Khi nào được đình chỉ hợp đồng?

Trong quan hệ hợp đồng, nếu bên có quyền lợi ích bị ảnh hưởng bởi bên vi phạm hợp đồng, thì có thể đưa ra rất nhiều chế tài xử lý khác nhau và một trong số đó là chế tài đình chỉ hợp đồng. Vậy đình chỉ hợp đồng là gì? Khi nào thì được hoặc không được đình chỉ hợp đồng, giải quyết hậu quả pháp lý của đình chỉ hợp đồng như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

1. Đình chỉ hợp đồng là gì?

Bộ luật dân sự năm 2015 chưa có định nghĩa cụ thể về đình chỉ hợp đồng. Tuy nhiên, căn cứ vào Điều 310 Luật thương mại năm 2005 thì có thể hiểu đình chỉ thực hiện hợp đồng là việc một bên chấm dứt thực hiện nghĩa vụ hợp đồng thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a. Đình chỉ hợp đồng khi xảy ra hành vi vi phạm 

Bạn có thể đình chỉ hợp đồng khi xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để đình chỉ hợp đồng. Trong một số trường hợp nhất định, cả hai bên có thể đồng ý đình chỉ hợp đồng. Điều này có thể xảy ra khi cần đánh giá lại hoặc đàm phán lại các thoả thuận do hoàn cảnh thay đổi, hạn chế tài chính hoặc các yếu tố khác.

Ví dụ như là đình chỉ hợp đồng trong trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng. Đây là những sự kiện không thể đoán trước và không thể kiểm soát được, chẳng hạn như thiên tai, đại dịch toàn cầu, bất ổn chính trị hoặc hành động khủng bố hoặc sự thay đổi của pháp luật, có thể khiến việc thực hiện hợp đồng không thể thực hiện. Trong những trường hợp như vậy, các bên thoả thuận đình chỉ hợp đồng như là một biện pháp cần thiết để giảm thiểu thiệt hại và trách nhiệm pháp lý.

»»» Xem thêm: Các trường hợp bất khả kháng 

b. Đình chỉ hợp đồng khi một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng

Một bên có thể đình chỉ hợp đồng khi bên kia vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng. Vi phạm cơ bản là sự vi phạm hợp đồng của một bên gây thiệt hại cho bên kia đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng.

Như vậy khi một bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng hợp đồng dẫn đến việc có vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng thì bên kia có quyền đình chỉ hợp đồng. Hành động này đóng vai trò như một hình thức phản đối hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trước các hành vi vi phạm hợp đồng

Đình chỉ hợp đồng
Điều kiện để được đình chỉ hợp đồng- Nguồn: Luật Thái An

Đình chỉ hợp đồng là một trong số các chế tài có thể áp dụng đối với bên vi phạm. Ngoài đình chỉ thực hiện hợp đồng thì các chế tài khác là:

2. Hậu quả pháp lý của việc đình chỉ hợp đồng 

Bạn cần hiểu rõ hậu quả pháp lý của việc đình chỉ hợp đồng trước khi thực hiện, đó là:

  • Hợp đồng bị đình chỉ thì hiệu lực của nó chấm dứt từ thời điểm một bên nhận được thông báo đình chỉ.
  • Đình chỉ hợp đồng không đưa các bên quay trở lại trạng thái ban đầu khi thiết lập hợp đồng, các bên không phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận bởi phần hợp đồng đã thực hiện trước đó vẫn có hiệu lực pháp luật.
  • Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán hoặc thực hiện nghĩa vụ đối ứng.
  • Bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật này.

»»» Xem thêm: Bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng 

3. Không áp dụng đình chỉ hợp đồng trong các trường hợp nào?

Bạn cần lưu ý là có những trường hợp không thể áp dụng chế tài đình chỉ hợp đồng, cụ thể là:

  • Không áp dụng chế tài đình chỉ hợp đồng với vi phạm hợp đồng không cơ bản trừ trường hợp có thoả thuận: Trừ trường hợp có thoả thuận khác, bên bị vi phạm không được áp dụng chế tài đình chỉ thực hiện hợp đồng đối với vi phạm không cơ bản.
  • Không áp dụng chế tài đình chỉ hợp đồng đối với các vi phạm thuộc trường hợp miễn trừ trách nhiệm: Bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong các trường hợp quy định tại  Điều 294 Luật thương mại. Cụ thể
    •  Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận;
    •  Xảy ra sự kiện bất khả kháng;
    •  Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia;
    •  Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.

4. Các bước đình chỉ hợp đồng

Khi đủ điều kiện để yêu cầu đình chỉ hợp đồng thì bạn cũng cần thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục. Các bên cần biết được các bước đi khi một bên yêu cầu đình chỉ hợp đồng:

  • Bên yêu cầu đình chỉ hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia về việc đình chỉ hợp đồng. Thông thường thông báo đình chỉ phải nêu rõ lý do đình chỉ, dẫn chiếu các điều khoản hợp đồng, pháp luật có liên quan và các yêu cầu khi đình chỉ hợp đồng (nếu có).
  • Trường hợp bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm thì phải thông báo ngay bằng văn bản cho bên kia về trường hợp được miễn trách nhiệm và những hậu quả có thể xảy ra. Khi trường hợp miễn trách nhiệm chấm dứt, bên vi phạm hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết; nếu bên vi phạm không thông báo hoặc thông báo không kịp thời cho bên kia thì phải bồi thường thiệt hại (điều 295 Luật Thương mại 2005). Ngoài ra, bên vi phạm có nghĩa vụ chứng minh với bên bị vi phạm về trường hợp miễn trách nhiệm của mình.

5. Những vấn đề cần xem xét trước khi đình chỉ hợp đồng

Sau đây là những vấn đề cần xem xét trước khi đình chỉ hợp đồng:

  • Hãy cân nhắc những tác động của đình chỉ hợp đồng: Đình chỉ hợp đồng có thể gây ra nhiều tác động khác nhau, trong đó có những tác động về mặt tài chính ví dụ như phải chịu các khoản tiền phạt vi phạm, tiền bồi thường thiệt hại…. Các bên nên xem xét, đánh giá kỹ lưỡng để hiểu những tác động này trước khi quyết định đình chỉ hay không đình chỉ hợp đồng.
  • Hãy tìm kiếm các giải pháp hữu ích khác thay thế đình chỉ hợp đồng: Nếu không thực sự muốn đình chỉ hợp đồng thì nên tìm kiếm các giải pháp thay thế để hợp đồng tiếp tục được thực hiện như sửa đổi hợp đồng… Điều này có thể giúp duy trì tính liên tục và thiện chí giữa các bên ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn, thử thách.

»»» Xem thêm: Những quy định pháp luật mới nhất về sửa đổi hợp đồng

  • Hãy xem xét quyền và lợi ích của bên thứ 3 trong hợp đồng nếu có: Nếu hợp đồng bị đình chỉ liên quan đến bên thứ ba, ví dụ như nhà thầu phụ, nhà cung cấp hoặc khách hàng… hãy xem xét tác động của việc đình chỉ đối với họ. Việc này là cần thiết để duy trì các mối quan hệ kinh doanh và giảm thiểu tranh chấp xảy ra.
  • Hãy xem xét các giải pháp giải quyết tranh chấp: Trong trường hợp phát sinh tranh chấp khi đình chỉ hợp đồng, hãy xem xét các phương thức giải quyết tranh chấp như hòa giải hoặc trọng tài. Các phương thức này có thể giải quyết tranh chấp một cách hiệu quả và tiết kiệm chi phí hơn so với giải quyết tranh chấp tại toà án.

6. Làm thế nào để đình chỉ hợp đồng đúng quy định? 

Việc đình chỉ hợp đồng có thể phức tạp về mặt pháp lý. Nên tìm kiếm các lời khuyên từ những Luật sư hay chuyên gia pháp lý để giải quyết những vấn đề phức tạp này một cách hiệu quả. Một luật sư, chuyên gia pháp lý giàu kinh nghiệm về luật hợp đồng có thể cung cấp những lời khuyên có giá trị, tránh được những rủi ro không đáng có và đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật hiện hành.

Đến với Công ty Luật Thái An, các Luật sư, chuyên gia pháp lý của chúng tôi sẽ giúp bạn thực hiện các công việc liên quan đến đình chỉ hợp đồng, bao gồm:

  • Xem xét các điều khoản hợp đồng, xác định các sự kiện bất khả kháng, những vi phạm nghiêm trọng; hoặc các trường hợp khác có thể dẫn đến việc đình chỉ;
  • Xác định các quyền và nghĩa vụ tương ứng của các bên khi đình chỉ hợp đồng;
  • Tư vấn, soạn thảo thông báo đình chỉ một cách chính xác, đảm bảo tuân thủ các điều khoản trong hợp đồng cũng như các quy định pháp luật;
  • Tư vấn thủ tục đình chỉ hợp đồng;
  • Tư vấn, hỗ trợ, tham gia làm việc với bên đối lập về việc đình chỉ hợp đồng;
  • Tư vấn, đánh giá xác định thiệt hại, phạt vi phạm hợp đồng và đưa ra các yêu cầu bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm;
  • Tư vấn, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng trong các cuộc đàm phán, hòa giải hoặc tố tụng tại tòa án.

… Bên cạnh đó, bạn còn được hỗ trợ rất nhiều các thủ tục pháp lý khác nếu cần. Để được trải nghiệm dịch vụ pháp lý uy tín, đáng tin cậy hãy liên hệ ngay với chúng tôi.

Nguyễn Văn Thanh