Xử phạt vi phạm hành chính về đất đai như thế nào?
Đất đai là nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá cũng chính bởi vậy hành vi vi phạm pháp luật đất đai diễn ra ngày càng phổ biến và nghiêm trọng. Để điều chỉnh hành vi của con người theo hướng tích cực, phòng ngừa, răn đe các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai thì việc xử phạt vi phạm hành chính về đất đai là điều cần thiết. Bài viết dưới đây, Công ty Luật Thái An sẽ giới thiệu đến Quý bạn đọc các quy định pháp luật về việc xử phạt vi phạm hành chính về đất đai.
1. Cơ sở pháp lý xử phạt vi phạm hành chính về đất đai
Các văn bản quan trọng liên quan đến xử lý vi phạm hành chính về đất đai hiện hành là:
- Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi năm 2020
- Nghị Định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai
- Luật đất đai 2013
2. Khái niệm xử phạt vi phạm hành chính về đất đai
Theo khoản 2 Điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 định nghĩa xử phạt vi phạm hành chính như sau: “Xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính”.
Theo đó, có thể hiểu xử phạt vi phạm hành chính về đất đai là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng những biện pháp xử phạt, cưỡng chế hành chính đối với cá nhân, tổ chức với lỗi cố ý hoặc vô ý thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính về đất đai mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
3. Các loại vi phạm hành chính về đất đai
Trong lĩnh vực đất đai, chủ thể vi phạm là những người sử dụng đất và tùy từng trường hợp vi phạm khác nhau mà cơ quan có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính về đất đai theo từng khung hình phạt khác nhau.
Dựa vào Nghị định 91/2019/NĐ-CP thì các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai là:
- Sử dụng đất không đúng mục đích:
- Sử dụng đất trồng lúa vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép (Điều 9)
- Sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định tại Điều 10
- Sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, không phải là đất rừng phòng hộ, không phải là đất rừng đặc dụng, không phải là đất rừng sản xuất vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định tại Điều 11
- Sử dụng đất trong nhóm đất phi nông nghiệp vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định tại Điều 12
- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa không đúng quy định; sử dụng đất vào mục đích khác thuộc trường hợp phải đăng ký mà không đăng ký theo quy định tại Điều 13;
- Hủy hoại đất quy định tại Điều 15;
- Gây cản trở cho việc sử dụng đất của người khác quy định tại Điều 16;
- Chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất mà không thực hiện đúng thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật đất đai quy định tại Điều quy định tại Điều 18, 19,20 và Điều 24;
- Tự chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho đối với đất không đủ Điều kiện chuyển quyền sử dụng đất quy định tại Điều 21, 22, và Điều 25;
- Bán, mua tài sản gắn liền với đất được Nhà nước cho thuê thu tiền thuê đất hàng năm mà không đủ Điều kiện theo quy định của Luật đất đai 2013 quy định tại Điều 23;
- Không đăng kí đất đai quy định tại Điều 17;
- Nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất có điều kiện mà không đủ điều kiện quy định luật đất đai quy định tại Điều 26;
- Chuyển quyền và nhận chuyển quyền đối với cơ sở tôn giáo không đúng quy định của Luật Đất đai quy định tại Điều 27;
- Nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp mà không đủ Điều kiện quy định Luật đất đai quy định tại Điều 28;
- Nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức quy định tại Điều 29;
- Nhận chuyển quyền sử dụng đất, thuê đất không đúng quy định tại Điều 30;
- Không sử dụng đất trồng cây hàng năm trong thời hạn 12 tháng liên tục, đất trồng cây lâu năm trong thời hạn 18 tháng liên tục, đất trồng rừng trong thời hạn 24 tháng liên tục quy định tại Điều 32;
- Không làm thủ tục chuyển sang thuê đất quy định tại Điều 33;
- Vi phạm quy định về quản lý chỉ giới sử dụng đất, mốc địa giới hành chính quy định tại Điều 34;
- Vi phạm quy định về giấy tờ, chứng từ trong việc sử dụng đất quy định tại Điều 35;
- Vi phạm quy định về cung cấp thông tin đất đai liên quan đến thanh tra, kiểm tra, thu thập chứng cứ để giải quyết tranh chấp đất đai quy định tại Điều 36;
- Các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động dịch vụ về đất đai quy định tại Điều 37.
4. Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính về đất đai
Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 91/2019/NĐ-CP các hình thức xử phạt chính vi phạm hành chính về đất đai bao gồm:
4.1 Hình thức xử phạt chính vi phạm hành chính về đất đai: Cảnh cáo
Mục đích của phạt cảnh cáo trong lĩnh vực đất đai không phải nhằm mục tiêu chính là trừng trị đối với người vi phạm mà cảnh cáo là nhắc nhở, giáo dục việc tôn trọng và chấp hành trật tự quản lý Nhà nước về đất đai. Cảnh cáo là biện pháp xử phạt thích hợp đối với các vi phạm nhỏ, lần đầu và với vị thành niên.
Trong lĩnh vực đất đai cảnh cáo có thể được áp dụng đối với một số vi phạm như: Hành vi gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định 91/2019/NĐ-CP; Hành vi không đăng ký đất đai được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 17 Nghị định 91/2019/NĐ-CP;
4.2 Hình thức xử phạt chính vi phạm hành chính về đất đai: Phạt tiền
Các mức phạt tiền được quy định cụ thể tương ứng với các hành vi vi phạm dựa trên sự đánh giá của Nhà nước về tính chất, mức độ xâm hại của hành vi đó đối với trật tự quản lý Nhà nước về đất đai.
Khi áp dụng mức phạt tiền cần xem xét các yếu tố nhân thân người vi phạm, tính chất, mức độ và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ của người vi phạm để quyết định cho thỏa đáng.
Ngoài ra còn có các hình thức phạt bổ sung gồm:
- Tịch thu các giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung; giấy tờ giả đã sử dụng trong việc sử dụng đất.
- Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai từ 06 tháng đến 09 tháng hoặc đình chỉ hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai từ 09 tháng đến 12 tháng.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả trong xử phạt vi phạm hành chính về đất đai
Một hành vi vi phạm hành chính về đất đai ngoài bị áp dụng các hình thức xử phạt vi phạm hành chính về đất đai, tùy từng trường hợp còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả. Việc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả có ý nghĩa rất quan trọng trong việc khắc phục triệt để hậu quả do hành vi vi phạm hành chính về đất đai gây ra.
Các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định 91/2019/NĐ-CP bao gồm:
- Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương để quy định mức độ khôi phục đối với từng loại vi phạm quy định tại Nghị định này;
- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm theo quy định tại Nghị định này;
- Buộc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai;
- Buộc trả lại đất sử dụng không đúng quy định;
- Buộc chấm dứt hợp đồng thế chấp bằng quyền sử dụng đất;
- Buộc hoàn trả tiền chuyển nhượng, tiền cho thuê, tiền cho thuê lại đất không đúng quy định của pháp luật trong thời gian sử dụng đất còn lại;
- Buộc hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai;
- Buộc hoàn thành việc đầu tư xây dựng theo đúng quy định;
- Buộc chấm dứt hợp đồng mua, bán, cho thuê tài sản gắn liền với đất không đủ điều kiện quy định;
- Buộc sử dụng đất đúng theo mục đích được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất;
- Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của chỉ giới sử dụng đất, mốc địa giới hành chính như trước khi vi phạm;
- Buộc cung cấp hoặc cung cấp lại thông tin, giấy tờ, tài liệu theo yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp đất đai;
- Buộc thực hiện đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản đối với trường hợp quy định tại Điều 24 của Nghị định này.
- Buộc nộp Giấy chứng nhận đã cấp đối với trường hợp quy định tại Điều 35 của Nghị định này;
- Hủy bỏ kết quả thực hiện thủ tục hành chính về đất đai đã thực hiện đối với trường hợp sử dụng giấy tờ giả để thực hiện thủ tục hành chính và các công việc khác liên quan đến đất đai mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
- Xử lý tài sản tạo lập không hợp pháp
- Thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai đối với các trường hợp phải thu hồi đất quy định
6. Thời hiệu, thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm về đất đai
6.1 Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về đất đai
Theo Điều 5 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai là 2 năm. Nếu hết thời hiệu nêu trên, người có thẩm quyền không được xử phạt theo điểm c khoản 1 Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Tuy nhiên cần lưu ý, trong thời hạn 2 năm nếu cá nhân, tổ chức cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được tính lại kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.
Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai được được quy định tại Điều 4 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP như sau:
- Đối với hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về đất đai được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm;
- Đối với hành vi vi phạm hành chính đang được thực hiện thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về đất đai được tính từ thời điểm người có thẩm quyền thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm.
6.2 Thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về đất đai
Theo quy định tại khoản 1 Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, thời hạn ra quyết định xử phạt tối thiểu là 07 ngày làm việc, tối đa là 2 tháng (tuỳ từng trường hợp cụ thể), kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính.
Như vậy, thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về đất đai tối thiểu là 07 ngày làm việc, tối đa là 2 tháng (tuỳ từng trường hợp cụ thể).
Tuy nhiên cũng cần lưu ý, trong trường hợp đã hết thời hạn, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về đất đai nêu trên, người có thẩm quyền không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng vẫn phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính nếu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thuộc loại cấm tàng trữ, cấm lưu hành hoặc tang vật, phương tiện mà pháp luật có quy định hình thức xử phạt tịch thu và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với hành vi vi phạm hành chính đó.
7. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về đất đai
Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về đất đai được quy định cụ thể tại chương II Điều 38, 46 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 sửa đổi, bổ sung 2020 và chương III tại Điều 38, 39 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Theo Nghị định 91/2019 thì tuỳ thuộc vào hành vi vi phạm pháp luật đất đai mà thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về đất đai thuộc về:
- Chủ tịch UBND các cấp;
- Thanh tra chuyên ngành
8. Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính về đất đai
Bước 1. Phát hiện hành vi và lập biên bản vi phạm hành chính về đất đai
Căn cứ theo khoản 2 Điều 40 Nghị định 91/2019/NĐ-CP người có thẩm quyền lập biên bản là: Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về đất đai (ví dụ: Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp); Công chức, viên chức được giao nhiệm vụ thực hiện thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đai và hoạt động dịch vụ về đất đai.
Để lập được biên bản vi phạm hành chính phải bắt đầu từ việc phát hiện hành vi vi phạm, sau đó đánh giá tính chất của hành vi vi phạm, tiếp đến là lựa chọn các quy định pháp luật để xác định hành vi vi phạm và căn cứ xử lý hành vi vi phạm, thẩm quyền, thủ tục lập biên bản.
Khi đủ cơ sở để khẳng định có hành vi vi phạm, có căn cứ pháp lý áp dụng thì tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính.
Bước 2. Ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về đất đai
Sau khi lập biên bản vi phạm hành chính nếu thuộc thẩm quyền thì người lập biên bản vi phạm hành chính ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về đất đai. Nếu vượt thẩm quyền thì phải chuyển ngay hồ sơ tới người có thẩm quyền để xử phạt.
Trước khi ban hành quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt cần lưu ý: Nếu có căn cứ cho rằng việc xác lập biên bản, hành vi chưa đảm bảo, chưa đủ cơ sở để xử phạt thì có quyền giao nhiệm vụ cho cơ quan có thẩm quyền để tiến hành lập biên bản xác minh tình tiết vi phạm trước khi ban hành quyết định xử phạt vi phạm pháp luật hành chính về đất đai.
Đối với những trường hợp mức phạt từ 15 triệu đồng trở lên đối với cá nhân và 30 triệu đồng trở lên đối với tổ chức thì phải để hết thời gian giải trình (2 ngày đối với giải trình trực tiếp, 5 ngày đối với giải trình bằng văn bản) mới được ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về đất đai.
Bước 3. Gửi Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về đất đai
Sau khi ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về đất đai, quyết định buộc khắc phục hậu quả trong trường hợp không xử phạt thì phải gửi cho cá nhân/tổ chức vi phạm trong thời hạn 02 ngày làm việc.
Việc gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính về đất đai sẽ được thực hiện thông qua các hình thức
- Gửi trực tiếp cho người vi phạm: Trường hợp này phải có biên bản ký nhận, có xác nhận của người chứng kiến hoặc đại diện chính quyền địa phương.
- Gửi qua đường bưu điện. Trường hợp này thì phải gửi bằng hình thức thư đảm bảo, nội dung gửi phải ghi rõ quyết định, nếu người vi phạm không nhận thì gửi 3 lần.
Bước 4: Thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về đất đai
Cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về đất đai phải thường xuyên theo dõi, đôn đốc để cá nhân, tổ chức chấp hành việc nộp tiền phạt cũng như biện pháp khắc phục hậu quả được ghi trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính về đất đai.
Trường hợp quá thời gian ghi trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính về đất đai mà cá nhân không chấp hành nộp tiền phạt cũng như các biện pháp buộc khắc phục hậu quả thì cơ quan được giao nhiệm vụ thi hành quyết định xử phạt tiến hành xác minh các thông tin về thu nhập, tiền lương, tài khoản của người vi phạm để tham mưu quyết định cưỡng chế thu tiền phạt cũng như tham mưu cưỡng chế thi hành biện pháp buộc khắc phục hậu quả.
Bước 5: Tổ chức cưỡng chế thi hành
Sau khi ban hành quyết định cưỡng chế thu tiền phạt, cưỡng chế buộc khắc phục hậu quả thì phải gửi ngay cho cá nhân, tổ chức vi phạm để thi hành.
Nếu quá thời hạn tự nguyện thi hành theo quyết định cưỡng chế mà họ không thi hành thì tổ chức cưỡng chế thu tiền phạt, cưỡng chế buộc khắc phục hậu quả theo Nghị định 166/2013/NĐ-CP về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
9. Dịch vụ tư vấn khiếu nại liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính về đất đai
Chắc hẳn qua bài viết trên, Quý bạn đọc đã phần nào nắm được các quy định liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính về đất đai. Trường hợp, Quý khách hàng gặp bất cứ vần đề nào liên quan tới khiếu nại, khởi kiện hành chính , Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về đất đai hoặc cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của mình, của cá nhân, tổ chức khác liên quan đến lĩnh vực đất đai bị xâm phạm,… xin mời liên hệ với Tổng đài tư vấn luật đất đai, xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai – của chúng tôi để được tư vấn, trợ giúp.
- Vụ án ly hôn đơn phương giành quyền nuôi con - 04/06/2024
- LY HÔN VỚI CHỒNG ĐANG ĐI TÙ: THÀNH CÔNG BẤT CHẤP MỌI KHÓ KHĂN! - 04/06/2024
- Luật sư giúp khách hàng trong tranh chấp với Thẩm mỹ viện - 25/01/2024