Thành lập công ty dịch vụ viễn thông như thế nào ?
Trong thời đại công nghệ số ngày nay, dịch vụ viễn thông đã trở nên không thể thiếu trong đời sống hàng ngày cũng như trong hoạt động kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp. Ở Việt Nam, với tốc độ phát triển nhanh chóng của thị trường công nghệ thông tin và viễn thông, đang mở ra cơ hội lớn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Cùng tìm hiểu các vấn đề pháp lý liên quan đến việc thành lập công ty dịch vụ viễn thông qua bài viết dưới đây của Công ty Luật Thái An.
1. Cơ sở pháp lý khi thành lập công ty dịch vụ viễn thông:
Cơ sở pháp lý khi thành lập công ty dịch vụ viễn thông là các văn bản sau đây:
- Luật Doanh nghiệp 2020;
- Luật Đầu tư 2020;
- Luật viễn thông năm 2009 (sẽ hết hiệu lực vào 01/7/2024)
- Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp
- Nghị định 25/2011/NĐ-CP hướng dẫn Luật Viễn thông
- Nghị định 81/2016/NÐ-CP sửa đổi Nghị định 25/2011/NĐ-CP hướng dẫn Luật viễn thông liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh dịch vụ viễn thông;
- Quyết định 10/2007/QĐ-TTg ban hành hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam;
- Biểu cam kết của Việt Nam trong WTO;
- Các Hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương mà Việt Nam tham gia (FTAs);
2. Công ty dịch vụ viễn thông là gì?
Theo khoản 7 Điều 3 Luật Viễn thông nă 2009 thì Dịch vụ viễn thông là dịch vụ gửi, truyền, nhận và xử lý thông tin giữa hai hoặc một nhóm người sử dụng dịch vụ viễn thông, bao gồm dịch vụ cơ bản và dịch vụ giá trị gia tăng.
Theo đó, Công ty dịch vụ viễn thông là doanh nghiệp cung cấp các loại dịch vụ liên quan đến việc gửi, truyền dẫn thông tin qua khoảng cách lớn bằng các phương tiện điện tử. Dịch vụ này có thể bao gồm truyền dẫn giọng nói, dữ liệu, văn bản, hình ảnh, và video qua các mạng viễn thông. Các công ty viễn thông thường cung cấp một loạt các dịch vụ khác nhau, bao gồm nhưng không giới hạn ở:
- Dịch vụ điện thoại cố định và di động: Cung cấp kết nối giữa các thiết bị di động và cố định thông qua mạng viễn thông.
- Internet: Cung cấp kết nối internet với tốc độ và chất lượng khác nhau cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng cá nhân.
- Truyền hình cáp và vệ tinh: Phân phối nội dung truyền hình qua các mạng cáp hoặc vệ tinh.
- Dịch vụ dữ liệu: Bao gồm VPN (Mạng riêng ảo), dịch vụ đám mây, và các dịch vụ lưu trữ và chia sẻ dữ liệu trực tuyến.
- Dịch vụ giá trị gia tăng: Bao gồm tin nhắn văn bản (SMS), dịch vụ tin nhắn đa phương tiện (MMS), và nhiều dịch vụ khác như thanh toán di động, dịch vụ định vị, và dịch vụ thông tin trực tuyến.
Dịch vụ viễn thông là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Ngoài trừ xin giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp để thành lập công ty, người thành lập công ty dịch vụ viễn thông còn phải xin Giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông do cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo đúng quy định.
3. Điều kiện để mở công ty dịch vụ viễn thông
3.1. Điều kiện kinh doanh dịch vụ viễn thông – các điều kiện chung
Các doanh nghiệp muốn được cấp giấy cung cấp dịch vụ viễn thông thì cần thỏa mãn các điều kiện sau:
- Doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư kinh doanh dịch vụ viễn thông.
- Doanh nghiệp phải có đủ năng lực tài chính, tổ chức bộ máy và nhân lực phù hợp với quy mô của dự án kinh doanh dịch vụ viễn thông
- Doanh nghiệp phải có phương án kinh doanh, phương án kỹ thuật khả thi phù hợp với quy hoạch, chiến lược phát triển viễn thông quốc gia, các quy định về tài nguyên viễn thông, giá cước, kết nối, tiêu chuẩn, chất lượng mạng, quy chuẩn kỹ thuật và dịch vụ viễn thông.
- Doanh nghiệp phải có những biện pháp bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông và an ninh thông tin.
3.1. Điều kiện về chủ sở hữu trong kinh doanh dịch vụ viễn thông
Một tổ chức, cá nhân không được đồng thời sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần từ hai doanh nghiệp viễn thông cùng kinh doanh trong cùng một thị trường dịch vụ viễn thông thuộc danh mục dịch vụ viễn thông do Bộ thông tin và Truyền thông quy định.
Trường hợp, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông thuộc Danh mục dịch vụ viễn thông do Bộ Thông tin và Truyền thông quy định thì khi có sự thay đổi về thành viên hoặc cổ đông sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần thì phải báo cáo đến cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông.
3.2. Điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài
Viễn thông là ngành nghề có điều kiện đối với đầu tư nước ngoài. Theo biểu cam kết của Việt Nam trong WTO, AFAS (Hiệp định khung về dịch vụ ASEAN), các Hiệp định thương mại tự do, thì áp dụng các điều kiện về các dịch vụ viễn thông được phép cung cấp, tỷ lệ sở hữu trong doanh nghiệp viễn thông. Chi tiết có tại bài viết sau:
Phạm vi áp dụng:
- Các dịch vụ thoại (CPC 7521). Riêng đối với AFAS, các dịch vụ thoại bao gồm nội hạt, ngoại tỉnh và thoại trong nước
- Dịch vụ truyền số liệu chuyển mạch gói (CPC 7523**)
- Dịch vụ truyền số liệu chuyển mạch kênh (CPC 7523**)
- Dịch vụ Telex (CPC 7523**)
- Dịch vụ Telegraph (CPC 7523**)
- Dịch vụ Facsimile (CPC 7521** + 7529**)
- Dịch vụ thuê kênh riêng (CPC 7522** + 7523**)
- Các dịch vụ khác:
- Dịch vụ hội nghị truyền hình (CPC 75292):
- Dịch vụ truyền dẫn tín hiệu video trừ truyền quảng bá
- Các dịch vụ thông tin vô tuyến, bao gồm: Dịch vụ thoại di động (gồm di động mặt đất và vệ tinh); Dịch vụ số liệu di động (gồm di động mặt đất và vệ tinh); Dịch vụ nhắn tin; Dịch vụ PCS; Dịch vụ trung kế vô tuyến
- Dịch vụ kết nối Internet (IXP)
Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế:
- Dịch vụ không có hạ tầng mạng: không vượt quá 65%
- Dịch vụ có hạ tầng mạng: không vượt quá 49%.
- 51% là nắm quyền kiểm soát trong việc quản lý liên doanh.
Trường hợp đầu tư để cung cấp dịch vụ viễn thông không có hạ tầng mạng hoặc có hạ tầng mạng, nhà đầu tư nước ngoài được liên doanh, hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng với doanh nghiệp được thành lập ở Việt Nam hoặc doanh nghiệp viễn thông đã được cấp giấy phép thiết lập mạng viễn thông tại Việt Nam
Dự án nhà đầu tư nước ngoài trong kinh doanh dịch vụ viễn thông phải:
- Phù hợp với quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia; tài nguyên viễn thông; hạ tầng viễn thông thụ động trên địa bàn đầu tư
- Đáp ứng điều kiện về vốn pháp định và mức cam kết đầu tư
- Đảm bảo về tỷ lệ phần vốn góp của bên nước ngoài phải phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
3.3. Điều kiện về tài chính
Tùy từng trường hợp, công ty kinh doanh dịch vụ viễn thông phải đáp ứng những điều kiện liên quan đến tài chính như sau:
Trường hợp thiết lập mạng viễn thông cố định mặt đất hoặc mạng viễn thông công cộng cố định mặt đất không sử dụng băng tần số vô tuyến điện, số thuê bao viễn thông phải đáp ứng điều kiện về vốn pháp định và mức cam kết đầu tư tương ứng với phạm vi thiết lập trong ba năm đầu tiên kể từ ngày được cấp phép để phát triển mạng viễn thông theo quy định tại giấy phép:
- Trong phạm vi một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: vốn pháp định 05 tỷ đồng Việt Nam, mức cam kết đầu tư ít nhất 15 tỷ đồng Việt Nam
- Trong phạm vi khu vực (từ 02 đến 30 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương): vốn pháp định 30 tỷ đồng Việt Nam, mức cam kết đầu tư ít nhất 100 tỷ đồng Việt Nam
- Trong phạm vi toàn quốc (trên 30 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương): vốn pháp định 100 tỷ đồng Việt Nam, mức cam kết đầu tư ít nhất 300 tỷ đồng Việt Nam
Trường hợp thiết lập cấp phép thiết bị mạng viễn thông cố định mặt đất có sử dụng băng tần số vô tuyến điện, số thuê bao viễn thông, mạng viễn thông công cộng có sử dụng băng tần số vô tuyến điện, số thuê bao viễn thông phải đáp ứng điều kiện về vốn pháp định và mức cam kết đầu tư tương ứng với phạm vi thiết lập:
- Trong phạm vi khu vực (từ 15 đến 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương): vốn pháp định 100 tỷ đồng Việt Nam, mức cam kết đầu tư ít nhất 300 tỷ đồng Việt Nam trong ba năm đầu tiên kể từ ngày được cấp phép để phát triển mạng viễn thông theo quy định tại giấy phép
- Trong phạm vi toàn quốc (trên 30 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương): vốn pháp định 300 tỷ đồng Việt Nam, mức cam kết đầu tư ít nhất 1.000 tỷ đồng Việt Nam trong ba năm đầu tiên và ít nhất 3.000 tỷ đồng Việt Nam trong mười lăm năm để phát triển mạng viễn thông theo quy định tại giấy phép
Trường hợp thiết lập mạng viễn thông di động mặt đất có sử dụng kênh tần số vô tuyến điện: vốn pháp định 20 tỷ đồng Việt Nam, mức cam kết đầu tư ít nhất 60 tỷ đồng Việt Nam trong ba năm đầu tiên để phát triển mạng viễn thông với quy mô, phạm vi quy định tại giấy phép
Trường hợp thiết lập mạng viễn thông di động mặt đất không sử dụng băng tần vô tuyến điện (mạng viễn thông di động ảo): vốn pháp định 300 tỷ đồng Việt Nam, mức cam kết đầu tư ít nhất 1.000 tỷ đồng Việt Nam trong ba năm đầu tiên và ít nhất 3.000 tỷ đồng Việt Nam trong mười lăm năm để phát triển mạng viễn thông với quy mô, phạm vi quy định tại giấy phép
Trường hợp thiết lập mạng viễn thông di động mặt đất có sử dụng băng tần vô tuyến điện: vốn pháp định 500 tỷ đồng Việt Nam, mức cam kết đầu tư ít nhất 2.500 tỷ đồng Việt Nam trong ba năm đầu tiên và ít nhất 7.500 tỷ đồng Việt Nam trong mười lăm năm để phát triển mạng viễn thông với quy mô, phạm vi quy định tại giấy phép
Trường hợp thiết lập mạng viễn thông cố định vệ tinh và di động vệ tinh: vốn pháp định 30 tỷ đồng Việt Nam, mức cam kết đầu tư ít nhất 1.000 tỷ đồng Việt Nam trong ba năm đầu tiên để phát triển mạng viễn thông với quy mô, phạm vi quy định tại giấy phép.
3.4. Điều kiện cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông
Doanh nghiệp được cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư kinh doanh dịch vụ viễn thông;
- Có đủ khả năng tài chính, tổ chức bộ máy và nhân lực phù hợp với quy mô dự án
- Có phương án kỹ thuật, phương án kinh doanh khả thi phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia…
- Có biện pháp bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông và an ninh thông tin
Trường hợp kinh doanh dịch vụ viễn thông về thiết lập mạng viễn thông công cộng thì ngoài các điều kiện như trường hợp kinh doanh dịch vụ viễn thông thì công ty cần đáp ứng các yêu cầu về vốn pháp định cũng như mức cam kết đầu tư theo quy định của Chính Phủ.
4. Chuẩn bị trước khi mở công ty dịch vụ viễn thông
4.1. Chuẩn bị tên công ty dịch vụ viễn thông
Theo quy định tại Điều 37 Luật doanh nghiệp 2020, tên công ty dịch vụ viễn thông gồm 2 thành tố là loại hình công ty và tên riêng của công ty:
- Loại hình công ty được viết là “công ty trách nhiệm hữu hạn” hoặc “công ty TNHH” đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; được viết là “công ty cổ phần” hoặc “công ty CP” đối với công ty cổ phần; được viết là “công ty hợp danh” hoặc “công ty HD” đối với công ty hợp danh;
- Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.
- Ngoài ra, tên doanh nghiệp phải đảm bảo các điều kiện không vi phạm quy định tại Điều 38, 39 của Luật Doanh nghiệp 2020.
4.2. Chuẩn bị trụ sở công ty dịch vụ viễn thông
Trụ sở chính của công ty đặt trên lãnh thổ Việt Nam, là địa chỉ liên lạc của công ty và được xác định theo địa giới đơn vị hành chính; có số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có) và phải là nơi thuộc quyền sử dụng hợp pháp của công ty.
Lưu ý: Công ty dịch vụ viễn thông không được đăng ký trụ sở tại chung cư và nhà tập thể vì theo quy định luật Nhà ở, chung cư và nhà tập thể chỉ nhằm mục đích ở, không nhằm mục đích kinh doanh.
4.3. Chuẩn bị nghành nghề kinh doanh của công ty dịch vụ viễn thông
Các ngành nghề kinh doanh liên quan đến dịch vụ viễn thông bao gồm
- 6110: Hoạt động viễn thông có dây
- 6120: Hoạt động viễn thông không dây
- 6130: Hoạt động viễn thông vệ tinh
- 6190: Hoạt động viễn thông khác
Ngoài ra công ty dịch vụ viễn thông có thể lựa chọn một số ngành nghề kinh doanh khác để đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh.
4.4. Chuẩn bị vốn điều lệ
Tùy thuộc vào lĩnh vực dịch vụ viễn thông mà công ty lựa chọn, công ty cần đáp ứng đúng điều kiện về vốn pháp định theo quy định của pháp luật. Do đó, vốn điều lệ phải lớn hơn hoặc bằng với mức vốn pháp định
Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020, các thành viên phải góp vốn trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Nếu sau thời hạn 90 ngày này mà doanh nghiệp chưa góp đủ số vốn điều lệ đăng ký thủ tục thay đổi thông tin cổ đông sáng lập hoặc giảm vốn điều lệ đã góp trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được trong vòng 30 ngày.
5. Thủ tục & Hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ viễn thông
Các bước thủ tục khi thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ viễn thông thông qua 2 giai đoạn:
5.1. Giai đoạn 1: Đăng ký thành lập doanh nghiệp
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ và nộp hồ sơ tại Sở kế hoạch và đầu tư
Hồ sơ thành lập doanh nghiệp kinh doanh viễn thông bao gồm các thành phần sau:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
- Điều lệ doanh nghiệp kinh doanh viễn thông;
- Danh sách thành viên hoặc cổ đông của doanh nghiệp;
- Bản sao chứng thực cá nhân hợp pháp khác của các thành viên hoặc cổ đông sáng lập doanh nghiệp; Bản sao quyết định thành lập doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của tổ chức; bản sao chứng minh nhân dân của đại diện pháp luật của tổ chức;
- Giấy ủy quyền cho người thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp kinh doanh viễn thông;
- Các giấy tờ cần thiết khác nếu có.
Sau 03 ngày làm việc khi nhận được hồ sơ hợp lệ, sở kế hoạch và đầu tư sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp kinh doanh viễn thông.
Bước 2: Thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp
Sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được công khai, các doanh nghiệp phải thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Nội dung công bố bao gồm:
- Nội dung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
- Danh sách cổ đông sáng lập,
- Ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp kinh doanh viễn thông.
Lưu ý: Nếu doanh nghiệp không công bố hoặc công bố không đúng thời hạn sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Bước 3: Khắc con dấu tròn và thông báo sử dụng mẫu con dấu tròn của doanh nghiệp
Doanh nghiệp tiến hành liên hệ với đơn vị khắc dấu để khắc con dấu tròn cho doanh nghiệp. Theo quy định của Luật doanh nghiệp 2020 thì doanh nghiệp hoàn toàn có quyền tự quyết định về hình thức, số lượng và nội dung thông tin trên con dấu tròn của mình.
Sau khi khắc xong dấu, doanh nghiệp thông báo về mẫu con dấu cho cơ quan đăng ký kinh doanh để được cấp biên nhận. Sở kế hoạch đầu tư sẽ thực hiện đăng tải mẫu con dấu tròn của doanh nghiệp lên cổng thông tin đăng ký quốc gia.
Bước 4: Đăng bố cáo thông tin doanh nghiệp kinh doanh viễn thông
Doanh nghiệp phải công bố thông tin công khai về các thông tin trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và thông tin về ngành nghề kinh doanh lên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được cấp giấy phép.
5.2. Giai đoạn 2: Hoàn tất xin giấy phép con hoạt động kinh doanh dịch vụ viễn thông
Hoạt động kinh doanh dịch vụ viễn thông bao gồm 2 giấy phép sau:
- Giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng, được cấp cho các doanh nghiệp có hạ tầng mạng. Giấy phép này có thời hạn trong vòng 15 năm;
- Giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông, được cấp cho doanh nghiệp không có hạ tầng mạng. Giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông này có thời hạn trong vòng 10 năm.
Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ viễn thông được miễn giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông trong các trường hợp sau:
- Doanh nghiệp hoạt động dưới hình thức đại lý dịch vụ viễn thông;
- Doanh nghiệp thuê đường truyền dẫn để hoạt động ứng dụng viễn thông;
- Mạng viễn thông được sử dụng riêng.
Cơ quan có thẩm quyền cấp phép: Tùy từng trường hợp cụ thể mà việc cấp phép thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông cấp.
Đối với hoạt động thiết lập mạng viễn thông công cộng có sử dụng băng tần số vô tuyến điện, hoạt động cấp phép cung cấp dịch vụ viễn thông trên mạng viễn thông công cộng có sử dụng băng tần số vô tuyến điện. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có thẩm quyền cấp phép trên cơ sở thẩm định của Cục Viễn thông. Tất cả các trường hợp còn lại, Cục Viễn thông sẽ có thẩm quyền cấp phép
Bước 5: Quy trình nộp hồ sơ & cấp phép gồm các bước:
Theo khoản 2, điều 23, Nghị định 25/2011/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 5 Điều 1 Nghị định 81/2016/NÐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/07/2016, hồ sơ đề nghị cấp phép cung cấp dịch vụ viễn thông gồm:
- Đơn đề nghị cấp giấy phép theo mẫu
- Bản sao hợp lệ bao gồm bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài (hoặc bản sao hợp lệ giấy chứng nhận, giấy phép tương đương hợp lệ khác)
- Bản sao đang có hiệu lực điều lệ của doanh nghiệp và có đóng dấu xác nhận của doanh nghiệp;
- Kế hoạch kinh doanh trong 05 năm đầu tiên kể từ ngày được cấp giấy phép bao gồm các nội dung chính sau:
- Loại hình dịch vụ; phạm vi cung cấp dịch vụ; giá cước dịch vụ; dự báo và phân tích thị trường, doanh thu; tổng kinh phí đầu tư và phân bổ kinh phí cho từng năm; hình thức đầu tư phương án huy động vốn; nhân lực; biện pháp bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ trong trường hợp doanh nghiệp ngừng kinh doanh dịch vụ (theo mẫu);
- Kế hoạch kỹ thuật tương ứng với kế hoạch kinh doanh trong 05 năm đầu tiên kể từ ngày được cấp giấy phép bao gồm các nội dung chính sau: Cấu hình mạng viễn thông sẽ sử dụng theo từng năm, cả phần chính và phần dự phòng; phân tích năng lực mạng và thiết bị viễn thông; dung lượng các đường truyền dẫn; tài nguyên viễn thông; công nghệ, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật áp dụng; kết nối viễn thông; phương án bảo đảm chất lượng dịch vụ; biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh thông tin (theo Mẫu số 05 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này)”.
Thủ tục cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông như sau (căn cứ khoản 4, điều 23, Nghị định 25/2011/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 5 Điều 1 Nghị định 81/2016/NÐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/07/2016):
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông xem xét và thông báo cho doanh nghiệp biết về tính hợp lệ của hồ sơ;
- Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định hồ sơ và cấp giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông cho doanh nghiệp theo thẩm quyền
- Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định hồ sơ và cấp giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng cho doanh nghiệp theo thẩm quyền
- Trường hợp từ chối cấp phép, Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do từ chối cho doanh nghiệp đề nghị cấp phép biết
Bước 6: Công bố nội dung giấy phép kinh doanh.
6. Thành lập công ty dịch vụ viễn thông vốn nước ngoài
6.1 Điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực viễn thông:
Viễn thông là ngành nghề có nhiều điều kiện đối với đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư chỉ được phép đầu tư trong một số lĩnh vực nhất định, với hình thức liên doanh, hợp đồng BCC, liên kết với công ty Việt Nam.
Do đó, nhà đầu tư phải chọn một trong các hình thức đầu tư sau:
- Góp vốn (mua cổ phần, phần vốn góp) vào công ty Việt Nam: viễn thông là ngành nghề có điều kiện đối với đầu tư nước ngoài nên phải xin chấp thuận của Sở Kế hoạch đầu tư nơi công ty Việt Nam đặt trụ sở.
- Liên doanh với công ty Việt Nam
- Ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) với đối tác Việt Nam.
6.2 Thủ tục thành lập
Việc thành lập công ty 100% vốn nước ngoài thì phức tạp hơn, gồm hai bước cơ bản:
- Xin Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Việc có được cấp phép hay không còn tùy thuộc vào cam kết quốc tế của Việt Nam và pháp luật Việt Nam đối với ngành nghề đầu tư đó.
- Xin Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp để thành lập công ty thực hiện dự án đầu tư đã được cấp phép, quá trình này sẽ tương tự như đối với một công ty Việt Nam.
7. Sự cần thiết sử dụng dịch vụ luật sư tư vấn hỗ trợ thành lập công ty dịch vụ viễn thông
Sự phức tạp của quy định pháp lý và nhu cầu bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho doanh nghiệp trong quá trình thành lập và hoạt động là lý do chính khiến việc sử dụng dịch vụ luật sư tư vấn trở nên cần thiết và quan trọng. Đối với lĩnh vực viễn thông, đây là những lý do cụ thể:
- Hiểu biết sâu sắc về quy định pháp lý: Lĩnh vực viễn thông được điều chỉnh bởi một hệ thống pháp luật phức tạp, bao gồm luật viễn thông, các nghị định, thông tư và quyết định của cơ quan nhà nước. Luật sư chuyên nghiệp có kiến thức sâu rộng về các quy định này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ pháp luật, tránh rủi ro pháp lý không đáng có.
- Tư vấn quy trình đăng ký kinh doanh: Các thủ tục pháp lý từ việc đăng ký kinh doanh, xin cấp giấy phép hoạt động, đến việc đăng ký bản quyền và thương hiệu đều cần sự am hiểu của luật sư để đảm bảo quá trình diễn ra suôn sẻ, đúng pháp luật.
- Bảo vệ quyền lợi: Trong kinh doanh, việc ký kết hợp đồng với đối tác, nhà cung cấp, và khách hàng là không thể tránh khỏi. Luật sư có thể giúp soạn thảo và kiểm tra hợp đồng để bảo vệ quyền lợi tối đa cho doanh nghiệp, cũng như tư vấn giải pháp khi xảy ra tranh chấp.
- Hỗ trợ với các vấn đề pháp lý phức tạp: Luật sư có thể đánh giá và tư vấn về các rủi ro pháp lý trong tương lai, giúp doanh nghiệp đưa ra chiến lược quản lý rủi ro hiệu quả.Trong lĩnh vực viễn thông, việc thu thập và xử lý dữ liệu cá nhân của khách hàng phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Luật sư tư vấn sẽ giúp doanh nghiệp hiểu rõ nghĩa vụ và quyền lợi liên quan.
- Tư vấn Đầu tư: Đối với công ty dịch vụ viễn thông có vốn đầu tư nước ngoài, việc tư vấn pháp lý giúp doanh nghiệp nắm bắt được quy định cụ thể về vốn đầu tư, quyền lợi và nghĩa vụ của nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời hỗ trợ trong việc xin cấp giấy phép và các thủ tục liên quan.
Tóm lại, việc sử dụng dịch vụ luật sư tư vấn trong quá trình thành lập công ty dịch vụ viễn thông là một quyết định sáng suốt, giúp doanh nghiệp định hình và bảo vệ vững chắc vị thế pháp lý của mình trong môi trường kinh doanh đầy biến động và cạnh tranh.
- Chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan - 31/10/2022
- Đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai - 19/03/2022
- Cẩn trọng khi ký hợp đồng vay? - 31/10/2021