Những điều cần biết về xác định tài sản riêng của vợ chồng
Trong một cuộc hôn nhân, có hai loại tài sản chính mà các cặp vợ chồng thường quan tâm: tài sản chung và tài sản riêng. Trong khi tài sản chung thường được hiểu rộng rãi hơn vì nó liên quan đến tất cả những gì cặp vợ chồng kiếm được hoặc mua trong thời gian họ kết hôn, tài sản riêng lại phức tạp hơn một chút và đôi khi gây rối rắm. Vậy tài sản riêng của vợ chồng là gì?
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đi sâu vào định nghĩa tài sản riêng của vợ chồng là gì, các loại tài sản riêng, và tầm quan trọng của việc nhận biết tài sản riêng trong một cuộc hôn nhân. Khi bạn đối mặt với ly hôn và ly dị thì việc xác định tài sản chung, tài sản riêng lại càng quan trọng hơn.
1. Tài sản riêng của vợ chồng là gì?
Tài sản riêng của vợ chồng có thể bao gồm những tài sản mà một trong hai người đã sở hữu trước khi kết hôn, hoặc những tài sản mà họ nhận được thông qua di sản hoặc quà tặng sau khi kết hôn.
Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:
“Điều 43. Tài sản riêng của vợ, chồng
1.Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
2.Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.”
Theo đó, về cơ bản
- tài sản riêng của vợ chồng là tài sản có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng.
- tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng
- hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân được coi là tài sản chung của vợ chồng
2. Tầm quan trọng của việc xác định tài sản riêng của vợ chồng
Hiểu rõ về tài sản riêng trong hôn nhân quan trọng vì một số lý do sau:
- Bảo vệ tài sản khi ly hôn: Biết được tài sản nào được coi là tài sản riêng có thể giúp bảo vệ tài sản của bạn trong trường hợp ly hôn. Nếu một cặp vợ chồng quyết định chia tay, mỗi người đều có quyền giữ lại tài sản riêng của mình. Hiểu biết về những tài sản nào rơi vào danh mục này có thể đảm bảo quá trình ly hôn diễn ra công bằng và suôn sẻ hơn.
- Lập kế hoạch tài chính trong hôn nhân: Hiểu rõ về tài sản riêng cũng giúp trong việc lên kế hoạch tài chính trong hôn nhân. Mỗi người vợ hoặc chồng biết được phạm vi tài sản riêng của mình có thể giúp trong việc lập ngân sách, đầu tư, và lên kế hoạch cho tương lai.
- Bảo vệ tài sản khỏi bị trừ nợ: Tài sản riêng có thể được bảo vệ khỏi những người cho vay của người vợ hoặc chồng. Điều này có nghĩa là trong trường hợp người vợ hoặc chồng mắc nợ, tài sản riêng của người kia có thể không bị tịch thu để trả nợ.
- Về vấn đề di sản thừa kế: Về di sản, tài sản riêng có thể là di sản thừa kế cho các thành viên khác trong gia đình hoặc con cái từ hôn nhân trước đó, duy trì một mức độ kiểm soát đối với tài sản của mình ngay cả sau khi qua đời.
4. Tài sản riêng của vợ chồng bao gồm những gì?
Theo quy định tại Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và Điều 11 Nghị định 126/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình thì tài sản riêng của vợ, chồng theo quy định của pháp luật, bao gồm:
- Tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn;
- Tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân;
- Tài sản được chia riêng cho vợ, chồng sau khi chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân;
- Tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng;
- Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng;
- Các loại khác theo luật hoặc thỏa thuận cụ thể (nếu có):
Căn cứ theo Nghị định 126/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình quy định về tài sản riêng khác của vợ chồng
“1. Quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ.
2. Tài sản mà vợ, chồng xác lập quyền sở hữu riêng theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác.
3. Khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng.”
5. Quy đình về quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của vợ chồng
Điều 44 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định cụ thể về quyền định đoạt tài sản riêng của vợ chồng như sau:
“Điều 44. Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng
1.Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình; nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung.
2.Trong trường hợp vợ hoặc chồng không thể tự mình quản lý tài sản riêng và cũng không ủy quyền cho người khác quản lý thì bên kia có quyền quản lý tài sản đó. Việc quản lý tài sản phải bảo đảm lợi ích của người có tài sản.
3.Nghĩa vụ riêng về tài sản của mỗi người được thanh toán từ tài sản riêng của người đó.
4.Trong trường hợp vợ, chồng có tài sản riêng mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản này phải có sự đồng ý của chồng, vợ”.
6. Nhập tài sản riêng của vợ chồng vào khối tài sản chung
Sau khi kết hôn, vợ chồng có thể nhập tài sản riêng vào tài sản chung. Điều 46 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định như sau:
Việc nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung được thực hiện theo thỏa thuận của vợ chồng.
Tài sản được nhập vào tài sản chung mà theo quy định của pháp luật, giao dịch liên quan đến tài sản đó phải tuân theo hình thức nhất định thì thỏa thuận phải bảo đảm hình thức đó.
Nghĩa vụ liên quan đến tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung được thực hiện bằng tài sản chung, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Theo đó, việc nhập tài sản riêng của vợ chồng vào tài sản chung phải được thực hiện theo thoả thuận giữa hai vợ chồng, với hình thức văn bản thoả thuận được công chứng.
7. Xác định tài sản riêng của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân như thế nào?
7.1.Xác định tài sản riêng của vợ chồng dựa vào nguồn gốc tài sản:
Một trong những cơ sở để xác định tài sản riêng của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân là dựa vào nguồn gốc hình thành và sở hữu tài sản đó:
- Tài sản này có phải là của ông bà tổ tiên để lại hay do cha mẹ, người thân tặng cho riêng cá nhân hoặc là người được thừa kế.
- Nếu như được mua bằng tiền thì tiền đó ở đâu mà có, nếu là tiền của cá nhân, từ tài sản riêng của cá nhân. Nói cách khác phải xác định tài sản đó có phải là tài sản được hình thành từ tài sản riêng của cá nhân không.
- Đã có cơ quan nào xác nhận là tài sản riêng chưa?
7.2.Xác định tài sản riêng của vợ chồng dựa vào sự thỏa thuận
Trong việc xác định tài sản riêng của vợ chồng, yếu tố quyết định vẫn là “Thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng”. Nếu như hai bên có thỏa thuận hợp pháp về việc phân định tài sản riêng, tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân thì yếu tố nguồn gốc tài sản hay thời điểm tạo lập tài sản cũng không còn quan trọng.
Pháp luật vẫn đặt quyền tự do thỏa thuận, tự do ý chí của vợ chồng ở vị trí cao nhất và được tôn trọng nhất. Vì vậy để rõ ràng tài sản chung, riêng của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân thì vợ chồng nên thỏa thuận minh bạch và cụ thể với nhau.
Vợ chồng có thể thỏa thuận bằng các hình thức:
- Điều 38 Luật hôn nhân và gia đình 2014: Thỏa thuận chia tài sản vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân;
- Điều 47 Luật hôn nhân và gia đình 2014: Thỏa thuận chế độ tài sản vợ chồng trước khi kết hôn;
- Thỏa thuận về tài sản khác theo quy định
8. Các giấy tờ có thể trở thành căn cứ xác định tài sản riêng của vợ chồng là gì?
Một số căn cứ xác định tài sản riêng của vợ chồng bao gồm:
- Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu: Các giấy tờ như sổ đỏ, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, biên lai hoá đơn mua hàng, hợp đồng mua bán, và các giấy tờ khác có thể được sử dụng để chứng minh quyền sở hữu của tài sản.
- Hợp đồng hôn nhân: Nếu vợ chồng có hợp đồng hôn nhân, hợp đồng có thể xác định rõ ràng tài sản riêng của mỗi người. Hợp đồng này có thể được thực hiện trước hoặc sau khi kết hôn.
- Bằng chứng về di sản hoặc quà tặng: Trường hợp một món tài sản được thừa kế hoặc nhận làm quà tặng, các giấy tờ như di chúc, giấy tặng, hoặc bất kỳ tài liệu chứng thực nào khác có thể được dùng làm căn cứ.
- Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng trước kết hôn hoặc các thỏa thuận khác giữa vợ chồng: Nếu vợ chồng đạt được thỏa thuận về tài sản riêng của mỗi người, thỏa thuận này nên được ghi lại bằng văn bản và có thể được sử dụng làm căn cứ xác định tài sản riêng. Thỏa thuận này có thể là thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng theo Điều 47 Luật Hôn nhân và gia đình (thỏa thuận phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực).
9. Ví dụ về tài sản riêng của vợ chồng
Dưới đây là một số ví dụ về tài sản riêng của vợ chồng:
- Bất động sản: Một ngôi nhà hoặc căn hộ mà một người mua trước khi kết hôn sẽ là tài sản riêng của họ, trừ khi họ quyết định chuyển nó thành tài sản chung.
- Tiền gửi ngân hàng: Số tiền mà một người đã tiết kiệm trước khi kết hôn cũng được coi là tài sản riêng.
- Đồ trang sức: Nếu một người được tặng hoặc thừa kế một món đồ trang sức trong thời gian hôn nhân, đó sẽ là tài sản riêng của họ.
- Phương tiện giao thông: Một chiếc xe mà một người mua trước khi kết hôn sẽ là tài sản riêng của họ, trừ khi họ quyết định chuyển nó thành tài sản chung.
- Cổ phần hoặc cổ phiếu: Cổ phần hoặc cổ phiếu mà một người mua hoặc nhận được trước khi kết hôn là tài sản riêng của họ.
10. Hạn chế quyền có tài sản riêng của vợ chồng
Tuy nhiên, xuất phát từ việc bảo đảm cuộc sống chung củạ gia đình, quyền định đoạt tài sản riêng của vợ hoặc chồng có thể bị hạn chế trong trường hợp tài sản đứng tên riêng trong thời kỳ hôn nhân của vợ họặc chồng đã được đưa vào sử dụng chung mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản riêng đó phải được sự thỏa thuận của cả vợ chồng (căn cứ khoản 4 điều 44 Luật hôn nhân gia đình 2014)
Mặc dù pháp luật quy định vợ, chồng có quyền có tài sản riêng nhưng trong những trường hợp tài sản chung của vợ chồng không đủ để đảm bảo đời sống chung của gia đình thì tài sản riêng của vợ, chồng cũng được sử dụng vào các nhu cầu thiết yếu của gia đình căn cứ khoản 2 điều 30 Luật hôn nhân gia đình 2014). Những tài sản đã chi dùng cho gia đình thì người có tài sản không được quyền đòi lại nữa.
11. So sánh tài sản chung và tài sản riêng của vợ chồng
Tài sản chung và tài sản riêng là hai khái niệm quan trọng trong pháp luật về hôn nhân và gia đình. Sự khác biệt cơ bản giữa chúng là cách mà chúng được sở hữu và quản lý:
- Tài sản chung của vợ chồng: Đây là tài sản mà cặp vợ chồng kiếm được hoặc mua trong thời gian kết hôn. Tài sản chung bao gồm thu nhập, tài sản bất động sản, cổ phiếu, và các loại tài sản khác mà cả hai người có được trong thời gian hôn nhân. Trong trường hợp ly hôn, tài sản chung thường được chia đôi giữa vợ và chồng theo quy định của pháp luật.
>>> Xem thêm: Tài sản chung của vợ chồng
- Tài sản riêng của vợ chồng: Đây là tài sản mà mỗi người trong cặp vợ chồng đã sở hữu trước khi kết hôn hoặc nhận được trong thời gian hôn nhân thông qua di sản, quà tặng, hoặc từ một nguồn thu nhập không chung:
- Tài sản riêng của vợ chồng sau khi kết hôn vẫn là của riêng người đó, trừ khi người đó nhập tài sản riêng vào tài sản chung vợ chồng (bằng văn bản)
- Tài sản riêng của vợ chồng khi ly hôn thì không đem ra chia, mà vẫn thuộc quyền sở hữu riêng của vợ hoặc chồng
- Tài sản riêng sẽ thuộc quyền sở hữu, định đoạt của mỗi người vợ, chồng. Trong khi đó, tài sản chung lại là tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất của vợ, chồng và cả hai người cùng có quyền định đoạt tài sản này để đảm bảo nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
Do tài sản riêng là tài sản mà vợ, chồng có thể tự định đoạt, quyết định nhập hay không nhập vào tài sản chung vợ, chồng nên việc nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung được thực hiện theo thoả thuận của vợ chồng.
12. Một số cách để bảo vệ tài sản riêng của vợ chồng là gì?
Bảo vệ tài sản riêng trong hôn nhân là một việc quan trọng và cần được thực hiện một cách cẩn thận. Dưới đây là một số cách bạn có thể bảo vệ tài sản riêng của mình:
- Lập và công chứng văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng trước khi kết hôn.
- Duy trì bằng chứng về quyền sở hữu: Bạn nên giữ lại tất cả các giấy tờ liên quan đến tài sản của mình, bao gồm biên lai mua sắm, sổ đỏ, giấy tờ chứng minh quyền sở hữu và các hợp đồng khác.
- Không dùng tài sản riêng vào tài sản chung: Nếu bạn dùng tài sản riêng để đầu tư vào tài sản chung mà không rõ ràng quyền sở hữu, rất có thể tài sản đó sẽ trở thành tài sản chung.
- Thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân
- Tư vấn pháp lý: Trong trường hợp bạn không chắc chắn về cách bảo vệ tài sản của mình, hãy tìm đến sự giúp đỡ của một luật sư hoặc chuyên gia tư vấn pháp lý.
Nếu chẳng may bạn phải đối mặt với ly hôn thì bạn cần hiểu các quy định của pháp luật về nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn.
Trên đây là phần tư vấn của Công ty Luật Thái An về vấn đề: Tài sản riêng của vợ chồng là gì? Mọi vấn đề liên quan đến tài sản riêng và tài sản chung trong hôn nhân nên được xem xét dựa trên các quy định của pháp luật và thông qua sự tư vấn của một luật sư hoặc chuyên gia tư vấn pháp lý. Hãy liên hệ chúng tôi để được hỗ trợ tốt nhất!
- Vụ án ly hôn đơn phương giành quyền nuôi con - 04/06/2024
- LY HÔN VỚI CHỒNG ĐANG ĐI TÙ: THÀNH CÔNG BẤT CHẤP MỌI KHÓ KHĂN! - 04/06/2024
- Luật sư giúp khách hàng trong tranh chấp với Thẩm mỹ viện - 25/01/2024