Thành lập trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông liên cấp
Trong bối cảnh giáo dục ngày càng phát triển và nhu cầu nâng cao chất lượng học tập ngày càng tăng, việc thành lập các trường học mới trở nên vô cùng cần thiết. Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh mà còn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục địa phương. Dưới đây, Công ty Luật Thái An sẽ hướng dẫn chi tiết quy trình thành lập trường trung học cơ sở (THCS), trường trung học phổ thông (THPT) và trường phổ thông liên cấp, giúp các nhà đầu tư và quản lý giáo dục có cái nhìn tổng quan và chuẩn bị tốt nhất cho công việc này.
1. Cơ sở pháp lý điều chỉnh việc thành lập trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông liên cấp
Cơ sở pháp lý điều chỉnh việc thành lập trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông liên cấp là các văn bản pháp luật sau đây:
- Luật Doanh nghiệp 2020;
- Luật Đầu tư 2020;
- Nghị định số 46/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục
- Nghị định 135/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 46/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục
-
Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT về Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
2. Ngành nghề giáo dục trung học và liên cấp
Giáo dục trung học gồm trung học cơ sở và trung học phổ thông, cụ thể như sau:
a. Trung học cơ sở:
Giáo dục trung học cơ sở gồm:
- Hoạt động giáo dục trong các trường trung học cơ sở, thời gian học 4 năm (gồm các lớp từ 6 đến 9, nhận học sinh tốt nghiệp tiểu học vào lớp 6);
- Hoạt động giáo dục trong các trường năng khiếu) ca, múa, nhạc, ngoại ngữ, thể thao…) và hoạt động giáo dục trong các trường lớp đặc biệt dành cho những học sinh khuyết tật có chương trình tương đương cấp trung học cơ sở;
- Hoạt động giáo dục trong các trường thanh niên vừa học, vừa làm, thanh niên dân tộc vùng cao…có chương trình tương đương cấp trung học cơ sở;
- Giáo dục trung học cơ sở phải củng cố, phát triển những nội dung đã học ở tiểu học, đảm bảo cho học sinh có những hiểu biết cơ bản về tiếng việt, toán, lịch sử dân tộc, kiến thức khác về khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, pháp luật, tin học, ngoại ngữ; có những hiểu biết cần thiết tối thiểu về kỹ thuật và hướng nghiệp để tiếp tục học trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp, học nghề hoặc đi vào cuộc sống lao động.
b. Trung học phổ thông:
Giáo dục trung học phổ thông gồm:
- Giáo dục trung học phổ thông được thực hiện trong 3 năm học (từ lớp 10 đến lớp 12, nhận học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học lớp 10);
- Giáo dục trung học phổ thông nhằm giúp học sinh củng cố và phát triển những kết quả của giáo dục trung học cơ sở, hoàn thiện học vấn phổ thông và những hiểu biết thông thường về kỹ thuật và hướng nghiệp để tiếp tục học đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, học nghề hoặc đi vào cuộc sống lao động;
- Hoạt động giáo dục trong các trường năng khiếu) ca, múa, nhạc, ngoại ngữ, thể thao..) và hoạt động giáo dục trong các trường lớp đặc biệt dành cho những học sinh khuyết tật có chương trình tương đương cấp trung học phổ thông;
- Hoạt động giáo dục trong các trường thanh niên vừa học, vừa làm, thanh niên dân tộc vùng cao…có chương trình tương đương cấp trung học phổ thông.
Trường phổ thông liên cấp là trường có nhiều cấp học gồm tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.
3. Điều kiện thành lập trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông liên cấp?
Kinh doanh giáo dục là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Theo quy định tại Điều 25 Nghị định 46/2017/NĐ-CP, điều kiện thành lập trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông liên cấp như sau:
“Điều 25: Điều kiện thành lập trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học (sau đây gọi chung là trường Trung học) công lập; cho phép thành lập trường trung học tư thục:
1. Có đề án thành lập trường phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục của địa phương đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
2. Đề án thành lập trường xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình và nội dung giáo dục; đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm dự kiến xây dựng trường; tổ chức bộ máy; nguồn lực và tài chính; phương hướng chiến lược xây dựng và phát triển nhà trường.”
4. Thủ tục thành lập trường trung học công lập; cho phép thành lập trường trung học tư thục
4.1. Thẩm quyền thành lập trường trung học công lập; cho phép thành lập trường trung học tư thục
Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập đối với trường trung học cơ sở và trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học cơ sở (sau đây gọi chung là trường trung học cơ sở);
Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là UBND cấp tỉnh) quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập đối với trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học phổ thông (sau đây gọi chung là trường trung học phổ thông).
4.2. Hồ sơ thành lập trường trung học công lập; cho phép thành lập trường trung học tư thục
Theo khoản 2 Điều 26 Nghị định 46/2017/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 135/2018/NĐ-CP quy định hồ sơ gồm:
- Tờ trình về việc thành lập trường;
- Đề án thành lập trường;
- Sơ yếu lý lịch kèm theo bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu văn bằng, chứng chỉ hợp lệ của người dự kiến làm hiệu trưởng;
4.3. Trình tự thực hiện:
Bước 1:
UBND cấp xã đối với trường trung học cơ sở; UBND cấp huyện đối với trường trung học phổ thông; tổ chức hoặc cá nhân đối với các trường trung học tư thục gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện 01 bộ hồ sơ như trên đến Phòng Giáo dục và Đào tạo đối với trường trung học cơ sở, Sở Giáo dục và Đào tạo đối với trường trung học phổ thông;
Bước 2: Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp nhận hồ sơ.
Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, nếu đủ điều kiện, cơ quan tiếp nhận hồ sơ chủ trì, phối hợp với các phòng chuyên môn có liên quan thẩm định hồ sơ và thẩm định thực tế điều kiện thành lập trường trung học:
- Nếu đủ điều kiện thì có ý kiến bằng văn bản và gửi hồ sơ đề nghị thành lập hoặc cho phép thành lập trường đến người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 26 Nghị định 46/2017/NĐ-CP;
- Nếu chưa đủ điều kiện thì có văn bản thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc tổ chức, cá nhân đề nghị thành lập trường nêu rõ lý do
Bước 3: Kết quả
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, người có thẩm quyền quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập trường; nếu chưa quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập trường thì có văn bản thông báo cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ và tổ chức, cá nhân đề nghị thành lập trường nêu rõ lý do.
Lưu ý: Sau thời hạn 02 năm, kể từ ngày quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập có hiệu lực, nếu trường trung học không được cho phép hoạt động giáo dục thì Phòng Giáo dục và Đào tạo hoặc Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo người có thẩm quyền quyết định hủy bỏ quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập trường.
5. Điều kiện để được phép hoạt động giáo dục?
Trường trung học phổ thông nhiều cấp học được phép hoạt động giáo dục phải đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 27 Nghị định 46/2017/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 15 Điều 1 Nghị định 135/2018/NĐ-CP)
Sau khi có quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông liên cấp, để trường được phép hoạt động giáo dục thì phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
5.1. Đáp ứng điều kiện vật chất:
Trường phải có đủ diện tích đất đai để xây dựng các cơ sở vật chất cần thiết đáp ứng yêu cầu hoạt động giáo dục. Cơ sở vật chất gồm:
- Phòng học được xây dựng theo tiêu chuẩn, đủ bàn ghế phù hợp với tầm vóc học sinh, có bàn ghế của giáo viên, có bảng viết và đủ điều kiện về ánh sáng, thoáng mát và bảo đảm học nhiều nhất là hai ca trong một ngày;
- Phòng học bộ môn: Thực hiện theo quy định về quy chuẩn phòng học bộ môn do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành;
- Khối phục vụ học tập gồm nhà tập đa năng, thư viện, phòng hoạt động Đoàn – Đội, phòng truyền thống;
- Khối hành chính – quản trị gồm: Phòng làm việc của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, văn phòng, phòng họp toàn thể cán bộ, giáo viên và nhân viên nhà trường, phòng các tổ chuyên môn, phòng y tế trường học, nhà kho, phòng thường trực, phòng của các tổ chức Đảng, đoàn thể;
- Khu sân chơi, bãi tập: Có diện tích ít nhất bằng 25% tổng diện tích sử dụng của trường, có đủ thiết bị luyện tập thể dục, thể thao và bảo đảm an toàn;
- Khu để xe: Bố trí hợp lý trong khuôn viên trường, bảo đảm an toàn, trật tự, vệ sinh;
- Có hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin kết nối Internet đáp ứng yêu cầu quản lý và dạy học.
5.2. Địa điểm bảo đảm an toàn:
- Môi trường của trường phải đảm bảo an toàn cho tất cả các thành viên bao gồm học sinh, giáo viên, nhân viên và cán bộ.
- Trường phải có các biện pháp bảo vệ để đảm bảo an ninh và tránh nguy cơ tai nạn.
- Trường học là một khu riêng, có tường bao quanh, có cổng trường và biển tên trường.
5.3. Chương trình giáo dục:
Trường phải có chương trình giáo dục phù hợp với từng cấp học và đáp ứng các yêu cầu giáo dục của quốc gia. Tài liệu giảng dạy và học tập cũng cần được chuẩn bị và cập nhật định kỳ để đảm bảo chất lượng giảng dạy.
5.4. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý:
Cần có đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đủ đạt tiêu chuẩn về phẩm chất và trình độ chuyên môn.
Số lượng nhà giáo cũng cần được điều chỉnh phù hợp với cơ cấu và nhu cầu thực tế của trường.
5.5. Nguồn lực tài chính:
Trường phải có nguồn lực tài chính đủ để duy trì và phát triển các hoạt động giáo dục. Nguồn lực này cần được quản lý một cách hiệu quả và minh bạch.
5.6. Quy chế tổ chức và hoạt động:
Cuối cùng, trường cần có quy chế tổ chức và hoạt động rõ ràng và minh bạch để điều hành các hoạt động hàng ngày một cách có trật tự và hiệu quả. Để thực hiện các bước này, trường cần tuân thủ một loạt các thủ tục và quy định được quy định tại pháp luật, bao gồm cả quy trình thành lập và quy trình hoạt động giáo dục.
6. Thủ tục để trường trung học hoạt động giáo dục
6.1. Thẩm quyền:
- Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quyết định cho phép hoạt động giáo dục đối với trường trung học cơ sở;
- Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định cho phép hoạt động giáo dục đối với trường trung học phổ thông.
6.2. Thành phần hồ sơ xin cấp phép hoạt động giáo dục:
- Tờ trình đề nghị cho phép trường trung học hoạt động giáo dục.
- Bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu quyết định thành lập hoặc quyết định cho phép thành lập trường;
Nơi nộp hồ sơ: Đại diện của tổ chức gửi hồ sơ trực tiếp hoặc qua bưu điện đối với:
- Trường trung học cơ sở: Phòng Giáo dục và Đào tạo.
- Trường trung học phổ thông: Sở Giáo dục và Đào tạo.
6.3. Thời hạn giải quyết:
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, nếu hồ sơ chưa đúng quy định thì Cơ quan nhận hồ sơ phải thông báo bằng văn bản những nội dung cần chỉnh sửa, bổ sung cho trường.
- Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, người có thẩm quyền tổ chức thẩm định hồ sơ và thẩm định thực tế điều kiện hoạt động giáo dục của trường trung học, nếu đủ điều kiện thì ra quyết định cho phép hoạt động giáo dục.
7. Giấy phép cần thiết khác đối với cơ sở giáo dục: Giấy phép phòng cháy chữa cháy:
Trường phổ thông có khối tích từ 5.000 m3 trở lên thuộc diện phải xin thẩm duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy, theo quy định của Luật phòng cháy chữa cháy. Điều này có nghĩa là khi xây dựng nhà trường, bản thiết kế phải đảm bảo an toàn cháy nổ và phải được cơ quan phòng cháy chữa cháy phê duyệt. Khi hoàn thành xây dựng thì công trình phải được cơ quan PCCC nghiệm thu thì mới được đi vào hoạt động.
Nếu nhà trường có khối tích nhỏ hơn 5.000 m3 thì phải có được biên bản đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy do công an PCCC cấp.
8. Các vấn đề liên quan tới kế toán, tài chính đối với trường trung học hoặc trường liên cấp
8.1 Lập hồ sơ khai thuế ban đầu
Khi nhận được Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp thực hiện đăng ký hồ sơ khai thuế ban đầu tại Chi cục thuế quận/huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ trở chính, đồng thời làm thủ tục đặt in và phát hành hóa đơn.
8.2 Các loại thuế và phí cơ bản phải nộp
Doanh nghiệp phải nộp các loại thuế sau:
- Lệ phí môn bài:
- Doanh nghiệp có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng: 3.000.000 (ba triệu) đồng/năm;
- Doanh nghiệp có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống: 2.000.000 (hai triệu) đồng/năm;
- Thuế VAT: Dịch vụ dậy học không thuộc đối tượng chịu thuế VAT.
- Thuế thu nhập doanh nghiệp: Giáo dục là ngành nghề ưu đãi đầu tư và được hưởng thuế suất TNDN là 10% trong suốt thời gian hoạt động (theo điểm a khoản 2 Điều 13 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp 2008, được sửa đổi bổ sung bởi Luật thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi năm 2013). Lưu ý, nếu trong ba năm đầu doanh nghiệp chưa phát sinh doanh thu thì không phải chịu thuế.
- Thuế thu nhập cá nhân của nhân viên doanh nghiệp theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân
- Thuế xuất nhập khẩu: Áp dụng nếu doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế xuất nhập khẩu.
- Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp: Giáo dục là ngành nghề ưu đãi đầu tư và được giảm 50% thuế sử dụng đất phi nông nghiệp theo quy định tại Khoản 1 Điều 10 Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (Căn cứ khoản 2 Điều 6 Thông tư 83/2016/TT-BTC hướng dẫn thực hiện ưu đãi đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư và Nghị định số 118/2015/NĐ-CP)
XEM THÊM:
- Chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan - 31/10/2022
- Đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai - 19/03/2022
- Cẩn trọng khi ký hợp đồng vay? - 31/10/2021