẽ được thông qua khi có ít nhất … thành viên đồng ý (việc biểu quyết phải được lập thành biên bản chữ ký xác nhận của các thành viên trong ban điều hành).

Các nội dung hợp tác phải được Ban điều hành thông qua

Hợp đồng liệt kê các vấn đề phải xin ý kiến và được Ban điều hành thông qua, có thể là:

  • Quyết định, ký kết hợp đồng thi công, vận hành có giá trị từ ….
  • Quyết định ký kết hợp đồng với mục đích kinh doanh, tìm kiếm thị trường, khách hàng cho sản phẩm/dịch vụ có giá trị từ ….
  • Quyết định ký kết hợp đồng tuyển dụng, sử dụng, sa thải  nhân viên ở các vị trí quản lý
  • Phê duyệt báo cáo tài chính hàng quý và hàng năm
  • ….

Điều khoản về phân chia kết quả kinh doanh

Công thức tính kết quả kinh doanh: [Kết quả kinh doanh (Lợi nhuận sau thuế)]  = [Doanh thu ] – [Chi phí] – [Số thuế phải nộp]

Doanh thu: Doanh thu là tổng các khoản thu được của Dự án, có thể gồm:

  • Doanh thu từ bán hàng
  • Doanh thu từ cung cấp dịch vụ
  • Doanh thu từ lãi suất ngân hàng

Chi phí: Chi phí cho hoạt động kinh doanh bao gồm nhưng không giới hạn các chi phí sau:

  • Chi phí mua sắm máy móc, thiết bị
  • Tiền mua sản phẩm, dịch vụ
  • Lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của cán bộ, nhân viên
  • Chi phí điện, nước, internet, bảo vệ
  • Khấu hao tài sản
  • Lãi suất ngân hàng (nếu có)
  • Chi phí bảo dưỡng máy móc, thiết bị
  • Chi phí marketing, phát triển thương hiệu
  • Chi phí ngoại giao
  • Chi phí khác…

Thuế: Có thể gồm các loại thuế sau:

  • Lệ phí môn bài
  • Thuế VAT
  • Thuế sử dụng đất
  • ….

Thời điểm phân chia kết quả kinh doanh: Các bên phân chia kết quả kinh doanh khi bắt đầu có lãi.

Phân chia kết quả kinh doanh của các bên theo tỷ lệ %.

Phương thức chia kết quả kinh doanh: Lợi nhuận trừ đi trích quỹ dự phòng có thể được chia cho các bên theo tỷ lệ đã thỏa thuận

Các nghĩa vụ tài chính liên quan: Mỗi bên tự chịu trách nhiệm về thuế, phí phát sinh từ việc nhận phân chia lợi nhuận

Hợp đồng hợp tác kinh doanh khách sạn
Hợp đồng hợp tác kinh doanh khách sạn là cơ sở pháp lý quan trọng để các bên hợp tác thành công. – Ảnh nguồn Internet

Điều khoản về xử lý lỗ

Trong trường hợp các khoản chi phí lớn hơn doanh thu, các Bên sẽ thỏa thuận việc xử lý lỗ theo một trong các biện pháp sau:

  • Sử dụng nguồn quỹ dự phòng đã được trích lập để bù lỗ;
  • Ghi nhận lỗ sang các quý sau;
  • Đầu tư bổ sung
  • Thanh lý hợp đồng

Điều khoản về quyền và nghĩa vụ của các bên

Hợp đồng quy định quyền và nghĩa vụ của từng bên trong hợp đồng. Về cơ bản, các quyền và nghĩa vụ là:

  • Được hưởng hoa lợi, lợi tức thu được từ hoạt động kinh doanh khách sạn
  • Tham gia quyết định các vấn đề liên quan đến thực hiện hợp đồng hợp tác, giám sát hoạt động của khách sạn
  • Bồi thường thiệt hại cho các thành viên hợp tác khác do lỗi của mình gây ra.
  • Thực hiện quyền, nghĩa vụ khác theo hợp đồng.

Điều khoản về quyền sở hữu trí tuệ

Nếu quyền sở hữu trí tuệ là là tài sản góp vốn của một bên thì nó luôn là tài sản của bên đó.

Nếu quyền sở hữu trí tuệ có được trong quá trình hợp tác thì là tài sản chung của các bên. Khi thanh lý hợp đồng thì quyền sở hữu trí tuệ là tài sản chung có thể định giá và chia cho các bên theo tỷ lệ.

Điều khoản về thời hạn, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng

Hợp đồng có hiệu lực kể từ ngày đại diện có thẩm quyền của các bên ký kết.

Hợp đồng có hiệu lực trong vòng……….(..) kể từ ngày ký kết.

Mọi sửa đổi, bổ sung của Hợp đồng này được thể hiện trong các Phụ lục Hợp đồng.

Nếu bất kỳ một điều khoản nào của Hợp đồng này vi phạm bất kỳ quy định nào của pháp Luật hiện hành thì điều khoản đó sẽ trở nên vô hiệu. Tất cả các điều khoản còn lại của Hợp đồng này sẽ vẫn giữ nguyên hiệu lực trừ trường hợp những điều khoản vô hiệu ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu lực hợp đồng. Các Bên sẽ đàm phán trên tinh thần thiện chí để cùng nhất trí về các điều khoản thay thế.

Điều khoản về vi phạm hợp đồng

Hợp đồng quy định chế tài khi một trong các bên không thực hiện các nghĩa vụ cơ bản của hợp đồng như:

  • Góp vốn: Nếu thành viên chậm góp tiền thì phải có trách nhiệm trả lãi đối với phần tiền chậm trả theo quy định tại Điều 357 của Bộ luật dân sự và phải bồi thường thiệt hại. Nếu thành viên không góp vốn thì bị phạt vi phạm hợp đồng, bồi thường thiệt hại và mất tư cách thành viên hợp đồng hợp tác.
  • Vi phạm và để xẩy ra tranh chấp trong quá trình thực hiện dự án với bên thứ ba.

Lưu ý:

  • Trừ khi hợp đồng quy định khác, nếu có những sai phạm dẫn đến phải bồi thường thiệt hại cho bên thứ ba thì các bên phải cùng chịu trách nhiệm dân sự, bồi thường thiệt hại bằng tài sản góp vào Dự án, nếu không đủ thì bằng cả tài sản cá nhân đối với thành viên là cá nhân, bằng tài sản của pháp nhân nếu thành viên là pháp nhân.
  • Nếu là hợp đồng hợp tác trong lĩnh vực thương mại thì có thể quy định mức phạt vi phạm hợp đồng nhưng không quá 8% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm (theo Luật Thương mại 2005).

Điều khoản về chuyển nhượng hợp đồng

Các bên thỏa thuận trong quá trình thực hiện hợp đồng một bên có quyền chuyển nhượng hợp đồng cho bên thứ ba hay không ?

  • Khi chuyển nhượng hợp đồng cho bên thứ ba đồng nghĩa với việc các quyền và nghĩa vụ sẽ được chuyển giao cho bên thứ ba;
  • Xác định rõ phần vốn góp có được chuyển giao cho bên thứ ba không hay bên thứ ba sẽ thực hiện góp vốn phần vốn góp mới.

Điều khoản về chấm dứt hợp đồng

Hợp đồng quy định các trường hợp:

  • các bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng;
  • một bên đơn được phép phương chấm dứt hợp đồng trong trường hợp đáp ứng điều khoản đơn phương chấm dứt hợp đồng trong hợp đồng;
  • trong trường hợp một bên chấm dứt hợp đồng trái với các thỏa thuận mà gây thiệt hại cho bên còn lại thì phát sinh nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cũng như bị phạt vi phạm;

Điều khoản về thanh lý hợp đồng

Khi chấm dứt hợp đồng thì hai bên thực hiện việc thanh lý: Tài sản còn lại chia cho các bên theo tỷ lệ đóng góp hay theo thỏa thuận giữa các bên. Các bên lập Biên bản thanh lý hợp đồng làm căn cứ về việc chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên.

Lưu ý: Khi hết hạn hợp đồng, nếu hai bên mong muốn hợp tác ở mức độ chặt chẽ hơn thì có thể thỏa thuận thành lập doanh nghiệp sử dụng tài sản hình thành trong quá trình thực hiện hợp đồng hợp tác (căn cứ Khoản 2 Điều 29 Luật Đầu tư 2014).

Điều khoản về bảo mật

Hợp đồng có thể có các quy định sau:

  • nghĩa vụ bảo mật thông tin về hợp đồng và dự án hợp tác của các bên trong và sau thời gian thực hiện hợp đồng
  • các trường hợp đặc biệt mà các bên không phải thực hiện nghĩa vụ bảo mật
  • bồi thường thiệt hại khi vi phạm quy định bảo mật.

Điều khoản về các trường hợp bất khả kháng

Hợp đồng có thể có các quy định sau:

  • Thông báo cho nhau về trường hợp bất khả kháng và cung cấp bằng chứng
  • Khắc phục tình huống bất khả kháng
  • Chấm dứt hợp đồng khi không thể khắc phục tình huống bất khả kháng

Điều khoản về giải quyết tranh chấp, kiện tụng

  • Trường hợp có tranh chấp giữa các bên thì các bên phải cùng nhau thương lượng, bàn bạc giải quyết trên tinh thần hợp tác hữu nghị và tôn trọng quyền lợi chính đáng của nhau.
  • Các bên có thể thỏa thuận xử lý vụ việc theo tố tụng trọng tài hoặc khởi kiện ở tòa án có thẩm quyền. Hợp đồng cần quy định luật áp dụng để giải quyết tranh chấp – điều này là cực kỳ quan trọng đối với trường hợp một trong các bên có quốc tịch nước ngoài. Trên thực tế, do sai lầm liên quan tới điều khoản này mà một bên không thể khởi kiện bên kia do vi phạm hợp đồng.

Điều khoản chung

Hợp đồng quy định các vấn đề sau :

  • Ngày có hiệu lực của hợp đồng
  • Cam kết của các bên
  • Ngôn ngữ của hợp đồng

4. Dịch vụ tư vấn, soạn thảo hợp đồng hợp tác kinh doanh khách sạn

Luật Thái An chuyên tư vấn, soạn thảo, rà soát các loại hợp đồng, trong đó có hợp đồng hợp tác kinh doanh khách sạn. Để tìm hiểu về dịch vụ, bạn vui lòng tham khảo các bài viết sau :

Nếu bạn cần dịch vụ, hãy gọi tới Tổng đài tư vấn pháp luật, để lại tin nhắn hoặc gửi thư tới contact@luatthaian.vn.

CÔNG TY LUẬT THÁI AN
Đối tác pháp lý tin cậy

Đàm Thị Lộc

HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG 

Bề dày 16+ năm kinh nghiệm Tư vấn pháp luật và Giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại, đầu tư, dân sự, hình sự, đất đai, lao động, hôn nhân và gia đình... Công ty Luật Thái An cam kết cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp, bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của Khách hàng.

  • Để được Giải đáp pháp luật nhanh - Hãy gọi Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 633 725
  • Để được Tư vấn luật bằng văn bản – Hãy điền Form gửi yêu cầu (phí tư vấn từ 3.000.000 đ)
  • Để được Cung cấp Dịch vụ pháp lý trọn gói – Hãy điền Form gửi yêu cầu (Phí dịch vụ tuỳ thuộc tính chất vụ việc)






    1900633725
    Yêu cầu dịch vụ

    Gọi điện cho luật sư
    Gọi cho luật sư

    Tư vấn văn bản
    Tư vấn văn bản

    Dịch vụ trọn gói
    Dịch vụ trọn gói