Thỏa ước lao động tập thể: căn cứ pháp lý quan trọng trong quan hệ lao động

Quan hệ lao động ở nước ta hiện nay ngoài chịu sự điều chỉnh của pháp luật lao động thì còn có Thỏa ước lao động tập thể. Thỏa ước lao động tập thể chính là văn bản cụ thể hóa pháp luật lao động, giúp Người lao động và Người sử dụng lao động tìm ra được tiếng nói chung, xây dựng được một mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, đặc biệt là giúp giảm thiểu các tranh chấp lao động, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.

Mặc dù, Thỏa ước lao động tập thể quan trọng như vậy nhưng không phải Người lao động hay Người sử dụng lao động nào cũng biết đến. Đã có rất nhiều bạn đọc cũng như doanh nghiệp gửi những câu hỏi xoay quanh vấn đề Thỏa ước lao động tập thể cho Công ty Luật chúng tôi.

Chính vì vậy, trong bài viết này, Công ty Luật Thái An sẽ chia sẻ đến Quý bạn đọc các thông tin hữu ích liên quan đến Thỏa ước lao động tập thể và lý do vì sao Thỏa ước lao động tập thể lại là một căn cứ pháp lý quan trọng trong quan hệ lao động.

1. Thỏa ước lao động tập thể là gì?

Theo quy định tại Điều 75 Bộ luật Lao động 2019 thì:

“ Thỏa ước lao động tập thể là thỏa thuận đạt được thông qua thương lượng tập thể và được các bên ký kết bằng văn bản.

Thỏa ước lao động tập thể bao gồm thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể ngành, thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp và các thỏa ước lao động tập thể khác

Nội dung Thỏa ước lao động tập thể không được trái với quy định của pháp luật; khuyến khích có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật.”

Như vậy, có thể thấy Thỏa ước lao động tập thể là văn bản được ra đời dựa trên cơ sở tự do, tự nguyện thương lượng, thỏa thuận, song nó cũng mang tính chất quy phạm, tính chất ràng buộc đối với các bên.

2. Tại sao cần có Thỏa ước lao động tập thể ?

Bản chất của quan hệ lao động là sự tự nguyện thỏa thuận mua bán sức lao động. Người lao động bán sức lao động của mình để có thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình. Còn người sử dụng lao động mua sức lao động của người lao động để tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh, tìm kiếm lợi nhuận.

Vì vậy, cả Người lao động và Người sử dụng lao động đều cần phải hợp tác với nhau để đôi bên cùng có lợi. Và một biện pháp tốt nhất, hữu hiệu nhất để nâng cao ý thức, trách nhiệm của các bên trong quan hệ lao động đó chính là ký kết Thỏa ước lao động tập thể.

Thỏa ước lao động tập thể giúp cho quan hệ lao động được bình đẳng hơn, quyền và lợi ích chính đáng của Người lao động không những được đảm bảo mà sẽ còn có thể có lợi hơn so với quy định pháp luật.

Song song với đó, Thỏa ước lao động tập thể giúp bảo vệ Người sử dụng lao động trước những yêu sách, đòi hỏi vô lý đến từ phía Người lao động, góp phần duy trì kỷ luật lao động, trật tự lao động.

Tuy vậy, dù có Thỏa ước lao động tập thể nhưng trong quan hệ lao động cũng không thể không tránh được những xung đột, mâu thuẫn, tranh chấp. Khi mà Người lao động luôn muốn tiền lương cao hơn, thời giờ làm việc ít hơn, điều kiện lao động tốt hơn thì Người sử dụng lao động lại muốn ngược lại, muốn trả lương thấp hơn, kéo dài thời giờ làm việc, không muốn bỏ ra các chi phí để nâng cao điều kiện làm việc.

Và khi tranh chấp lao động xảy ra, các thoả thuận trong Thỏa ước lao động tập thể sẽ được coi là cơ sở, căn cứ pháp lý để giải quyết quyền lợi cho cả Người lao động và Người sử dụng lao động, từ đó, có thể hóa giải, giải quyết các tranh chấp lao động một cách nhanh chóng, giúp các bên tránh được những thiệt hại không đáng có.

3. Thỏa ước lao động tập thể gồm những loại nào?

Thỏa ước lao động tập thể bao gồm;

  • Thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp;
  • Thỏa ước lao động tập thể ngành;
  • Thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp;
  • Các thỏa ước lao động tập thể khác.
thỏa ước lao động tập thể
Thỏa ước lao động tập thể gồm những loại nào? – Nguồn: Luật Thái An

4. Nội dung của Thỏa ước lao động tập thể gồm những gì?

Pháp luật không bắt buộc Thỏa ước lao động tập thể phải những nội dung gì, mà chỉ quy định về nguyên tắc, hành lang pháp lý chung. Khoản 2 Điều 75 Bộ Luật Lao động 2019 quy định:

Nội dung thỏa ước lao động tập thể không được trái với quy định của pháp luật; khuyến khích có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật.

Do đó, các doanh nghiệp có thể căn cứ vào đặc thù hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình, để đưa vào Thỏa ước lao động tập thể những nội dung phù hợp, đảm bảo hài hòa quyền, lợi ích, trách nhiệm giữa Người lao động và Người sử dụng lao động. Nội dung của Thoả ước lao động tập thể phải không được trái luật lao động, nếu không thì sẽ vô hiệu một phần hoặc toàn phần.

Và căn cứ theo Điều 67 Bộ luật Lao động 2019 quy định nội dung thương lượng tập thể như sau:

“Các bên thương lượng lựa chọn một hoặc một số nội dung sau để tiến hành thương lượng tập thể:

  1. Tiền lương, trợ cấp, nâng lương, thưởng, bữa ăn và các chế độ khác;

  2. Mức lao động và thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, làm thêm giờ, nghỉ giữa ca;

  3. Bảo đảm việc làm đối với người lao động;

  4. Bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; thực hiện nội quy lao động;

  5. Điều kiện, phương tiện hoạt động của tổ chức đại diện người lao động; mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và tổ chức đại diện người lao động;

  6. Cơ chế, phương thức phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động;

  7. Bảo đảm bình đẳng giới, bảo vệ thai sản, nghỉ hằng năm; phòng, chống bạo lực và quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

  8. Nội dung khác mà một hoặc các bên quan tâm.”

Như vậy nội dung của thỏa ước lao động tập thể phải có các nội dung tại Điều 67 và bên cạnh đó khuyến khích có các nội dung có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật.

Và các bên có thể thỏa thuận các nội dung khác mà mình quan tâm với điều kiện các nội dung này không được trái với quy định pháp luật.

Thoả ước lao động tập thể
Thoả ước lao động tập thể giúp giải quyết tranh chấp lao động. – ảnh minh hoạ: internet

5. Quy trình ký kết Thỏa ước lao động tập thể như thế nào?

Quy trình ký kết Thỏa ước lao động tập thể gồm 5 bước sau:

a. Bước 1: Xây dựng, soạn thảo Dự thảo Thỏa ước lao động tập thể

Trong bước này, mỗi bên có quyền đề xuất nội dung trong Thỏa ước lao động tập thể. Những nội dung đề xuất phải sát với thực tế của doanh nghiệp, khách quan, trên tinh thần hợp tác, hai bên cùng có lợi, tránh đưa ra những nội dung trái pháp luật hoặc có tính chất yêu sách đòi hỏi, áp đặt.

b. Bước 2: Thương lượng, đàm phán, chốt Dự thảo Thỏa ước lao động tập thể

Trong quá trình thương lượng, hai bên phải thông báo cho nhau những thông tin liên quan đến Thỏa ước lao động tập thể, phải nêu rõ những điều khoản hai bên đã thỏa thuận và những điều khoản chưa thỏa thuận được.Từ đó, đưa ra phương hướng sửa đổi, bổ sung hoàn thiện Dự thảo Thỏa ước lao động tập thể.

c. Bước 3: Lấy ý kiến về Dự thảo Thỏa ước lao động tập thể

Theo quy định tại Điều 76 Bộ luật Lao động 2019 thì trước khi ký kết thỏa ước lao động tập thể phải tổ chức lấy ý kiến, cụ thể như sau:

Đối tượng lấy ý kiến:

  • Đối với thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, trước khi ký kết, dự thảo thỏa ước lao động tập thể đã được các bên đàm phán phải được lấy ý kiến của toàn bộ người lao động trong doanh nghiệp. Thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp chỉ được ký kết khi có trên 50% người lao động của doanh nghiệp biểu quyết tán thành.
  • Đối với thỏa ước lao động tập thể ngành, đối tượng lấy ý kiến bao gồm toàn bộ thành viên ban lãnh đạo của các tổ chức đại diện người lao động tại các doanh nghiệp tham gia thương lượng. Thỏa ước lao động tập thể ngành chỉ được ký kết khi có trên 50% tổng số người được lấy ý kiến biểu quyết tán thành.
  • Đối với thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp, đối tượng lấy ý kiến bao gồm toàn bộ người lao động tại các doanh nghiệp tham gia thương lượng hoặc toàn bộ thành viên ban lãnh đạo của các tổ chức đại diện người lao động tại các doanh nghiệp tham gia thương lượng. Chỉ những doanh nghiệp có trên 50% số người được lấy ý kiến biểu quyết tán thành mới tham gia ký kết thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp.

Thời gian, địa điểm và cách thức lấy ý kiến:

Thời gian, địa điểm và cách thức lấy ý kiến biểu quyết đối với dự thảo thỏa ước lao động tập thể do tổ chức đại diện người lao động quyết định nhưng không được làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của doanh nghiệp tham gia thương lượng. Người sử dụng lao động không được gây khó khăn, cản trở hoặc can thiệp vào quá trình tổ chức đại diện người lao động lấy ý kiến biểu quyết về dự thảo thỏa ước.

d. Bước 4: Ký kết Thỏa ước lao động tập thể

Trên cơ sở đã lấy được ý kiến của đối tượng cần lấy ý kiến và đủ điều kiện được ký kết thì đại diện hợp pháp của các bên thương lượng sẽ tiến hành ký kết Thỏa ước lao động tập thể. Thỏa ước lao động tập thể có thể có hiệu lực kể từ ngày ký kết hoặc cũng có thể có hiệu lực kể từ ngày hai bên thỏa thuận Thỏa ước lao động tập thể có hiệu lực.

e. Bước 5: Gửi Thỏa ước lao động tập thể đến cơ quan quản lý lao động

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày thỏa ước lao động tập thể được ký kết, người sử dụng lao động tham gia thỏa ước phải gửi 01 bản thỏa ước lao động tập thể đến cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đặt trụ sở chính.

soạn thoả ước lao động tập thể
Quy trình soạn thoả ước lao động tập thể – ảnh minh hoạ: Luật Thái An

6. Thẩm quyền ký kết Thỏa ước lao động tập thể

Thỏa ước lao động tập thể được ký kết bởi đại diện hợp pháp của các bên thương lượng. Trường hợp thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp được tiến hành thông qua Hội đồng thương lượng tập thể thì được ký kết bởi Chủ tịch Hội đồng thương lượng tập thể và đại diện hợp pháp của các bên thương lượng.

Thỏa ước lao động tập thể phải được gửi cho mỗi bên ký kết và cho cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại Điều 77 của Bộ luật lao động. Đối với thỏa ước lao động tập thể ngành hoặc thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp thì từng người sử dụng lao động và từng tổ chức đại diện người lao động tại các doanh nghiệp tham gia thỏa ước phải được nhận 01 bản.

Sau khi thỏa ước lao động tập thể được ký kết, người sử dụng lao động phải công bố cho người lao động của mình biết.

7. Hiệu lực của thỏa ước lao động tập thể

Ngày có hiệu lực của thỏa ước lao động tập thể do các bên thỏa thuận và được ghi trong thỏa ước. Trường hợp các bên không thỏa thuận ngày có hiệu lực thì thỏa ước lao động tập thể có hiệu lực kể từ ngày ký kết.

Thỏa ước lao động tập thể sau khi có hiệu lực phải được các bên tôn trọng thực hiện.

Thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp có hiệu lực áp dụng đối với người sử dụng lao động và toàn bộ người lao động của doanh nghiệp. Thỏa ước lao động tập thể ngành và thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp có hiệu lực áp dụng đối với toàn bộ người sử dụng lao động và người lao động của các doanh nghiệp tham gia thỏa ước lao động tập thể.

8. Thời hạn của thỏa ước lao động tập thể

Thỏa ước lao động tập thể có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm.

Thời hạn cụ thể do các bên thỏa thuận và ghi trong thỏa ước lao động tập thể. Các bên có quyền thỏa thuận thời hạn khác nhau đối với các nội dung của thỏa ước lao động tập thể.

9. Những lưu ý khi soạn thảo Thỏa ước lao động tập thể

Khác với nội quy lao động, BLLĐ 2019 không yêu cầu mọi người sử dụng lao động, mọi doanh nghiệp phải soạn thảo thỏa ước lao động tập thể. Thay vào đó, BLLĐ 2019 chỉ yêu cầu đối với các doanh nghiệp nếu chọn soạn thảo Thỏa ước thì cần phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục để Thỏa ước lao động tập thể phát sinh hiệu lực. Đây là một số kinh nghiệm, vướng mắc trong quá trình soạn thảo, thông qua, đăng ký Thỏa ước lao động tập thể

Trong quá trình soạn thảo Thỏa ước lao động tập thể và tiến hành ký kết có một số lưu ý quan trọng cần được bổ sung để đảm bảo quá trình này được diễn ra hiệu quả:

  • Hiểu rõ Pháp Luật liên quan: Trước hết, cần nắm chắc các quy định pháp lý liên quan đến lao động và quan hệ lao động tại Việt Nam. Điều này giúp đảm bảo rằng đồng ước thủ các tiêu chuẩn pháp lý và không vi phạm luật lao động hiện hành.
  • Xác định rõ ràng mục tiêu và phạm vi của Thỏa Ước: Mục tiêu của đồng ý cần được xác định rõ ràng và cụ thể, bao gồm các điều khoản về lương, thời gian làm việc, điều kiện lao động, an toàn và sức khỏe sức khỏe nghề nghiệp, cũng như các quyền lợi khác.
  • Tham khảo ý kiến của Người lao động và các bên liên quan : Việc lắng nghe và tham khảo ý kiến ​​ từ các bên liên quan, đặc biệt là người lao động, giúp xác định những nhu cầu và mong muốn cụ thể, từ đó đưa ra ra các điều khoản phù hợp và công bằng.
  • Tạo Điều kiện cho sự tham gia công bằng: Đảm bảo rằng tất cả các bên liên quan đều có cơ hội tham gia vào quá trình chỉnh sửa. Điều này không chỉ bao gồm các công việc chia sẻ thông tin mà còn cần xem xét đến việc tạo điều kiện cho sự tham gia tích cực của tất cả các bên.
  • Tránh xung đột lợi Ích và đảm bảo minh bạch : Cần tránh những xung đột lợi ích và đảm bảo rằng quá trình soạn thảo ra một cách minh bạch, công bằng. Điều này giúp tăng cường lòng tin và sự hợp tác giữa người lao động và người sử dụng lao động.
  • Tham vấn Pháp Lý và Chuyên Môn: Sử dụng các nguồn tư vấn pháp luật và chuyên môn để đảm bảo rằng Thỏa ước không chỉ tuân thủ luật mà còn phản ánh nguyện vọng của các bên và tính chuyên nghiệp trong quản lý nhân sự.
  • Linh hoạt và sẵn sàng thay đổi : Trong quá trình soạn thảo, cần linh hoạt và sẵn sàng thay đổi để phản ánh những điều đồng ý và điều chỉnh phù hợp với thực tế và mong muốn của cả hai bên.
  • Xem xét và đánh giá thường xuyên : Sau khi Thỏa ước được ký kết, quá trình đánh giá và xem xét thường xuyên cần được tiến hành để đảm bảo rằng đồng ước vẫn phù hợp và hiệu quả trong điều kiện thay đổi.

10. Lưu ý khi thực hiện Thỏa ước lao động tập thể

a. Nếu một số quy định trong hợp đồng lao động khác với Thoả ước lao động tập thể thì làm thế nào?

Căn cứ Khoản 2 Điều 79 Bộ Luật lao động 2019:

“Trường hợp quyền, nghĩa vụ và lợi ích của các bên trong hợp đồng lao động đã giao kết trước ngày thỏa ước lao động tập thể có hiệu lực thấp hơn quy định tương ứng của thỏa ước lao động tập thể thì phải thực hiện theo thỏa ước lao động tập thể. Quy định của người sử dụng lao động chưa phù hợp với thỏa ước lao động tập thể thì phải được sửa đổi cho phù hợp; trong thời gian chưa sửa đổi thì thực hiện theo nội dung tương ứng của thỏa ước lao động tập thể.”

Xem thêm:

Hợp đồng lao động: Tổng hợp các quy định !

b. Làm gì khi vi phạm Thoả ước lao động tập thể ?

Căn cứ Khoản 3 Điều 79 Bộ Luật lao động 2019:

Khi một bên cho rằng bên kia thực hiện không đầy đủ hoặc vi phạm thỏa ước lao động tập thể thì có quyền yêu cầu thi hành đúng thỏa ước lao động tập thể và các bên có trách nhiệm cùng xem xét giải quyết; nếu không giải quyết được, mỗi bên đều có quyền yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể theo quy định của pháp luật.

Xem thêm:

Tranh chấp lao động và giải quyết tranh chấp lao động

 

Nhận thức được tầm quan trọng của Thỏa ước lao động tập thể trong quan hệ lao động, hiện nay nhiều doanh nghiệp đã chú trọng việc xây dựng, soạn thảo và ký kết những bản Thoả ước lao động tập thể. Tuy nhiên, chất lượng nội dung Thoả ước lao động tập thể còn thấp, nhiều bản Thoả ước lao động tập thể nội dung còn rất sơ sài, các điều khoản chủ yếu sao chép lại các quy định của pháp luật; chưa thể hiện các điều kiện, tiềm năng của doanh nghiệp.

Với bề dày kinh nghiệm trong việc tư vấn, soạn thảo các văn bản quy định nội bộ dành cho doanh nghiệp và là người bạn pháp lý đồng hành cùng rất nhiều Người lao động, Công ty Luật Thái An chúng tôi tin chắc rằng sẽ xây dựng soạn thảo giúp doanh nghiệp của bạn có được bản thỏa ước lao động tập thể phù hợp nhất với đặc thù hoạt động kinh doanh, có hiệu lực thi hành cao nhất.

Nếu doanh nghiệp của bạn đang gặp bất cứ khó khăn nào trong quá trình xây dựng, soạn thảo Thỏa ước lao động tập thể xin vui lòng liên hệ Công ty Luật Thái An để được đội ngũ Luật sư, chuyên gia pháp lý tư vấn tận tình nhất. Chi tiết có tại:

Dịch vụ soạn thoả ước lao động tập thể nhanh chóng, hiệu quả

Nguyễn Văn Thanh