Dịch vụ chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh là một phần thiết yếu trong đời sống ngày nay. Khi điều kiện vật chất được cải thiện, nhu cầu trong lĩnh vực này càng gia tăng. Đáp ứng với nhu cầu ngày càng tăng cao này, nhiều nhà đầu tư trong nước cũng như quốc tế tham gia vào việc thành lập các phòng khám đa khoa. Bài viết này chúng tôi sẽ nêu rõ các điều kiện và các bước để thành lập phòng khám đa khoa vốn Việt Nam hoặc vốn nước ngoài.
1. Căn cứ pháp lý điều chỉnh các quy định liên quan đến thành lập phòng khám đa khoa
Cơ sở pháp lý điều chỉnh thành lập phòng khám đa khoa là các văn bản pháp lý sau đây:
Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023.
Nghị định 96/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh;
Thông tư 32/2023/TT-BYT của Bộ y tế quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh;
Thông tư 59/2023/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực y tế.
Các Hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương mà Việt Nam tham gia (FTAs);
2. Phòng khám đa khoa là gì?
Phòng khám nha khoa là một trong những hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (theo khoản 2 Điều 39 Nghị định 96/2023/NĐ-CP).
Tại đây cung cấp dịch vụ khám, chẩn đoán và điều trị cho nhiều loại bệnh lý khác nhau thuộc nhiều chuyên ngành y học. Khác với các phòng khám chuyên khoa tập trung vào một lĩnh vực cụ thể (như nội tim mạch, nhi khoa, phụ sản, v.v.). Phòng khám đa khoa có khả năng phục vụ nhu cầu y tế đa dạng của bệnh nhân, từ những vấn đề sức khỏe thông thường đến các tình trạng yêu cầu sự can thiệp chuyên môn hơn.
3. Điều kiện thành lập phòng khám đa khoa
Kinh doanh dịch vụ khám chữa bệnh là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Để thành lập phòng khám đa khoa, phòng khám đa khoa phải được cấp giấy phép hoạt động. Giấy phép hoạt động của phòng khám đa khoa chỉ được cấp khi phòng khám đó đáp ứng đủ các điều kiện sau đây được quy định tại Nghị định 96/2023/NĐ-CP:
Cụ thể, ngoài việc đáp ứng các điều kiện chung theo quy định tại Điều 40 Nghị định 96/2023/NĐ-CP, thành lập phòng khám đa khoa phải đáp ứng thêm các điều kiện sau đây:
a. Về quy mô phòng khám đa khoa
Có từ ba chuyên khoa trở lên trong đó có tối thiểu hai trong bốn chuyên khoa nội, ngoại, sản, nhi; có bộ phận cận lâm sàng (xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh); có phòng cấp cứu, phòng tiểu phẫu (nếu thực hiện tiểu phẫu), phòng lưu người bệnh;
Trường hợp phòng khám đa khoa đáp ứng đủ điều kiện tương ứng với các hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác thì được bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn tương ứng với hình thức tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó.
b. Cơ sở vật chất phòng khám đa khoa:
Các phòng khám trong phòng khám đa khoa phải đáp ứng các yêu cầu diện tích như sau:
Phòng cấp cứu có diện tích tối thiểu 12 m2;
Phòng lưu người bệnh có diện tích tối thiểu 15 m2; có tối thiểu từ 02 giường lưu trở lên, nếu có từ 03 giường lưu trở lên thì diện tích phải bảo đảm tối thiểu 05 m2 trên một giường bệnh;
Các phòng khám chuyên khoa có diện tích tối thiểu 10 m2;
Trường hợp có thực hiện các kỹ thuật, thủ thuật thì ngoài phòng khám chuyên khoa phải có thêm phòng để thực hiện kỹ thuật, thủ thuật có diện tích tối thiểu 10 m2; nếu có thực hiện kỹ thuật vận động trị liệu thì phòng để thực hiện kỹ thuật, thủ thuật phải có diện tích tối thiểu 20 m2.
Có khu vực tiệt khuẩn để xử lý dụng cụ y tế sử dụng lại, trừ trường hợp không có dụng cụ phải tiệt khuẩn lại hoặc có hợp đồng với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác để tiệt khuẩn dụng cụ.
Trường hợp thực hiện chế biến, bào chế thuốc cổ truyền thì phải đáp ứng tiêu chuẩn chế biến, bào chế thuốc cổ truyền theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
c. Về thiết bị y tế phòng khám đa khoa:
Có thiết bị y tế phù hợp với danh mục chuyên môn kỹ thuật và phạm vi hoạt động đăng ký.
Có hộp cấp cứu phản vệ và đủ thuốc cấp cứu chuyên khoa phù hợp với các chuyên khoa thuộc phạm vi hoạt động chuyên môn của phòng khám.
d. Về nhân sự phòng khám đa khoa:
Có đủ người hành nghề theo quy mô, danh mục kỹ thuật và đạt tỷ lệ người hành nghề theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế (bao gồm cả người hành nghề đã được cơ quan cấp phép thuộc lực lượng vũ trang nhân dân cấp giấy phép hành nghề nhưng không tiếp tục làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân và vẫn tiếp tục sử dụng giấy phép hành nghề đã được cấp);
Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật phải là người hành nghề toàn thời gian của cơ sở và có phạm vi hành nghề phù hợp phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở, có thời gian hành nghề ở phạm vi đó tối thiểu 36 tháng, trừ trường hợp người hành nghề có chức danh là lương y, người có bài thuốc gia truyền, người có phương pháp chữa bệnh gia truyền.
Người phụ trách bộ phận chuyên môn, đơn vị chuyên môn của cơ sở phải có giấy phép hành nghề phù hợp với chuyên khoa đó và phải là người hành nghề toàn thời gian tại cơ sở;
Người hành nghề phải được phân công công việc đúng phạm vi hành nghề được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
4. Thủ tục thành lập phòng khám đa khoa
Bước 1: Xin giấy phép kinh doanh
Tùy vào việc thành lập phòng khám đa khoa là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước, hộ kinh doanh hay doanh nghiệp Việt Nam mà bước đầu tiên này sẽ khác nhau, và sẽ được thực hiện trước khi thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép hoạt động đối với phòng khám đa khoa.
Bước 2: Thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép hoạt động đối với phòng khám đa khoa
a) Nộp hồ sơ
Phòng khám đa khoa gửi hồ sơ xin cấp giấy phép hoạt động về Bộ Y tế đối với phòng khám đa khoa thuộc thẩm quyền quản lý hoặc về Sở Y tế đối với phòng khám trên địa bàn tỉnh quản lý.
Theo Điều 60 của Nghị định 96/2023/NĐ-CP, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động của phòng khám đa khoa được lập thành 01 bộ và bao gồm:
Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động;
Bản sao hợp lệ quyết định thành lập hoặc văn bản có tên của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân hoặc giấy chứng nhận đầu tư đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có vốn đầu tư nước ngoài;
Bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; người phụ trách bộ phận chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
Bản sao hợp lệ giấy phép hành nghề và giấy xác nhận quá trình hành nghề của người phụ trách bộ phận chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
Bản kê khai cơ sở vật chất, thiết bị y tế, tổ chức và nhân sự của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
Bản kê khai cơ sở vật chất, danh mục thiết bị y tế, danh sách nhân sự đáp ứng điều kiện cấp giấy phép hoạt động và các giấy tờ chứng minh, xác nhận các kê khai đó;
Danh sách ghi rõ họ tên, số giấy phép hành nghề của từng người hành nghề đăng ký hành nghề tại cơ sở;
Danh mục chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đề xuất trên cơ sở danh mục chuyên môn kỹ thuật do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.
b) Giải quyết hồ sơ
Trường hợp không có yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ:
Cơ quan cấp giấy phép hoạt động tổ chức thẩm định điều kiện hoạt động và danh mục kỹ thuật thực hiện tại cơ sở đề nghị và lập biên bản thẩm định trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày ghi trên phiếu tiếp nhận hồ sơ;
Trường hợp không có yêu cầu sửa đổi, bổ sung phải cấp mới giấy phép hoạt động và ban hành quyết định phê duyệt danh mục kỹ thuật thực hiện tại cơ sở trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành biên bản thẩm định;
Trường hợp có yêu cầu sửa đổi, bổ sung phải nêu rõ trong nội dung của biên bản thẩm định.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản thông báo và tài liệu chứng minh đã hoàn thành việc khắc phục, sửa chữa của cơ sở đề nghị, cơ quan cấp giấy phép hoạt động có thể tiến hành kiểm tra thực tế việc khắc phục, sửa chữa của cơ sở đề nghị trong trường hợp cần thiết hoặc thực hiện việc cấp giấy phép hoạt động.
Trường hợp không cấp giấy phép hoạt động phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Trường hợp có yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ:
Cơ quan cấp giấy phép hoạt động phải có văn bản gửi cơ sở đề nghị, trong đó phải nêu cụ thể các tài liệu, nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ghi trên phiếu tiếp nhận hồ sơ.
Sau khi sửa đổi, bổ sung hồ sơ, cơ sở đề nghị gửi văn bản thông báo và tài liệu chứng minh đã hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung.
Sau khi nhận hồ sơ sửa đổi, bổ sung, cơ quan cấp giấy phép hoạt động có trách nhiệm thực hiện trình tự theo quy định đối với trường hợp không còn có yêu cầu sửa đổi, bổ sung và đối với trường hợp cơ sở đã sửa đổi, bổ sung nhưng chưa đáp ứng yêu cầu.
c) Cấp Giấy phép hoạt động cho phòng khám đa khoa và quản lý giấy phép hoạt động
Mỗi phòng khám đa khoa chỉ được cấp 01 giấy phép hoạt động. Bản sao hợp lệ giấy phép hoạt động và hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động được lưu tại cơ quan cấp giấy phép hoạt động.
Giấy phép hoạt động được lập thành 02 bản: 01 bản cấp cho cơ sở đề nghị và 01 bản lưu tại cơ quan cấp giấy phép hoạt động trừ trường hợp đã trả kết quả trên môi trường điện tử.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày cấp giấy phép hoạt động, cơ quan cấp giấy phép hoạt động công bố trên cổng thông tin điện tử của mình và trên Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh các thông tin sau: tên, địa chỉ cơ sở được cấp giấy phép hoạt động; họ, tên và số giấy phép hành nghề người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật; số giấy phép hoạt động; phạm vi hoạt động chuyên môn và thời gian hoạt động chuyên môn.
5. Đầu tư nước ngoài để thành lập phòng khám đa khoa vốn nước ngoài
a. Các hình thức đầu tư nước ngoài để thành lập phòng khám đa khoa vốn nước ngoài
b. Điều kiện kinh doanh dịch vụ khám chữa bệnh đối với phòng khám đa khoa vốn đầu tư nước ngoài
Trong khuôn khổ WTO và các hiệp định thương mại tự do thì Việt Nam cam kết không hạn chế đầu tư nước ngoài, ngoại trừ mức vốn đầu tư tối thiểu là 2 triệu USD đối với bệnh xá đa khoa. Như vậy nếu nhà đầu tư có quốc tịch là các nước thành viên WTO thì phải đảm bảo vốn tối thiểu là 2 triệu USD.
Trong khuôn khổ Hiệp định hợp tác đầu tư toàn diện ASEAN thì không hạn chế đối với các dịch vụ y tế tổng hợp (CPC 93121), các dịch vụ y tế chuyên ngành (CPC 93122), các dịch vụ nha khoa (CPC 93123). Như vậy nếu nhà đầu tư có quốc tịch là các nước thành viên ASEAN thì có thể đầu tư thành lập phòng khám đa khoa mà không bị hạn chế.
c. Các bước thực hiện đầu tư thành lập phòng khám đa khoa vốn nước ngoài
Nếu thành lập tổ chức kinh tế mới với vốn nước ngoài chiếm từ 51% trở lên thì phải qua các bước như sau:
Bước 1: Xin Chủ trương đầu tư việc thành lập phòng khám đa khoa vốn nước ngoài
Nếu dự án được Nhà nước giao đất và/hoặc phải chuyển mục đích sử dụng đất thì phải xin Chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh. Nếu không thuộc diện các dự án phải xin chủ trương đầu tư thì chỉ cần xin Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, xem thêm:
Bước 2: Xin Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư việc thành lập phòng khám đa khoavốn nước ngoài
Về thẩm quyền cấp: Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đầu tư được quy định như sau:
Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi nhà đầu tư đặt hoặc dự kiến đặt trụ sở chính hoặc văn phòng điều hành để thực hiện dự án đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư sau đây:
Dự án đầu tư thực hiện trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Dự án đầu tư thực hiện ở trong và ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế.
Về hồ sơ xin cấp: Hồ sơ thành lập công ty 100% vốn nước ngoài gồm các giấy tờ sau:
Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư; Đề xuất dự án đầu tư
Báo cáo tài chính được kiểm toán 02 năm gần nhất của nhà đầu tư hoặc sao kê tài khoản ngân hàng cho thấy nhà đầu tư đã có đủ hoặc nhiều hơn số vốn điều lệ
Quyết định đầu tư vào Việt Nam
Thư bổ nhiệm người đại diện quản lý vốn
Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/doanh nghiệp hoặc mã số doanh nghiệp hoặc số
Giấy phép đầu tư/Giấy chứng nhận đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc tài liệu khác có giá trị pháp lý tương đương
Điều lệ công ty
Bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đối với Người đại diện quản lý vốn NĐT
Đề xuất nhu cầu sử dụng đất. Trường hợp dự án không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp bản sao thỏa thuận thuê địa điểm hoặc tài liệu khác xác nhận nhà đầu tư có quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư.
Các giấy phép khác liên quan tới địa điểm (nếu có)
Hồ sơ thành lập công ty liên doanh cần có thêm các giấy tờ về bên Việt Nam tham gia liên doanh, hợp đồng liên doanh.
Về thời gian: Thời gian xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là khoảng 15 ngày là việc
Bước 3: Xin Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty phòng khám đa khoa vốn nước ngoài
Sau khi có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, bước tiếp theo là xin Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp để thành lập công ty thực hiện dự án đầu tư đã được cấp phép, quá trình này sẽ tương tự như đối với một công ty Việt Nam.
Bước 4: Xin giấy phép con
Sau khi đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục đề nghị cấp phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Quá trình này sẽ tương tự như đối với một công ty Việt Nam.
Nếu là cơ sở khám chữa bệnh, tập trung đông người thì phải đảm bảo an toàn cháy nổ, và phải xin Giấy phép phòng cháy chữa cháy theo quy định của Luật Phòng cháy chữa cháy.
6. Sự cần thiết sử dụng dịch vụ Luật sư tư vấn thành lậpphòng khám đa khoa
Sự cần thiết của việc sử dụng dịch vụ luật sư tư vấn trong quá trình thành lập phòng khám đa khoa là không thể phủ nhận. Trong một thế giới ngày càng phức tạp về mặt pháp lý, việc đảm bảo mọi hoạt động kinh doanh tuân thủ luật pháp là một yếu tố quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Luật sư chuyên nghiệp sẽ có kiến thức sâu rộng và cập nhật về các quy định pháp lý liên quan đến lĩnh vực y tế, bao gồm việc thành lập và vận hành cơ sở y tế, quy định về trang thiết bị, cấp phép hoạt động, bảo vệ thông tin bệnh nhân, và quyền lợi của bệnh nhân. Họ có thể giải đáp mọi thắc mắc pháp lý và đề xuất các giải pháp phù hợp nhất..
Quá trình đăng ký và xin cấp phép cho phòng khám đa khoa có thể phức tạp và tốn thời gian. Một luật sư có kinh nghiệm sẽ giúp đơn giản hóa quá trình này, đảm bảo rằng tất cả các giấy tờ được chuẩn bị một cách chính xác và đầy đủ, giúp tránh bất kỳ sự chậm trễ nào có thể xảy ra do thiếu sót hồ sơ.
Luật sư tư vấn giúp tối ưu hóa quy trình đăng ký kinh doanh, soạn thảo và kiểm tra các hợp đồng kinh tế, lao động sao cho phù hợp với quy định của pháp luật.
Trong trường hợp xảy ra tranh chấp hoặc khi cần giải quyết các vấn đề pháp lý phức tạp, luật sư sẽ đại diện cho phòng khám trước pháp luật, đảm bảo quyền lợi của bạn được bảo vệ một cách tốt nhất..
Tóm lại, Thành lập phòng khám đa khoa tại Việt Nam là một quá trình đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng, từ việc lập kế hoạch, tuân thủ pháp lý, chọn lựa nguồn vốn, đến quản lý và vận hành. Mỗi bước trong quá trình này đều ảnh hưởng đến sự thành công của phòng khám trong tương lai. Do đó, việc cân nhắc kỹ lưỡng, lên kế hoạch chi tiết và chu đáo sẽ giúp giảm thiểu rủi ro và đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của phòng khám.
Luật sư Đàm Thị Lộc: • Thành viên Đoàn Luật sư TP. Hà Nội và Liên đoàn Luật sư Việt Nam • Cử nhân luật Đại học Luật Hà Nội • Lĩnh vực hành nghề chính: * Tư vấn pháp luật: Doanh nghiệp, Đầu tư, Xây dựng, Thương mại, Lao động, Dân sự, Hình sự, Đất đai, Hôn nhân và gia đình * Tố tụng và giải quyết tranh chấp: Kinh doanh thương mại, Đầu tư, Xây dựng, Lao động, Bảo hiểm, Dân sự, Hình sự, Hành chính, Đất đai, Hôn nhân và gia đình
ĐOÀN LUẬT SƯ TP HÀ NỘI - CÔNG TY LUẬT THÁI AN BỀ DẦY TRÊN 15 NĂM KINH NHIỆM TƯ VẤN LUẬT UY TÍN VÀ CHẤT LƯỢNG TẠI VIỆT NAM
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Bề dày 16+ năm kinh nghiệm Tư vấn pháp luật và Giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại, đầu tư, dân sự, hình sự, đất đai, lao động, hôn nhân và gia đình... Công ty Luật Thái An cam kết cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp, bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của Khách hàng.
Để được Giải đáp pháp luật nhanh - Hãy gọi Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 633 725
Để được Tư vấn luật bằng văn bản – Hãy điền Form gửi yêu cầu (phí tư vấn từ 3.000.000 đ)
Để đượcCung cấp Dịch vụ pháp lý trọn gói – Hãy điền Form gửi yêu cầu (Phí dịch vụ tuỳ thuộc tính chất vụ việc)