Thế nào là bị đơn ?

Bị đơn được hiểu nôm na là người bị kiện. Nghe có vẻ đơn giản nhưng việc xác định bị đơn trong một vụ án không phải lúc nào cũng dễ dàng. Thực tế giải quyết vụ án dân sự đã có nhiều trường hợp gây tranh cãi trong việc xác định bị đơn trong các vụ án bồi thường thiệt hại, tranh chấp về bảo lãnh… Trong bài viết dưới đây, Công ty Luật Thái An sẽ giải đáp thắc mắc về “Thế nào là bị đơn?”.

1. Cơ sở pháp lý điều chỉnh quy định về bị đơn

Cơ sở pháp lý điều chỉnh quy định về  bị đơn là các văn bản pháp lý sau:

2. Bị đơn là gì?

Khái niệm bị đơn được ghi nhận tại khoản 3 Điều 68 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 như sau:

“Điều 68. Đương sự trong vụ việc dân sự

  1. Đương sự trong vụ án dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Đương sự trong việc dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm người yêu cầu giải quyết việc dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

3. Bị đơn trong vụ án dân sự là người bị nguyên đơn khởi kiện hoặc bị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị người đó xâm phạm.”

Theo đó, bị đơn là thuật ngữ được sử dụng trong luật tố tụng dân sự. Bị đơn trong vụ án dân sự là người bị nguyên đơn khởi kiện hoặc bị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật tố tụng dân sự quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự, khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị người đó xâm phạm.

XEM THÊM:

Thế nào là nguyên đơn ?

Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền và nghĩa vụ liên quan là các đương sự trong vụ án.

3. Điều kiện để trở thành bị đơn

Không phải bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào bị kiện cũng là bị đơn. Để có thể được coi là bị đơn, cá nhân hoặc tổ chức phải đáp ứng các điều kiện sau:

  • là chủ thể này bị nguyên đơn hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự khởi kiện.
  • là chủ thể được giả thiết là có tranh chấp hay xâm phạm đến quyền lợi của nguyên đơn.
  • có năng lực hành vi tố tụng dân sự, tức là khả năng tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia tố tụng dân sự; nếu là người từ đủ mười tám tuổi trở lên có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự, trừ người mất năng lực hành vi dân sự hoặc pháp luật có quy định khác (căn cứ điều 69 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015)
Bị đơn là gì? Quyền và nghĩa vụ của bị đơn trong vụ án dân sự?
Bị đơn là gì? Quyền và nghĩa vụ của bị đơn trong vụ án dân sự? – Nguồn ảnh minh hoạ: Internet

Lưu ý:

  • Bị đơn là người chưa đủ sáu tuổi hoặc người mất năng lực hành vi dân sự thì không có năng lực hành vi tố tụng dân sự. Việc thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự, việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người này tại Tòa án do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện.
  • Bị đơn là người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi thì việc thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự, việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người này tại Tòa án do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện.
  • Đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì việc thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của họ, việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ được xác định theo quyết định của Tòa án.
  • Bị đơn là người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi đã tham gia lao động theo hợp đồng lao động hoặc giao dịch dân sự bằng tài sản riêng của mình được tự mình tham gia tố tụng về những việc có liên quan đến quan hệ lao động hoặc quan hệ dân sự đó. Trong trường hợp này, Tòa án có quyền triệu tập người đại diện hợp pháp của họ tham gia tố tụng. Đối với những việc khác, việc thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự tại Tòa án do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện.
  • Bị đơn là cơ quan, tổ chức do người đại diện hợp pháp tham gia tố tụng.

4. Quyền và nghĩa vụ của bị đơn

Quyền và nghĩa vụ của nguyên đơn được quy định chi tiết tại 72 BLTTDS năm 2015. Tiêu biểu là các quyền và nghĩa vụ sau:

Thứ nhất là các quyền, nghĩa vụ của đương sự quy định tại Điều 70 BLTTDS năm 2015 như:

  • Cung cấp tài liệu, chứng cứ; chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
  • Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp tài liệu, chứng cứ đó cho mình.
  • Đề nghị Tòa án quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời.
  • Tự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án; tham gia hòa giải do Tòa án tiến hành.
  • Nhận thông báo hợp lệ để thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình.
  • Tự bảo vệ hoặc nhờ người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.
  • Yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng.
  • Tham gia phiên tòa, phiên họp.
  • Phải có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án và chấp hành quyết định của Tòa án trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc.
  • Tranh luận tại phiên tòa, đưa ra lập luận về đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng.
  • Được cấp trích lục bản án, bản án, quyết định của Tòa án.
  • Kháng cáo, khiếu nại bản án, quyết định của Tòa án theo quy định.
  • Đề nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
  • Chấp hành bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật…

Thứ hai là quyền được Tòa án thông báo về việc bị khởi kiện.

Thứ ba là chấp nhận hoặc bác bỏ một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.

Thứ tư là đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, nếu có liên quan đến yêu cầu của nguyên đơn hoặc đề nghị đối trừ với nghĩa vụ của nguyên đơn. Đối với yêu cầu phản tố thì bị đơn có quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn quy định tại Điều 71 của BLTTDS 2015.

Thứ năm là đưa ra yêu cầu độc lập đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và yêu cầu độc lập này có liên quan đến việc giải quyết vụ án. Đối với yêu cầu độc lập thì bị đơn có quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn quy định tại Điều 71 của BLTTDS 2015.

Thứ sáu, bị đơn có quyền khởi kiện vụ án khác trong trường hợp yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập không được Tòa án chấp nhận để giải quyết trong cùng vụ án.

 

Trên đây là phần tư vấn của chúng tôi về quy định bị đơn trong vụ án dân sự. Nếu bạn cần được tư vấn chi tiết hơn và được giải đáp các thắc mắc trong từng trường hợp cụ thể, hãy gọi Tổng đài tư vấn pháp luật của Luật Thái An – luật sư sẽ giải thích cặn kẽ những gì chưa thể hiện được hết trong bài viết này.

Nguyễn Văn Thanh