Khám xét trong vụ án hình sự: Các quy định mới nhất!

Trong quá trình điều tra các vụ án hình sự, một trong những biện pháp quan trọng và cần thiết để thu thập chứng cứ là khám xét. Khám xét được xem như là công cụ hữu hiệu nhằm phát hiện, thu giữ những tài liệu, đồ vật có liên quan đến vụ án. Vậy khám xét là gì? Quy trình khám xét trong điều tra vụ án hình sự được thực hiện ra sao? Bài viết này sẽ làm rõ những nội dung trên và cung cấp cho bạn cái nhìn sâu sắc về vấn đề khám xét trong tố tụng hình sự.

1. Cơ sở pháp lý điều chỉnh quy định về khám xét khi điều tra vụ án hình sự

Cơ sở pháp lý điều chỉnh quy định về khám xét khi điều tra vụ án hình sựBộ luật tố tụng hình sự năm 2015;

2. Thế nào là khám xét?

Khám xét là biện pháp điều tra được tiến hành bằng cách tìm tòi, lục soát khi có căn cứ để nhận định trong người, chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm của một người có công cụ, phương tiện phạm tội, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm nhằm phát hiện, thu giữ công cụ, phương tiện phạm tội, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có, đồ vật, tài liệu khác có liên quan đến vụ án cũng như xác chết hay người đang bị truy nã.

Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, khám  xét là biện pháp điều tra được quy định rõ ràng trong Bộ luật Tố tụng Hình sự. Cụ thể, Điều 192 đến Điều 196 của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định về quyền hạn, trình tự và thủ tục khám  xét. Theo đó, việc khám   xét chỉ được thực hiện khi có đủ căn cứ cho thấy tại nơi khám  xét có dấu vết của tội phạm, tang vật, công cụ, phương tiện phạm tội hoặc tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án.

3. Khám xét trong tố tụng hình sự được quy định như thế nào?

Căn cứ tại Điều 192 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về việc căn cứ khám xét người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện, tài liệu, đồ vật, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử cụ thể như sau:

  • Có căn cứ để nhận định trong người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, dữ liệu điện tử, tài liệu khác có liên quan đến vụ án.
  • Việc khám xét khẩn cấp được tiến hành khi cần phát hiện người đang bị truy nã, truy tìm và giải cứu nạn nhân.
  • Khi có căn cứ để nhận định trong thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản liên quan đến vụ án thì có thể khám xét thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử.

Như vậy, cơ quan điều tra không được khám xét tuỳ tiện mà chỉ khám xét khi có căn cứ.

4. Ai là người có thẩm quyền ban hành lệnh khám xét trong tố tụng hình sự?

Theo quy định tại Điều 193 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về thẩm quyền ra lệnh khám xét cụ thể như sau:

Thẩm quyền ra lệnh khám xét

1. Những người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này có quyền ra lệnh khám xét. Lệnh khám xét của những người được quy định tại khoản 2 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này phải được Viện kiểm sát có thẩm quyền phê chuẩn trước khi thi hành.

2. Trong trường hợp khẩn cấp, những người có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 110 của Bộ luật này có quyền ra lệnh khám xét. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi khám xét xong, người ra lệnh khám xét phải thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ việc, vụ án.

3. Trước khi tiến hành khám xét, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp về thời gian và địa điểm tiến hành khám xét để cử Kiểm sát viên kiểm sát việc khám xét, trừ trường hợp khám xét khẩn cấp. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc khám xét. Nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì ghi rõ vào biên bản khám xét.

4. Mọi trường hợp khám xét đều được lập biên bản theo quy định tại Điều 178 của Bộ luật này và đưa vào hồ sơ vụ án.

Như vậy, người có thẩm quyền ban hành lệnh khám xét khẩn cấp trong tố tụng hình sự, bao gồm:

  •  Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp;
  •  Thủ trưởng đơn vị độc lập cấp trung đoàn và tương đương, Đồn trưởng Đồn biên phòng, Chỉ huy trưởng Biên phòng Cửa khẩu cảng, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố trực truộc trung ương, Cục trưởng Cục trinh sát biên phòng Bộ đội biên phòng, Cục trưởng Cục phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng.
  •  Tư lệnh vùng lực lượng Cảnh sát biển, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và pháp luật lực lượng Cảnh sát biển, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy lực lượng Cảnh sát biển.
  •  Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư vùng.
  •  Người chỉ huy tàu bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng.

Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi khám xét xong, người ra lệnh khám xét phải thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ việc, vụ án.

5. Trình tự khám xét người trong tố tụng hình sự được quy định như thế nào?

Căn cứ tại Điều 194 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định như sau:

khám xét
Trình tự khám xét người trong tố tụng hình sự – Nguồn: Luật Thái An
  • Bước 1: Khi bắt đầu khám xét người, người thi hành lệnh khám xét phải đọc lệnh và đưa cho người bị khám xét đọc lệnh đó.
  • Bước 2: Giải thích cho người bị khám xét và những người có mặt biết quyền và nghĩa vụ của họ.
  • Bước 3: Người tiến hành khám xét phải yêu cầu người bị khám xét đưa ra các tài liệu, đồ vật có liên quan đến vụ án, nếu họ từ chối hoặc đưa ra không đầy đủ các tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án thì tiến hành khám xét.

Lưu ý: Việc khám xét người phải do người cùng giới thực hiện và có người khác cùng giới chứng kiến. Việc khám xét không được xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người bị khám xét.

Có thể tiến hành khám xét người mà không cần có lệnh trong trường hợp bắt người hoặc khi có căn cứ để khẳng định người có mặt tại nơi khám xét giấu trong người vũ khí, hung khí, chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án.

6. Quy định về khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện thế nào?

Khi tiến hành khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện, những người có mặt không được tự ý rời khỏi nơi đang bị khám, không được liên hệ, trao đổi với nhau hoặc với những người khác cho đến khi khám xét xong. Ngoài ra, với mỗi loại khám xét thì có những quy định riêng như sau:

a. Khám xét chỗ ở

 Khi khám xét chỗ ở thì phải có mặt người đó hoặc người từ đủ 18 tuổi trở lên cùng chỗ ở, có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người chứng kiến; trường hợp người đó, người từ đủ 18 tuổi trở lên cùng chỗ ở cố tình vắng mặt, bỏ trốn hoặc vì lý do khác họ không có mặt mà việc khám xét không thể trì hoãn thì việc khám  xét vẫn được tiến hành nhưng phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi khám xét và hai người chứng kiến.

Không được bắt đầu việc khám xét chỗ ở vào ban đêm, trừ trường hợp khẩn cấp nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.

b. Khám xét nơi làm việc

 Khi khám xét nơi làm việc của một người thì phải có mặt người đó, trừ trường hợp không thể trì hoãn nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.

Việc khám xét nơi làm việc phải có đại diện của cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng kiến. Trong trường hợp không có đại diện cơ quan, tổ chức thì việc khám xét vẫn được tiến hành nhưng phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi khám xét và 02 người chứng kiến.

c. Khám xét địa điểm

Khi khám xét địa điểm phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi khám xét và người chứng kiến.

d. Khám xét phương tiện

 Việc khám xét phương tiện phải có mặt chủ sở hữu hoặc người quản lý phương tiện và người chứng kiến. Trường hợp chủ sở hữu hoặc người quản lý phương tiện vắng mặt, bỏ trốn hoặc vì lý do khác họ không có mặt mà việc khám xét không thể trì hoãn thì việc khám xét vẫn được tiến hành nhưng phải có hai người chứng kiến.

Khi khám xét phương tiện có thể mời người có chuyên môn liên quan đến phương tiện tham gia.

7. Có được tạm giữ tài liệu, đồ vật khi khám xét không?

Căn cứ Điều 198 Bộ luật tố tụng hình sự quy định:

  • Khi khám xét, Điều tra viên được tạm giữ đồ vật là vật chứng và tài liệu có liên quan trực tiếp đến vụ án. Đối với đồ vật thuộc loại cấm tàng trữ, lưu hành thì phải thu giữ và chuyển ngay cho cơ quan quản lý có thẩm quyền. Trường hợp cần thiết phải niêm phong thì tiến hành trước mặt chủ sở hữu đồ vật, người quản lý đồ vật, người chứng kiến, đại diện gia đình, đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi khám xét.
  • Việc tạm giữ tài liệu, đồ vật khi tiến hành khám xét được lập biên bản. Biên bản tạm giữ được lập thành bốn bản, trong đó một bản giao cho người chủ tài liệu, đồ vật hoặc người quản lý tài liệu, đồ vật, một bản đưa vào hồ sơ vụ án, một bản giao cho Viện kiểm sát cùng cấp và một bản giao cho cơ quan quản lý tài liệu, đồ vật bị tạm giữ.

8. Những tranh cãi và bất cập liên quan việc khám xét

8.1 Những tình huống lạm dụng quyền lực

Mặc dù quy trình khám xét đã được pháp luật quy định chặt chẽ, nhưng trên thực tế vẫn có những trường hợp lạm dụng quyền lực để thực hiện các hành vi khám xét trái pháp luật. Ví dụ, có trường hợp cơ quan điều tra thực hiện khám xét mà không có lệnh, hoặc tiến hành khám xét không đúng trình tự, gây thiệt hại cho người dân. Điều này không chỉ xâm phạm quyền lợi của cá nhân mà còn làm suy giảm lòng tin của công chúng vào cơ quan thực thi pháp luật.

8.2 Bảo vệ quyền con người

Trong bối cảnh bảo vệ quyền con người ngày càng được chú trọng, việc khám xét cần phải đảm bảo không xâm phạm đến quyền tự do và sự tôn trọng đối với cá nhân. Việc cân bằng giữa nhu cầu thu thập chứng cứ và bảo vệ quyền con người là một thách thức không nhỏ trong công tác điều tra hình sự. Nhiều ý kiến cho rằng cần có thêm các biện pháp giám sát chặt chẽ quá trình khám xét nhằm tránh tình trạng lạm dụng.

Kết luận

Khám xét là một biện pháp điều tra quan trọng, đóng vai trò then chốt trong việc thu thập chứng cứ và giải quyết vụ án hình sự. Tuy nhiên, quá trình khám xét đòi hỏi sự tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật nhằm bảo đảm quyền lợi cho người bị khám xét và duy trì sự khách quan, công bằng trong tố tụng. Để hạn chế những tiêu cực và bảo vệ quyền con người, cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và nâng cao năng lực giám sát quá trình khám xét.

Đàm Thị Lộc